• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Lịch sử phát triển của nước hoa: Câu chuyện tanh tưởi đằng sau mùi hương ngọt ngào

Lịch sử

Lịch sử của nước hoa có từ rất xa, xa xưa đến mức không ai biết được nó khởi nguyên từ đâu, lịch sử đã bị chôn vùi theo dòng thời gian đến mức khó tìm được nguồn khảo chứng, các sử học gia chỉ có thể thông qua những thứ vụn vặt của lịch sử để tìm kiếm nguồn gốc thần bí của nước hoa.

Trước thế kỷ 11: Truyền thuyết xa xưa của nước hoa

Theo ghi chép tìm được, ban đầu nước hoa được dùng trong các nghi lễ cúng bái thần linh, nó đại diện cho sự thần thánh, bất khả xâm phạm, người bình thường không được phép động tới.

Thời kì đồ đá, khi con người bắt đầu học được cách dùng lửa, họ nghĩ rằng khói bóc lên sau khi lửa cháy đại diện cho liên hệ với thần linh, nên từ Perfume dùng để chỉ nước hoa trong tiếng Anh được bắt nguồn từ chữ Latin Perfumum với nghĩa là “xuyên qua làn khói”.

Đến hiện nay, việc dâng hương cũng đóng vai trò không kém quan trọng trong các tôn giáo như Phật giáo hay Đạo giáo. Thậm chí trong các nghi lễ hiến tế, vua chúa đều cho thiêu đốt rất nhiều vật dụng để tạo ra các đám khói to và cao, vì họ cho rằng những luồng khói này càng cao, càng to, thần linh sẽ càng dễ dàng nghe được thỉnh cầu của con người hơn.

Lịch sử nước hoa thời Ai Cập cổ đại

Ai Cập cổ đại là nơi đầu tiên sử dụng nước hoa một cách phổ biến. Thế nhưng ngay từ đầu nó chỉ được dùng cho các tư tế, cũng chỉ có các tư tế được tham gia vào quá trình chế tạo nước hoa, nên hầu như các đền thờ ở nơi đây đều có các phòng riêng để chế tạo nước hoa.

Dần dần vua và hoàng hậu cũng sử dụng nó như một thứ để thể hiện sự cao quý của mình, khi họ chết, đến các tư tế cũng ướp xác họ bằng hương liệu. Bắt đầu từ lúc này cho đến một thời gian dài về sau, cũng chỉ có những người có địa vị hiển hách mới được dùng nước hoa và hương liệu để tô điểm lăng mộ sau khi chết.

Năm 40 TCN - thời kì thịnh trị của nữ hoàng Cleopatra VII, nước hoa được sử dụng rộng rãi và được tôn vinh hơn bao giờ hết, đồn rằng khi vương triều của mình lung lay, bà đã dùng sắc đẹp và vô số nước hoa để mê hoặc Julius Caesar và đổi lấy sự giúp đỡ của La Mã. Người ta đồn rằng bà dùng dùng nước hoa để xịt lên quần áo và tường, thậm chí còn dùng nước hoa để tắm, dưới sự ảnh hưởng của bà, người dân Ai Cập cũng thích dùng nước hoa như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống hàng ngày.

Sau khi bà qua đời, sự sùng bái của người Ai Cập với nước hoa cũng dần mai một kéo theo sự sụp đổ của vương triều Ai Cập.

Lịch sử nước hoa ở La Mã

Đế chế La Mã dần khống chế toàn bộ mậu dịch vùng Địa Trung Hải, nước hoa theo đó truyền vào La Mã, các cô gái nơi này say mê mùi thơm ngọt ngào và nhanh chóng học cách điều chế nước hoa, họ nhanh chóng kế thừa và phát triển kỹ thuật làm nước hoa của người Ai Cập, đưa nước hoa vào mọi mặt của đời sống, từ xịt lên tường, bôi lên quần áo, cho tới tắm cho ngựa, thậm chí một vài gia đình quý tộc còn cho xây dựng suối phun nước hoa.

