• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

x: Chuyện kể về Hannya - gương mặt hóa quỷ của người phụ nữ khi ghen tuông cuồng nộ

Chị em

Trong văn hóa dân gian xứ Phù Tang, Hannya là khuôn mặt của nữ quỷ chất chứa sự ghen tuông mù quáng. Đó cũng là tên gọi của một loại mặt nạ dùng trong kịch Noh.

Noh là loại hình kịch nghệ truyền thống của Nhật Bản, ban đầu được gọi là Sarugaku, xuất hiện từ khoảng thế kỷ thứ 7 và phổ biến, thịnh hành vào giữa thế kỷ 14. Kịch Noh được dựng bởi bài hát gọi là Utai và âm nhạc Hayashi. Diễn viên biểu diễn phải đeo mặt nạ Nomen với 200 loại khác nhau. Hannya là một trong số đó, thường được dùng trong các vở kịch Aoi no UeDõjõji.

Mặt nạ Hannya mô tả một khuôn mặt quỷ dị, vặn vẹo với đôi mắt ẩn chứa vẻ u sầu cùng nỗi thống khổ cùng cực. Theo truyền thuyết, Hannya là một nữ quỷ vốn xuất thân từ người phụ nữ phàm trần bị phản bội trong chuyện tình cảm. Từ đó cô bị tổn thương, sinh lòng căm hận, ghen ghét kẻ đã khiến mình đau khổ và hóa thành một con quỷ đi báo thù.

Cái tên Hannya được đặt ra theo một câu chuyện dân gian về phu nhân Aoi no Ue. Trong tác phẩm Genji Monogatari của Murasaki Shikibu, xuất bản từ thế kỷ thứ 10 có kể rằng: Chánh thất của Hikaru Genji là Aoi no Ue đã bị oan hồn Rokujõ Miyasundokoro, người tình đầu tiên của Gen ám, hành hạ về thể xác lẫn tinh thần. Các vị cao tăng đã được mời vào cung, đọc Bát Nhã tâm kinh ((Hannya Shingyō) để xua đuổi tà ma. Sau đó, Rokujõ xuất hiện với gương mặt ác quỷ, giao đấu với các nhà sư và thất bại, buông bỏ ác tâm rồi siêu thoát.

Từ đó Hannya xuất hiện trong các vở kịch Noh dọa thiên hạ khiếp sợ về sự ghen tuông của phái nữ. Có hai loại Hannya là Shinja và Warai Hannya. Shinja (chân xà) vốn mang khuôn mặt nghiệp chướng nhất đến độ hóa thành rắn, miệng rộng đến mang tai, lưỡi thò ra ngoài và để lộ những chiếc răng nanh sắc nhọn. Cơn ghen cuồng nộ khiến tóc trên đầu rụng hết và mọc ra hai chiếc sừng dài.

Còn Warai Hannya mang gương mặt cười quỷ dị, loài yêu quái có từ thời Edo trong tranh Ukiyo-e. Họa sư Katsushika Hokusai vẽ Warai Hannya mang hình dáng người đàn bà có đầu mọc sừng, tay cầm đầu lâu của trẻ con và cười điên dại.

Nguồn gốc của Hannya cũng được cho xuất xứ từ cái tên Hannyabou. Đó là tên của một người thợ khắc mặt nạ sống vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16. Thời kỳ ấy người dân lưu truyền câu chuyện của nàng Kiyohime. 

Kiyohime là người con gái xinh đẹp đem lòng yêu chàng trai Anchin. Thế nhưng Anchin lại không có tư tình với Kiyohime, hắn chỉ lợi dụng nàng và sau đó khéo léo từ chối tình cảm của Kiyohime khi nàng thổ lộ tấm chân tình với hắn. Điều này khiến trái tim Kiyohime tan vỡ và khi Anchin ra đi nàng đã đuổi theo hắn để báo thù.

Lúc Anchin ở trên thuyền để chạy trốn thì Kiyohime đã nhảy xuống sông, thù hận đã biến nàng thành một con rắn bơi theo kẻ phụ tình để giải quyết ân oán giữa hai người. Anchin thấy vậy liền hoảng sợ chạy đến ngôi đền bên sông Hidaka và cầu xin các nhà sư giúp đỡ. Sau đó Anchin được giấu trong một cái chuông lớn. Kiyohime đến ngôi đền và phát hiện ra nơi Anchin trốn, nàng tàn phá mọi thứ xung quanh, thổi lửa vào chiếc chuông và thiêu sống nhân tình.

Theo dân gian, một nữ nhân bình thường hóa thành Hannya có ba cấp độ. Bắt đầu là sự thành hình, giai đoạn này trên đầu sẽ mọc chiếc sừng nhỏ, biết sử dụng ma thuật có thể triệu tập được hồn ma. Lúc này, phàm nhân vẫn chưa hẳn đánh mất bản ngã, chưa hóa quỷ hoàn toàn nên nếu cải tà quy chính có thể trở lại làm người.

Tiếp theo đến cấp độ hai, lúc này gương mặt in hằn sự dữ tợn, răng nanh mọc ra, sừng lớn dài thêm và hấp thụ được phép thuật hắc ám làm hại loài người. Tuy nhiên, con quỷ dễ bị đánh bại bởi lời tụng kinh của nhà sư, sức mạnh suy yếu dần.

Giai đoạn cuối cùng là biến hóa thành một nữ quỷ Hannya thực sự. Lúc này cơ thể sẽ hóa rắn, miệng thở ra lửa, không còn nét nữ tính trên gương mặt mà chỉ còn sự giận dữ, hung tợn muốn hủy diệt tất cả. Những gì mang bản chất của con người như giọng nói, hình hài, suy nghĩ đều đã biến mất, chỉ còn lại là con quái vật tràn đầy sát khí.

Hannya chính là sự biểu tượng của một người phụ nữ bị tổn thương về mặt tinh thần. Chiếc mặt nạ như tích tụ mọi tiêu cực của nữ giới với nỗi buồn, đau khổ, sự tức giận, ganh ghét, oán hận… Cùng với đó là cặp sừng cắm trên đầu thể hiện sự phản bội, thay lòng đổi dạ của cánh đàn ông đã đày đọa, khiến phái nữ phải hắc hóa, biến thành ma quỷ để rồi bi kịch xảy ra với những vụ đánh ghen kinh thiên động địa.

Hannya quỷ dị như vậy nhưng kỳ lạ là người Nhật lại đeo nó cho cô dâu trong đám cưới tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Chiếc mặt nạ có ý nghĩa xua đuổi điềm xấu trong hôn nhân, phong ấn những ác niệm, ghen tuông của người vợ. 

Ngày nay, mặt nạ Hannya là một sản phẩm văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Nó được giới trẻ săn lùng trong các dịp lễ hội hóa trang như Halloween hay là hình xăm tạo sự cá tính, ấn tượng và rất được ưa chuộng. 

Đọc thêm: Yobai - Phong tục cổ hủ quái lạ khi khuyến khích nam nhân mò vào giường của con gái lúc nửa đêm

Theo: Suzanna Linton, tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.