• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Y tá trẻ ở New York: 'Hôm qua tôi đã nghĩ đến việc viết di chúc'

Voices

Bệnh dịch tấn công thế giới khiến công dân toàn cầu rơi vào hoang mang và lo lắng, thậm chí mỗi ngày đều đọc được hàng ngàn tin tức chết chóc, đau thương. Có thể bạn đã biết, y bác sĩ chính là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi bệnh dịch ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Ở những nước có số người nhiễm bệnh cao như Mỹ, Tây Ban Nha hay Trung Quốc, bác sĩ bỗng nhiên trở thành chiến sĩ trong cuộc chiến sinh mệnh này. Tuy nhiên, bạn cho rằng họ là tuyến phòng thủ đầu thì đối với họ, nhân viên y tế là phòng tuyến cuối cùng. Họ là những người cuối cùng bạn muốn gặp, đằng sau họ là cái chết và bệnh tật dai dẳng quấn lấy con người.

Y bác sĩ là những người gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về sức khoẻ và tinh thần khi bệnh dịch xuất hiện.

Hiện nay Mỹ là tâm dịch lớn nhất thế giới, trong đó New York là thành phố đang gánh chịu nhiều thương vong. Y bác sĩ ở một đất nước phát triển như Mỹ cũng phải đối đầu với tình trạng thiếu thốn máy móc, thiết bị y tế. Cái chết nhấn chìm nhiều bệnh viện, khiến nhiều bác sĩ rơi vào tình cảnh căng thẳng vì mỗi ngày phải nhìn thấy nhịp tim của hàng trăm bệnh nhân trở về 0.

Và trong tình huống rối ren đó, một y tá đang làm việc tại New York đã chia sẻ lại những suy nghĩ của mình, những dòng tâm sự đầy nước mắt và cảm giác tội lỗi vì không thể cứu sống tất cả mọi người.

Bức tâm thư của y tá KP Mendoza, đang làm việc tại New York, được bạn Duc Nguyen dịch lại và chia sẻ trong nhóm Cháo Hành Miễn Phí có nội dung như sau:

Hôm qua, tôi đã suy nghĩ về việc viết di chúc.

KP MendozaTL;DR - I am no hero. I am not ready to die... (Tôi không phải anh hùng, tôi chưa sẵn sàng để chết).

Tôi năm nay 24 tuổi, là một y tá hồi sức cấp cứu ở New York. Hiện tại tôi vẫn đang có sức khỏe tốt, vì vậy đáng ra tôi không phải nghĩ về việc viết di chúc. Nhưng tối qua, tôi đã nhận ra rằng, khả năng mình qua đời cao hơn tôi từng tưởng tượng rất nhiều lần.

Sau khi tốt nghiệp năm 2018, tôi chưa bao giờ nghĩ đây sẽ là tương lai của mình, với chỉ 2 năm kinh nghiệm trong nghề. Tôi nghĩ rằng mình đã sẵn sàng chứng kiến cái chết, tôi đã nhìn thấy nhiều người qua đời trong năm đầu tiên làm việc ở ICU (phòng hồi sức cấp cứu). Nhưng chỉ trong 2 tuần qua, tôi nhìn thấy số người ra đi nhiều hơn bất kỳ ai có thể thấy trong suốt cuộc đời họ. Đến giờ, tôi không còn chắc mình còn đủ dũng cảm để chứng kiến cái chết không nữa.

Cái chết giờ đã thay đổi, nó có thể chọn tôi làm mục tiêu.

Tuần trước, một cô con gái gọi điện hỏi thăm tình hình của mẹ. Cô ấy nghĩ rằng tình trạng của mẹ mình đã khá ổn định. Tôi nhận ra rằng không ai cập nhật tình hình của bà cả, kể cả gia đình vì không ai được phép vào bệnh viện. Mặc dù hơi ngần ngại, nhưng tôi nói với cô ấy một cách nhẹ nhàng nhất có thể rằng, nếu tôi rút dây truyền IV bây giờ, mẹ cô ấy sẽ chết. Tôi phải thẳng thắn – tại sao cần phải nói dối hay làm nhẹ đi những gì đang diễn ra? Nghe xong cô ấy bắt đầu khóc òa lên không thể kiểm soát. Tôi đã từng nghe tiếng đập của một trái tim đang chết dần nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy một trái tim đang chết vì đau khổ qua điện thoại.