Đến thế kỷ thứ 3 SCN, La Mã suy vong, đạo Cơ Đốc hưng thịnh ức chế phần nào sự phát triển của nước hoa. Những tín đồ Cơ Đốc cho rằng, đó là sản phẩm không thực tế. Nhưng người Ả Rập và các nước theo đạo Islam thì cực kì ưa chuộng nước hoa, họ thích mùi xạ hương, hoa hồng và hổ phách, họ dùng những loại hương liệu có mùi thơm này pha vào trong bùn đất, gạch đá để xây dựng lên những cung điện thơm ngát.

Đến thế kỷ 12, người Ả Rập phát hiện nếu hoà tan tinh dầu nước hoa vào trong cồn, nó có thể kéo dài mùi hương lâu hơn và thời gian bảo quản cũng lâu hơn trước.

Sự phát triển của nước hoa ở Châu Âu

Đế quốc La Mã diệt vong, chiến tranh kéo dài vô tận kéo các nước  Âu Châu vào giai đoạn lịch sử hắc ám nhất, nước hoa cũng mất đi địa vị vốn có. Mãi đến thế kỷ 12, khi kinh tế, mậu dịch được khôi phục, tình hình mới chuyển biến tốt đẹp hơn. Các trường học được mở ra, ngành luyện kim được hoàn thiện, kỹ thuật chưng cất từ Ả Rập truyền vào, đã làm công nghệ điều chế nước hoa ở các nước Châu  Âu phát triển vượt bậc.

Năm 1268, ngành công nghiệp thuộc da ở Pháp phát triển nhanh chóng, nhất là bao tay da, nó phát triển mạnh tới mức được xuất khẩu sang những nước khác. Nhưng trong quá trình xử lý thuộc da, sẽ sinh ra mùi khai, thành phẩm làm ra cũng sẽ bị ám mùi khai này, nên họ phải cho thêm tinh dầu nước hoa và để giảm mùi. Việc này cũng thúc đẩy ngành công nghiệp nước hoa phát triển hơn.

Lúc ấy Venice, Ý là kinh đô của nước hoa, trong thành phố có chợ hương liệu khổng lồ, để giao dịch, trao đổi các hương liệu và nước hoa đến từ các nguồn khác nhau. Thậm chí nơi này còn có thương nhân từ Trung Quốc, Malaysia đến buôn bán và mua hương liệu.

Đến năm 1348, căn bệnh Cái Chết Đen bùng nổ và kéo dài hơn 400 năm mới biến mất. Trong suốt khoảng thời gian này, toàn bộ Châu Âu biến thành nơi đen tối và đáng sợ nhất thế giới, gần 1/3 dân số Châu Âu chết trong thời kì này.

Các bác sĩ cho rằng Cái Chết Đen được truyền qua không khí, nên khuyến khích người dân mặc quần áo dày khi ra đường, để ngăn không cho không khí tiếp xúc với da. Đồng thời họ cũng khuyên người dân không nên tắm rửa để những cặn bẩn tích lại, che kín lỗ chân lông. Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng hiểu lầm này mãi đến thế kỷ 19 mới được giải quyết. Và trong suốt 500 năm đó, người dân Châu Âu cực kì hạn chế việc tắm rửa, thậm chí vua Louis XVI chỉ tắm 2 lần một năm.

Ngoài ra, ở Châu Âu thời kì này không có nhà vệ sinh, chỉ có những thành phố giàu có, hoặc là trong các cung điện mới có nhà vệ sinh dành riêng cho quý tộc. Khi những nhà vệ sinh này đầy, người hầu sẽ dọn dẹp bằng cách hất thẳng ra đường, nên những sản phẩm này thường có mặt khắp ngõ ngách trong phố phường, thậm chí không ít người qua đường bị dính phải. Chính vì thế, triều đình đã phải ra một đạo luật là khi muốn hất đồ dơ, người hất phải hô thông báo ba lần thật lớn rồi mới được hất.

