• Về đầu trang
Lost Bird
Lost Bird

Cổ Long - Người trong giang hồ

Voices

Thơ có Lý - Đỗ, truyện có Cổ - Kim. Kim Dung và Cổ Long giống như trời đất âm dương, chung tay dựng nên một giang hồ kỳ vĩ, của những người yêu giang hồ.

Chân dung nhà văn Cổ Long

Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh - những tượng đài tác giả võ hiệp Trung Hoa

Không giống như Kim Dung viết giang hồ trong tưởng tượng, Cổ Long là chân chính thân trong giang hồ viết về giang hồ. Kim Dung viết hiệp khách, viết anh hùng, còn Cổ Long viết lãng tử giang hồ bất cần đời bất cần tiếng. "Uống rượu mạnh nhất, chơi dao sắc nhất."

Cổ Long từ nhỏ lăn lộn xã hội, gia nhập hắc bang, hút thuốc uống rượu, đánh đấm chém giết, gia đình phức tạp, hai vợ, nhiều con, người tình đếm không hết.

Người trong giang hồ, thân bất do kỷ - Thư pháp Cổ Long

"Người trong giang hồ, thân bất do kỷ" hầu như đã trở thành câu cửa miệng của người Trung Quốc. Nhân vật của Cổ Long đều là "người trong giang hồ". Nơi nào có người, chính là giang hồ. Từ thời khắc ông đặt bút miêu tả giang hồ đã không nghĩ tới chuyện quay đầu. Cũng như trong truyện, lãng tử không hề quay đầu, cuồng vọng ngửa mặt lên trời cười sảng khoái, không chịu gò bó, tiếp tục lang thang. Đây là bệnh không thể nào chữa khỏi. Bệnh có tên tịch mịch, chỉ có thể dùng một vị thuốc từ từ điều trị: Thuốc gọi giang hồ.

Vì vậy, ông tay trái nâng chén, tay phải múa bút. Uống một bầu rượu, viết một giang hồ. Ông làm cho giang hồ khóc, giang hồ cũng vì ông mà khóc, bởi ông đi rồi, giang hồ trở nên hoang vu.

Mộ Cổ Long

Mọi người gọi ông là "lãng tử", nhưng tôi chỉ muốn tôn vinh ông hai tiếng "thiên tài".

Cổ Long đa tình, Cổ Long phong lưu, Cổ Long làm khổ phụ nữ, và Cổ Long trọng tình anh em. Đối với ông, bạn bè là tất cả cây hoa hồng trên thế giới, thơm ngát và xinh đẹp, không gì có thể thay thế được. Cho nên Lý Tầm Hoan có A Phi, Sở Lưu Hương có Hồ Thiết Hoa, Lục Tiểu Phụng có Hoa Mãn Lâu... Không trải qua tình bạn đậm sâu, sẽ không thể viết nên những mối sinh tử chi giao khiến người người rung động này.

Cổ Long và Nghê Khuông - đôi bạn tri kỷ

Ông trọng nghĩa khinh tài. Bạn có việc gấp mượn tiền, ông lập tức đưa ngay cho bạn xấp bản thảo, "đem đến nhà xuất bản mượn trước hai mươi vạn đi". Ông quý Nghê Khuông, xem như tri kỷ, đến mức thề thốt: "Nếu có người cầm đao truy sát cậu, có thể ngăn trước người cậu, chỉ có Cổ Long."

48 tuổi, Cổ Long qua đời. Bạn bè mang 48 bình rượu chôn cùng quan tài, để lại lời phúng điếu bi thương: "Tiểu Lý Phi Đao thành thất truyền, nhân thế hết gặp Sở Lưu Hương."

Cổ Long chụp chung với Lâm Thanh Hà và Trịnh Thiếu Thu

Kim Dung nhận xét về Cổ Long: "Tiểu thuyết của Cổ Long không có bối cảnh lịch sử chính xác. Cậu ấy sử dụng phương pháp Âu hóa cùng suy nghĩ của người hiện đại để diễn tả một thế giới võ hiệp thật khác. Tiểu thuyết Cổ Long có chiều sâu, phạm vi tương đối rộng, ý tưởng vô cùng mới."

Ôn Thụy An khẳng định: "Địa vị của Kim Dung và Cổ Long, tuyệt đối là song song."

Một nụ cười - Thư pháp Cổ Long

Một số câu kinh điển trong tiểu thuyết Cổ Long:

Người trong giang hồ, thân bất do kỷ.

Trong tay không có kiếm, trong lòng có kiếm. Người là kiếm, kiếm cũng là người.

Nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất.

Nữ nhân không ăn cơm trên đời có mấy người, nhưng nữ nhân không ghen e rằng không có một ai.

Chỉ có ánh mặt trời là công bằng nhất. Cho dù bạn có sắp chết hay không, cũng đều chiếu rọi người bạn, để cho bạn cảm nhận sự tươi sáng, ấm áp.

Một người nam như ta, gặp được một người nữ như nàng, nếu ngay cả tên cũng không hỏi, để cho nàng đi rồi, há chẳng phải có lỗi với bản thân, cũng có lỗi với nàng hay sao?

Nếu bạn cho rằng rượu chỉ là một loại chất lỏng khiến người trầm mê, vậy bạn sai rồi. Rượu là một loại vỏ bọc, giống như vỏ trên lưng ốc sên, có thể cho bạn trốn vào. Như vậy, cho dù người khác có đạp sau lưng, bạn cũng không nhìn thấy.

  • Thiên nhai xa không?
  • Không xa.
  • Người ở thiên nhai sao biết thiên nhai không xa?

Một người đến lúc cùng đường, bỗng phát hiện mình còn có bằng hữu. Loại cảm giác này không gì có thể thay thế, kể cả tình yêu.

Nguồn bài: 360doc

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.