• Về đầu trang
Colima
Colima

Câu chuyện thật về nàng Pocahontas không hề phủ đầy màu hồng như truyền thuyết hay phim hoạt hình Disney

Lịch sử

Hầu hết mọi người đều quen thuộc với câu chuyện về nàng Pocahontas trong phim hoạt hình của Disney. Nàng công chúa thổ dân châu Mỹ sẵn sàng quay lưng lại với chính bộ tộc của mình để giải cứu thuyền trưởng người Anh John Smith khỏi bị xử tử. Hai người đã yêu nhau say đắm và sống hạnh phúc mãi mãi về sau.

Đáng buồn thay, câu chuyện thật lại không hoàn toàn lãng mạn như vậy. Cũng giống như các truyền thuyết được kể lại qua nhiều thế hệ, câu chuyện về nàng Pocahontas bắt đầu với những sự thật lịch sử, nhưng qua nhiều năm, chúng lại được thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thời đại và mục đích của người kể chuyện.

Chân dung nàng Pocahontas trong trang phục phương Tây.

Trên thực tế, Pocahontas (có nghĩa là "tinh nghịch" hay "xấu tính") thậm chí còn không phải là tên thật mà chỉ là một biệt danh của nàng. Theo một tiểu sử được công bố trên website của Công viên Lịch sử Quốc gia Jamestown, tên thật của Pocahontas là Amonute. Những người thân thiết cũng thường gọi nàng là Matoaka (có nghĩa là bông hoa giữa hai dòng suối).

Pocahontas ra đời vào khoảng năm 1596 và là thành viên của bộ tộc Pamunkey tại Virginia. Nàng là con gái cưng của tù trưởng Powhatan, người cai trị 30 bộ lạc quanh khu vực Jamestown, Virginia (tên gọi này xuất phát từ những người Anh đầu tiên đặt chân đến khu vực). Vào năm 1607, tuyền trưởng John Smith đến bờ biển Virginia và bắt giữ cô bé Pocahontas (lúc này chỉ khoảng 9 - 11 tuổi) trong hàng tháng trời.

Bức họa chân dung của Pocahontas vào khoảng thế kỷ 19.

Theo lời kể của thuyền trưởng người Anh, trong lúc đầu ông ta đang bị đặt giữa hai hòn đá để chuẩn bị xử tử trước mặt tù trưởng Powhatan, Pocahontas đã lao vào để cứu ông bằng cách đặt đầu của nàng lên trên đầu người lạ mặt.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử lại nghi ngờ về tính xác thực của câu chuyện này. Dù sao đi nữa, thuyền trưởng Smith cũng được trả tự do và trở lại Jamestown. Sau đó, một số người bản địa gửi lương thực để giúp đỡ các cư dân mới đến đang trên bờ vực chết đói. Người ta tin rằng Pocahontas nằm trong đoàn tiếp tế lương thực đó.

Tranh vẽ thuyền trưởng John Smith (1624).

Câu chuyện của thuyền trưởng Smith bị hai tác giả "Gấu Nhỏ" Linwood Custalow và "Ngôi Sao Bạc" Angela L. Daniel bác bỏ trong cuốn sách The True Story of Pocahontas: The Other Side of History. Xuất bản vào năm 2007, tác phẩm này dựa trên các truyền thuyết truyền miệng của bộ tộc Mattaponi.

Trong phiên bản hiện đại hơn này, tù trưởng Powhatan bày tỏ lòng mến khách với thuyền trưởng Smith còn nghi thức với những hòn đá thực tế là một buổi lễ. Dù Pocahontas là con gái cưng của tù trưởng, nàng không được phép có mặt vì còn quá nhỏ.

Các nhà nghiên cứu lịch sử nghi ngờ về tính xác thực của câu chuyện Pocahontas giải cứu thuyền trưởng John Smith.

Theo hai tác giả Custalow và Daniel, thuyền trưởng Smith chỉ gặp mặt Pocahontas khi nàng đi cùng với người dân của mình để mang thức ăn đến vùng Jamestown. Vì còn quá nhỏ, Pocahontas không thể nào tự mình đi đến Jamestown như trong truyền thuyết.

Bức họa mô phỏng cảnh Pocahontas đang giải cứu thuyền trưởng Smith.

Trong vòng hai năm sau đó, mối quan hệ giữa người Mỹ bản địa và các nhà thám hiểm người Anh ngày càng trở nên xấu đi, vì những người nhập cư cần nhiều thức ăn hơn trong khi các bộ tộc bản địa không thể nào cung cấp đủ.

Tạo hình nàng Pocahontas trong bộ phim cùng tên ra mắt năm 1910.

Một truyền thuyết khác kể rằng Pocahontas đã chạy một mình trong rừng để cảnh báo John Smith rằng cuộc sống của ông ta đang gặp nguy hiểm và cứu mạng thuyền trưởng một lần nữa. John Smith cho biết Pocahontas đã hai lần cứu mạng ông trong cuốn sách xuất bản năm 1624 mang tên The Generall Historie of Virginia, New-England, and the Summer Isles.

Vào khoảng năm 1610, Pocahontas kết hôn với Kocoum Japasaw (thuộc bộ tộc Patawomeck) khi chỉ mới 14 tuổi. Hai người có một đứa con và chỉ sống với nhau trong thời gian khá ngắn ngủi.

Hình ảnh thuyền trưởng John Smith cập bến Jamestown, Virginia vào năm 1607 (Từ tác phẩm The Story of Pocahontas and Captain John).

