• Về đầu trang
Sheepo
Sheepo

Lịch sử điện ảnh từng có nhiều bộ phim khiến khán giả bỏ chạy khỏi rạp, ói mửa, xây xẩm, kể cả... sảy thai

Kinh dị

The Perfection

The Perfection là một bộ phim của Netflix kể về tình bạn giữa nghệ sĩ cello tài năng đã giải nghệ Charlotte (Allison Williams) và thần đồng âm nhạc Lizzie (Logan Browning). Trong cảnh hai người đi về một miền quê ở Trung Quốc, Lizzie bị ốm và nôn mửa khắp xe buýt, kinh dị hơn là nhìn thấy những con giòi bò lúc nhúc trong bãi nôn. Từ đó, những thứ không tưởng chui ra khỏi cơ thể cô ngày càng trở nên gớm ghiếc.

Trên Twitter, những ai từng xem qua phim đã đưa ra lời cảnh báo cho mọi người về mức độ kinh tởm của The Perfection. Vài người thậm chí tuyên bố ngã bệnh sau khi xem nó. Một người dùng cho biết: "Tôi hiếm khi nôn mửa lắm nhưng thánh thần ơi, phim The Perfection đang khiến tôi phát nôn đây này.".

Irréversible

Hãy nghĩ đến một ai đó đang cố tình làm bạn hoảng loạn bằng âm thanh, nó sẽ khủng khiếp nhiều hơn bạn tưởng. Trong bộ phim khắc họa bối cảnh hiếp dâm, trả thù bạo lực Irréversible (2002), đạo diễn Gaspar Noé đã sử dụng tần số bass 27 hertz trong 30 phút đầu tiên của bộ phim. Tần số này không thể nghe được bằng tai người, nhưng có khả năng gây ra sự hoảng loạn, lo lắng, buồn bã cực độ và tim đập nhanh.

Một số khán giả đã rời khỏi rạp sau nửa giờ đầu Irréversible trình chiếu vì cảm thấy mệt mỏi và mất phương hướng. Điều thú vị là có khá nhiều cảnh trong phim dù không có sóng hạ âm nhưng vẫn có thể khiến khán giả đuối sức, chẳng hạn cảnh hiếp dâm nổi tiếng kéo dài tận 9 phút.

127 Hours

127 Hours (2010) của đạo diễn Daniel Boyle là phim dựa trên câu chuyện có thật của Aron Ralston (James Franco), một nhà leo núi không may bị mắc kẹt trong hẻm núi ở Utah và thực sự đối mặt với vấn đề sinh tồn. Ralston chỉ có một lựa chọn duy nhất để thoát khỏi đó: cắt bỏ cánh tay phải của mình bằng con dao bỏ túi.

Theo báo cáo, nhiều khán giả đã nôn mửa, ngất xỉu, lên cơn co giật và tấn công trong hoảng loạn khắp các rạp chiếu trên thế giới khi bộ phim được công chiếu. John Foote, người viết ra cảnh quay cắt cụt tay chia sẻ: "Trong thời gian dài tôi đã không nhìn thấy kiểu phản ứng như thế này đối với một bộ phim, có lẽ kể từ khi The Exorcist khiến khán giả chạy gấp ra khỏi cửa rạp."

The Passion of the Christ

Miêu tả gây tranh cãi của đạo diễn Mel Gibson về 12 giờ cuối đời của Chúa Jesus, bao gồm cả việc khắc họa cảnh đóng đinh tàn bạo, đã buộc nhiều người xem phim chạy ra khỏi rạp. Năm 2004, nhà phê bình phim Roger Ebert phát biểu:

Bộ phim kéo dài 126 phút và tôi đoán rằng ít nhất trong 100 phút, hoặc có thể nhiều hơn, được chăm chút và mô tả kĩ lưỡng các chi tiết về sự tra tấn và cái chết của Jesus. Đây là bộ phim bạo lực nhất mà tôi từng xem.

Phim thậm chí gây ra cái chết cho một phụ nữ ở Kansas, nguyên nhân là do cơn đau tim trầm trọng sau khi người này xem phân cảnh đóng đinh. "Đó là phần đỉnh điểm cảm xúc của bộ phim", phát ngôn viên của KAKE-TV ở Wichita đưa tin. Theo báo cáo, người phụ nữ thời điểm đó không có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe.

The Exorcist

Khi bộ phim chuyển thể The Exorcist của đạo diễn William Friedkin ra mắt trên màn ảnh rộng năm 1973, nó ngay lập tức trở thành hiện tượng văn hóa và là thứ đáng để xem. Chủ đề quỷ nhập nhanh chóng gây tò mò cho cả khán giả Mỹ lẫn quốc tế. Ở New York, khán giả mua vé phải đứng xếp thành một hàng dài bao quanh tòa nhà.

