• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Bí ẩn về bức tranh ma nổi tiếng ở Cố Cung, phóng to lên 20 lần mới thấy kì lạ

Nghệ thuật

Bức tranh ma này có nguồn gốc từ triều Nam Tống, hiện đang được trưng bày trong viện bảo tàng ở Bắc Kinh. Nó được vẽ trên nền vải của một cây quạt tròn, thuộc dạng tiểu phẩm thi hoạ, không phải thứ gì quá đặc biệt nhưng lại được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đến nay vẫn chưa ai hiểu được ẩn ý đằng sau nó, cũng chưa một ai thật sự xem hiểu nó.

Bức tranh này có tên là Khô Lâu Huyễn Hí đồ, nhìn sơ qua đã thấy ghê người, trông không khác gì khung cảnh của một bộ phim kinh dị.

Chúng ta đều biết, sau khi con người qua đời, phần thịt thối rữa và biến mất hết sẽ để lại một bộ khung xương trắng toát, đây cũng là thứ con người ta kiêng kị nhất. Trước triều đại Nam Tống, chưa một hoạ sĩ nào dám đưa xương khô vào tranh của mình, tác giả của bức hoạ này là người đầu tiên.

Nếu ông chỉ là một hoạ sĩ bình thường thích theo đuổi cái lạ thường nên làm thế thì cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên ông lại là một trong những danh gia nổi tiếng nhất triều đại Nam Tống, có danh xưng là Tam triều hoạ sĩ – Lý Tung, dù ít hay nhiều ông cũng được tính là người của triều đình, có thân phận, địa vị và danh vọng không hề thấp.

Lý Tung

Vậy tại sao vị họa sĩ lừng danh lại vẽ ra bức tranh ma này? Hai bộ xương khô một lớn một nhỏ, bên cạnh là một người phụ nữ và một đứa bé, rốt cuộc ông muốn thể hiện điều gì qua bức tranh này?

Hơn tám trăm năm sau, khi có người thử phóng đại bức tranh này lên 20 lần mới phát hiện được chúng ta đã bị đùa giỡn, chuyện này lạ kì đến đáng sợ, có thể làm người ta nổi hết da gà. Không những thế, kẻ đùa giỡn chúng ta có tới tận hai người. Một người không ai khác chính là tác giả của bức tranh này – Hoạ sĩ triều Nam Tống – Lý Tung, ông đã cài ẩn ý vào trong bức tranh, thả ra một lời nói dối làm thế nhân bị đùa bỡn suốt mấy trăm năm.

Hoàng Công Vọng

Người còn lại chính là Hoàng Công Vọng – Hoạ sĩ sơn thuỷ nổi tiếng triều Nguyên, sau khi bức tranh ma ra đời được 143 năm, cũng tức là năm ông qua đời, ông đã viết một khúc điệu từ ngắn cho bức tranh đó lấy tên “Tuý trung thiên – Lý Tung khô lâu hoàn phiến”. Vương Huyền Chân đệ tử của ông còn viết khúc điệu từ ra và đặt bên cạnh bức tranh ma.

Lý Tung – hoạ sĩ nổi danh thời Nam Tống chắc chắn là một người kì lạ, còn kì lạ và tài giỏi hơn cả Trương Trạch Đoan hay Vương Hi Mạnh thời Bắc Tống. Trương Trạch Đoan có Thanh Minh Thương Hà Đồ, Vương Hi Mạnh có Thiên Lý Giang Sơn Đồ, trong mười bức tranh nổi tiếng nhất Trung Quốc, hai vị đại biểu đến từ Bắc Tống này đã chiếm hết hai vị trí.

Thanh Minh Thương Hà Đồ - Trương Trạch Đoan

Thanh Minh Thượng Hà Đồ của Trương Trạch Đoan cao 24.8 cm, dài 528.7cm. Thiên Lý Giang Sơn Đồ của Vương Hi Mạnh cao 51.5cm, dài 1191.5cm, là hai bức tranh cổ có diện tích lớn nhất Trung Quốc.

Thiên Lý Giang Sơn Đồ - Vương Hi Mạnh

Quay lại với Khô Lâu Huyễn Hí Đồ của Lý Tung, bức tranh chỉ cao 27cm, dài 26.3cm, tức là chỉ bằng một trang giấy A4, nếu so với 2 bức danh hoạ trên thì quả thực không đáng là gì. Nhưng chính bức tranh chỉ bằng tờ A4 ấy lại được lưu truyền qua mấy trăm năm, không chỉ thành kì tích trong lịch sử hội hoạ của Trung Quốc mà còn có sức hút vô cùng độc đáo, đủ để nó chiếm một vị trí riêng trong làng thi hoạ cổ điển.

So ra, rốt cuộc ai cao tay hơn ai? Khó mà nói được.

Lý Tung là người Tiền Đường, ngày nay là Hàng Châu. Ông và Tề Bạch Thạch đều sinh sống bằng nghề mộc, xuất thân nghèo khó, chỉ có sở thích là vẽ tranh. Sau này may mắn được hoạ sĩ cung đình Lý Từ Huấn nhận làm con nuôi, dạy vẽ tranh, nên sau này trở thành một danh gia, ông từng là hoạ sĩ qua ba đời vua: Tống Quang Tông, Tống Ninh Tông, Tống Lý Tông. Cũng vì thế ông được người đời tôn xưng là Tam triều hoạ sĩ.

