• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Charles James – Ông hoàng Haute Couture và mối tình si với những chiếc đầm lộng lẫy

Thời trang

Charles James có một nguồn sáng tạo và tình yêu vô tận dành cho thời trang. Ông còn nổi tiếng là người kỹ tính, tỉ mỉ và theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Nhưng vì cớ gì mà Charles James không thể xây dựng cho mình một đế chế hùng mạnh, một thương hiệu xa xỉ tầm cỡ như Yves Saint Laurent hay Christian Dior?  

Charles James những năm cuối đời

Charles James là ai?

Charles James sinh năm 1906 trong một gia đình có bố là sĩ quan kiêm giảng viên Học viện Quân đội Hoàng gia Anh, còn mẹ là tiểu thư của một gia đình giàu có ở Chicago. Ông sinh ra và lớn lên ở Anh, sau đó chuyển về quê ngoại sinh sống.

Một người bạn của mẹ Charles James nhận thấy ông rất giỏi Toán học nên đã tuyển James vào bộ phận kiến trúc của công ty. Sau một thời gian ngắn, Charles James nghỉ việc và quyết định chuyển sang công việc may mũ nón.

Chicago không phải là thành phố đưa giấc mộng bay thật xa. Vậy là chàng thanh niên 22 tuổi Charles James đã một mình cầm 70 xu đến New York lập nghiệp. Cửa hàng may mũ đầu tiên của Charles James nằm trên một gara để xe. Nhưng chẳng bao lâu sau, những vị khách đã thấy ông rẽ sang làm thời trang và đây mới là con đường phát huy hết tinh hoa của James.

Nhân vật Reynolds Woodcock trong bộ phim Phantom Thread được lấy cảm hứng từ Charles James

Charles James – Ông hoàng của Haute Couture  

Trong suốt những năm tháng đỉnh cao thập niên 1940 và 1950, khách hàng quen thuộc của Charles James thường là những phu nhân giàu có hoặc diễn viên nổi tiếng. Ai cũng mong được khoác lên người chiếc váy bồng bềnh và yểu điệu như nàng công chúa bước ra từ chuyện cổ tích do đích thân James thiết kế.

Dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của Charles James, những chiếc váy không chỉ gây sốt tại thời điểm nó ra mắt, mà còn là nguồn cảm hứng và học hỏi của nhiều nhà thiết kế trẻ, đặc biệt là những mẫu váy cưới hoặc đầm dự tiệc.

Nói như Christian Dior, mỗi chiếc đầm của Charles James đẹp tựa như một bài thơ. “Bài thơ” trứ danh nhất trong sự nghiệp của Charles James phải kể đến Tứ Diệp Thảo. Chiếc váy được may khéo léo, xòe ra bốn phía trông như một chiếc cỏ bốn lá, tạo cảm giác uyển chuyển trong từng bước đi.

Những “bài thơ” trữ tình khác có thể kể đến như váy Bươm Bướm với phần thân như chiếc tổ kén, còn đuôi váy phồng giống cánh bướm dập dềnh, hoặc váy Thiên Nga với nhiều lớp uốn lượn trông như một con thiên nga kiêu hãnh ngự trên mặt nước.

Chiếc đầm Tứ Diệp Thảo

Charles James quả thực là ông hoàng của những chiếc đầm cầu kỳ nhiều lớp vải. Nhưng nếu bạn chỉ cho James một lượng vải nhất định và không cho phép ông đòi hỏi thêm, ông vẫn có khả năng tạo ra những thiết kế đẹp đến nao lòng.

Điển hình là chiếc váy La Sirène, hay còn gọi là váy con tôm, nổi bật với nếp gấp được may khéo léo, nhấn eo và tôn lên vòng ba gợi cảm. Một số thiết kế “kiệm vải” thanh lịch và tinh tế khác như đầm taxi, váy phom số 8, váy xếp nếp, váy boxy (hay váy búp bê sau này),...

