• Về đầu trang
Treng
Treng

Hobo Nickel: Từ đồng xu của kẻ lang thang cho đến tác phẩm nghệ thuật ấn tượng được săn lùng

Nghệ thuật

Hobo Nickel là một hình thức nghệ thuật chạm khắc ấn tượng xuất hiện vào thế kỷ 18. Thuật ngữ này dùng để chỉ các đồng tiền có mệnh giá thấp được chạm khắc bởi các "hobos" (những kẻ lang thang thường nay đây mai đó trên những chuyến tàu chở hàng ở Mỹ). Họ sử dụng dao hoặc các công cụ như dùi, đục,... chạm khắc lên bề mặt của những đồng xu cổ điển, biến chúng thành tác phẩm nghệ thuật của riêng mình. Những tác phẩm điêu khắc trên đồng kim loại lấp lánh này phản ánh trọn vẹn phong cách của người nghệ sĩ.

Nhiều thập kỷ sau, các đồng Hobo Nickel nguyên bản vẫn được giới sưu tập săn lùng. Không chỉ vậy, hình thức nghệ thuật độc đáo này còn thu hút nhiều nghệ sĩ khiến họ miệt mài thực hiện các tác phẩm chạm khắc lên tiền xu cũ. Tuy nhiên, nghệ nhân ngày nay đang dần hiện đại hoá các thao tác thủ công.

Lịch sử của Hobo Nickel

Những đồng xu được biến tấu đầu tiên có niên đại từ thế kỷ 18 ở Anh, Pháp và Nam Phi. Thời gian này rộ lên mốt khắc các mật mã, thông điệp tình yêu vào bạc. Những đồng xu thường được khắc tên hoặc tên viết tắt của người yêu rồi kết hợp làm vòng tay hoặc vòng cổ.

Đồng Buffalo Nickels – Mỹ

Đến khi đồng Buffalo Nickel ra mắt vào năm 1913, nó nhanh chóng trở nên phổ biến đối với các thợ khắc tiền xu ở Mỹ. Nếu như biểu tượng của những đồng tiền trước kia rất nhỏ thì Buffalo Nickel có hình thổ dân da đỏ chiếm khoảng 5/6 diện tích bề mặt của đồng xu. Điều này có thể giúp các người thợ thủ công thoả thích sáng tạo theo ý muốn.

Đồng Buffalo Nickel lớn và dày giúp những người nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm tinh xảo, phức tạp hơn. Biểu tượng thổ dân da đỏ trên đồng Buffalo Nickel lớn hơn so với các đồng xu thông thường nên có nhiều không gian hơn để nghệ nhân sáng tạo thành đủ loại nhân vật. Họ có thể hô biến người thổ dân thành đầu lâu, chiến binh, thần chết hay các bức tranh chân dung tự hoạ.

Ngay cả mặt sau của đồng xu cũng thường được đổi thành các con vật khác, ví dụ như lừa hoặc voi. Với mỗi tác phẩm, người nghệ sĩ thường tiêu tốn hàng trăm giờ dùng dao, đục, búa hay các công cụ khác phù hợp để chạm khắc kim loại.

Những đồng xu Hobo Nickel xuất hiện phổ biến trên khắp đất Mỹ và ngày càng được ưa chuộng. Một trong những nghệ sĩ chạm khắc tiền xu nổi tiếng và giàu có nhất vào thời điểm đó chính là Bertram Wiegand (hay còn được gọi là Bert). Học trò của ông chính là George Washington Hughes.

Tuy nhiên, sự nghiệp của George Washington Hughes lại không được lẫy lừng như thầy của mình. Cuộc sống của ông phản ánh đúng sự suy thoái kinh tế vào thời điểm đó. Công việc chạm khắc tỉ mỉ đã khiến đôi tay của người nghệ sĩ bị tổn thương vĩnh viễn. Một lần, khi đang chế tác đồng xu, chiếc đục bất ngờ bị trượt và rơi trúng tay George Washington Hughes. Chấn thương đã khiến người nghệ nhân nổi tiếng một thời phải giảm tốc độ sáng tác của mình và những tác phẩm sau này của ông cũng không được đánh giá cao như trước. Tuy nhiên, những đồng xu được ông chạm khắc vẫn rất phổ biến trong giới Numismatists (những người sưu tập tiền xu và các đồ vật liên quan khác).

Đến năm 1938, đồng xu Jefferson dần thay thế Buffalo Nickel với thiết kế đa dạng, mang phong cách đương đại. Người ta tin rằng có khoảng 200,000 Hobo Nickel cổ điển được tạo ra từ năm 1913 đến 1980.

Hobo Nickel thời hiện đại

Hiện nay vẫn có nhiều nghệ nhân theo đuổi hình thức nghệ thuật chạm khắc độc đáo này. Tuy nhiên, thay vì mất nhiều thời gian để tạo ra một tác phẩm thì nay với việc áp dụng các tiến bộ khoa học, những đồng tiền xu ngày càng tinh xảo và ấn tượng hơn. Dưới đây là một số nghệ nhân chạm khắc đồng xu nổi tiếng.

Nghệ sĩ người Nga Roman Booteen nổi tiếng với các đồng xu được chạm khắc tỉ mỉ và họa tiết có thể chuyển động nhờ tác động cơ học.

Hobo Nickel của Roman Booteen
Hobo Nickel của Roman Booteen
Hobo Nickel của Roman Booteen

Nghệ sĩ Paolo Curcio nhận được nhiều sự yêu mến của người hâm mộ với các tác phẩm chạm khắc đồng xu vô cùng chi tiết, tinh tế.

Hobo Nickels của Paolo Curcio
Hobo Nickels của Paolo Curcio

Nghệ nhân Wu Fan lại gây được tiếng vang lớn với các tác phẩm đậm chất Á Đông.

Động vật và thiên nhiên trở thành nguồn cảm hứng lớn cho nghệ nhân Tempus Fugit.

Phong cách chạm khắc độc đáo, ấn tượng của Stephen Xu.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.