• Về đầu trang
Spock
Spock

Muốn gia nhập quân đội ở Indonesia, phụ nữ phải 'được'... đàn ông kiểm tra trinh tiết

Chị em

Từ khi còn là một đứa trẻ, Rianti đã luôn mơ đến việc được trở thành một phần trong lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia. Vì vậy, ngay sau khi bước sang tuổi 20 vào năm ngoái, cô đã đăng kí tham gia buổi kiểm tra sức khỏe quân đội đầu vào ở một căn cứ ở Jayapura, thủ phủ của tỉnh Papua.

Người ta nói với cô rằng, trong ngày đầu tiên, họ sẽ chỉ kiểm tra giấy tờ cùng các thông tin cá nhân của cô. Nhưng khi nhìn thấy hàng dài những người phụ nữ lần lượt bước vào một căn phòng nhỏ ở trung tâm kiểm tra, có cái gì đó khiến cô thấy hơi rợn.

“Tôi không biết tại sao họ lại được gọi vào phòng, nhưng nét mặt của những người phụ nữ sau khi bước ra ngoài khiến tôi nhớ mãi”. Rianti kể lại, trong lòng vẫn chưa hết sợ hãi.

Khi đến lượt mình, Rianti cùng với nữ ứng viên khác bước vào phòng. Chờ đợi bên trong là bốn nhân viên y tế, gồm ba người đàn ông và một người phụ nữ. Họ yêu cầu cô phải lột bỏ toàn bộ quần áo, và nằm xuống để bắt đầu cho việc kiểm tra sức khỏe. Đến khi đấy, cô mới biết là mình đang bị kiểm tra trinh tiết, và nó khiến cho trái tim cô nặng trĩu.

4ae7d56453f19173e43d49de7fb853a7

Các cô gái phải ngồi theo hàng trước khi vào phòng làm bài kiểm tra sức khỏe bắt buộc

Ngay khi cô vừa nằm xuống, một bác sĩ nam đưa hai ngón tay vào khe âm đạo của Rianti, để kiểm tra xem màng trinh của cô đã bị rách hay chưa. Trong khi đó, người phụ nữ trong đội ngũ kiểm tra quái dị này thì soi đèn pin vào trong, rồi lẩm nhẩm cái gì đó với người bên cạnh.

“Tôi chỉ muốn nó kết thúc nhanh nhất có thể. Đó là vài phút dài nhất trong cuộc đời tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ để cho bất kì người đàn ông nào chạm vào cơ thể mình, và điều đó thật sự xúc phạm đến tôi. Tôi đã rất sốc”, Rianti nói.

Đêm đó, cô đã hỏi một người chú của mình, mà hiện tại ông cũng đang công tác trong quân đội về việc, một bác sĩ nam có được phép thực hiện bài kiểm tra trinh tiết với phụ nữ?

Cô nói thêm với ông rằng, điều đó khiến cô có cảm giác như bị quấy rối tình dục. Nhưng ngay lập tức, ông lại dập tắt toàn bộ nghi ngờ của cô và nói đó chỉ là một phần của quy trình, và theo luật mới, phụ nữ sẽ được kiểm tra bởi nam bác sĩ.

07947f67a2b6ae0eec2e6eb914bc4b23

Dù ứng viên là nữ, nhưng những bộ phận nhạy cảm vẫn là do bác sĩ nam kiểm tra

“Tôi cảm thấy buồn nôn khi nghĩ về nó,” cô nói.

Tồi tệ hơn, cô vẫn còn một bài kiểm tra trinh tiết nữa tại căn cứ của lực lượng vũ trang quốc gia ở Bandung, tỉnh Tây Java.

“Nó còn nhanh hơn lần đầu tiên, và bác sĩ cởi quần áo cho tôi là một phụ nữ. Nhưng da và ngực của tôi vẫn là do các bác sĩ nam kiểm tra.”

Luật pháp quy định, những tân binh muốn gia nhập Lực lượng vũ trang quốc gia và cảnh sát quốc gia Indonesia phải trải qua một bài kiểm tra để đảm bảo rằng, sức khỏe họ đủ đáp ứng với nhu cầu của nhiệm vụ. Nhưng luật cũng không đề cập nữ giới sẽ bị kiểm tra xem mình đã bao giờ quan hệ tình dục tronq quá khứ hay chưa, và điều đó khiến cho nhiều phụ nữ như Rianti lo sợ.

Bài kiểm tra trinh tiết lần đầu tiên bị công bố trước cộng đồng quốc tế với báo cáo gây chấn động của Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền vào năm 2014. Ủy ban quốc gia về chống bạo hành phụ nữ đã lên án mạnh mẽ thủ tục trên, và coi nó là một hành động phân biệt giới tính, đồng thời là sự bôi nhọ với nhân phẩm của phụ nữ Indonesia.

virginity test

Với những phụ nữ Indonesia và gia đình họ, điều này thực sự là một sự sỉ nhục.

Hơn nữa, vượt qua bài kiểm tra trinh tiết không đảm bảo ứng cử viên sẽ được ghi danh vào các lực lượng vũ trang. Trong trường hợp của Rianti, cô nói rằng bản thân cũng không qua được bài kiểm tra này.