Tuy nhiên, nhiều người xem phim đã không chuẩn bị tinh thần trước khi đến rạp. Tại một buổi công chiếu ở New York, một số người phải chạy ra khỏi rạp trong sự kích động mạnh, còn những người khác thì bị ngất hoặc nôn mửa.

Từ đó, tin tức lan truyền khắp thế giới rằng bộ phim đang có sức ảnh hưởng, tàn phá cực mạnh đối với khán giả. Vào thời điểm The Exorcist mở cửa ở Anh, các rạp còn chuẩn bị cả cáng và xe cứu thương chờ bên ngoài phòng trường hợp cần thiết.

The Blair Witch Project

The Blair Witch Project (1999) thu về 240 triệu USD đáng kinh ngạc tại phòng vé trong khi ngân sách chỉ vỏn vẹn 22.000 USD. Nhưng không may, một số khán giả đã ngã bệnh kể từ khi xem phim, không phải vì cảnh máu me mà là vì phong cách phim tài liệu giả tưởng found footage (các đoạn phim được tìm thấy từ người đã mất, hoặc nhân vật chính là người cầm máy quay).

Ba diễn viên trong phim đã sử dụng một máy quay cầm tay để quay toàn bộ bộ phim. Hầu hết các cảnh quay đều bị rung lắc, đôi khi các diễn viên chạy với máy quay chĩa xuống đất. Ngoài ra, rất nhiều cảnh đã bị mất nét.

Cách xem và cảm nhận về The Blair Witch Project khiến nhiều khán giả choáng váng như bị say xe. Theo báo cáo, vài người đã nôn mửa ở lối đi. Mọi thứ trở nên tồi tệ tại rạp phim AMC Colonial đến nỗi giám đốc điều hành phải đăng cảnh báo. Có ít nhất một khán giả nôn mửa ở mỗi suất chiếu.

Cuối tuần qua chúng tôi đã đưa ra một biển cảnh báo rằng hiệu ứng máy quay cầm tay có thể gây hoa mắt chóng mặt, và nếu bạn dễ bị say tàu xe thì nên cân nhắc về lựa chọn xem phim của mình.

Reservoir Dogs

Có lẽ giờ đây chúng ta đã quá quen với bạo lực cực độ của đạo diễn Quentin Tarantino nên cảnh cắt cụt tai trong Reservoir Dogs sẽ không gây sốc cho lắm. Nhưng quay trở lại năm 1992, khi chúng ta chưa biết nhiều đến Tarantino, thì cảnh Mr. Blonde (Michael Madsen) nhảy nhót trong khi tra tấn viên cảnh sát trẻ với nền nhạc Stuck in the Middle With You đã là quá sức chịu đựng với nhiều khán giả.

Theo ghi nhận, một số nhà phân phối đã do dự để chịu trách nhiệm phát hành bộ phim này. Cảnh phim thậm chí khiến nhiều người phải rời khỏi rạp.

Và đây thật sự là một điều hoàn toàn gây sốc: Wes Craven, người đứng sau các thương hiệu kinh dị như Scream Nightmare on Elm Street (và cả Last House on the Left, một trong những bộ phim gây xôn xao nhất mọi thời đại) cũng không thể chịu nổi Reservoir Dogs. Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, nhà biên kịch-đạo diễn nổi tiếng thừa nhận:

Tôi có một thời gian khó khăn vì bị tra tấn. Ý tôi là, tôi đã bước ra khỏi phòng chiếu Reservoir Dogs! Tôi xem nó tại một liên hoan phim, và khi ra ngoài sảnh, có một người từ đâu xuất hiện, "Ngài là Wes Craven phải không?". Tôi nói đúng rồi, và người này hỏi tiếp: "Ngài ra ngoài vì không thể chịu nổi sao?" Tôi nói phải, và cậu ấy bảo: "Vậy là tôi đã dọa được Wes Craven rồi!".

Đó chính là Quentin Tarantino và thời điểm đó tôi không biết cậu ta là ai. Nhưng tôi không thích xem người khác bị tra tấn chút nào.

Raw

Raw (2016), bộ phim của Pháp kể về quá trình một người ăn chay chuyển sang yêu thích món thịt người, đã mang về giải thưởng FIPRESCI tại Liên hoan phim Cannes vào mùa xuân năm 2016. Giải thưởng này tạo ra tiếng vang lớn khiến nhiều người hâm mộ dòng phim kinh dị đua nhau ra rạp.

Nó được chiếu suất nửa đêm ở Toronto vào tháng 9 năm 2016, nhưng lại quá sức chịu đựng đối với khán giả. Thậm chí nhân viên y tế đã được điều động để hỗ trợ một số người bất tỉnh vì những cảnh ăn thịt người trong phim.

