• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Audrey Munson: Siêu mẫu đầu tiên của nước Mỹ và 65 năm cuối đời cô độc trong bệnh viện tâm thần

Chị em

“Này cô bé, sau này cô sẽ nổi tiếng, sẽ khiến mọi người tôn thờ. Nhưng khi cô nghĩ rằng hạnh phúc đã nằm trong tay mình, nó sẽ hóa thành tro bụi.

Này cô bé, cô sẽ tiêu tiền như nước và rồi cũng sẽ phải chịu cảnh không một xu dính túi. Cô, một kẻ coi thường tình yêu, sẽ bị ràng buộc bởi những mối nghiệt duyên không ngờ nhất.

Bảy gã đàn ông. Bảy mối tình. Nhưng cô sẽ không thể nắm tay ai bước vào lễ đường”.

Đó là những lời bà thầy bói năm xưa nói với Audrey Munson. Khi ấy, Audrey mới chỉ là một đứa trẻ 5 tuổi và nàng luôn tin rằng đó là lời nguyền rủa dành cho mình.

audrey munson4

Audrey Munson (1891 - 1996) là nàng thơ của giới điêu khắc Mỹ.

Năm Audrey lên 8, cha mẹ ly hôn, Audrey chuyển đến sống cùng với mẹ. Ôm giấc mộng làm diễn viên, hai mẹ con Audrey lặn lội đến miền đất hứa New York. Một lần dạo phố, nhan sắc diễm lệ của Audrey lọt vào mắt xanh của nhiếp ảnh gia Felix Benedict Herzog.

Thân hình cao ráo mảnh mai, gương mặt thiếu nữ cân đối như tạc tượng cùng đôi mắt xanh ánh bạc, Audrey Munson hệt như một vị nữ thần bước ra từ sách. Sau khi cộng tác với Herzog, ông lập tức giới thiệu Audrey với giới nghệ thuật và ai cũng tranh giành để được mời nàng làm người mẫu.

Trong số đó có nhà điêu khắc Isidore Konti, người đầu tiên thuyết phục Audrey làm mẫu khỏa thân. Ông ta nói rằng nghệ sĩ không thể tạo ra bước đột phá nếu người mẫu ăn mặc quá xấu hoặc quá kín. Chỉ khi người mẫu khỏa thân, nghệ sĩ mới thực sự nhìn thấy tác phẩm của mình.

Những lời nói đó dễ dàng thuyết phục hai mẹ con Audrey Munson. Kể từ lần đó, danh tiếng của Audrey càng vang xa hơn và nghệ sĩ nào cũng khao khát được một lần cộng tác với người đẹp táo bạo này.

audrey munson6

Audrey Munson làm mẫu cho bức tượng trên phố Manhattan (ảnh: wikipedia).

Năm 1915, Audrey có cơ hội xuất hiện trong bộ phim đầu tay mang tên Inspiration. Trái với sự kỳ vọng, Audrey chỉ diễn xuất ở những phân cảnh không mảnh vải che thân, còn vai nữ chính được trao cho một người khác.

Năm 1916, Audrey Munson lại tham gia Purity. Năm 1993, Purity được tìm thấy trong bộ sưu tập phim khiêu dâm của Pháp, đây cũng là bộ phim duy nhất của nàng còn được lưu giữ.

Audrey Munson miệt mài tìm kiếm cơ hội đóng phim nhưng tất cả những gì nàng nhận được chỉ là thất bại nối tiếp thất bại. Cuối cùng, mỹ nhân đành quay trở lại New York với nghề cũ.

audrey munson7

Tờ Brochure quảng bá bộ phim Inspiration năm 1915.

Đúng như lời bà thầy bói năm nào, Audrey chẳng yêu một ai hết. Nàng chỉ hẹn hò với những gã đàn ông lắm tiền nhiều của có thể khiến nàng sung sướng đủ đầy trong vật chất và nâng đỡ nàng trên con đường nghệ thuật.

Trong một cuộc phỏng vấn khi còn ở thời kỳ đỉnh cao, Audrey Munson chia sẻ:

“Cô người mẫu xinh đẹp đó giờ ở đâu? Phần thưởng dành cho cô ấy là gì? Cô ấy hạnh phúc và giàu sang hay cô ấy chỉ sống trong nỗi buồn và tuyệt vọng? Nhan sắc rồi cũng sẽ tàn phai, những gì còn lại chỉ là ký ức của một buổi sáng thức dậy!”

