• Về đầu trang
Răng Đen
Răng Đen

Sự thật tàn nhẫn đẫm nước mắt đằng sau bộ phim lãng mạn 'Tình Yêu Của Maudie'

Chị em

Tình Yêu Của Maudie là một tác phẩm tâm lý lãng mạn, giàu tính nhân văn phát hành vào năm 2016 với sự tham gia của hai diễn viên nổi tiếng: Sally Hawkins và Ethan Hawke.

Bộ phim là câu chuyện tình bình dị, chân chất và mộc mạc của người phụ nữ tật nguyền Maud Lewis và gã đàn ông khó tính Everett. Họ gặp gỡ lúc tuổi đã gần xế chiều, ở bên cạnh nhau để được chia sẻ niềm vui lẫn nỗi buồn, để được đồng cảm và thấu hiểu, cảm nhận tình yêu giữa cuộc đời khắc nghiệt. 

Câu chuyện của Maud đã khiến khán giả cảm động mà rơi lệ. Nhân vật nữ chính được xây dựng dựa trên hình mẫu có thật ở đời thực, đó là Maud Lewis đến từ Canada. Cuộc đời thực của Maud không đẹp đẽ, thơ mộng và ấm áp như phim mà sự thật là bà đã sống trong hoàn cảnh tệ hại với số phận khắc nghiệt, bị hành hạ bởi căn bệnh viêm khớp.

Maud Lewis

Maud Lewis sinh năm 1903 ở Nova Scotia, một thị trấn ven biển Canada. Ngay từ khi còn nhỏ bà đã bị hành hạ về thể xác khi các khớp ngón tay, cổ tay và chân đều bị sưng tấy. Cô bé Maud lớn lên với hình hài co quắp, hoạt động không được bình thường giống như bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy khi đến trường Maud bị mọi người bắt nạt, gọi là quái vật. Cô gái bé nhỏ vẫn im lặng cam chịu và tìm thấy niềm vui khi cùng mẹ vẽ những bức tranh ngộ nghĩnh bằng bột màu. 

Năm 1920, tai họa ập đến với Maud khi cả bố và mẹ của bà đều qua đời vì bệnh tật. Maud sống cùng anh trai một thời gian rồi sau đó chuyển sang sống cùng người dì. Trong thời điểm này, mọi người thường chế nhạo Maud là đồ phế vật. Bà vẫn lặng lẽ trước mọi lời trêu chọc, tồn tại như một bóng ma.

Thế rồi chàng trai hàng xóm Emery xuất hiện và khiến cuộc đời của Maud tươi đẹp hơn, bà đã có mối tình đầu, cảm nhận dư vị của tình yêu. Tuy nhiên, hạnh phúc vội qua mau khi Emery phũ phàng rời đi, cắt đứt mọi liên lạc với Maud khi biết tin bà đã mang thai đứa con của hắn. Maud vô cùng đau khổ, đứa con khi vừa mới sinh ra đã bị đem đi cho người khác nuôi. 

Mối tình đầu tan vỡ khiến Maud bị người dì kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn trong cuộc sống. Suốt ngày bà bị dì chì chiết, đay nghiến và dạy bảo mọi thứ từ bước đi đến cách ứng xử. Điều đó khiến Maud lâm vào trầm cảm, chán nản và bà đã tìm cách giải thoát khi đến tìm gặp Everett Lewis.

Maud và Everett bên ngôi nhà của họ.

Everett là chủ một cửa hàng cá địa phương, sống cách ly với xã hội trong ngôi nhà không có điện và nước máy sinh hoạt. Ông đăng tìm người giúp việc trông nom và dọn dẹp nhà cửa. Khi nhìn thấy tờ rơi kia, Maud đã đến gặp Everett và từ đây một cuộc đời bà đã bước sang một trang mới.

Một thời gian sau khi làm việc trong nhà của Everett, Maud đã lấy ông làm chồng. Hai người sống cùng nhau trong một ngôi nhà gỗ nhỏ. Nếu trong phim, Everett có tính tình cộc cằn và thô lỗ nhưng vẫn quan tâm và yêu thương Maud thì ngoài đời lại khác. Trong cuốn tiểu sử về Maud, tác giả có viết: "Everett là con người ích kỷ, vô nhân đạo". Nhiều người nói rằng Everett không hề yêu Maud, ông ta cưới bà làm vợ vì mối quan hệ này đem đến lợi nhuận từ việc bán tranh.