Bạn nghĩ mình có thể "nuốt" nổi Raw? Hãy suy nghĩ lại. Shelagh Rowan-Legg, biên tập viên trang đánh giá phim Screen Arnachy, đã viết về bộ phim như sau:

Người hâm mộ dòng phim kinh dị có thể nghĩ rằng bản thân họ (cũng như tôi đây) đã quá chai sạn với thể loại bạo lực máu me. Nhưng bộ phim đã mang lại hiệu ứng đáng kinh ngạc, như cảnh xé thịt người, cắn, máu me khiến tôi phải thường xuyên che mắt, giá mà tôi có thể che luôn đôi tai của mình. Nhóm hiệu ứng âm thanh xứng đáng được công nhận.

Freaks

Đạo diễn Tod Browning đã chọn nhiều diễn viên xiếc thực sự bị dị tật như cặp song sinh dính liền, không có tay chân, người phụ nữ có râu... cho bộ phim kinh dị Freaks năm 1932 của ông. Bộ phim có vẻ quá kì dị đối với một số khán giả. Vài người không thể chịu được khi xem phim nên phải rời khỏi rạp.

Một phụ nữ mang thai sau khi xem xong bản gốc của Freaks đã kiện hãng phim MGM, tuyên bố bộ phim khiến cô sảy thai. Studio buộc phải cắt một số cảnh phim, kết quả là thời lượng phim chỉ còn 60 phút. Phim của Browning chịu sự chỉ trích tiêu cực từ báo chí và bị cấm ở một số nước, khiến sự nghiệp của đạo diễn này cũng bị hủy hoại theo. Nhưng Freaks kể từ đó đã trở thành một cú hit với người hâm mộ dòng điện ảnh "phản văn hóa" (counter-culture: thể hiện các giá trị và chuẩn mực hành vi khác biệt so với xã hội).

Antichrist

Đạo diễn người Đan Mạch Lars Von Trier vốn có lịch sử làm phim vì những lý do khác ngoài giải trí. Trong buổi chiếu thử nghiệm phim kinh dị Antichrist năm 2009 tại Liên hoan phim Cannes, bốn người đã ngất xỉu. Bộ phim có sự góp mặt của diễn viên Willem Dafoe và Charlotte Gainsbourg trong vai đôi vợ chồng đau khổ vì con trai họ rơi ra khỏi cửa sổ trong lúc hai người đang quan hệ tình dục.

Mọi người gọi đây là bộ phim "khiêu dâm tra tấn". Nó bị cấm ở Pháp sau khi một nhóm Công Giáo tiến hành biểu tình. Một trong những cảnh khủng khiếp hơn trong phim là khi người vợ cắt bỏ âm vật của chính mình bằng một chiếc kéo rỉ sét.

Antichrist được coi là một trong những bộ phim gây sốc nhất trong lịch sử Liên hoan phim Cannes. Một nhà phê bình đã gọi đó là "sự ghê tởm". Nhà phê bình khác nói rằng bộ phim "dễ dàng trở thành một trong những thất bại lớn nhất trong lịch sử Liên hoan phim Cannes, khiến danh tiếng của người nghệ sĩ điện ảnh lớn chìm xuống như con tàu Titanic."

Prometheus

Nhiều bộ phim trong danh sách này luôn có một cảnh cao trào, đẩy khán giả đến bờ vực của sự chịu đựng, ví dụ như phim Alien (1979) của đạo diễn Ridley Scott là cảnh con quái vật chui ra khỏi ngực. Đối với tiền truyện Prometheus (2010), đó là cảnh mổ lấy thai nhi, trong đó Tiến sĩ Elizabeth Shaw (Noomi Rapace) phải thực hiện ca phẫu thuật có robot hỗ trợ trên chính cơ thể mình để loại bỏ "đứa con" quái vật ngoài hành tinh. Cảnh quay rất chân thật và ghê tởm, mặc dù Scott chưa thực sự mạnh tay cho lắm.

Hầu hết các tin tức xung quanh cảnh này đều nhắc đến những lần ngất xỉu hoặc buồn nôn của khán giả. Tuy nhiên, có một cậu bé tuổi teen ở Úc đã bị co giật và phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện sau. Scott bị yêu cầu cắt bỏ cảnh này để phim có thể nhận được phân loại PG-13 (không thích hợp cho trẻ em dưới 13 tuổi) thay vì R (không dành cho trẻ dưới 16 tuổi mà không có cha mẹ hay người giam hộ đi cùng). Rõ ràng ông ấy vẫn giữ lại nó và đó có lẽ là một lựa chọn sáng suốt bởi vì bộ phim thực sự đã tạo ra rất nhiều tiếng vang.

Theo: Ranker

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.