• Về đầu trang
Chim Trụi
Chim Trụi

The Last da Vinci: Salvator Mundi - Kiệt tác khiến cả thế giới phải ngắm nhìn

Nghệ thuật

https://www.youtube.com/watch?v=d7omwQLuGJQ&t=6s

Thế giới đang ngắm nhìn

Được thực hiện bởi Nhiếp ảnh gia chân dung nổi tiếng Nadav Kender, đoạn video mô tả xúc cảm của rất nhiều người trước kiệt tác của danh họa Leonardo da Vinci. Hơn 20.000 người từ đủ tầng lớp trong xã hội đã đến và chiêm ngưỡng bức tranh, sau nhiều thế kỷ nó nằm trong các bộ sưu tập cá nhân và hoàng gia. Tác phẩm sẽ được đem đấu giá tại sự kiện Nghệ thuật Đương đại và Hậu chiến của nhà Christie’s với mức giá 450,312,500 USD - đạt kỉ lục thế giới là bức tranh đắt giá nhất lịch sử đấu giá nghệ thuật. Sự xuất hiện lần này trước công chúng tại không gian triển lãm ở Rockefeller Center, New York rất đáng mong đợi bởi có lúc tác phẩm tưởng chừng như đã bị phá hủy hoặc bị nhầm là bản sao.

Salvator Mundi là một trong số 20 tác phẩm hiếm hoi được ghi nhận là của danh họa Leonardo da Vinci, và là kiệt tác cuối cùng của ông được tư nhân sở hữu (hiện nay những tác phẩm nổi tiếng khác đều nằm trong bộ sưu tập của các bảo tàng và tổ chức).

Nhà Christie’s cho rằng việc khám phá và khôi phục lại tác phẩm là “phát hiện nghệ thuật vĩ đại nhất” trong vòng 100 năm qua. Bởi vậy họ đã làm việc với nhiếp ảnh gia Nadav Kender nhằm lưu lại khoảnh khắc tương tác giữa công chúng thưởng lãm với bức chân dung đầy sức mạnh và huyền bí này.

Đoạn phim được biên tập cắt thành 4 phút 14 giây mang một ẩn ý về nội dung bức tranh, rằng Leonardo khắc họa lại chân dung Chúa Jesus theo những đặc tính được mô tả trong đoạn kinh Phúc Âm Giăng 4.14: "Và chúng ta đã thấy và làm chứng rằng Chúa Cha đã sai Con của Người xuống như Cứu Chúa của Thế Gian”.

Bức chân dung đầy sức mạnh

Với việc mô tả hình hài của Chúa Jesus theo kinh Phú Âm Giăng 4.14, Leonardo phác họa khuôn mặt phước lành của Chúa, với một vẻ đẹp tuyệt diệu ẩn trong những vùng tối sâu thẳm nhất, đôi mắt gần như siêu nhiên nhìn xuyên thấu tâm hồn người xem, chứa đựng trong đó sức mạnh tinh thần, điều mà không thể tìm thấy được trong các bức tranh cùng thời với ông. Những nét đẹp này chỉ có thể gặp lại trong bức họa Mona Lisa vẽ vào cùng thời điểm. Hai đôi bàn tay, với tay trái đang nắm giữ quả cầu được cho là chứa đựng hạnh phúc của thế giới và tay phải giơ lên chúc phúc bằng quyền năng của mình - Leonardo tạo ra những tác phẩm động, biết ngắm nhìn ngược lại người đang theo dõi nó.

"Salvator Mundi là một bức tranh mang tính biểu tượng nhất thế giới, được vẽ bởi nghệ sĩ quan trọng nhất mọi thời đại" - theo Loic Gouzer, Chủ tịch Hội Nghệ thuật Đương Đại và Hậu chiến của Christie's ở New York.

Salvator Mundi của Leonardo da Vinci (1452-1519)

Hành trình bí ẩn

500 năm kể từ khi Leonardo khắc họa lại chân dung của Đấng cứu thế nhân loại - Salvator Mundi, bức họa trải qua một hành trình đầy bí ẩn mà thú vị. Được vẽ vào khoảng năm 1506 - 1513 cho vua Louis của Pháp, sau đó nó xuất hiện trong bảng kiểm kê bộ sưu tập hoàng gia thuộc sở hữu của vua Anh Charles I (1600 - 1649) và con trai là Charles II ở thế kỷ 17. Từ năm 1763 đến năm 1900, bức tranh hoàn toàn biến mất, không có bất cứ hồ sơ lưu trữ về nó tồn tại trong khoảng thời gian này.

Sir Charles Robinson là người đã mua lại nó từ Bernardino Luini cho bộ sưu tập Cook Collection của mình. Thời điểm ấy, khuôn mặt và mái tóc của Chúa Jesus đã được sửa lại. Một bức ảnh chụp năm 1912 cho thấy điểm khác biệt so với bức tranh gốc ngày nay. Năm 1958, Sir Charles bán lại bộ sưu tập Cook Collection của mình kèm bức Salvator Mundi, lúc này bức tranh được bán với giá 45 đồng vàng Anh (tương đương gần 60 triệu USD theo tỉ giá hiện tại) cho một nhà tư bản Mỹ. Lần này bức tranh biến mất trong gần 50 năm và chỉ mới xuất hiện trở lại vào năm 2005.