Khi sức khỏe của Maud dần suy yếu, bệnh viêm khớp ngày một trầm trọng nhưng bà vẫn phải làm việc nhà, vẽ tranh kiếm tiền. Lúc ban đầu sống chung với Everett, Maud không được tiếp xúc với cộng đồng, bà bị cô lập sống quanh quẩn trong ngôi nhà thiếu thốn về mặt vật chất. Bà thường xuyên bị chồng mắng chửi, nhục mạ.

Để tìm cách thoát khỏi tình cảnh khốn cùng, Maud đã vẽ tranh. Bà gom nhặt bột màu, chắt chiu những đồng tiền nhỏ để mua giấy và màu vẽ. Bà vẽ khắp mọi nơi, từ cánh cửa gỗ đến ô kính cửa sổ. Những minh họa với cỏ cây, hoa lá, động vật nô đùa trở nên giàu sức sống, rực rỡ qua bàn tay của Maud. Ngôi nhà u ám bỗng trở nên đẹp đẽ hơn, tràn ngập màu sắc qua những bức tranh của bà.

Thế rồi căn nhà nhỏ không còn diện tích để cho Maud vẽ, Everett đã nghĩ ra cách khi kiếm cho vợ những tấm ván gỗ nhỏ. Sau đó, họ biến chúng thành những tấm bưu thiếp nhỏ xinh và đem bán với giá 2 USD rồi nâng lên thành 5 USD một bức tranh.

Những bức họa của Maud ngay lập tức được yêu thích, nhiều người tìm đến hỏi mua và bà dần trở nên nổi tiếng. Tranh của bà trở thành mặt hàng nghệ thuật ăn khách, thậm chí Richard Nixon, lúc đó là Phó Tổng thống Mỹ đã đặt mua hai bức. Tin tức về Maud xuất hiện trên các ấn phẩm báo chí, được phóng viên truyền hình đến phỏng vấn đưa tin. Bà được công chúng mệnh danh là biểu tượng sự sống đẹp nhất của người phụ nữ, là hình mẫu truyền động lực cho nữ giới vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Những tưởng cuộc đời bà rồi sẽ hạnh phúc nhưng không, hiện thực vốn rất tàn khốc. Tranh của Maud được ưa chuộng và bán chạy nên Everett buộc vợ vẽ nhiều hơn để thu lợi nhuận. Điều này khiến bệnh viêm khớp càng trở nên trầm trọng, Maud phải tìm đến thuốc giảm đau để vẽ tranh, bà nỗ lực vẽ bằng cả hai tay. 

Vào cuối những năm 60, bà còn mắc thêm bệnh phổi vì ở căn nhà tồi tàn không có hệ thống thông gió. Dù kiếm ra tiền bạc từ việc vẽ tranh nhưng Everett vẫn không nâng cấp đời sống cho vợ mình mà ngày càng bóc lột sức lao động của Maud. Ngày 30/0/1970, Maud Lewis đã trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, kết thúc một cuộc đời đầy rẫy nỗi đau.

Sau ngày Maud qua đời, Everett đã bán đi tất cả những gì mà người vợ khốn khổ từng vẽ, chỉ còn lại ngôi nhà gỗ bé nhỏ với những hình vẽ đầy ắp màu sắc và kỷ niệm. Căn nhà sau này được trưng bày tại Bảo tàng nghệ thuật Nova Scotia, thu hút du khách đến chiêm ngưỡng, ngắm nhìn kỳ quan của một người phụ nữ tật nguyền có số phận bất hạnh. Vẻ đẹp của ngôi nhà chính là sự minh chứng cho sức sống mãnh liệt, luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh của Maud. 

Bà đã gửi tiếng nói, tấm lòng và ý chí sống mạnh mẽ của mình qua mỗi bức tranh. Câu chuyện đời Maud Lewis man mác nỗi buồn với thế giới sống đầy tăm tối nhưng tranh của bà thì không như vậy. Những hình vẽ đơn giản với chất liệu thô sơ là một quá trình kiên cường vượt qua đau đớn về thể xác và tinh thần. Nó lan tỏa sự lạc quan, niềm tin và hy vọng mới, truyền cảm hứng cho phụ nữ trải qua mọi khó khăn và dũng cảm theo đuổi ước mơ. 

Những bức tranh của danh họa Maud Lewis:

Đọc thêm: Truyền thuyết ghê rợn về nàng Saint Barbara - hình mẫu đời thực của 'công chúa tóc mây' Rapunzel

Theo: ThoughtCo
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.