• Về đầu trang
Chim Lang Thang
Chim Lang Thang

Lịch sử 'tiến hóa' của nụ cười: Tại sao là con gái thì phải cười?

Chị em

Rõ ràng trong văn hóa ngày nay, nụ cười của phụ nữ hiếm khi được xem là một nụ cười đơn thuần theo đúng nghĩa đen. Thay vào đó là muôn vàn ẩn ý như vâng lời, hợp tác hoặc có khi là giận dữ ngầm hay những cảm xúc "có vấn đề" khác.

"Nàng cười, và tôi biết tôi gặp rắc rối rồi."

Thật ra không phải lúc nào người ta cũng mong chờ nụ cười ở phái nữ - thực tế từ xa xưa, một người phụ nữ cười đã bị xem là tội lỗi. Đến thế kỉ 20 tại Mỹ, nụ cười của phái nữ mới được xếp vào thước đo chuẩn mực cho sự ngoan ngoãn.

Vậy làm thế nào mà ý nghĩa trong nụ cười lại thay đổi đến vậy? Và vì sao ngày nay phần lớn phái mạnh lại nghĩ rằng họ có đặc quyền yêu cầu một người phụ nữ phải cười ngay cả khi đang buồn chỉ vì họ cười trông xinh hơn? Cùng Lost Bird khám phá nha.

Khi một người phụ nữ cười bị xem là nguy hiểm và đáng phỉ báng

Không phải lúc nào xã hội văn minh phương Tây cũng thích nụ cười của một người phụ nữ. Trong thực tế, tư tưởng "nụ cười nàng đẹp như đóa hồng, tỏa sáng như triệu vì sao" chỉ mới xuất hiện gần đây thôi.

"Đường cong đẹp nhất trên cơ thể người phụ nữ là nụ cười" - Bob Marley

Những ngày xa xưa, nụ cười của họ bị xem là dấu hiệu khả nghi và tội lỗi (kiểu như nếu bạn vừa đọc tin nhắn vừa cười thì ai cũng nghĩ bạn có người yêu). Thời Trung cổ, nụ cười lớn bị xem là nguy hiểm và hạ thấp giá trị người phụ nữ, cũng đồng nghĩa với việc họ đang mở cửa cho những điều tội lỗi. Một cuốn sách Đức thế kỉ 13 đã ghi rằng "Tại sao người phụ nữ, khi chào người đàn ông lại cười với anh ta bằng đôi mắt đong đưa của ả?"

Trong thời kì này, được phép cười đường hoàng ở nơi công cộng là những người nổi tiếng về sự trong sạch và tinh khiết của bản thân, ví dụ dễ thấy trong tranh vẽ Đức mẹ đồng trinh Mary mỉm cười với chúa Jesus.

Một bức tranh về Đức mẹ từ thế kỉ 16. Nguồn: Wiki

Nhưng thái độ khinh miệt không đến từ sự quyến rũ về mặt tình dục của nụ cười mà vì một tư tưởng trọng nam khinh nữ vô lý rằng "Đàn ông chỉ có một kiểu cười, phụ nữ thì có hàng ngàn", được viết bởi nhà văn Pháp Ernest Legouvé vào đầu thế kỉ 19, nó hằn sâu trong tư tưởng loài người đến hàng thế kỉ.

Định kiến của phái mạnh về nụ cười người phụ nữ trong thời kì này được thể hiện rõ qua việc bức họa The Mona Lisa của Da Vinci đã bị chỉ trích gay gắt vào thời điểm đó.

Nụ cười của Mona Lisa Nguồn: Wiki

Một nhà phê bình nghệ thuật đã viết rằng "nụ cười đó rất quyến rũ, nhưng là sự quyến rũ đầy phản bội của một tâm hồn bệnh hoạn tật nguyền". Và vì nụ cười mỉm bị xem như là lả lơi công khai, dối lừa, khêu gợi, tìm kiếm quyền lực một cách tham lam, Mona Lisa đã vinh dự "được" gán cho tất cả những tội danh trên và bị cho là hèn kém.

Cuối cùng, phụ nữ giàu có cũng được quyền cười - dù vẫn bị chỉ trích như thường

Việc phụ nữ cười bắt đầu được chấp nhận từ cuối thế kỉ 18 trở đi, các bức họa dần dần miêu tả hình ảnh những người phụ nữ đang nhẹ nhàng cười mỉm. Nhưng nữ họa sĩ Élisabeth Louise Vigée Lebrun đã thực sự làm nên bước ngoặt đáng nhớ khi nàng ra mắt bức chân dung tự họa với nụ cười hé mở những chiếc răng năm 1787.

Chân dung tự họa của Élisabeth Louise Vigée Lebrun Nguồn: Wiki

Nụ cười khoe răng của Lebrun trông khá bình thường so với chúng ta ngày nay, nhưng nó thu hút một sự "lên án cấp độ toàn cầu" tại thời điểm ra mắt.

Và dù có những bước tiến, nụ cười của người phụ nữ vẫn tiếp tục là chủ đề gây sốc; một trong những thước phim đầu tiên được chiếu trên truyền hình mang tên Nụ hôn (The Kiss) năm 1896 đã gây nên một vụ chấn động vì có hình ảnh người phụ nữ đang cười khi hôn người tình của mình. Hành động hôn và cười cợt trong thước phim bị xem là khiêu dâm và đầy tội lỗi.

