• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Bài văn ‘Tôn Ngộ Không đánh Bạch Cốt Tinh’ của cô bé lớp 5 vạch trần sự giả dối của người lớn

Cuộc sống

Những ngày vừa qua, bài văn phân tích "Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh" của một học sinh Tiểu học ở Thường Châu, Giang Tô bị cô giáo phê bình đã tạo ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trong cư dân mạng.

Bài văn này bị giáo viên phê bình là tuyên truyền năng lượng tiêu cực tuy nhiên nhiều người đọc lại bày tỏ sự ngạc nhiên và khâm phục với suy nghĩ chín chắn, sâu sắc của học sinh này dù còn ở lứa tuổi rất nhỏ như vậy.

(Bài văn dưới bên đã có chỉnh sửa đôi chút so với nguyên tác)

Hôm nay em có đọc được một đoạn trích vô cùng thú vị, đó là đoạn trích Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

Đoạn trích này kể về bốn sư đồ Đường Tăng đi đến Bạch Hồ Lĩnh, mọi người vừa mệt vừa khát, Ngộ Không bèn gọi mây chạy đi thật xa hái đào về cho mọi người ăn. Việc này đã bị Bạch Cốt Tinh đang ẩn mình trong núi phát hiện, từ lâu cô ta đã nghe nói ăn thịt Đường Tăng có thể trường sinh bất lão, nên khi biết chuyện, cô ta nổi lòng tham muốn bắt Đường Tăng về ăn thịt. Nhưng Đường Tăng được các đồ đệ của mình bảo vệ quá tốt, cô ta không dám hành động bừa bãi nên quyết định nhập hồn vào xác cô thôn nữ xinh đẹp như tiên, đến gặp Đường Tăng. Đúng lúc này Ngộ Không trở lại, vừa nhìn đã biết cô thôn nữ kia là yêu quái hoá thân bèn vung gậy đập chết. Bạch Cốt Tinh nhanh chóng hóa thành khói, thoát khỏi xác thiếu nữ bay về động. Chưa từ bỏ ý định, yêu quái lại lần lượt hoá thành bà lão đi tìm con và ông lão đi tìm vợ con; cả hai người này đều bị Ngộ Không nhìn thấu và đập chết. Đường Tăng liên tiếp thấy đồ đệ giết người, vô cùng tức giận, viết giấy từ đồ đệ, đuổi Tôn Ngộ Không đi.

Đoạn trích này cho chúng ta biết một điều: Đừng để bị những thứ có bề ngoài đẹp đẽ, những tình cảm giả dối không có thật lừa gạt. Trong xã hội hiện giờ, có người nhìn như hiền lành, lương thiện nhưng trong lòng thì cực kì xấu xa. Họ sẽ dùng vô vàn thủ đoạn để đạt được mục đích của mình.

Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không trừ gian diệt ác, bản lĩnh cao cường, thân thủ bất phàm, trung thành tận tâm với sư phụ nhưng thường xuyên bị đổ oan. Đường Tăng tính tình hiền lành, lương thiện song đôi khi không phân rõ lý lẽ, quan trọng nhất là khuyết thiếu một đôi mắt “hoả nhãn kim tinh” để có thể nhìn rõ dối trá hư ảo.

Đọc xong bài văn này, có lẽ không ít người sẽ phải tự hỏi: “Đây thật sự là bài văn của một em học sinh lớp 5 viết ư? Tại sao cô bé có thể nhìn rõ sự giả dối ở người lớn một cách rõ ràng như vậy?”

Từ bài văn trên, có thể dễ dàng nhận ra cô bé đã mượn hình tượng ba nhân vật trong truyện để nói lên ba đạo lý sâu sắc nhất.

Sự giả dối của Bạch Cốt Tinh

Bạch Cốt Tinh muốn ăn thịt Đường Tăng nhưng Tôn Ngộ Không có bản lĩnh cao cường, làm ả không thể đạt được mục đích. Vì thế cô ả khoác lên mình lớp da người, giả thành một cô thôn nữ dịu dàng, hiền lành lừa dối Đường Tăng - vốn không thể phân rõ người – yêu, đồng thời châm ngòi mâu thuẫn giữa hai sư đồ. Trong kế hoạch của mình, cô ta lợi dụng sự ngu muội cũng như nông cạn của Đường Tăng để đạt mục đích và suýt đã thành công.

Sự ngu muội của Đường Tăng

Đường Tăng là một người phàm, không thể phân biệt được đâu là người, đâu là yêu. Thấy yêu quái khoác da người, trông giống người, ông lập tức khẳng định đó là con người. Tôn Ngộ Không có "hoả nhãn kim tinh", nói cho Đường Tăng biết đó là yêu quái nhưng Đường Tăng không tin. Nếu không có Tôn Ngộ Không tìm mọi cách bảo vệ, từ lâu ông đã thành món ăn trên bàn tiệc của đám yêu quái. Nhưng tiếc rằng đến cuối cùng ông vẫn không nhận ra sai lầm của mình.

Nỗi ấm ức của Tôn Ngộ Không

Tôn Ngộ Không có được bản lĩnh đại náo Thiên cung, có "hoả nhãn kim tinh" phân biệt được mọi sự trên đời, nhưng lại bị vòng Kim Cô bó buộc. Nó bỏ ngoài tai lời chỉ trích của Đường Tăng, giết yêu tinh bảo vệ sư phụ để rồi bị ghẻ lạnh, đuổi đi.

Và sự giả dối của người trưởng thành

Hiện giờ trong xã hội có không ít người vì lợi ích mà đeo lên chiếc mặt nạ giả dối. Bên dưới lớp mặt nạ sáng sủa là gương mặt xấu xí, méo mó vì sự ích kỷ và ác độc.

Có người nhìn như là một người cực kì tốt, ăn diện xinh đẹp, mỉm cười thân thiện, thực tế lại là một kẻ lừa đảo, chuyên dùng vẻ ngoài để lừa gạt người khác. Có người miệng nói “Muốn tốt cho bạn”, nhưng thực tế lại chỉ vì bản thân họ. Có người mặt ngoài dạy trẻ con phải trung thực, nhưng thực tế chưa bao giờ biết trung thực là gì.

Những thứ đó chính là sự giả dối của người trưởng thành. Vì đạt được mục đích nên che giấu bộ mặt thật của mình. Nhiều người sẽ tìm cho hành vi này một lý do chính đáng, nói đây là cuộc sống, ai cũng thế cả. Thậm chí xem nó như kinh nghiệm xã hội, rồi phê phán sự hồn nhiên ngây thơ của trẻ con.

Vậy thế nào là năng lượng tích cực? Thế nào là năng lượng tiêu cực?

Khi một đứa trẻ đỡ bà cụ bị lừa gạt đứng dậy, bạn cho rằng đó có phải năng lượng tích cực?

Khi người lớn vì giảm bớt việc, nói dối trẻ con, bạn nói đó có phải năng lượng tiêu cực?

Làm người tốt không nhận được báo đáp tương xứng, làm kẻ xấu lại sống vui vẻ như cá gặp nước, đây là năng lượng tiêu cực chăng?

Đường Tăng gặp Bạch Cốt Tinh, nghe lời Tôn Ngộ Không, để nó giết yêu tinh, liệu rằng đó là năng lượng tích cực?

Thay vì gán những thứ này lên trẻ con, hãy tự rèn luyện cách nhìn nhận của bản thân để nhìn thấu đâu là chân thật đâu là dối trá, công nhận kẻ giỏi giang, tự kiểm điểm sai lầm, đó mới thật sự là năng lượng tích cực đáng được tuyên truyền.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.