• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

10 hacker lừng danh nhất mọi thời đại: Trí tuệ vượt bậc, anh tuấn hơn người nhưng mỗi người một kết cục (P1)

Anh em

Chắc bạn đã từng nghe về hacker, những kẻ chuyên đột nhập vào các hệ thống máy tính để ăn cắp thông tin và lây lan virus, phá hủy hàng loạt trang web. Có rất nhiều hacker chuyên nghiệp và luôn làm việc trong bóng tối, chỉ khi bị cảnh sát lùng ra tung tích thì mới xuất đầu lộ diện.

Dưới đây là danh tính 10 hacker nổi tiếng thế giới. Cách thức hoạt động tinh vi của họ khiến thiên hạ phải hãi hùng, đồng thời bái phục trình độ của những nhân tài dùng trí tuệ để làm việc phi pháp.

Jonathan James

Jonathan James từng là một hacker nhí, sinh ngày 12/12/1983 tại South Florida, Mỹ. Anh chàng bị kết tội ở tuổi vị thành niên vì đã dám hack các trang thông tin của Chính phủ Mỹ như Miami-Dade hay Bell South lúc 15 tuổi.

Jonathan còn tấn công mạng vào Cơ quan giảm nhẹ các mối đe dọa Quốc phòng (DTRA) của Bộ Quốc phòng Mỹ. Đồng thời xâm nhập vào hệ thống do chính phủ quản lý như: NASA, Trung tâm Điều khiển bay vũ trụ Marshall ở Huntsville và Alabama. Ngoài ra anh chàng còn tải được phần mềm điều khiển môi trường của Trạm Vũ trụ Quốc tế, cài đặt phần mềm trái phép vào máy chủ ở Dulles, điều khiển đường truyền thông tin dữ liệu của nhân viên DTRA .

Việc Jonathan hack dữ liệu mạng của NASA đã khiến cơ quan này thiệt hại đến 1,7 triệu USD. Những tác hại mà Jonathan đã gây ra với hệ thống thông tin của các cơ quan chính phủ Mỹ khiến cảnh sát đã liệt Jonathan James vào danh sách tội phạm nguy hiểm và cần truy bắt khẩn cấp.

Sau nhiều ngày theo dõi điều tra, Jonathan đã bị bắt vào tháng 1/2000. Vì chưa đủ tuổi trưởng thành nên anh chàng chỉ bị giam giữ 6 tháng, chịu sự quản chế đến khi đủ 18 tuổi và bị cấm sử dụng máy tính. 

Mọi chuyện tưởng là sẽ kết thúc, chàng trai trẻ Jonathan James với trí tuệ thiên tài sau những bồng bột sai lầm sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời, vậy nhưng anh lại chịu một kết cục bi thảm. Jonathan James bị trầm cảm và vì muốn chứng minh bản thân trong sạch, không tham gia vào vụ tấn công mạng năm 2007 mà anh đã tự tử bằng súng vào ngày 18/05/2008.

Kevin Poulsen

Kevin Poulsen sinh ngày 30/11/1965 tại California, hiện đang là biên tập viên tạp chí điện tử Wired News. Trong quá khứ ông là một hacker được gọi bằng cái tên “Dark Dante”. Ông đã từng xâm nhập và chiếm toàn bộ đường dây điện thoại của đài phát thanh KIIS-FM ở Los Angeles trong 15 phút với mục đích giành giải thưởng là chiếc xe Porsche.

Ngoài ra Poulsen còn đột nhập vào hệ thống dữ liệu của FBI lấy cắp thông tin và nghe trộm những cuộc liên lạc giữa các nhân viên an ninh. Trước tình hình đó, cảnh sát đã thiết lập đội điều tra và bắt giữ Poulsen vào năm 1991, ông bị kết án 5 năm tù. Sau khi ra tù, Poulsen trở thành một nhà báo xuất sắc và là trợ thủ đắc lực giúp cảnh sát Mỹ bắt giữ những kẻ quấy rối tình dục trên mạng internet.

Adrian Lamo

Trong giới hacker, Adrian Lamo rất nổi tiếng và được đánh giá là một tin tặc có đạo đức khi anh xâm nhập vào hệ thống mạng của các trang web lớn để chỉ ra những lỗ hổng, sai sót giúp cho hệ thống bảo mật hoạt động tốt hơn.

