• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Đẹp hay là chết - Những loại mỹ phẩm độc hại từng đoạt mạng bao người

Lịch sử

Ngày nay, nhu cầu làm đẹp của mọi người luôn đi kèm với yêu cầu về những món mỹ phẩm có bảng thành phần “sạch đẹp” với các nguyên liệu không độc hại và bao bì thân thiện môi trường, cam kết không thử nghiệm trên động vật,… Và đôi lúc, chỉ một chút cồn trong toner, chì trong son môi hoặc thậm chí… chất bảo quản cũng làm một số người “giãy đành đạch” lên.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, các loại mỹ phẩm làm đẹp, đặc biệt là đồ trang điểm, được làm từ đủ loại thành phần mà có lẽ cho bao nhiêu tiền thì bạn cũng không muốn trát lên mặt đâu.

Ai Cập

Đường kẻ mắt đậm của Nữ hoàng Cleopatra đã vô cùng nổi tiếng, nhưng bà không phải là người Ai Cập cổ duy nhất sử dụng mỹ phẩm trang điểm. Tất cả cư dân của nền văn minh sông Nile – bao gồm cả nam lẫn nữ - đều sử dụng bột màu đen và xanh lá để tô vẽ đôi mắt. Người ta tin rằng những ai có kiểu trang điểm này sẽ được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời cũng như tránh đi các loại bệnh tật.

nefertiti

Tượng bán thân có niên đại vào khoảng năm 1355 TCN của Nữ hoàng Nefertiti. Có thể dễ dàng nhận thấy đường kẻ mắt rất đậm của Nữ hoàng. Nguồn ảnh: digitaltrends.com

elizabeth taylor

Huyền thoại điện ảnh Elizabeth Taylor với lớp trang điểm mắt đầy cầu kỳ khi vào vai Nữ hoàng Cleopatra trong bộ phim cùng tên ra rạp năm 1963. Nguồn ảnh: Hazlitt

Tuy không thể kiểm chứng chắc chắn, nhưng bằng cách nào đó, có thể các loại phấn trang điểm trên thật sự đã mang những tác dụng mà người Ai Cập cổ đại tin tưởng. Phấn Kohl đen và các loại phấn từng được họ sử dụng cho mắt có chứa muối chì, và hồi năm 2010, các nhà nghiên cứu người Pháp đã chỉ ra rằng muối chì đã giúp cơ thể những ai sử dụng nó tự sản xuất ra nitric oxide. Từ đó, hệ miễn dịch của họ được tăng cường, cũng như tránh bị nhiễm trùng mắt.

kohl pot

Những chiếc bình và lọ được dùng để trộn phấn Kohl cùng các loại khoáng chất khác để tạo ra loại hỗn hợp phấn trang điểm mắt. Nguồn ảnh: Egypt Museum

Nhưng nghiên cứu trên không có nghĩa là bạn nên bắt đầu trang điểm mắt bằng các loại chì như người Ai Cập cổ đã từng. Vì ở thời cổ đại, chẳng mấy ai trong số họ sống qua độ tuổi 30 đâu. Mà nếu có thể sống lâu bằng tuổi thọ của con người hiện tại, họ cũng phải gặp cả mớ vấn đề sức khỏe bởi đã tiếp xúc quá lâu với chì.

Anh Quốc

Phụ nữ thuộc Đế quốc La Mã sử dụng chì thoa lên mặt để trắng hơn – cũng giống với cách mà giới quý tộc ở thế kỷ 16 trang điểm khuôn mặt họ. Một ví dụ nổi tiếng cho việc sử dụng mỹ phẩm làm từ chì là Nữ hoàng Elizabeth I, người thường xuyên thoa một hỗn hợp làm từ chì và giấm để che đi những vết sẹo do bệnh đậu mùa để lại trên khuôn mặt.

753px elizabeth i armada portrait

Chân dung của Nữ hoàng Elizabeth I, được vẽ vào khoảng năm 1588 bởi một họa sĩ chưa xác định danh tính. Nguồn ảnh: History on the Net

cate blanchett

Nữ diễn viên Cate Blanchett vào vai Nữ hoàng Elizabeth I trong bộ phim Elizabeth sản xuất năm 1998. Nguồn ảnh: cinemahistoryx.blogspot.com

Loại mỹ phẩm mà Nữ hoàng sử dụng được đặt cái tên mỹ miều là “Bạch diên Venetian” hoặc “Linh hồn của Thổ Tinh”. Nó có thể giúp cho nước da người phụ nữ trở nên sáng và mịn màng, nhưng sau một thời gian, người sử dụng sẽ gặp phải những “tác dụng phụ” khá nặng nề bao gồm rụng tóc, mòn răng và thay đổi sắc da vĩnh viễn.

Hoa Kỳ

Cuối thế kỷ 19, nhiều tờ báo ở Mỹ quảng cáo về một loại bánh xốp hứa hẹn sẽ loại bỏ tàn nhang, mụn và mọi khuyết điểm khuôn mặt. Thứ bánh này có chứa… chất độc, nhưng đó chẳng phải là một bí mật vì ngay trên nhãn của chúng đã ghi rõ “Arsenic Complexion Wafers” – tạm hiểu là bánh xốp chứa chất asen (thạch tín) có tác dụng với làn da người dùng.

arsenic wafer

Bác sĩ James P. Campbell hân hạnh giới thiệu loại bánh xốp có thành phần asen hết sức an toàn cho người sử dụng… Nguồn ảnh: americanhistory.si.edu

Sự độc hại của asen đã được biết đến ở thời Victoria, nhưng một số phụ nữ vẫn cho rằng… dùng một chút thì chẳng chết được. Trừ khi bạn thật sự yêu thích nước da nhợt nhạt như sắp chết đấy, còn lại thì sử dụng asen – cho dù chỉ là một lượng rất ít – vẫn giống như một trò liều mạng.

Theo: National Geographic
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.