Dường như khi nói ra những lời này, Audrey Munson đã thấy trước tương lai đầy sóng gió của mình.

audrey munson1

Audrey Munson còn được gọi là "Miss Manhattan", "American Venus".

Năm 1917, gã đàn ông độc thân giàu có nhất nhì nước Mỹ lúc ấy là Hermann Oelrichs ngỏ lời cầu hôn Audrey Munson xinh đẹp.

Không ai rõ diễn biến tiếp theo của câu chuyện tình cảm như thế nào. Nó đã thất lạc trong quá khứ. Chỉ biết rằng, năm 1919, Audrey Munson bất ngờ gửi thư đến Bộ Ngoại giao Mỹ, tố cáo Oelrichs là thành viên của đảng phái người Đức và âm mưu hủy hoại sự nghiệp của nàng.

Đây chỉ là khởi đầu cho cuộc sống đầy thị phi sau này của Audrey Munson.

audrey munson8

Audrey Munson làm mẫu cho bức tượng The Spirit of Life đặt tại New York.

Sau vụ việc trên, Audrey Munson cùng mẹ dọn đến sống trong nhà trọ của tiến sĩ Walter Wilkins. Năm 1920, Walter Wilkins bị tố cáo đã giết chết vợ mình để được đường hoàng cưới Audrey làm vợ.

Khi bị cảnh sát thẩm vấn, Audrey phủ nhận nàng và Walter Wilkins yêu nhau, họ cũng chẳng vụng trộm lén lút gì hết. Bất kể đó là sự thật hay không, cuối cùng, Walter Wilkins đã bị kết án tử hình trên ghế điện, còn Audrey Munson tiếp tục hứng chịu những câu chuyện thêu dệt từ giới truyền thông và những lời kết án, lăng mạ của công chúng.

audrey munson5

Một cảnh quay khỏa thân của Audrey Munson trong phim Inspiration.

Năm 1921, Audrey Munson xuất hiện trong Headless Moths, bộ phim dựa trên cuộc đời của nàng. Số tiền cát xê nàng nhận được là 27.000 USD, một con số Audrey cho là quá rẻ mạt, quá bạc bẽo và nàng đã đâm đơn kiện nhà sản xuất Allan Rock. Kể từ lúc đó, Audrey trượt dốc không phanh.

Năm 1922, Audrey Munson nhận lời tham gia vở kịch The Fashion Show. Trong lúc thay đồ, một nhà sản xuất quyền lực của Broadway bỗng đột nhập vào phòng nàng, buông ra những lời khiếm nhã và yêu cầu nàng “phục vụ” hắn. Audrey Munson tức giận phản kháng:

“Đừng có đụng vào tôi. Tôi ghét ông. Cái vuốt ve của ông khiến tôi kinh tởm. Tôi thà để rắn bò lên người mình còn hơn là để tay ông chạm vào”.

Vài ngày sau, The Fashion Show bất ngờ bị hủy bỏ. Không ai hiểu lý do vì sao, trừ Audrey Munson. Nhưng nàng chỉ câm lặng, nàng không bao giờ hé miệng tên gã đàn ông bỉ ổi đó.

audrey munson9

Năm 40 tuổi, nàng Venus nước Mỹ cố tự sát nhưng bất thành. Nàng trở thành kẻ điên, sống trong bệnh viện suốt 65 năm và qua đời ở tuổi 105.

Không việc làm, không thu nhập, không tình yêu, chỉ có thể sống dựa dẫm vào người mẹ già yếu của mình, Audrey đã từng có tất cả và rồi mọi thứ hóa tro tàn.

Năm 1922, Audrey cố tự sát bằng cách uống thủy ngân nhưng vẫn sống sót, chỉ tiếc là... nàng đã hóa điên. Audrey được đưa vào bệnh viện tâm thần St. Lawrence. Sống không nổi, chết chẳng xong, nàng cứ khổ sở như vậy ròng rã 65 năm liền.

Sau khi Audrey Munson qua đời, nghệ sĩ Andrea Geyer đã kêu gọi mọi người trong giới nghệ thuật quyên góp làm bia mộ tại nơi an nghỉ của Audrey Munson. Geyer giải thích:

“Với rất nhiều thành tích đạt được, Audrey Munson xứng đáng được người đời sau nhớ đến chứ không phải chỉ là một nấm mồ vô danh trên đất Mỹ”.

Theo: thevintagenews, artsy
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.