• Về đầu trang
Mèo một mẩu
Mèo một mẩu

Loài hoa có thể tự làm mật ngọt ngào hơn khi nghe tiếng ong vo ve đến gần

Thiên nhiên

Âm thanh là yếu tố quan trọng đối với sự sống và sự tồn tại trên Trái Đất. Ngay cả ở nơi tưởng chừng như yên tĩnh nhất, vẫn có những âm thanh rất nhỏ của gió thổi, cây cối xào xạc, nước róc rách hay côn trùng vo ve.

“Liệu có phải chỉ động vật mới cảm nhận được âm thanh? Hay ngay cả thực vật cũng có thể?” là câu hỏi đã khiến nhà nghiên cứu Lilach Hadany băn khoăn và thôi thúc cô hành động để tìm kiếm câu trả lời.

Kết quả của các thí nghiệm đầu tiên nhằm xác minh giả thiết này, được công bố gần đây trên bioRxiv, cho thấy có ít nhất một loài thực vật có khả năng nghe, đó là hoa Oenothera drummondii (hoa Anh thảo/primrose).

Nhóm của Hadany sau những quan sát đã phát hiện ra rằng, chỉ trong vài phút sau khi cảm nhận được rung động từ cánh của các loài thụ phấn, lượng đường trong mật hoa Anh thảo đã tăng lên tạm thời. Trên thực tế, bản thân những bông hoa đóng vai trò như đôi tai, có khả năng nhận biết tần số âm thanh phát ra từ cánh của các loài thụ phấn và bỏ qua những âm thanh không liên quan, như tiếng gió.

Âm thanh ngọt ngào nhất

Để kiểm tra khả năng nghe của loài hoa Anh thảo, nhóm của Hadany đã cho chúng tiếp xúc với 5 phương pháp xử lý âm thanh khác nhau trong phòng thí nghiệm, bao gồm: im lặng, tiếng ghi âm của một con ong mật từ khoảng cách 10cm, âm thanh phát ra từ máy tính với tần số thấp, trung bình và cao.

Các cây được đặt trong bình thủy tinh chống rung, đảm bảo điều kiện hoàn toàn im lặng, cho kết quả là lượng đường trong mật hoa không có sự gia tăng đáng kể. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong trường hợp tiếp xúc với âm thanh tần số cao (158 - 160 kHz) và tần số trung bình (34 - 35 kHz).

Tuy nhiên, những cây tiếp xúc với tần số âm thanh của ong (0,2 – 0,5 kHZ) và âm thanh ghi âm tần số thấp tương tự (0,05 – 1 kHz), lại cho kết quả đáng kinh ngạc. Chỉ trong vòng 3 phút sau khi tiếp xúc với những âm thanh này, nồng độ đường trong mật hoa đã tăng từ 17% - 20%.

Đặc biệt, nghiên cứu cũng cho thấy, ở những cây vừa được côn trùng thụ phấn, chỉ sáu phút sau đó, lượng côn trùng lại tập chung đến thụ phấn cho nó nhiều hơn gấp 9 lần những cây khác xung quanh.

Theo lý thuyết, những bông hoa càng ngọt ngào càng thu hút được nhiều côn trùng, từ đó giúp chúng gia tăng tỉ lệ thụ phấn thành công. Điều này đã khiến Hadany càng tin tưởng hơn vào giả thuyết của mình.

“Tai” hoa

Theo nhóm nhiên cứu, vì âm thanh được cảm nhận bởi tần số rung động, nên phần cánh hoa đóng vai trò quan trọng nhất trong việc hỗ trợ khả năng nghe của thực vật.

Mặc dù cánh hoa có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, nhưng nhiều trong số chúng được sắp xếp để tạo thành hình lõm hoặc hình bát – những hình dạng hoàn hảo để thu và khuếch đại sóng âm, giống như một chiếc đĩa vệ tinh.  

Hadany và cộng sự cũng đã thực hiện một thí nghiệm khác để kiểm tra tác dụng của chiếc đĩa hoa này. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, những rung động của bông hoa hoàn toàn khớp với bước sóng của ong được ghi lại.

Để chắc chắn, nhóm cũng làm thí nghiệm với những bông hoa đã bị cắt bỏ một hoặc nhiều cánh hoa. Những bông hoa đó đã không thể cộng hưởng với một trong hai âm thanh tần số thấp.

Mặc dù cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể khám phá hết những bí mật đằng sau khả năng nghe của hoa. Tuy nhiên Hadany cho rằng, vì không thể di chuyển, nên phát triển khả năng cảm nhận âm thanh chính là cách thực vật tiến hóa để duy trì lòi giống và tồn tại lâu dài.

Theo: National Geographic
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.