• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Trước thời phẫu thuật thẩm mỹ, phụ nữ Hàn đã làm đẹp tự nhiên như thế nào?

Beauty

Nếu ở phương Tây thời xưa, việc trang điểm bị coi là “tội lỗi”, “trái đạo đức”, thì phương Đông lại khá thoáng và cởi mở trong việc "tút tát" lại nhan sắc của nữ giới. Hôm nay, hãy cùng Lost Bird ngược dòng lịch sử để xem ngày xưa, người Hàn chăm sóc sắc đẹp thế nào nhé.

Xét cho cùng thì nhu cầu làm đẹp của nữ giới, dù là xưa hay nay, dù là phương Tây hay phương Đông, đều chẳng mấy thay đổi. Nhưng vì là thời xa xưa nên dù có là Hàn Quốc thì vẫn chưa thể dùng phẫu thuật thẩm mỹ để nâng cấp ngoại hình. Bởi vậy, nhằm chăm sóc và điểm trang sắc đẹp thì người xưa chỉ có thể sử dụng các sản phẩm thủ công với nguyên liệu tự nhiên. Ghi nhận sớm nhất về việc sử dụng mỹ phẩm của phụ nữ Hàn là từ thời Tam Quốc của Triều Tiên (57 TCN-668 SCN). Kiểu trang điểm làm tôn lên vẻ đẹp tự nhiên được ưa chuộng, với làn da trắng, đôi môi đỏ, lông mày mảnh và mái tóc dày bóng mượt.

Tranh vẽ một mỹ nhân Hàn Quốc vào thế kỉ 18 của họa sĩ Kim Hong-Do (1745-?). Tranh thuộc sở hữu của Bảo tàng Đại học quốc gia Seoul Nguồn ảnh: http://infinitelyinspiritsy.blogspot.com

Bộ đồ make-up của phụ nữ xứ Hàn thời xưa cũng khá giống ngày nay với những món đồ cơ bản như phấn phủ, bột vẽ lông mày, màu mắt, son môi và má hồng. Tuy nhiên, cách trang điểm khuôn mặt của họ lại khá khác nhau nhằm phân biệt địa vị và tầng lớp xã hội. Các gisaeng (kỹ nữ) thường trang điểm khá đậm, mà khác biệt rõ nhất là làn da phủ phấn trắng nhợt và môi, má có màu đỏ đậm hơn phụ nữ các tầng lớp khác.

Đồ trang điểm thời xưa được làm bằng các nguyên liệu tự nhiên và chứa trong các hộp gốm. Mẫu vật từ thời Goryeo (918-1392) được trưng bày tại Bảo tàng Coreana Cosmetics Nguồn ảnh: http://www.mimifroufrou.com

Một gisaeng thời xa xưa Nguồn ảnh: http://aminoapps.com

Nguyên liệu làm ra phấn dùng cho da mặt là bột gạo, cây kê và đôi lúc có cả bột đá, trong khi đất sét đỏ và một vài loại cây được dùng để tạo màu cho phấn. Nhụy hoa nghệ tây và chu sa được chế thành son môi - má hồng 2 trong 1, tro các loại hoa và bột chàm được dùng để tô vẽ lông mày. Ở tầng lớp thấp, đôi lúc phụ nữ sử dụng giấy nhuộm có màu đỏ cho môi và má (khá giống với “son giấy” mà chúng ta thường thấy trong các phim cổ trang Trung Quốc), và vẽ lông mày bằng than. Vì không có chất bảo quản, lại phải hòa với nước để tạo độ bám khi sử dụng nên hầu hết các món mỹ phẩm này được chứa trong hộp bằng gốm có kích thước rất nhỏ, tương ứng với lượng sản phẩm bên trong.

Hộp đựng son và má hồng bằng sứ thuộc thời Chosun (1392-1910), được trưng bày tại Bảo tàng Coreana Cosmetics Nguồn ảnh: http://www.mimifroufrou.com

Chén sứ đựng phấn trang điểm thuộc thời Chosun, trưng bày tại Bảo tàng Coreana Cosmetics Nguồn ảnh: http://www.mimifroufrou.com

Người Hàn xưa cũng rất chú trọng việc dưỡng da và tóc. Họ tẩy da chết bằng rễ nhân sâm hoặc các loại đậu xay nhuyễn, tự làm lotion dưỡng ẩm cho da bằng nước ép dưa leo hoặc dưa hấu. Dầu dưỡng da thường được chiết xuất từ quả đào hoặc mơ, ngoài ra, dầu hướng dương, dầu hạt cải và dầu hải ly cũng được sử dụng với mục đích làm da căng mịn hoặc trộn với các loại mỹ phẩm trang điểm. Dầu hoa mẫu đơn được đặc biệt ưa chuộng vì hiệu quả làm mượt tóc mà nó mang lại. Mùi “nước hoa” thường thấy nhất là xạ hương, ngoài ra các loại thảo mộc thơm khác cũng được chiết xuất để tạo ra mùi hương dễ chịu. Không quên kể rằng, nước hoa từ thời xa xưa ở Hàn Quốc đã được sử dụng bởi cả nam và nữ, chẳng khác mấy với các dòng nước hoa unisex hiện nay.

Các vật dụng trên bàn trang điểm xưa, bao gồm lược, trâm cài, nhíp và kéo được trưng bày tại Bảo tàng Coreana Cosmetics Nguồn ảnh: http://www.mimifroufrou.com

Cứ như thế, giời gian trôi qua. Hiện đại thế chỗ quá khứ, và từ những món đồ, vật dụng đơn giản trên, Hàn Quốc ngày nay trở thành một cường quốc với ngành công nghiệp làm đẹp không ngừng phát triển. Tuy vậy, nhiều bảo tàng ở Hàn Quốc nói riêng và trên thế giới nói chung vẫn trưng bày những món đồ làm đẹp cổ xưa để du khách có cơ hội nhìn lại giá trị tinh thần xưa cũ.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.