• Về đầu trang
Cú trúc
Cú trúc

Thiệp mời cưới: Từ chữ thư pháp viết tay cho đến in ấn hiện đại

Hôn nhân gia đình

Ngày nay, thiệp cưới nhiều khi phải chuẩn bị vội vàng với mẫu sẵn. Trong quá khứ, đây là một bức thư đặc biệt phải được nắn nót viết tay…

Một phần cuộc sống của thầy tu

Thời Trung Cổ, từ thế kỷ 5 đến 15, dân thường đa phần mù chữ, nhà lại gần nhau nên việc mời cưới cực kỳ đơn giản. Người loan tin (town crier) thường đọc tin tức "cho cả làng nghe thấy" sẽ đồng thời đảm nhận mời họ hàng làng xóm nếu một nhà có đám cưới. Nói cách khác, tấm thiệp cưới hoàn toàn không có ý nghĩa ở tầng lớp bình dân.

Ngược lại, giới hoàng gia và quý tộc thường gửi thư tay để mời cưới như một quy tắc xã giao. Những bức thư này được viết nắn nót bởi những thầy tu nổi tiếng giỏi thư pháp, đặt cẩn thận vào phong bao, cuối cùng niêm phong với dấu sáp. Sau đó, người thân tín sẽ phóng ngựa đến những lâu đài hay tư trang biệt lập, gửi thư mời đến tận tay của người nhận.

Thiệp cưới viết tay được ưa chuộng tại châu Âu từ thời Trung Cổ (Pinterest)

Tình trạng này tiếp tục kéo dài đến tận cuối thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 17), dù cuộc cách mạng in ấn đã bắt đầu bùng nổ khoảng 200 năm trước đó.

Cụ thể hơn, công nghệ in hàng loạt (in khắc gỗ) sớm xuất hiện tại châu Âu nhưng chỉ được dùng để in sách. Nguyên nhân rất đơn giản, khách mời đám cưới quý tộc và hoàng gia vào thời đó không nhiều, vì vậy không đủ số lượng thiệp để in ấn. Thư tay vì vậy vẫn được giới thượng lưu ưa chuộng.

Năm 1440, cuối thời Trung Cổ, Johannes Gutenberg phát minh ra công nghệ in ép (movable-type printing press) với những con chữ tách rời. Tốc độ in nhanh nhưng kỹ thuật mới lại không thể bắt chước được những kiểu chữ thư pháp.

Đến năm 1642, kỹ thuật in khắc lõm (intaglio) mezzotint của Ludwig von Siegen bắt đầu gây chú ý cho những khách hàng khó tính. Lúc này, tỷ lệ biết chữ nhiều hơn, đời sống được cải thiện, dân số tăng, tốc độ in tiếp tục được rút ngắn, lại có khả năng bắt chước một số kiểu chữ phức tạp của các thầy tu.

Máy in ép trưng bày tại Viện bảo tàng Đức ở München (Wikipedia)

Theo đó, những tấm thiệp cưới với phần nội dung mời cưới được cố định ra đời và dần được xã hội chấp nhận, bắt đầu từ giới quý tộc trung lưu tại châu Âu, còn thế giới thì phải vài trăm năm sau đó.

Nhu cầu thiết yếu của in ấn

Thứ chiến tranh gây tổn hại lớn nhất là văn hóa, nếu một người lớn lên mà không có lịch sử, quê hương, vàvăn hóa dân tộc, thì họ không khác gì người tối cổ. Văn minh là kết tinh của văn hóa và việc gửi thiệp cưới cũng nằm trong số đó.

Tại Mỹ, song hành với 2 cuộc thế chiến nửa đầu thế kỷ 20 cũng là lúc Amy Vanderbilt và Emily Post vận động các quy tắc xã giao. Đây là hai nhà nghiên cứu về cưới, văn hóa, và là tác giả sách nổi tiếng thời bấy giờ. Họ cổ vũ xã hội tuân theo các phép tắc vốn ban đầu chỉ giới hạn cho giới quý tộc và mang thiệp cưới đến với đại chúng.

Cuối thế kỷ 20, dân số thế giới bùng nổ và các đám cưới trở nên ngày càng đông đúc. Nhân loại cũng lật sang trang mới của thời đại số với siêu máy tính và công nghệ truyền thông thông tin, cùng với đó là sự hưng thịnh của ngành thiết kế đồ họa (graphic design) và các dịch vụ vận chuyển.

Thiệp cưới in ấn với mẫu sẵn được sử dụng phổ biến (Toplist)

Các mẫu chữ kiểu, font chữ thư pháp cũng dần được thu thập và ngày càng sẵn có trong các trình soạn thảo văn bản và phần mềm thiết kế.

Đối với in ấn, lúc này công nghệ in nhiệt ra đời đã giúp cân bằng giữa tính mỹ thuật và hiệu quả in ấn. Với in nhiệt, chữ cái sẽ nổi và bóng giống ý như viết tay – nhưng là sản phẩm in ấn hàng loạt với giá rẻ và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều.

Tất cả những yếu tố đó đã khiến thiệp cưới in ấn nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn cầu, một nhu cầu không thể thiếu trong xã hội hiện đại. Còn thiệp mời cưới viết tay với chữ thư pháp, chỉ sau vài chục năm ngắn ngủi, đã dần chìm vào quên lãng do trở nên thừa thãi và chậm chạp.

Theo: Maybe Original
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.