• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Những cột mốc quan trọng trong cuộc Cách mạng Pháp thể hiện qua loạt họa phẩm nổi tiếng

Nghệ thuật

Khi nhắc đến Cách mạng Pháp, bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Là cuộc đảo chính của Napoléon Bonaparte, nhân dân đổ xuống đường phố Paris đốt cháy các tòa nhà và đòi quyền tự do? Hay đơn giản chỉ là một dấu mốc trong lịch sử thế giới và những bài giảng năm nào vào tai này ra tai kia?

Luôn có một sợi dây kết nối giữa lịch sử và nghệ thuật. Khi bạn nhớ các sự kiện lịch sử, bạn sẽ giải mã được những chi tiết trong một tác phẩm hội họa. Ngược lại, khi bạn hiểu ý nghĩa và thông điệp của bức tranh, bạn sẽ thấy mình đang quay ngược thời gian và bản thân cũng là một phần trong dòng chảy lịch sử.

Hãy cùng Lost Bird điểm lại một số cột mốc quan trọng trong cuộc Cách mạng Pháp cũng như tìm hiểu thêm ý nghĩa của ba bức họa dưới đây nhé!

Chiếm ngục Bastille (Storming of the Bastille)

Cách mạng Pháp diễn ra từ năm 1789 đến năm 1799. Đây là giai đoạn quan trọng trong lịch sử nước Pháp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị và xã hội. Chiếm ngục Bastille được xem là sự kiện mở đường cho cách mạng.

chiem nguc bastille

Bức tranh "Chiếm ngục Bastille" của Jean-Pierre Houël.

Bastile (hay Bastille Saint-Antoine) vốn là một pháo đài, về sau nó trở thành nhà tù giam giữ nhiều phạm nhân quan trọng. Ngày 14/7/1789, khoảng 1000 người đã nổi dậy chiếm ngục Bastille. Họ giải phóng tù nhân, tịch thu nhiều thuốc súng, giết nhiều lính gác và chặt đầu quan giám ngục Bernard de Launay.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi loạn bắt nguồn từ sự bất mãn và oán giận với hoàng gia Pháp cùng giới tăng lữ, quý tộc. Trong khi nông dân sống chật vật, nghèo đói, nộp thuế cao, bị bóc lột nặng nề thì những tầng lớp kia lại được hưởng mọi đặc quyền, sống xa hoa và duy trì mãi chế độ phong kiến. Khi vua Louis tuyên bố tái cơ cấu các bộ, nó đã châm ngòi cho cuộc đảo chính hoàng gia.

tranh ve cach mang phap7

"Bắt giữ de Launay" của Jean-Baptiste Lallemand.

Bối cảnh tháng 7 năm 1830 (Scenes of July 1830)

Bối cảnh tháng 7 năm 1830 (Scenes of July 1830) hay Những lá cờ (The Flags) được họa sĩ Léon Cogniet vẽ vào thời điểm diễn ra cuộc Cách mạng tháng Bảy hay còn được xem là cuộc Cách mạng Pháp lần thứ hai trong lịch sử. Cách mạng tháng Bảy chỉ diễn ra từ ngày 27 đến 29 tháng 7 và được gọi là Ba ngày vinh quang (tiếng Pháp là Trois Glorieuses), chứng tỏ sự kiện này chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử nước Pháp.

Nguyên nhân khiến cách mạng diễn ra là do những mâu thuẫn giữa phe tự do và phe bảo hoàng (Nhà Bourbon) dưới thời cai trị của vua Charles X. Năm 1829, Charles X đưa một người thuộc Nhà Bourbon lên giữ chức thủ tướng, gây ra làn sóng phản đối của phe tự do.

Sau 3 ngày nổi dậy, Charles X liền bỏ trốn khỏi Paris, chấm dứt thời kỳ trị vì. Các nghị sĩ đã đưa Công tước Orléans (nhánh thứ 2 của Nhà Bourbon) lên ngôi vua, trở thành Louis-Philippe I với tước hiệu Vua của người Pháp.

tranh ve cach mang phap

"Bối cảnh tháng 7 năm 1830" của Léon Cogniet.

Léon Cogniet sinh ra trong một gia đình theo truyền thống hội họa. Léon Cogniet không chỉ là họa sĩ, ông còn là sử gia và nổi tiếng với vai trò thầy giáo dạy vẽ theo trường phái lãng mạn.

