• Về đầu trang
Chim Mỏ Rộng
Chim Mỏ Rộng

Cô gái Sài Gòn và lối sống xanh, tối giản từ A đến Z ít ai làm được: Tự làm nước rửa bát, lau nhà, phân bón cây

Cuộc sống

Giới trẻ hiện nay đã có những động thái quan tâm môi trường nhiều hơn, điển hình là tư duy hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần và lựa chọn những địa điểm bán sản phẩm thân thiện với thiên nhiên. Tuy nhiên, để theo đuổi phong cách sống xanh không phải là chuyện đơn giản, sản phẩm nhựa gắn liền với đời sống con người, vì vậy để tách khỏi nhựa, chúng ta cần cố gắng rất nhiều.

Nếu bạn vẫn gặp nhiều khó khăn, hãy thử học tập theo cách mua sắm, tái chế vật dụng hàng ngày của cô gái dưới đây. Chia sẻ những kinh nghiệm sống xanh của mình, cô bạn Phạm Nguyễn Minh Thư nhanh chóng được hưởng ứng và ngưỡng mộ.

Hãy bắt đầu với thói quen lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đầu tiên, Thư cho biết mình được truyền cảm hứng từ những hình ảnh rác thải xâm chiếm Trái Đất. Vì vậy mà ngoài chuyện bớt đi một cái túi ni lông hay ly nhựa, hộp nhựa thì bạn ấy mong muốn chia sẻ thêm 2 thói quen giúp mọi người có thể bớt rác thải đến tối đa.

Theo Thư, để chủ động tiết kiệm rác thải nhựa, mọi người nên tập dần thói quen mua hàng không dùng bao bì. Trong bài chia sẻ của mình, Thư viết:

May mắn là càng ngày, các cửa hàng với những vị chủ có tâm và quan tâm tới vấn đề môi trường ngày càng nhiều. Mình thường chọn những nơi gần nhà nhất có thể để tiện thì ghé qua đong đồ, lấy rau luôn, còn trong mùa dịch thì sẽ phải phụ thuộc vào việc giao hàng (nhận xong mình có thể giữ lại bao giấy, thùng giấy để gửi lại cho người bán).

Mình hay mua rau cải ở XanhShop.com, lâu lâu thèm rau xứ lạnh thì đổi món với Vòng Lâm Viên Garden (nhưng cũng hạn chế lắm vì chi phí môi trường). XanhShop hiện tại vì dịch nên chỉ giao rau mỗi tuần một lần, giao theo combo vườn có chi ăn nấy.

Đường, mắm, muối, mì, dầu ăn, ngũ cốc các kiểu thì mình mua ở Tạp hoá Lá Xanh - a zero waste shop. Đây là cửa hàng tự phục vụ, khách tự mang túi/hũ đến đong. Mỗi thứ Tư các bạn có chương trình refill tận nhà có thu phí. Trong thời gian này thì mỗi tuần các bạn sẽ tập trung đơn giao hàng một lần vào cuối tuần.

Bột gạo, bột nếp, bột ngũ cốc, chuối khô ngon nhức nhĩ thì Thực Phẩm Không Hóa Chất - Ông Thắng Phan Rang thẳng tiến.

Sữa tươi nhà mình đặt FAMILK giao hàng tuần trong chai thủy tinh, mỗi tuần lại có bạn đến thâu chai và giao sữa mới.

Xà bông thì trung thành với xà bông thủ công ba làm cho con gái Papa's Dreamer - Xà bông của Ba. Mình rất thích cách cả nhà cùng nhau làm việc, xây dựng thương hiệu và chăm chút từng chi tiết nhỏ nhất để sản phẩm đến tay khách vừa chỉn chu, vừa hạn chế tối đa tác động đến môi trường.

Các loại nước rửa chén, lau nhà thì mình mua can lớn 4 lít nước tẩy rửa lên men từ rau củ quả hiệu Minh Hồng từ chị chủ dễ thương Tree House _ Ngôi Nhà Của Thiên Nhiên.

Thịt thà cá mắm thì thỉnh thoảng nhà mình cũng cắp hộp ra chợ mua, nhưng mà đa phần vẫn phải chấp nhận rác thải nhựa vì cá thịt thường phải cấp đông ngay lập tức để đảm bảo độ tươi và an toàn.

Cà phê thì mình vẫn cắp hộp hay túi zip tái sử dụng đến những chỗ yêu thích đong hoặc gửi hộp lại lấy sau. Ở quận 7 có HYPER Coffee Roastery có anh chủ rang cà phê đỉnh, luôn giảm 10% cho khách tự mang ly đến và sẵn sàng đong cà phê cho mình nè.

