• Về đầu trang
Cú trúc
Cú trúc

Nguồn gốc bí mật của chiếc váy cưới màu trắng (Phần II)

Hôn nhân gia đình

Không phải lựa chọn ưu tiên vì rất khó để giặt giũ, váy cưới trắng vậy cũng không phải là truyền thống như rất nhiều người lầm tưởng…

Năm 1840, nữ hoàng Anh Victoria mặc chiếc váy cưới màu trắng bước vào lễ đường, đánh dấu sự xuất hiện chính thức của váy cưới trắng hoàng gia.

Nền móng

Trước đó, những đám cưới tráng lệ nơi cung điện vốn được biết đến là xa hoa, ẩn chứa thông điệp chính trị và mong muốn thịnh vượng của các nước. Chiếc váy cưới cũng không thoát ra khỏi vòng xoáy ấy.

Năm 1503, nàng công chúa Margaret của nhà Tudor nước Anh kết hôn với hoàng tử James IV của Scotland. Công chúa phải được dìu vào thánh đường do bộ váy cưới quá nặng – do được trang trí hoàn toàn bằng đá quý.

Năm 1816, công chúa Charlotte của xứ Wales xuất hiện trong lễ đường với chiếc váy cưới dệt kim tuyến bạc. Chiếc váy xa hoa có trị giá tương đương với 1,3 tỷ USD hiện nay, đã tính theo tỉ lệ lạm phát.

Trái với những tiền lệ trước đó, nữ hoàng Victoria chọn màu trắng để thể hiện sự thuần khiết của tình yêu, chứ không phải là sắp xếp của những mưu đồ chính trị. Đây là cách bà thể hiện tình cảm của mình với vương tế Albert của xứ Saxe-Coburg và Gotha.

Để trang trí chiếc váy cưới, nữ hoàng cũng không sử dụng châu báu mà chỉ dùng viền đăng ten Honiton – được sản xuất thủ công tại làng Beer thuộc hạt Devon.

Đám cưới của nữ hoàng Victoria vào năm 1840 (Wikipedia)

Sau đám cưới của nữ hoàng, chiếc váy trắng được đưa tin rộng rãi và nóng hổi suốt nhiều tháng. Hình ảnh váy cưới trắng thể tình yêu lãng mạn đã xuất hiện trên mọi mặt báo và các tạp chí dành cho phụ nữ vào thời bấy giờ.

Nhờ có truyền thông, cô gái trẻ nào trong thời đó cũng mơ ước về một chiếc váy cưới giống như của nữ hoàng Victoria. Kể cả con cháu dâu rể của bà cũng giúp khẳng định vị thế chiếc váy đặc biệt trong các lễ cưới hoàng gia sau đó:

  • Năm 1858, công chúa Victoria, con cả của nữ hoàng kết hôn với hoàng tử Frederick William xứ Prussia;
  • Năm 1863, hoàng tử Edwards của xứ Wales, đứa con thứ hai của bà lấy công chúa Đan Mạch Alexandra;
  • Năm 1885, công chúa Beatrice, con gái út của nữ hoàng Victoria kết hôn với hoàng tử Henry xứ Battenberg;
  • Năm 1893, cháu trai George V của Victoria lấy nàng Mary của xứ Teck;
  • Năm 1923, chắt nội của bà là công tước Albert của xứ York đã lấy công nương Elizabeth Bowes-Lyon, người sau này trở thành nữ hoàng Elizabeth I.

Tất cả những cô dâu trong những lễ cưới vừa kể tên đều khoác trên mình chiếc váy cưới màu trắng và giúp lan truyền hình ảnh này đến toàn bộ châu Âu, từ hoàng gia đến quý tộc. Nhờ nữ hoàng Victoria, chiếc váy cưới trắng đã phổ biến hơn tại xã hội thượng lưu và trở thành một biểu tượng cao quý.

Biến nghĩa

Biểu tượng ý nghĩa của chiếc váy cưới trắng sẽ còn lan xa hơn nữa nếu không bị gián đoạn bởi hơn 100 năm của chiến tranh.

Năm 1870, Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai nổ ra, ngành dệt được hưởng lợi, xà phòng dần trở nên phổ biến, máy móc giặt giũ thô sơ cũng chuyển dần sang chạy điện. Đúng lúc này, đầu thế kỷ XX, đại chiến thế giới nổ ra.

Hầu hết tài nguyên và công nghệ đều tập trung vào chiến tranh. Vải vóc bỗng chốc khan hiếm và xa xỉ. Các đám cưới ở châu Âu diễn ra ít hơn, các cô gái thì phải tận dụng vải lụa hoặc vải nilon trắng lấy từ dù bay – của cha ông họ hoặc của quân địch – để làm váy cưới.

Sau thế chiến, dù là thứ vải vóc phổ thông cho váy cưới (Flickr)

Vẫn là màu trắng, nhưng chiếc váy cưới trong gần 100 năm nhuốm màu u ám của chiến tranh. Nhưng do thiếu thốn, nhiều phụ nữ tại Mỹ, châu Âu, và châu Úc cũng đành phải xuôi theo xu hướng này.

Sự thống trị

Kết thúc hai cuộc thế chiến, kinh tế dần phục hồi và công nghệ kỹ thuật lại trở về với đời sống phổ thông. Xà phòng càng ngày càng rẻ, máy giặt tự động trở nên phổ cập. Còn váy cưới trắng, những đám cưới nổi tiếng và sự lan tỏa của truyền thông lại một lần nữa gợi nhớ cho mọi người về vẻ đẹp nguyên thủy của nó.

Năm 1956, không ít khán giả màn ảnh nhỏ đã chứng kiến nữ minh tinh Grace Kelly trong lễ kết hôn với hoàng tử Rainier III của Monaco. Cô mặc chiếc váy lụa dài thêu đăng ten, veil đính ngọc trai – tất cả đều màu trắng.

Grace Kelly diện váy cưới trắng cạnh hoàng tử Rainier III (Grace Influential)

Tiếp đến năm 1981, theo thống kê của CNN, lễ cưới của công nương Diana và hoàng tử Charles của xứ Wales đã nhận được hơn 750 triệu lượt theo dõi – tương đương với hơn 16% dân số thế giới thời bấy giờ. Tất nhiên, chẳng mấy người bỏ qua chiếc váy lụa trắng đầy ấn tượng với đuôi váy dài hơn 7 mét.

Công nương Diana ngồi trên xe cưới hoàng gia bên cạnh hoàng tử Charles

Đây chính là hai lễ cưới đình đám hội tụ tất cả những điều kiện cần và đủ để váy cưới trắng từ đó thống trị hầu hết các lễ cưới hiện đại.

Mặc dù không phải lựa chọn duy nhất, nhưng ngày nay hễ nhắc tới đám cưới là mọi người đều nghĩ đến hình ảnh của một chiếc váy cưới dài, màu trắng.

Theo: Maybe Original
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.