Nụ cười bao hàm cả sự phân biệt chủng tộc

Người da trắng cho rằng mình có quyền yêu cầu cũng như ra lệnh đối với nụ cười của người da màu. Đôi khi họ vịn lấy đó làm cái cớ cho sự áp bức trắng trợn và tàn bạo của mình, những người nô lệ da màu luôn vui vẻ và tươi cười, đặc biệt là phụ nữ da màu thế nên chẳng có gì phải thấy cắn rứt lương tâm cả.

Nhờ quảng cáo mà nụ cười lên ngôi

Hình ảnh nụ cười trở nên phổ biến hơn với cả nam và nữ từ thế kỉ 20 trở đi một phần nhờ vào những chiến dịch quảng cáo.

Văn hóa quảng cáo bắt đầu tinh vi hơn, một nụ cười ăn ảnh là "hàng tặng kèm" để nhắm vào thông điệp vui tươi của sản phẩm. Poster Cô gái Kodak (The Kodak girl) với cô gái cầm máy ảnh đang cười là một trong những bức poster tiên phong cho thấy đầu thế kỉ 20, sự độc lập của người phụ nữ là một xu hướng. Biến thể của bức ảnh cũng giúp các công ty bán được nhiều loại sản phẩm khác trong hàng thập kỉ.

Poster "Cô gái Kodak" Nguồn: Wiki

Từ cuối thế kỉ 19, quảng cáo có hình ảnh người phụ nữ cười được sử dụng trên mọi "mặt trận" từ xà bông, máy ảnh cho đến chính trị. Và vào những năm 1950, hình ảnh của các sản phẩm nội địa cùng nụ cười đã trở nên gắn bó trong tâm trí người tiêu dùng - lúc này, thay vì bị so sánh như một sự lệch lạc, nụ cười được nghĩ đến như biểu tượng an toàn, hạnh phúc, khép nép và gương mẫu của chủ nghĩa tư bản.

Phụ nữ được dạy cách cười từ bé - vì nụ cười mang ý nghĩa "tôi không tức giận"

Đến ngày nay, văn hóa của chúng ta vẫn dạy các bé gái học cười từ bé, cũng như giữ trật tự, gọn gàng và chỉ nói khi được hỏi. Hẳn bạn chẳng xa lạ gì với câu nói "con gái con đứa gì mà..." được thốt lên bởi bố mẹ, bà con, họ hàng,...mỗi khi bạn "khác đi" so với hình ảnh một bé gái ngoan ngoãn đúng không?

Mỉm cười không đơn thuần biểu hiện sự thân thiện và dễ chịu nữa mà trở thành một thái độ cần phải có của phụ nữ.

"Nụ cười của nàng như một tấm giáp, và mỗi ngày là một cuộc chiến" - r.h.Sin

Nếu không mỉm cười, họ có thể bị xem là khó chịu. Trong một cuộc phỏng vấn với những phụ nữ từ 27 đến 35 tuổi, hầu hết đều phải chịu đựng thái độ này. Một nhân vật được phỏng vấn kể lại rằng: "Có lần khi bước chân lên xe buýt, một người đàn ông trung niên nhìn tôi và nói "Cười lên đi em". Nhưng điều làm tôi khó chịu là khi tôi tỏ ra phản ứng với câu nói đó, hắn trông như rất tự mãn và hài lòng vì đoán trúng tim đen tôi vậy, cách tôi phản ứng chính xác là những gì hắn muốn. Dù sao tôi vẫn nói với hắn rắng: "Thật thô lỗ khi bảo người khác phải cười" và chửi thề một tiếng".

Nhiều trường hợp, phụ nữ bị phân biệt đối xử khi không chịu cười, ngay cả khi họ đang bối rối hoặc buồn bã.

Khi nụ cười trở thành chức năng xã hội

Trong công việc, phụ nữ phải cười để tỏ ra mình dễ chịu và mềm mỏng, dẫn đến một thành kiến giới tính rằng những cô gái quyết đoán bị xem là mối đe dọa, ngược lại đàn ông quyết đoán thì được coi là có tài lãnh đạo; phụ nữ nổi nóng bị xem là thiếu tinh tế, bốc đồng, khó hòa hợp với xung quanh, còn một người đàn ông tức giận được xem là bình thường.

"Nàng thủ sẵn những nụ cười như một cây súng đã lên nòng" - Atticus

Ở Tây Phương, nụ cười được gắn mác là "nữ tính", nếu một cô gái nào đó có gương mặt lạnh lùng, ít cười sẽ bị xem là không quyến rũ, thậm chí là kẻ khó chịu. Đồng thời, những ngành nghề mà phụ nữ thường giữ vai trò chính lại càng yêu cầu nụ cười trên môi như y tá, dạy học, thư ký... Bỗng nhiên, nụ cười trở thành một áp lực và định kiến giới tính trong xã hội hiện đại. Nụ cười vừa là một lợi thế khổng lồ, cũng vừa là một gánh nặng tâm lý đối với họ.

"Nàng có thể lấy được mọi thứ nàng muốn trên đời chỉ với một nụ cười" - r.m.drake

Sự "tiến hóa" của nụ cười thật kinh khủng phải không? Tưởng chừng chỉ là một phản xạ bình thường của cơ thể khi vui bỗng nhiên lại là một đại diện cho sự phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc trong lịch sử loài người.

Bạn cảm nhận về vấn đề này như thế nào? Cùng chia sẻ với Lạc nha. Còn với Lạc thì nụ cười của một cô gái lúc nào cũng thật đẹp, nhưng để hiểu được cổ thì phải cần thêm chút tinh tế nữa cơ. 

Theo: bustle
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.