• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Phụ nữ Anh thời chiến: Từ đồ lót may bằng bản đồ đến mascara 'dã chiến' từ xi đánh giày

Chị em

Chế độ phân phối trong Chiến tranh thế giới thứ 2 gây ảnh hưởng lên mọi người và mọi thứ. Xăng dầu, đường, trứng, xúc xích, áo quần,... – tất cả giờ đây nằm gọn trong cuốn sổ tem phiếu. Nhưng khắc nghiệt chốn quê nhà không chỉ dừng lại ở tem phiếu – đừng ngại với nguồn cung bị suy giảm, vì có vài thứ chẳng còn tồn tại nữa kìa. Một trong số đó là mỹ phẩm, và đôi khi, thứ phù phiếm nhất lại mang đến ảnh hưởng vô cùng sâu sắc.

“Cuộc sống của thường ngày của mọi người bị đảo lộn bởi những sự kiện tầm cỡ thế giới vốn chưa từng xảy ra. Chính phủ can thiệp vào mọi thứ, thời thế thì thiên biến vạn hóa, và thứ duy nhất bạn còn có thể điều khiển được là ngoại hình của mình.” – theo lời của Laura Clouting, quản lý triển lãm Fashion on the Ration, 1940s Street Style, ở bảo tàng Imperial War Museum, London.

Ban đầu, mọi thứ vận hành khá suôn sẻ khi ai nấy đều đồng lòng và đoàn kết. Các hãng mỹ phẩm lớn thiết kế bao bì sản phẩm theo phong cách ái quốc sôi nổi. Từ màu son có tên “Đôi môi trong quân phục” của hãng Tangee, đến thỏi son lẫy lừng “Trung đoàn đỏ” của hãng Helena Rubinstein.

tangee

Son môi “Quân phục” của hãng Tangee, với câu slogan “Khi làm nhiệm vụ, bạn phải trông thật thông minh, nhưng đừng lòe loẹt. Tangee Natural phù hợp hoàn hảo cho sắc màu của riêng bạn.” Nguồn ảnh: Pinterest

Và rồi sự cạn kiệt ập đến. Tàu chở hàng hóa bị đắm, nhà máy bị đánh bom, nguyên liệu thì được triển khai lại để trở thành trang bị cho quân đội, việc sản xuất trở nên nhỏ giọt và đồ dùng của người dân dần dần hết sạch. Còn với phụ nữ Anh, đương nhiên là họ cũng chẳng còn đồ trang điểm để sử dụng.

Giả như một phép màu nào đó xảy ra giúp cho hàng hóa có thể cập bến, thì thuế mua hàng khổng lồ sẽ được đánh vào mọi thứ xa xỉ phẩm (ở Anh, thuế mua hàng được thay thế bằng thuế VAT vào năm 1973), và rồi chúng sẽ được tuồn ra chợ đen. Nhưng mấy món đồ của con buôn chợ đen vẫn không sao địch nổi nguồn cung hàng hóa từ “Đội quân của bố” – tức là đội quân tình nguyện bảo vệ quê nhà Anh quốc trong Thế chiến II – và những chiếc túi đeo chứa đầy son môi, tất chân bằng lụa và kẹo cao su mà lính Mỹ mang đến.

Sau cùng, bạn vẫn không cách nào mua được một món đồ trang điểm “toàn vẹn”. Nếu có, thì chúng cũng chỉ là những chiếc hộp giấy tẻ nhạt chứa lõi son môi thay thế, bên ngoài có in lời xin lỗi – vì lệnh cấm sử dụng kim loại để sản xuất hộp phấn và vỏ son được ban hành năm 1942. Còn hộp phấn thì luôn luôn thiếu đi bông phấn. Và rồi, có một động lực to lớn khiến phụ nữ cố gắng giữ cho vẻ ngoài xinh đẹp và sang trọng hơn bao giờ hết.

warlippy 3216936b

Một nhân viên y tế làm việc trên xe cứu thương đang chuẩn bị đi làm. Nguồn ảnh: IWM

Họ làm thế không chỉ vì lòng tự trọng, mà còn vì tổ quốc của họ - nước Anh. Ai cũng biết rằng Hitler ghê tởm mỹ phẩm (chủng tộc Aryan thượng đẳng của ông ta không cần mấy thứ đó), và bấy nhiêu cũng đủ lý do để mỹ phẩm chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc chiến này. Khi chị em nhà Mitford (những biểu tượng thời trang, nhan sắc và scandal thế kỷ 20) gặp gỡ Hitler, ông ta rợn người vì khuôn mặt đậm son phấn của các cô gái. Thẳng thắn mà nói thì đến người Anh cũng nghĩ phụ nữ thời chiến trang điểm cực nhanh. Kẻ thù ghét cái gì cũng được, chẳng việc chi phải sợ khi trông mình đẹp như một minh tinh Hollywood.

t james wolcott mitford sisters 2016

Chị em nhà Mitford, từ trái qua phải: Unity, Tom, Deborah, Diana, Jessica, Nancy, và Pamela Mitford. Trong đó, Unity Mitford nổi tiếng vì mối quan hệ với Hitler. Nguồn ảnh: Vanity Fair

Chính phủ lúc bấy giờ hiểu được tiềm lực dồi dào của thứ vũ khí bí mật mà phụ nữ nắm giữ trong tay: chút son môi quý giá cuối cùng còn sót lại dưới đáy tuýp. Bộ cung cấp hàng hóa phải ghi nhớ rằng trang điểm đối với phái nữ quan trọng như đàn ông cần thuốc lá.

Khi mà những đôi giày được phân phát có phần gót không bao giờ quá 2 inch, phụ nữ muốn tìm kiếm thứ gì đó để bản thân cảm thấy tự tin, nữ tính và tự chủ. Các tờ báo đăng những hình ảnh lôi cuốn kèm khẩu hiệu yêu nước để van nài các cô hãy cứ chưng diện đi.