Nói chung là hầu hết nhu cầu căn bản mình đều có thể tìm một nơi bán có tâm với môi trường và gần nơi mình ở.

Hãy chọn những địa điểm bán hàng thân thiện môi trường.
Hạn chế tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Mua sắm không bao bì chưa đủ đâu, bạn còn cần rèn luyện sự kiên nhẫn với việc tái chế rác thải mà gia đình sử dụng hàng ngày. Tái chế tốt sẽ giúp bạn có thêm các sản phẩm chăm sóc nhà cửa mà không cần mua thêm. Ngoài giúp tiết kiệm nhựa, tái chế còn giúp chúng ta tiết kiệm tiền nong đáng kể.

Hơn năm nay, nhà mình bớt hẳn tần suất đi đổ rác một phần vì giảm tối đa việc mua những món có bao bì nhựa, một phần vì cả nhà đã thôi tiện tay bỏ những thứ vốn chẳng phải là rác vào thùng rác.

- Bếp nhà mình luôn có:

+ Một xô nhỏ đựng vỏ rau củ các loại cùng một ít nước (nước vo gạo có thể bỏ vào đây luôn). Mình gọi đây là nước "enzyme" ngắn ngày, một thể loại dung dịch lên men rất giàu dưỡng chất cho cây. Rau nhiều thì nó sẽ có mùi chua như rau củ muối chua, trái cây nhiều thì mùi sẽ rất thơm. Mình cứ kiếm cái nắp hay cái gì đậy hờ lại, quậy đều mỗi lần bỏ thêm vỏ rau củ. Được vài ngày nó sẽ lên ga xèo xèo. Hết ga thì mình lọc lấy nước, pha loãng tỉ lệ 1:4 đi tưới cây. Phần bã vắt khô, đem phơi và cũng để bón cây luôn.

+ Vài thùng enzyme rau củ quả ngâm với ít đường. Mấy thùng này thì bao thơm nồng nàn. Dùng pha thêm với nước rửa chén để chén bát sạch thơm tho và nước rửa bớt hại môi trường (nếu nhà vẫn còn xài nước rửa chén hoá học), lau nhà, tưới cây, phun xịt trừ sâu bệnh...

+ Một thùng rác hữu cơ khô bao gồm mấy thứ như lá cây khô bóp nát, bã enzyme phơi khô, xác trà, cà phê, tro... cái này dùng bón cho cây rất tốt

- lúc vô đất cho chậu cứ một lớp đất một lớp rác hữu cơ để cây dùng dần. Cây cà bi nhà mình toàn tưới enzyme với các thể loại rác hữu cơ mà ra trái nhiều kinh khủng. Ngoài ra:

- Vỏ cam, bưởi các kiểu sẽ được phơi khô để lâu lâu đốt xông nhà.

- Giấy các kiểu sẽ được dùng để mồi lửa đốt vỏ bưởi.

- Vỏ chuối giàu kali phơi khô bón cây, hoa (nhờ chị Hằng chỉ mẹo bỏ vỏ chuối vô cây lan để nó ra hoa mà giờ mấy ẻm cai thuốc luôn rồi).

- Nước vo gạo để dành tắm/rửa mặt (nếu là gạo an toàn) hoặc ngâm enzyme lên con men rất nhanh.

Nước enzyme có thể tái chế từ rác rau củ, trái cây, có thể dùng làm chất tẩy rửa, tưới cây.

Những kinh nghiệm bổ ích này nhận được không ít sự ngưỡng mộ từ cư dân mạng vì cách làm thiết thực và có tính hiệu quả cao, đặc biệt là giúp bảo vệ môi trường tốt hơn.

Mỗi thứ mình làm đều có ảnh hưởng to lớn đến cái chuỗi kết quả diễn ra sau đó. Có thể chúng mình không giải quyết được những vấn đề to tát như dọn hết rác ở biển hay giải quyết bãi rác ở gần nhà anh Tiến, nhưng chắc chắn chúng mình có thể bắt đầu bằng việc định nghĩa đúng chữ rác và suy nghĩ nhiều hơn mỗi khi định tiện tay bỏ một thứ gì đó vào thùng rác.

Thư tiếp tục chia sẻ.

Mong rằng với những chia sẻ nhỏ này, bạn sẽ có thêm phương pháp hữu hiệu để theo đuổi phong cách sống xanh, tốt cho môi trường.

Nếu chưa thực sự quan tâm đến rác thải nhựa, mong bạn cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu để biết được Trái Đất đang chịu áp lực lớn như thế nào với những sản phẩm gây hại mà con người sử dụng. Từ đó có những biện pháp hạn chế, bảo vệ môi trường tốt hơn.

Theo: Phạm Nguyễn Minh Thư

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.