• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

10 nghệ sĩ định hình lại phong cách nghệ thuật Nhật Bản

Nghệ thuật

Những nghệ sĩ này là họa sĩ minh họa, nhà thiết kế và nhiếp ảnh gia. Họ kế thừa tinh hoa nghìn năm của Nhật Bản, được truyền cảm hứng từ văn hóa Tây phương cùng gu thẩm mỹ độc đáo cá nhân để đem đến luồng gió mới cho nghệ thuật xứ Phù Tang.

Hãy cùng Lost Bird điểm danh 10 nghệ sĩ này nhé!

1. Tatsuro Kiuchi

Họa sĩ minh họa Tatsuro Kiuchi từng theo học trường Art Center College of Design tại Pasadena, California. Chịu ảnh hưởng phong cách bờ biển miền tây nên tranh của Tatsuro Kiuchi êm đềm, tươi mát và đậm chất họa sĩ.

Chủ đề mà anh chọn vẽ rất đa dạng, từ môi trường bền vững đến thể thao nước Mỹ. Nổi bật nhất là tranh phong cảnh Nhật Bản vừa thanh bình vừa lạ đời mà Tatsuro Kiuchi vẽ cho hãng thời trang Uniqlo và tạp chí The Atlantic.

Ô nhiễm dưới biển.
Tranh minh họa hợp tác với Uniqlo.

2. Kota Yamaji

Kota Yamaji được mệnh danh là "chàng Warhol của Tokyo". Tranh của Kota Yamaji thường sử dụng màu sắc rực rỡ, có phần chói mắt, họa tiết chấm bi và ý tưởng kỳ dị. Ngắm tranh của Kota Yamaji, người xem cảm tưởng họ đang tham gia vào chuyến hành trình ảo giác, băng qua chủ nghĩa siêu thực và văn hóa đại chúng của xứ sở hoa anh đào.

Một tác phẩm graphic tiêu biểu của Kota Yamaji.
Chú cá sấu trong bộ tranh "Crystal Animals".

3. Norikazu

Norikazu là nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh thiên nhiên thanh bình, tĩnh lặng, thể hiện sự quan sát và nắm bắt nhạy bén.

Tranh phong cảnh của Norikazu toát lên vẻ rung động và tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của đất nước mặt trời mọc, ví dụ như những chú khỉ ở "thung lũng địa ngục Jigokudani", cổng truyền thống Torii lúc sáng sớm, núi Phú Sĩ chiều hoàng hôn, những con đường rợp bóng hoa anh đào, v.v…

Công viên khỉ tuyết Jigokudani.
Cổng Torii.

4. Ryo Takemasa

Từng đạt được nhiều giải thưởng trong ngành thiết kế tranh minh họa và thường được biết đến qua cuốn sổ tay hướng dẫn Birds of Tokyo, Ryo Takemasa khá nổi tiếng ở các nước phương Tây.

Birds of Tokyo.

Ryo Takemasa chuyên vẽ tranh phong cảnh, thiên nhiên và bốn mùa. Phong cách của anh đậm nét vintage thập niên 1950, bố cục gọn gàng, mang vẻ đẹp hoài cổ về một cuộc sống thường nhật chầm chậm trôi.

5. Chesky

Trái với những họa sĩ thường vẽ tranh yên bình, tĩnh lặng và tươi sáng, Chesky chọn cho mình một hướng đi khác biệt. Anh đã đem trí tưởng tượng của mình vào mỗi bức tranh để vẽ những thành phố Nhật Bản hiện đại trong tương lai.

Những thành phố ở Nhật trong tương lai.

6. Shun Sasaki

Shun Sasaki là nhà sáng lập và art director của studio Ayond từ năm 2016. Chịu ảnh hưởng của phong cách thiết kế những năm 1980, những bảng hiệu và graffiti đường phố, tranh của Shun Sasaki trông lập dị và đôi lúc mang đến cảm giác lạc vào thế giới phản địa đàng.

Bánh mì phết kem đánh răng.
Bạn có nhìn ra chữ Typography?

7. Hiroyuki Izutsu

Hiroyuki Izutsu là họa sĩ minh họa chuyên vẽ cho nhiều tạp chí, các ấn phẩm quảng cáo và nhà xuất bản. Motif thường thấy trong tranh của Hiroyuki Izutsu là tranh phong cảnh, các loài hoa và con người.

Poster lễ hội Awa Odori.
Bộ lịch năm 2019 của công ty điện lực Shikoku.

8. Sion Hsu

Mặc dù Sion Hsu đến từ Đài Loan, nhà thiết kế này vẫn xứng đáng nằm trong danh sách bởi tính kế thừa đậm chất Nhật Bản.

Tác phẩm của Sion Hsu thường sử dụng màu sắc nhẹ nhàng, trung tính như xám, nâu, than, cùng những điểm nhấn bằng kim loại. Thẩm mỹ trong tác phẩm của Sion Hsu được đánh giá là tuân theo triết lý “wabi-sabi”, nghĩa là tập trung vào những thứ không hoàn mỹ và làm nổi bật tính vô thường.

9. Keiji Yano

Keiji Yano chịu ảnh hưởng lớn từ phong cách nghệ thuật truyền thống. Dù là một “digital artist” chuyên vẽ tranh chân dung và phong cảnh, tác phẩm của Keiji Yano luôn gợi nhớ đến những bức tranh treo tường bằng mực từ nhiều thế kỷ trước.

Poster giới thiệu món Sukiyaki cho hãng Kioizaka.

Màu sắc tinh tế, những đường nét hư ảo và cảm giác lạc vào cõi mơ luôn xuất hiện trong tranh của Keiji Yano, càng tô đậm dấu ấn hòa quyện giữa phong cách cổ xưa và đương đại.

Tranh minh họa cho tờ báo Shizuoka.
Sự kiện Aloha Market ở Shibuya.

10. Hiromi Maeo

Hiromi Maeo là nhà thiết kế đồ họa, với công việc chính là xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực. Phong cách thiết kế của Hiromi Maeo nhấn mạnh tối giản, vượt thời gian và thanh lịch trong từng chi tiết, từ chữ viết, màu sắc đến đường nét.

Logo cho hãng hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp Seekers Base
Logo cho hãng sản xuất video Bouncy.

Đọc thêm bài: Bộ tranh 'Yêu, Ma, Quỷ, Quái' đặc trưng Việt Nam đầu tiên được ra mắt.

Theo: shutterstock
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.