Đến năm 1613, thuyền trưởng Samuel Argall bắt cóc Pocahontas để đòi tiền chuộc còn Kocoum thì bị giết hại. Trong khi chịu cảnh giam cầm, Pocahontas bị trầm cảm và có nhiều khả năng đã bị lạm dụng. Cũng trong giai đoạn này, nàng công chúa bản địa châu Mỹ được tiếp xúc với ngôn ngữ, phong tục và tôn giáo của người Anh.

Pocahontas theo đạo Cơ Đốc vào năm 1614. Nàng được đổi tên thành Rebecca và kết hôn với một nông dân trồng thuốc lá tên John Rolfe.

Tranh vẽ Pocahontas và John Rolfe.

Sau đó, Pocahontas hạ sinh một đứa con trai và đặt tên là Thomas. Tuy nhiên, Thomas là con đẻ của John Rolfe hay một kẻ tấn công giấu tên vẫn còn là vẫn đề gây tranh cãi. Việc kết hôn với Pocahontas giúp cho John Rolfe học được nhiều kỹ thuật chữa bệnh của các thủ lĩnh bộ lạc, từ đó giúp doanh nghiệp của ông đặt được nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Bức tranh Lễ rửa tội của Pocahontas được họa sĩ John Gadsby Chapman vẽ vào năm 1840.

Gia đình Pocahontas sau đó di cư đến Luân Đôn vào năm 1616 cùng với thuyền trưởng Samuel Argall và chị gái của Pocahontas Mattachanna (cô cũng là người viết về những cuộc phiêu lưu của họ sau này).

Pocahontas, giờ đây với tên gọi mới Rebecca Rolfe, được giới thiệu với xã hội Anh như một minh chứng rằng những kẻ man rợ cũng có thể trở thành người văn minh. Nàng thậm chí có thể đã diện kiến vua James Đệ Nhất và hoàng hậu Anne. Về sau, gia đình Rolfes chuyển đến sinh sống ở vùng nông thôn Brentford.

Bức họa mô tả lễ cưới của Pocahontas từ họa sĩ William M. S. Rasmussen.

Theo như chia sẻ của thuyền trưởng John Smith, ông và Pocahontas đã có thêm một cuộc gặp mặt. Lúc bấy giờ, nàng vô cùng bối rối vì tưởng rằng vị thuyền trưởng lúc xưa đã qua đời. Cuộc gặp gỡ diễn ra không mấy suôn sẻ vì hai người không biết nên gọi nhau như thế nào. Đó cũng là lần gặp nhau cuối cùng thuyền trưởng và nàng công chúa thổ dân.

Bức họa được cho là chân dung của Pocahontas và con trai Thomas. Một số người lại cho rằng đây là bức tranh vẽ vợ (Pe-o-ka) và con trai của tù trưởng bộ tộc thổ dân Seminole Osceola.

Gia đình Rolfe quyết định quay trở lại Virginia vào năm 1617 nhưng Pocahontas đã không kịp nhìn thấy quê nhà trước khi qua đời. Tình trạng sức khỏe yếu kém buộc nàng phải trở về đất liền trước khi tàu khởi hành. Vài người cho rằng Pocahontas mắc bệnh viêm phổi hoặc kiết lỵ, một số khác lại suy đoán nàng đã bị đầu độc.

Bia mộ của con trai Pocahontas và John Rolfe.

Sau khi qua đời, Pocahontas được chôn cất tại nhà thờ Thánh George tại Kent (Anh Quốc) khi chỉ khoảng 21 tuổi. Hậu duệ của Pocahontas cũng như cha nàng bao gồm một số người nổi tiếng như cố đệ nhất phu nhân Mỹ Edith Wilson và ca sĩ Wayne Newton.

Tượng Pocahontas tại nhà thờ Thánh George ở Kent.

Vậy tại sao truyền thuyết về nàng Pocahontas đã cứu mạng và thậm chí phải lòng thuyền trưởng John John Smith lại được lưu truyền qua nhiều năm như vậy?

Giáo sư lịch sử tại đại học Rutgers Camilla Townsend (tác giả cuốn sách Pocahontas and the Powhatan Dilemma) từng giải thích trong phim tài liệu Pocahontas: Beyond the Myth của kênh The Smithsonian rằng đó chỉ là những gì mà người Mỹ (da trắng) muốn tin.

Cố Đệ Nhất Phu Nhân Edith Wilson, một hậu duệ của Pocahontas.

"Họ muốn xây dựng hình ảnh một người bản địa tốt bụng. Cô ấy ngưỡng mộ một người đàn ông da trắng, đạo Cơ Đốc và văn hóa của anh ta. Cô muốn sống hòa bình với những người này và sẵn sàng sống chung, kết hôn với họ hơn là làm điều đó với người thuộc bộ tộc của mình.

Toàn bộ ý tưởng này làm cho những người Mỹ da trắng cảm thấy tốt đẹp hơn về lịch sử của mình. Rằng chúng tôi không làm gì sai với người bản địa châu Mỹ mà thực chất đã giúp đỡ họ, và những người "tốt" trong số đó đánh giá cao điều này." - Cô Camilla Townsend chia sẻ.

Tại sao truyền thuyết về nàng Pocahontas lại được lãng mạn hóa như vậy?

Có lẽ sự thật về câu chuyện của nàng Pocahontas đã bị thời gian vùi lấp và khó có ai có thể khẳng định chắc chắn điều gì. Tuy nhiên, nó cho ta thấy phần nào những khía cạnh thú vị xung quanh các mối quan hệ giữa thực dân và người bản địa theo chiều dài lịch sử.

Theo: The Vintage News
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.