Trong khi đó, tôi vẫn đang đứng rà soát lại mọi thứ mình cần trước khi vào phòng, hy vọng sẽ không quên bất cứ thứ gì, một tai vẫn nghe tiếng khóc của cô gái trong điện thoại, tai kia nghe giọng nói mình lẩm nhẩm: thuốc men, dây truyền, ống thuốc, kim tiêm, xi lanh… đầu óc tôi rà qua hàng loạt những điều cần làm cùng lúc cố gắng lắng nghe xem cô gái đang định nói gì.

Mỗi lần bạn bước vào phòng của bệnh nhân nhiễm Covid-19, bạn đang đối diện nguy cơ lây nhiễm, cho nên tôi tự nhủ chính mình “Bất kỳ thứ gì mà mày quên, là một lần mày phải quay lại và có nguy cơ bị căn bệnh này giết chết”. Tôi cố gắng tập trung để giữ “phần người trong mình” tồn tại, để có thể lắng nghe cô gái và đáp lại, nhưng thực sự không biết phải nói gì, khẩu trang y tế thì đeo vất vưởng, mồ hôi lấm tấm dưới nhiều lớp vải nhựa PPE.

Trong lúc này, tôi có lẽ nên nói lời xin lỗi vì đã không thể làm tốt hơn, nhưng làm sao tôi có thể nói như vậy được?

Nhiều người nói rằng chúng tôi là chiến sĩ tuyến đầu, không, trên thực tế, chúng tôi là phòng tuyến cuối cùng. Tôi là một trong những người cuối cùng bạn muốn gặp, vì đằng sau chúng tôi là cái chết. Theo lẽ thông thường, tỉ lệ y tá ở phòng hồi sức cấp cứu là tối đa 2 bệnh nhân 1 y tá. Hiện giờ, tỉ lệ là ít nhất 3 bệnh nhân 1 y tá. Ở các phòng ICU ở bệnh viện khác, tỉ lệ tối thiểu còn cao hơn. Tôi tự thấy mình may mắn khi có những ngày chỉ phải chăm sóc 3 bệnh nhân.

Những ngày này đang phá hủy tôi.

Là một y tá phòng cấp cứu, tôi được huấn luyện để làm mọi thứ chính xác: pha thuốc, đo lường, gây mê, gây tê, đặt nội khí quản cho bạn. Chúng tôi tắm cho bạn, mặc quần áo cho bạn, cho bạn ăn, làm cho bạn cảm thấy thoải mái. Chúng tôi ra vào phòng bệnh nhiều hơn bất kỳ ai. Mọi người khen chúng tôi là anh hùng, là siêu anh hùng, gọi chúng tôi là thiên thần, rằng các bệnh nhân may mắn được tôi chăm sóc. Giờ đây, tôi chẳng còn thời gian để lưu ý đến những tiểu tiết nữa. Tôi vội vã chuẩn bị cho bạn, nếu may mắn, tôi bôi cho bạn 1 ít vaseline lên môi, trước khi nhấn nút gọi Video Face Time, để người thân có thể nhìn thấy bạn lần đầu tiên kể từ khi vào viện: ống thở vẫn gắn trong miệng, ống truyền gắn mũi, nước dãi nhỏ cạnh gối và một vài vệt máu đâu đó trên áo quần mà tôi chưa kịp lau. Tôi cảm thấy như một tội đồ, tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi là ai lại làm xấu đi khoảnh khắc quý giá giữa bạn và gia đình. Tôi là ai mà có quyền chứng kiến sự hội ngộ giữa bạn và gia đình.