Bối cảnh tháng 7 năm 1830 không phải là tác phẩm nổi tiếng nhất của Léon Cogniet nhưng ý nghĩa của bức tranh có mối liên hệ mật thiết với Cách mạng Pháp. Trên nền trời xanh nhuốm màu khói lửa là ba lá cờ tung bay. Lá cờ đầu tiên màu trắng, lá cờ thứ hai pha thêm sắc xanh và lá cờ cuối cùng quệt thêm màu đỏ.

Trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, quân lính nổi dậy đội chiếc mũ 3 màu lam – trắng – đỏ và họ đã lấy chúng làm màu nền cho lá cờ mới của nước Pháp. Năm 1815, lá cờ ba màu không còn được sử dụng và thay vào đó là lá cờ màu trắng. Sau khi Cách mạng tháng Bảy diễn ra, quốc kỳ cũng quay trở lại với 3 màu lam – trắng – đỏ, mang ý nghĩa lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và mở ra thời đại của Tự do – Bình đẳng – Bác ái.

Bức họa Bối cảnh tháng 7 năm 1830 của Léon Cogniet không chỉ mô tả trọn vẹn Cách mạng Pháp lần thứ hai mà còn có sự gắn kết với cuộc cách mạng lần đầu diễn ra gần 40 năm trước đó.

Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân (Liberty Leading the People)

Cũng trong năm 1830, một tác phẩm kinh điển khác ra đời là Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân (Liberty Leading the People, tiếng Pháp là La Liberté guidant le peuple). Đây được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ trường phái lãng mạn Eugène Delacroix.

tranh ve cach mang phap1

"Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân" của Eugène Delacroix.

Bức tranh Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân vẽ một người phụ nữ để ngực trần, đầu đội mũ Phrygian, đứng giữa cuộc chiến khỏi lửa với một tay cầm binh khí, tay kia cầm lá cờ Pháp 3 màu, thể hiện ý chí kiên cường và vùng lên đấu tranh.

Người phụ nữ này được cho là nàng Marianne, một nhân vật nhân hóa đại diện cho hình ảnh Nữ thần Tự do, đồng thời là biểu tượng của nước Pháp. Marianne được ghép từ Marie và Anne, hai tên nữ giới phổ biến trong tầng lớp bình dân.

Trong thời kỳ diễn ra Cách mạng Pháp lần thứ nhất, mọi người thường xuyên hát La guérison de Marianne, một bài hát kể về cô gái Marianne vượt qua bệnh tật. Đây cũng có thể là một trong những lý do nền Cộng hòa Pháp thời buổi non trẻ đã lấy Marianne làm biểu tượng với ý nghĩa nước Pháp sẽ sống lại từ đống tro tàn.

nu than tu do

Tấm poster năm 1940 "Tự do cho nước Pháp" với hình ảnh Nữ thần Tự do.

Cũng trong bức Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân, chúng ta nên chú ý thêm những chi tiết khác. Ở phía xa bên tay phải là nhà thờ Notre-Dame, dưới chân người phụ nữ la liệt xác chết và đằng sau là đội quân nổi dậy. Đội quân này bao gồm nhiều tầng lớp như người giàu (nhân vật đội mũ trong bức tranh), học sinh, sinh viên, binh lính.

Cậu bé đang chĩa súng lên trời, đứng bên tay phải Nữ thần Tự do đại diện cho tầng lớp lao động và được cho là nguồn cảm hứng để Victor Hugo sáng tạo nhân vật Gavroche trong cuốn Những người khốn khổ.

nu than tu do dan dat nhan dan1

"Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân" ở viện bảo tàng Louvre.

Hiện nay, Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân được trưng bày tại viện bảo tàng Louvre và được xếp vào bộ sưu tập những bức tranh quý giá nhất.

Một số họa phẩm khác

tranh ve cach mang phap2

"Bắt giữ de Launay" của họa sĩ vô danh.

tranh ve cach mang phap6

"Vua Louis-Philippe di chuyển từ Cung điện Hoàng gia đến Tòa thị chính" của Horace Vernet.

tranh ve cach mang phap5

"Trận chiến trên phố Rohan" của Hippolyte Lecomte.

tranh cua leon

"Vệ binh Pháp trên đường đến doanh trại, tháng 9/1792" của Léon Cogniet, vẽ năm 1836.

tranh ve cach mang phap8

"Trận chiến bên ngoài Tòa thị chính" của Jean-Victor Schnetz.

Theo: Mymodernmet
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.