“Tôi không nghĩ nhiều người trong lực lượng vũ trang hiểu rằng sẽ chẳng có cách nào biết được liệu một phụ nữ còn trinh hay không. Không có gì gọi là khoa học đằng sau quy trình hết.”, anh Andreas Harsono, một nhà nghiên cứu người Indonesia của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền chia sẻ với tờ South China Morning Post.

Theo tổ chức này, việc áp dụng bài kiểm tra trinh tiết với phụ nữ là vi phạm vào Điều 7 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hợp Quốc (ICCPR) và Điều 16 của Công ước chống tra tấn. Mỉa mai ở chỗ, Indonesia đã phê chuẩn cả hai hiệp ước vào các năm 2006 và 1998.

virginity test 1

Các nữ quân sĩ trong quân đội Indonesia

Nhà nghiên cứu hiện đang làm việc cho Khoa chính trị và quan hệ quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Jakarta, ông Fitri Bintang Timur tin rằng, những bài kiểm tra cơ thể như thế này sẽ khiến cho phụ nữ bị tổn thương, ảnh hưởng đến mong muốn được nhập ngũ của họ.

"Tại một quốc gia bảo thủ như Indonesia, phụ nữ hay gia đình họ sẽ khó chấp nhận việc trải qua bài kiểm tra này ," bà chia sẻ với tờ Post. “Với họ, đó là một điều không đứng đắn, trừ khi nó bắt buộc với những ai trong ngành quân đội hay cảnh sát. Với những công việc khác, anh đâu cần phải thực hiện bài kiểm tra như vậy.”

Vào tháng 6, Indonesia được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một trong những mục tiêu trọng tâm của đất nước, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Retno Marsudi, là đề cao sự ảnh hưởng của phụ nữ trong vai trò là nhân viên hành chính và phi quân sự với các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tính đến nay, Indonesia đã gửi 2.694 nhân viên quân đội và cảnh sát để thực hiện chín nhiệm vụ, nhưng trong số đó chỉ có 81 người là phụ nữ.

Chính vì số lượng quân sĩ nữ hạn chế, nên không dễ để có thể tìm kiếm lực lượng nữ bổ sung cho các nhiệm vụ thế này.

83021691 167162019

Bất chấp thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự nữ trong ngành, các giới chức quân đội Indonesia vẫn đồng ý cho làm các bài kiểm tra trinh tiết trên thân thể phụ nữ

“Ví dụ, nhiều nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc cần một đội kỹ sư để giúp xây dựng đường sá. Ở đây, hầu hết đa phần binh sĩ trong đoàn đều là nam giới. Nếu như có nữ kỹ sư trong lực lượng, họ cũng sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều ở Indonesia.” Fitri nói.

Bà cũng nói thêm rằng, lực lượng cảnh sát Indonesia đã phải nhìn nhận khác đi về bài kiểm tra vô lí này, coi nó như một vấn đề nghiêm trọng với toàn ngành. Phát ngôn viên Lực lượng Cảnh sát, Chuẩn tướng Rikwanto đã đưa ra thông báo vào tháng 11 năm ngoái rằng, không một nữ ứng viên nào sẽ phải trải qua cơn ác mộng này nữa.

Ở chiều ngược lại, một sĩ quan cảnh sát về hưu, bà Sri Rumiati lại không hề bị thuyết phục với lời tuyên bố này. Theo bà, cho dù nó đã bị bãi bỏ ở Jakarta, nhưng không có nghĩa nhiều địa phương khác tại quốc gia này sẽ thi hành luật nghiêm chỉnh.

“Ở một đất nước rộng lớn như Indonesia, thật khó để phát hiện các trường hợp vi phạm,” bà chia sẻ với BBC Indonesia.

Khi vẫn còn làm trong ngành, bà Rumiati vẫn luôn kêu gọi cảnh sát ngừng tiến hành các bài kiểm tra trinh tiết như trên. Theo bà, đó là một hành vi phạm pháp, bởi luật pháp nghiêm cấm mọi hành động phân biệt giới tính.

indonesia police

Nhiều người phải quên đi giấc mơ được khoác lên mình bộ quân phục vì không chịu nổi việc bị động chạm cơ thể

Trong khi đó, người phát ngôn của Thiếu tướng Mohamad Sabrar Fadhilah, thuộc Lực lượng Vũ trang Quốc gia lại cho rằng, công chúng đã hiểu lầm về bài kiểm tra trinh tiết.

“Chúng tôi phải kiểm tra sức khỏe toàn thân, không trừ cả các bộ phận nhạy cảm. Ứng viên nam cũng vậy cả thôi. Chúng tôi muốn nguồn nhân lực vào ngành phải có sức khỏe tốt, bởi vì đó là vì lợi ích lâu dài cho họ khi đối mặt với các nhiệm vụ được đặt ra" - ông nói với tờ Post.

Rianti, nhân vật chính trong bài viết này cho biết, cô sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện gia nhập ngành này thêm một lần nào nữa.

“Hầu hết bạn bè của tôi, những người đã không vượt qua bài kiểm tra đầu cũng có suy nghĩ như tôi. Tôi không quan tâm nếu như mình không thể hoàn thành giấc mơ thời thơ ấu. Tôi chỉ không muốn cơ thể mình bị ai đó động chạm vào, chỉ để có một vị trí trong quân đội,” cô nói.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.