Nhưng tôi vẫn đứng đó, với đầy sự xấu hổ, thất vọng vì không làm tròn, cũng như cảm giác sức lực rời khỏi cơ thể, tôi đứng đó, bởi vì tôi là cầu nối duy nhất giữa bạn và gia đình ở giờ phút cuối cùng này.

Đôi lúc, tôi quá bận đến nỗi các bệnh nhân phải nằm trên giường quá lâu. Nhưng lấy đâu ra thời gian để vệ sinh cho bệnh nhân, khi mà máy trợ tim cho bệnh nhân phòng bên vừa thông báo nhịp tim bệnh nhân về 0? Ngay cả khi về nhà, tôi cũng không thoát khỏi dịch bệnh này. Con virus có tên Corona theo chân tôi về nhà theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng. Nó nằm trong đế giày, trong áo quần tôi vừa cởi bỏ trước cửa, và trên bàn tay tôi khi tôi cố kỳ cọ đến đỏ máu, cố gắng gột rửa sự bẩn thỉu và bệnh tật. Nó nằm trong tiếng còi xe cấp cứu gợi cho tôi nghĩ đến liệu rằng đó có phải bệnh nhân của mình ngày mai, nó nằm trong một tiếng chuông tin nhắn từ đồng nghiệp thông báo rằng bố của cô ấy mới mất và nó ở trong những tiếng báo động liên tục của máy thở vang lên trong giấc mơ, cho dù bên trong căn hộ tôi là một sự im lặng tuyệt đối.

Những ngày được nghỉ, tôi dành hàng giờ đọc tài liệu, các nghiên cứu mới về tác dụng phụ của một loại thuốc đang dùng để trị covid, lợi ích của một loại thuốc mới … và hàng tá thông tin chưa được kiểm chứng nữa. Thế nhưng mỗi ngày đi làm, tôi đều cảm thấy mình chưa biết gì về cái bệnh dịch này, và mỗi ngày khi đi về, tôi đều cảm thấy mình đã thất bại, thấy mình đáng ra có thể làm tốt hơn. Tôi không bao giờ thấy đủ, không bao giờ là gần đủ.

Vì vậy tôi yêu cầu mọi người đừng gọi tôi là anh hùng. Với tôi, nó nghe như một sự sai trái, là tôi không xứng.

Tôi đeo theo cảm giác tội lỗi quanh mình như chiếc khăn liệm người chết. Tôi chạy khắp nơi suốt 12 giờ đồng hồ, đôi khi nhiều hơn nếu là 1 ca bận bịu. Những ngày này, tôi cảm thấy may mắn nếu mình có thời gian nghỉ ăn cơm, hạnh phúc khi được đi vệ sinh nhiều hơn 1 lần trong ca trực. Tôi không rõ mình nên biết ơn vì cái gì nữa, vì mình còn được ăn một bữa trưa không vội vã, hay là mình không phải là người đang nằm trên giường bệnh kia.

Tôi chỉ muốn nói là điều này hơn cả khó khăn. Đây không phải là thứ mà chúng tôi, những người trong ngành y sẵn sàng đối mặt, không ai sẵn sàng cả. Tôi học cách để cứu sống. Tôi đi làm chăm sóc cho người bệnh và đang hấp hối. Tôi biết rằng mình đang rủi ro sức khỏe của mình. Nhưng đừng đánh đồng lựa chọn nghề nghiệp của chúng tôi với sự hy sinh bản thân mình, tôi không lựa chọn để chết. Tôi muốn cả nước Mỹ biết rằng nếu tôi nằm trên giường ICU cấp cứu bây giờ, là vì tôi đã không có đủ đồ dùng cách ly, quần áo hazmat, đồ bảo hộ PPE. Tôi muốn cả đất nước biết rằng, nước Mỹ đã làm cho dân chúng thất vọng, nhất là những người thuộc lực lượng “thiết yếu”. Hiện thực xung quanh làm tôi không thể lờ đi. Chúng ta coi mình là quốc gia tốt nhất, tự do nhất, giàu có nhất thế giới – không ai có thể so sánh với sự tự do của nước Mỹ. Vậy, tại sao khi tôi tan ca làm, tôi phải tháo xuống một chiếc khẩu trang N-95 duy nhất mà tôi đã đeo suốt hơn 12 giờ đồng hồ? Tôi phải hít thở trong một bầu không khí ngột ngạt đầy chết chóc, và đến cuối ca làm, tôi lại vẫn phải kỳ cọ vùng cơ thể không được bảo vệ của mình (như vùng cổ) với dung dịch sát khuẩn độc hại, mong rằng bộ quần áo vải mỏng manh màu vàng, đã có thể bảo vệ cho mình khỏi những con virus li ti, luồn lách vào trong kẽ hở, nằm lại trên làn da của mình.