Charles James còn là “ông tổ” của áo phao. Năm 1937, Charles James tung ra mẫu áo jacket nhồi lông vịt và đây chính là phiên bản đầu tiên của áo phao phổ biến sau này. Chiếc áo jacket của James đẹp đến nỗi họa sĩ nổi loạn Salvado Dalí cũng phải ca ngợi đó là tác phẩm điêu khắc đầu tiên mềm mại và êm đềm đến thế. Hiện nay, áo jacket kinh điển của Charles James được trưng bày tại bảo tàng Victoria and Albert ở London.

Chiếc váy La Sirène

Chàng nghệ sĩ cuồng si những chiếc đầm của mình

Charles James luôn tự coi mình là nghệ sĩ của giới mộ điệu thời trang. Có người công nhận điều đó, có người thấy ông giống như kỹ sư. Bởi lẽ James rất tỉ mỉ và cẩn thận từng li từng tí trong mỗi đường cắt may, cách chọn vải, chiết eo, tạo độ phồng cho váy, kết hợp màu sắc.

Quả thực đâu phải ai cũng như James, sẵn sàng chi hàng chục nghìn đô chỉ để quan sát và sở hữu một chiếc tay áo đúng ý mình. Những người đi theo James còn bảo ông không chỉ sử dụng các dụng cụ may đo quần áo mà còn dùng luôn cả compa, ê-ke như một cậu học trò giỏi Toán si mê quần là áo lụa vậy. James dồn tâm huyết cho từng chiếc váy, rất để ý đến cảm nhận của người mặc để điều chỉnh khung váy, các lớp vải, chú trọng cảm giác thoải mái trong từng chuyển động.

Chính vì Charles James luôn tự coi mình là chàng nghệ sĩ nên tình cảm của ông dành cho mỗi “bài thơ” cũng rất dạt dào. Không có ai hiểu “thơ” hơn ông và cũng không có ai yêu nó hơn ông. Tình cảm to lớn của Charles James biến ông trở thành kẻ khét tiếng chuyên giao hàng chậm trễ cho các khách hàng. Ông chẳng ngại gì mà ép những vị khách phải trả gấp đôi, gấp ba số tiền cho một chiếc đầm cực kỳ tốn kém, rồi cũng chính ông là người sẵn sàng trả một cái giá cao hơn nữa chỉ để mua lại chiếc váy của mình.

Cực đoan hơn, chỉ những lúc nào túng thiếu quá, James mới buộc phải đồng ý cho khách hàng thuê đứa con tinh thần của mình rồi cứ giục người ta mau mau trả con mình về. Có người còn kể lại rất nhiều lần Charles James ôm váy của mình và khiêu vũ suốt đêm trong căn hộ. Tình yêu của James quả thực khiến người ta thông cảm thì ít, sợ hãi thì nhiều.

Charles James luôn tự mình chỉnh sửa trang phục

Cái chất nghệ sĩ “điên điên khùng khùng” của Charles James cuối cùng cũng đẩy ông vào tình cảnh bi đát. Không còn ai chào đón James. Không còn ai muốn mặc những chiếc váy đắt đỏ kiều diễm của James. Để đến cuối cùng, Charles James qua đời trong cô độc và không một xu dính túi.

Cristóbal Balenciaga từng khẳng định Charles James là nhà tạo mẫu duy nhất đưa công việc thợ may thành nghệ thuật thuần khiết và ông là nhà mốt Haute Couture vĩ đại nhất không chỉ ở phạm vi nước Mỹ mà còn toàn thế giới.

Nhiều năm trôi qua, người ta có thể đã lãng quên James, không biết đến James, nhưng ông vẫn mãi là một tượng đài của thế giới thời trang. Di sản của ông vẫn còn được trưng bày trong các bảo tàng và hiện diện như nguồn cảm hứng bất tận của thế hệ về sau.

Một số thiết kế tiêu biểu của Charles James

Váy Tứ Diệp Thảo

Váy Thiên Nga

Váy Bươm Bướm

Váy Mộc

Váy Taxi

Váy phom số 8

Áo jacket lông vịt

Đọc thêm bài: Edith Head - 'bà tiên' của Audrey Hepburn, Grace Kelly và các minh tinh Hollywood đã sống cuộc đời huyền thoại ra sao?

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.