Adrian Lamo sinh ngày 20/02/1981 tại Massachusetts, Mỹ. Ngay từ khi còn nhỏ anh đã thể hiện trình độ tin học siêu việt của mình. Đến tuổi trưởng thành, Lamo đã xâm nhập vào hệ thống dữ liệu nội bộ trên trang web của các thương hiệu danh tiếng như Yahoo, Cingular, Citigroup, The New York Times…

Chỉ cần máy tính có thể kết nối internet thì anh sẽ thực hiện được việc phá hủy kết nối an ninh mạng ở bất cứ đâu. Vì vậy Lamo thường mang theo laptop và lang thang khắp nơi, mọi người gọi anh là “Hacker không nhà”.

Năm 2003, vì đột nhập vào trang web của tờ The New York Times mà Lamo bị cảnh sát truy lùng và kết án 2 năm tù treo, phạt 65 nghìn USD. Sau đó, anh làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận ở Sacramento với vai trò nhà báo về hệ thống bảo mật, an ninh mạng.

Năm 2010, anh đã dũng cảm tố cáo Bradley Manning, một hacker khét tiếng cung cấp tài liệu mật của chính phủ Mỹ liên quan đến hoạt động chính trị cho Wikileaks. Sự việc này khiến Manning bị lộ diện và bị đưa ra tòa xét xử còn Lamo trở thành “cái gai” trong mắt hội hacker ủng hộ Manning.

Ngày 14/3/2018, Lamo bất ngờ qua đời tại Wichita, Kansas. Cái chết của anh vẫn là bí ẩn vì cảnh sát không xác định được nguyên nhân gây tử vong.

LulzSec

LulzSec hay còn gọi là Lulz Security là một tổ chức tin tặc thành lập vào năm 2011. Nhóm này nổi lên khi cả gan tấn công vào website của Thượng viện Hoa Kỳ.

Trong thời gian hoạt động, nhóm đã đánh sập nhiều trang web của các hãng kinh doanh lớn như đột nhập vào hệ thống PlayStation Network của Sony để lấy cắp 1 triệu tài khoản người dùng, tấn công vào Nintendo, Fox News, Bethesda Softworks và InfraGard là đối tác của FBI. 

Các thành viên của LulzSec

Với sự nguy hiểm và lộng hành thách thức các cơ quan chính phủ của Mỹ, LulzSec trở thành tổ chức tội phạm nguy hiểm cần phải bắt khẩn cấp. Năm 2013, các thành viên của LulzSec đã ra trình diện nhận tội trước tòa. Đó là Ryan Ackroyd, Jake Davis, Mustafa al-Bassam và Ryan Clear. Còn trước đó vào năm 2012, Sabu tên thật là Hector Xavier Monsegur, một người Mỹ gốc Puerto Rico được cho là lãnh đạo của LulzSec cũng đã bị cảnh sát bắt giữ. 

Kevin Mitnick

Kevin Mitnick sinh ngày 06/08/1963 tại thành phố Los Angeles. Ông nổi tiếng trên thế giới khi thực hiện các phi vụ đột nhập vào hệ thống thông tin của hàng loạt tập đoàn lớn như Nokia, Fujitsu hay Motorola.

Năm 12 tuổi Mitnick đã bắt đầu hành nghề hack máy tính và kể từ đó ông thực hiện các “chiến tích” bất hảo khi xâm nhập, tấn công dữ liệu của chính phủ Hoa kỳ và những ngân hàng danh tiếng khiến giới điều tra an ninh mạng phải khổ sở để truy bắt ông. Năm 1999, Mitnick bị bắt với án tù 5 năm nhưng sau quá trình xét xử và cải tạo, ông được thả ra vào tháng 01/2000, bị quản thúc đến năm 2003.

Sau này Kevin Mitnick đã "cải tà quy chính" khi trở thành một nhà tư vấn bảo mật, diễn giả, tác giả dùng trí tuệ cùng những năm tháng làm hacker để viết sách và kiếm bộn tiền.

Đọc thêm: 5 mật mã 'hack não' nhất lịch sử nhân loại: Sự thật hay chiêu trò?

Theo: Culturetech, tổng hợp

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.