Còn những người dân bình thường thì chỉ chọn một chỗ kín người để xử lý, và hiển nhiên những nơi này không được xử lý hay dọn dẹp gì cả.

Để át đi mùi thối từ những thứ dơ bẩn, người dân Châu Âu cực kì ưa chuộng hoa, minh chứng rõ ràng nhất là hầu như trong cách bức tranh hoặc tượng điêu khắc, bích hoạ, chúng ta đều có thể nhìn thấy hình ảnh người nam cầm hoa, người nữ đội mũ gắn đầy hoa.

Có thể nói mùi hoa thơm nồng này có công dụng quan trọng nhất là để át đi mùi hôi thôi chung quanh. Trước thế kỷ 14, nước hoa trong tiếng anh được gọi là “toilet water”, họ trực tiếp dùng nước hoa mùi cực kì nồng để làm nước dùng trong toilet.

Khi dịch bệnh Cái Chết Đen bộc phát, người ta chợt phát hiện ở những nơi trồng hoa, sản xuất nước hoa hầu như không ai bị bệnh, vì thế nước hoa lại được dùng như một thứ để xua đuổi bệnh tật.

Chính vì thế nhu cầu dùng nước hoa ở các nước Châu Âu vào lúc này cực kì lớn, đến thế kỷ 15, khi Thổ Nhĩ Kì chặn đường giao thương đông tây, hương liệu ở Châu Âu trở nên khan hiếm, làm họ phải tự tìm đến một con đường giao thương khác.

Đến thế kỷ 16, khi công chúa Katharine của Ý gả đến Pháp, cô mang theo loại nước hoa cực kì nổi tiếng của nước mình theo. Nước Pháp luôn lấy sự lãng mạng và thời trang làm tự hào, lập tức hấp thu kỹ thuật làm nước hoa và lan truyền rộng rãi.

Từ đó về sau, Paris trở thành kinh đô nước hoa. Đến thời Louis XIV, các quý tộc thích bôi nước hoa lên quạt, vì lúc này chưa có loại vòi phun, nên khi bôi nước hoa lên quạt, chỉ cần quạt sơ là mùi nước hoa đã bám lên người họ. Sau này khi vòi xịt ra đời, cách bôi nước hoa lên quạt trở thành cách để thử mùi nước hoa.

Vua Louis XV thậm chí biến cung điện của mình thành cung điện nước hoa, đến thời Napoleon, ông mang theo hàng chục ký nước hoa để đi chinh chiến.

Năm 1828, Pierre Guerlain sáng lập cửa hàng kinh doanh nước hoa đầu tiên, từ đó Guerlain cũng trở thành loại nước hoa đắt tiền và nổi tiếng nhất trong các dòng nước hoa, được các quý tộc và dân chúng vô cùng yêu thích.

Năm 1913, Chanel thành lập hàng thời trang Chanel, năm 1921 Ernestbeaux nghiên cứu ra một loạt nước hoa để Coco Chanel chọn, bà nhanh chóng chọn lọ thứ 5, cũng đặt tên No.5 cho loại nước hoa này, từ đó Chanel No.5 ra đời và trở thành trào lưu trong giới quyền quý. Không những thế nó còn trở thành sản phẩm nước hoa đầu tiên được quảng cáo trên TV.

Cho đến ngày nay, nước hoa đã không còn là vũ khí để chống lại mùi hôi thối, mà được biết đến như một tác phẩm nghệ thuật xinh đẹp, điểm tô và dẫn dắt con người vào những cuộc hành trình mê ly. Từ lịch sử đen tối đầy mùi hôi, cho đến khi trở thành thứ đại diện cho phái đẹp, nước hoa đã chứng kiến sự nhảy vọt trong sinh hoạt và đời sống của nhân loại.

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.