Trải qua nhiều năm lưu lạc, cùng với vô số bản sao được tạo dựng khiến bức tranh phải tiếp tục hành trình xác định “danh phận” cho mình. Năm 2007, tác phẩm được đem ra khôi phục bởi Dianne Dwyer Modestini (nghiên cứu sinh cao cấp thuộc chương trình bảo tồn tranh của Viện Mỹ thuật, Đại học New York), đưa ra kết luận chữ ký trên bức tranh là của Leonardo.

Cả hai đôi tay, những gợn tóc, quả cầu và chất vải đều được bảo quản tốt gần với trạng thái ban đầu của bức tranh

Những nét tinh tế được thể hiện trên cả hai bàn tay, sự mềm mại của những lọn tóc, quả cầu và chất vải mang đậm dấu ấn Leonardo. Kỹ thuật vẽ bằng cách tì cổ tay khiến cho nét cọ được mềm hơn, điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào phía mắt trái, nó tạo nên nét huyền bí trong các tác phẩm của ông. Đó là sự kì diệu lạ lùng Leonardo đem đến, bạn sẽ bị cuốn hút, cảm thấy tò mò nhưng không bao giờ có câu trả lời thích đáng.

Khi nhìn vào mắt trái, có thể thấy ngay những dấu hiệu đặc trưng trong kỹ thuật vẽ tì cổ tay của Leonardo nhằm tạo ra những đường nét hết sức mềm mại huyền bí.

Sau những bằng chứng sơ bộ rõ ràng, bức tranh được đưa vào nghiên cứu sâu hơn bởi hội đồng các chuyên gia, học giả uy tín vào năm 2008. Bằng cách so sánh trực tiếp với bức The Virgin of the Rocks cũng của Leonardo vẽ cùng thời điểm, dẫn đến một sự đồng thuận rằng Salvator Mundi là sản phẩm "chính chủ" danh họa này. Có thể kể đến vài cái tên nổi bật tham gia vào quá trình thẩm định như Carmen Bambach (của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan), David Allan Brown (Nhà trưng bày nghệ thuật Ý, Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, Washington, DC), Maria Teresa Fiorio (Raccolta Vinciana, Milan), Martin Kemp (Đại học Oxford), Pietro C Marani (Giáo sư về lịch sử nghệ thuật tại Politecnico di Milano) và Luke Syson, người bảo trợ các bức tranh Ý tại Phòng trưng bày Quốc gia.

Một bằng chứng thuyết phục xác minh bức tranh của Leonardo, đó là kỹ thuật vẽ nhiều lớp màu tạo nên cảm giác trong suốt của quả cầu trên tay Chúa.

Sau khi hoàn thành công tác bảo tồn năm 2010, bức tranh tiếp tục được nghiên cứu và kiểm tra lại ở New York, bởi David Ekserdjian (Đại học Leicester).

Dù được xác nhận là tác phẩm của Leonardo nhưng vẫn có những tranh cãi xung quanh thời gian ra đời của tác phẩm. Hầu hết các chuyên gia xác định tác phẩm được vẽ cùng lúc với bức The Last Supper khi Leonardo ở Milan trong những năm 1490, một số khác cho rằng nó ra đời cùng thời với Mona Lisa khi ông di chuyển đến Florence năm 1500.

Mona Lisa (1502) của Leonardo da Vinci

Năm 2013, bức tranh được nhà môi giới nghệ thuật người Thụy Sĩ Yves Bouvier mua lại của nhà đấu giá Sotherby’s với giá 80 triệu USD, sau đó bán lại cho tỉ phú nước Nga Dimitry Rybolovlev (chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá AS Monaco) với giá 127,5 triệu USD. Điều đáng nói là Rybolovlev tố cáo Bouvier lừa ông hàng trăm triệu USD trong nhiều thương vụ mua đi bán lại các tác phẩm nghệ thuật bằng cách đưa ra giá quá cao so với giá trị thật của tác phẩm, trong số đó có Salvator Mundi. Sự kiện vừa diễn ra hôm 15/11 vừa rồi xác nhận kỉ lục thế giới cho Salvator Mundi về giá trị cao nhất cho một tác phẩm nghệ thuật được đấu giá. Hiện danh tính của chủ sở hữu mới vẫn đang được giấu kín.

Bỏ qua các yếu tố tranh cãi về giá trị của tác phẩm, Salvator Mundi là một "công trình nghệ thuật phi thường", theo lời trưởng phòng kiệt tác cổ của nhà Christie's Francois de Poortere. Sự xuất hiện trở lại của nó gây ảnh hưởng sâu sắc, đầy hấp dẫn đối với nền nghệ thuật của nhân loại, bổ sung vào bộ sưu tập hiếm hoi các kiệt tác của danh họa thiên tài thời Phục Hưng Leonardo da Vinci.

Theo: Tổng hợp dịch
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.