Nhưng không một hãng mỹ phẩm lớn nào đáp ứng nổi những đòi hỏi trên. Ví dụ như Coty, một tên tuổi lớn nổi tiếng với những món mỹ phẩm mang mùi phấn son , giờ đây chuyển sang sản xuất phấn thoa chân và thuốc mỡ chống khí gas cho quân đội. Không thể cung cấp cho các bà, các cô những thỏi son lộng lẫy và phấn trang điểm mịn như lụa, các nhãn hiệu vẫn ra sức quảng cáo mỹ phẩm của mình với nỗi lo sợ về những két tiền rỗng không, khi chiến tranh kết thúc và nữ giới chẳng còn mặn mà với son phấn.

Và rồi thay vì bảo các cô gái hãy mua mỹ phẩm của mình (những thứ thậm chí còn chẳng tồn tại), các nhãn hàng bắt đầu khuyến khích phụ nữ sử dụng dè xẻng chút đồ trang điểm còn lại của họ cho đến khi có thể tiếp tục mua mới. Tạp chí Vogue kêu gọi đọc giả đừng nên “sinh ra tính cầu thả”, còn poster của chính phủ luôn sử dụng hình ảnh những cô gái nông dân, nữ Hải quân Hoàng gia Anh, hoặc thành viên của đội Nữ tình nguyện Hoàng gia Anh với son đỏ tươi cùng mascara đen.

web iwm art iwm pst 6078

Một tấm poster của Women's Land Army (WLA), một tổ chức của Anh gồm thành viên chủ yếu là nữ giới, tham gia lao động và sản xuất đồng áng phục vụ tổ quốc trong trong Thế chiến 2. Nguồn ảnh: Imperial War Museums

Những thứ này thật sự có hiệu quả rõ rệt. Các cô gái chăm chú vào những tờ tạp chí với mong muốn tìm lấy chút tinh tế hiếm hoi. Nhưng khổ nỗi thực tế cuộc sống lại hoàn toàn khác.

Các cô gái làm việc trong những nhà máy quân dụng sẽ biết ơn lớp kem nền bảo vệ họ khỏi mớ chất hóa học đáng sợ, tuy rằng thứ kem nền này dày, nặng và không dễ chịu chút nào. Những cô gái làm việc ngoài trang trại và các cánh đồng thì luôn dành dụm đồ trang điểm quý giá cho mấy buổi khiêu vũ đêm thứ bảy. Và cho dù có phải thức dậy vào sáng sớm mùa đông mà ra dọn chuồng lợn thì mặt mũi cũng phải xinh xắn, chỉn chu. “Ở thời buổi đấy thì méo mó có còn hơn không.” – Laura Clouting nói.

Phụ nữ may váy cưới bằng vải lấy từ rèm cửa, may váy đi tiệc bằng dù, thậm chí là may đồ lót bằng bản đồ lụa của Không lực Hoàng gia Anh. Giờ đây, họ lấn sân sang lĩnh vực đồ trang điểm.

wartime bride

Một cô dâu trong lễ cưới thời chiến, năm 1945. Nguồn ảnh: www.vintag.es

silk underwear

Bộ đồ lót của Nữ bá tước Mountbatten vốn được may từ tấm bản đồ mà người bạn trai làm nhiệm vụ trong Không lực Hoàng gia Anh trao cho bà. Nguồn ảnh: © IWM

Củ cải đường là loại son môi được yêu thích nhất và tương đối là an toàn – màu sắc tươi sáng thể hiện rõ ràng rằng các cô đã cố gắng lắm rồi. “Tất phun chân” màu nâu nước thịt hoặc màu trà lạnh, vẽ thêm một đường phía sau để giả làm đường may. Nhưng mascara làm từ xi đánh giày thì hơi liều mạng rồi. Mấy thứ “mỹ phẩm” bán ở chợ đen còn rùng rợn hơn. Từ phấn thoa mặt chì trắng cho đến thứ phấn nền làm từ thuốc giả kim có thành phần chính là bơ thực vật.

Kiểu tóc cũng đi song song với thời thế, ví dụ như kiểu tóc xoăn có tên “Vinh quang” chẳng hạn. Những cô gái đi làm việc nặng phải giữ tóc gọn gàng, nhưng mũ cũng nằm trong danh sách xa xỉ phẩm. Vậy là họ nghĩ ra một kiểu tóc mang ý nghĩa như lời tuyên bố đầy thách thức, trông sang chảnh hơn một chút và đồng thời cũng không lòa xòa trước mặt.

“Son môi – cho dù là của ta hay của bất cứ ai – không thể chiến thắng trong cuộc chiến này. Nhưng nó là biểu tượng để nhắc nhở về một trong những lý do mà chúng ta chiến đấu.” - một quảng cáo thời bấy giờ của hãng Tangee đã viết như thế.

Phụ nữ Anh ngày đó vẫn gợi cảm, cho dù họ không thể mua son môi. Họ đi cả quãng đường xa và sử dụng mọi thứ mỹ phẩm kiếm được để làm một thứ vũ khí tâm lý – cách để giữ lấy tiêu chuẩn và lòng tự tôn.

flower garden

Những phụ nữ làm việc trong quân đội đang vui đùa trong “khu vườn” trên bãi đất trước đó đã bị ném bom ở London, năm 1944. Nguồn ảnh: www.vintag.es

Họ có thể đã mất những đôi tất, nhà cửa, thậm chí mất đi người đàn ông của đời mình. Nhưng đến cả Hitler cũng phải trả giá nếu cướp đi ngoại hình của họ.

Theo: Telegraph
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.