• Về đầu trang
Caroline
Caroline

Top 10 sự kiện thiên nhiên mà con người cần ghi nhớ năm 2021 (Phần cuối)

Thể thao

Tiếp nối phần trước, dưới đây là 5 sự kiện thiên nhiên thảm khốc nhất năm 2021.

5. Hội nghị thượng đỉnh COP26.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã tập trung tại Glasgow vào tháng 11 để tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 do Liên hợp quốc làm trung gian tổ chức.

Và sau gần hai tuần đàm phán về cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu, gần 200 quốc gia đã ký Hiệp ước Khí hậu Glasgow, trong đó lần đầu tiên thừa nhận tác động của việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong việc kéo dài cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trong khi thỏa thuận cuối cùng cho thấy một số tiến bộ, song chúng không phản ánh sự cấp bách mà các nhà khoa học đã đề cập trước đó. Các nước đã đồng ý “giảm dần” việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện, thay vì loại bỏ hoàn toàn.

Các quốc gia đang phát triển cũng thất bại trong các cuộc đàm phán xung quanh vấn đề tài trợ khí hậu từ các quốc gia giàu có để giúp các quốc gia thu nhập thấp đối phó với khủng hoảng khí hậu.

4. Bão Ida.

Cây cối đổ ngã trong gió từ cơn bão Ida ở trung tâm thành phố New Orleans, Louisiana, Hoa Kỳ, vào Chủ nhật, ngày 29 tháng 8 năm 2021.

Vào cuối tháng 8, cơn bão mạnh cấp 4 – Ida, đã phá hủy nhà cửa, cây cối và làm mất điện hơn 1 triệu dân ở Mississippi và bang Louisiana.

Theo các nhà khoa học, Ida là một ví dụ điển hình nhất cho việc biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão trở nên nguy hiểm hơn như thế nào: Chúng tạo ra nhiều mưa hơn, di chuyển chậm hơn khi đổ bộ vào đất liền và tạo ra các đợt bão lớn hơn.

Nhưng khu vực nó tàn phá không chỉ kết thúc ở Vịnh Gulf. Khi cơn bão tiến vào đất liền, tàn tích của nó đã gây ra các trường hợp khẩn cấp về lũ quét ở vùng Đông Bắc. Cơn bão đã phá vỡ kỷ lục lượng mưa trong một giờ ở Central Park và khiến Newark, New Jersey bị ngập trong nước lâu nhất từ trước đến nay.

Trận lũ lụt đã giết chết hàng chục người ở vùng Đông Bắc, và nhiều người trong số họ chết đuối trong các căn hộ dưới tầng hầm ở thành phố New York. Số người sống sót trong thành phố vẫn đang phải di dời, và cơn bão cho thấy nhu cầu cấp bách phải tăng cường cơ sở hạ tầng của thành phố để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ.

Theo ước tính của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia, thiệt hại của cơn bão Ida tiêu tốn ít nhất 60 tỷ USD và vượt quá tổng thiệt hại của 7 xoáy thuận nhiệt đới gây thiệt hại nhất vào năm 2020.

3. Cơn lốc xoáy tháng 12.

Sau một năm thời tiết khắc nghiệt, một loạt các cơn lốc xoáy đã xé toạc miền Trung Tây và Đông Nam Hoa Kỳ vào ngày 12 và 13 tháng 12. Tháng cuối cùng của năm thường là thời điểm các cơn lốc xoáy ngừng hoạt động, nhưng nhiệt độ ấm lên đã mang đem lại một cơn lốc xoáy lịch sử.

Ở Kentucky, lốc xoáy đã bật gốc cây cối, san bằng nhà cửa và giết chết hàng chục người. Thống đốc Andy Beshear cho biết tại một cuộc họp báo rằng sự kiện lốc xoáy đã đạt đến “mức độ tàn phá không giống bất cứ thứ gì tôi từng thấy”.

Mặc dù không hoàn toàn rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu trong đợt bùng phát lốc xoáy vào tháng 12, nhưng các nhà khoa học cho biết dấu vết của sự nóng lên toàn cầu có thể được tìm thấy ở mọi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Victor Gensini, giáo sư tại Đại học Bắc Illinois kiêm chuyên gia hàng đầu về lốc xoáy cho biết đợt bùng phát này là một trong những sự kiện lốc xoáy đáng chú ý nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

2. Đợt nắng nóng ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Một đợt nắng nóng chưa từng có hồi cuối tháng 6 đã giết chết hàng trăm người ở Tây Bắc Thái Bình Dương và British Columbia. Nhiệt độ kỷ lục được thiết lập trên toàn khu vực và các nhà khoa học cho biết đợt nắng nóng sẽ ‘gần như không thể xảy ra” nếu không có sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.

Trong một chia sẻ với CNN, các nhà khoa học cho rằng khu vực ôn đới thường ít xuất hiện các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt. Kết quả là hàng trăm người đã chết vì nóng. Các quan chức sau đó gọi đợt nắng nóng là một sự kiện gây thương vong hàng loạt.

Tại British Columbia, đợt nắng nóng tương tự đã thúc đẩy một đám cháy rừng bùng phát nhanh thiêu rụi thị trấn Lytton chỉ một ngày sau khi nhiệt độ tăng vọt lên 121 độ F và phá vỡ kỷ lục nhiệt độ mọi thời đại của Canada.

1. Hạn hán, cháy rừng và thiếu nước.

Mực nước hồ Mead xuống thấp kỷ lục.

Giữa những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng, miền Tây Hoa Kỳ đang phải hứng chịu một đợt hạn hán kéo dài nhiều năm lịch sử. Từ đây, các nhà khoa học cho rằng đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng không chỉ đến thời tiết mà còn đến việc cung cấp nước, sản xuất lương thực và sản xuất điện.

Tại California, hạn hán vào mùa hè năm nay được cho là khắc nghiệt nhất trong vòng 126 năm trở lại của bang, với tháng 7 là tháng khô hạn nhất kể từ khi thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 1895. Đến tháng 8, hơn 95% miền Tây đang trong tình trạng khô hạn.

Hồ Mead và Hồ Powell, hai trong số những hồ chứa lớn nhất của nước Mỹ đã cạn kiệt ở mức báo động sau một mùa đông khô hạn và hạn hán khắc nghiệt vào mùa hè. Chính phủ liên bang vào tháng 8 đã tuyên bố tình trạng thiếu nước trên sông Colorado lần đầu tiên, dẫn đến việc cắt giảm tiêu thụ nước bắt buộc đối với các bang ở Tây Nam bắt đầu từ năm 2022.

Trận siêu hạn hán cũng là nguồn cơn cho những trận cháy rừng nguy hiểm. Ba đám cháy lớn nhất năm 2021 là Bootleg, Dixie và Caldor Fires đã thiêu rụi khoảng 1,6 triệu mẫu Anh. Gió cũng làm bay khói từ một số đám cháy này trên khắp đất nước, kéo dài từ Bờ Tây đến Thành phố New York.

Các nhà khoa học khẳng định mùa hè này chỉ là khởi đầu của những gì sắp xảy ra: Báo cáo tháng 8 của Liên Hợp Quốc kết luận rằng hạn hán có thể chỉ xảy ra một lần mỗi thập kỷ hoặc lâu hơn hiện nay đã xảy ra thường xuyên hơn 70%.

Theo: CNN
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.