Cho đến khi có một thuốc chữa cho căn bệnh này, nhiều người sẽ tiếp tục chết. Ngay cả khi cách ly xã hội được cởi bỏ, mọi người sẽ vẫn gặp nguy cơ. Ngay cả sau đỉnh dịch, sẽ vẫn có thời gian suy giảm kéo dài và con người sẽ tiếp tục chết. Qua một thời gian dài, rất dài, rất dài, ICU sẽ tiếp tục quá tải và khu Cấp cứu sẽ tiếp tục không có đủ khả năng ứng phó. Tôi muốn mọi người biết rằng, y tế của nước Mỹ đã hỏng rồi. Chúng ta không kịp chuẩn bị rồi, New York là ví dụ rõ ràng rồi.

Tôi tin rằng đại dịch này chứng minh sự sai lầm về hệ thống của chúng ta một cách rất sâu sắc và đau đớn.

Tôi còn rất trẻ, tôi có ước mơ, tôi mong rằng mình sẽ có một cuộc đời dài phía trước. Tôi muốn nhìn thấy đứa cháu 4 tuổi của tôi lớn lên. Tôi muốn kết hôn và có con. Vậy tôi xin bạn đừng thương hại tôi, đừng gọi tôi là anh hùng. Tôi không muốn trở thành một con người kiên trung hy sinh vì điều đẹp đẽ. Điều duy nhất tôi muốn là, sau bệnh dịch này, đừng bao giờ quên cảm giác bị nhốt trong khu vực cách ly là như thế nào. Tôi muốn bạn đừng bao giờ quên hàng dài những chiếc xe đông lạnh chở xác, những dãy hàng giấy toi let trống không, và sự hoảng loạn giành giật chỉ vì 1 hộp khẩu trang. Tôi muốn bạn nhớ cảm giác lạnh người khi nghe một tiếng ho từ xa hay sự sợ hãi khi nghe điện và người thân bạn nói rằng họ đang hơi bị sốt.

Hãy cứ vỗ tay cho tôi và những bạn đồng nghiệp khác vào lúc 7 giờ tối nếu nó khiến cho thảm họa này dễ chịu hơn. Tôi công nhận, sự ủng hộ của các bạn làm chúng tôi thêm cố gắng. Nhưng xin biết rằng sự cổ vũ ấy không làm thay đổi được kết quả. Đây là lời cầu xin chân thành của tôi - rằng chúng ta thay đổi những gì chúng ta có thể sau khi tất cả điều này kết thúc.

Điều này không bao giờ nên tái diễn.

Qua những lời kể ở trên, ai cũng có thể nhìn thấy rõ thực tế y tế Mỹ đã sụp đổ trước bệnh dịch Covid-19. Và trong một nỗ lực cần có, chúng ta không nên là đất nước tiếp theo đối đầu với những tang thương mà nước Mỹ hay New York đang trải qua.

Vì vậy, đừng lơ là và chủ quan một phút giây nào, bảo vệ bản thân thật tốt trước bệnh dịch là cách bạn bảo vệ đất nước và chính gia đình mình. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống từng sinh mệnh, mong bạn hãy luôn trân trọng mạng sống của mình.

Đọc tiếp

Gia đình sư tử nằm nghỉ mát giữa đường khi Nam Phi cách ly xã hội

Full series

Covid-19

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.