Một thợ mộc lại có được cuộc đời huy hoàng nhường này đương nhiên cũng là một kẻ tài ba chẳng kém ai, nhưng tại sao lại nói Lý Tung kì dị? Bởi vì phong cách vẽ tranh của ông luôn khác biệt với mọi người, ông không giống những hoạ sĩ cung đình khác, không giới hạn bản thân trong lối vẽ tỉ mỉ của cung đình, ông thích vẽ tự do, thả mình ngao du khắp nơi, từ cung đình đến nhân gian, từ phố phường đến thôn xóm hương dã, từ cảnh dân chúng vất vả mưu sinh đến cảnh quan lại ăn nhậu chơi bời, từ tiên cảnh cho đến hiện thực,…

Bức tranh Khô Lâu này được Lý Tung vẽ năm 45 tuổi, đây cũng là thời kì đỉnh cao của ông, nhưng thường với những tiểu phẩm hội hoạ người ta thường vẽ ngắn gọn nhẹ nhàng, lấy ý cảnh làm chính, Lý Tung lại đi ngược, trên mặt quạt chỉ bằng trang A4, ông vẽ tổng cộng 4 người, mỗi bút mỗi đường còn vô cùng tỉ mỉ cẩn thận.

Khi phóng to bức tranh này lên 20 lần, không ít người nói càng nhìn càng sợ. Vậy nó đáng sợ chỗ nào?

Bên phải bức tranh là một đứa bé đang học đi, chân bò dưới đất, tay hướng ra trước, đằng sau đứa trẻ là một người phụ nữ đang vươn tay làm động tác ngăn cản, hận không thể ôm đứa bé đang bò dưới đất lên. Vẻ mặt người phụ nữ chẳng những sốt ruột mà còn có sợ hãi, bà ấy đang lo đứa trẻ gặp nguy hiểm gì à?

Vậy thứ gì đã hấp dẫn đứa trẻ? Đó là một bộ xương khô nhỏ, nửa ngồi, không chỉ tay chân đang nhúc nhích, mà hai tay còn vươn ra trước, như đang dụ dỗ đứa trẻ mau lại chỗ mình. Cảnh này ai nhìn cũng nổi da gà.

Trên các khớp xương ở tay và chân bộ xương nhỏ đều có một sợi dây nhỏ, nối với một cái giá điều khiển, càng đáng sợ là thứ đang cầm giá điều khiển bộ xương khô nhỏ là một bộ xương khô lớn đầu đội mũ đen, mặt mày dữ tợn, đang ngồi dưới đất, trông như đang múa rối dây.

Múa rối dây là cũng hình thức biểu diễn rối gỗ khá phổ biến ở thời Tống, chỉ cần biết rõ lịch sử về nó thì sẽ chẳng thấy hình ảnh điều khiển xương bên trên có gì đáng sợ.

Thế nhưng bên cạnh bộ xương lớn là một cái gánh, bên trong có chiếu, dù và vài vật phẩm thường ngày khác, gánh này rõ ràng là toàn bộ gia sản của một nghệ nhân múa rối lưu động, vậy tại sao kẻ đang điều khiển bộ xương khô nhỏ kia lại không phải nghệ nhân mà là một bộ xương khô?

Lại nhìn sang người phụ nữ đang cho con bú đằng sau bộ xương lớn, gương mặt bình tĩnh không chút lo lắng, thậm chí còn hơi mỉm cười, làm chúng ta khó mà hiểu được tại sao bà lại có thể bình tĩnh đối diện với bộ xương lại không hề sợ hãi?

Có người nói bộ xương ấy có thể qua đời vì nguyên nhân nào đó, nhưng vẫn lo cho gia đình nên lấy hình thái hồn ma quay về nhà, mưu sinh nuôi gia đình. Với những nghệ nhân lang thang thì trời là mền, đất là giường, đi khắp nơi là vận mệnh cả đời của họ, phố phường là vừa nơi để làm ăn vừa là nhà.

Cũng có người nói chủ đề của bức tranh này hẳn là sự chuyển hoá của sự sống và cái chết cùng với nhân quả luân hồi. Hoạ sĩ chia nó làm hai nữa, một bên là sự sống một bên là cái chết. Bên trái vẽ bộ xương đầu đội mũ, người mặc áo nâu, các đốt ngón tay quấn vào dây tơ, nghệ nhân diễn kịch rối hàm nghĩa cái chết; bên phải thì vẽ trẻ con tay chân chấm đất, ngửa đầu duỗi tay, mang ý nghĩa sinh mệnh sự sống.

Phân chia rõ giới hạn sự sống và cái chết rồi lại thu hút lẫn nhau, con rối xương bị điều khiển hành mặt hướng về đứa trẻ, khom người đón chào.

Đây là tranh trong tranh, hoạ bút cực kì tỉ mỉ.

 Đằng sau bộ xương lớn, một người phụ nữ lộ ngực đang cho con bú, mặt mày lo lắng nhìn cảnh bộ xương đang diễn rối cho đứa trẻ xem, vừa lúc hình thành ảnh phản chiếu quý phu nhân đang lo lắng cho con mình bên phải, hiện ra tư thái vừa tĩnh vừa động, đối lập với nhau.

Hoạ sĩ vẽ hai bộ xương nấp trong gốc, chung quanh đầy những đồ đạc lỉnh kỉnh, lại dùng tông màu tối để tăng thêm cảm giác đen tối, hắc ám và đáng sợ; đồng thời lại dùng màu sáng và vùng không gian rộng rãi cho phu nhân và đứa trẻ, để tăng cảm giác sáng sủa, vui vẻ.

Bức tranh này còn là suy tư về cái chết. Những năm Nam Tống, thiên hạ phân tranh, cửa son rượu thịt ôi, ngoài đường người chết đói. Đời sống người dân tạm bợ, sống chết do trời. Mà bức tranh tạo ra khung cảnh đối lập hai bên, một bên là sống một bên là chết, sống chết hoà quyện vào nhau. Làm người xem kẻ thấy quỷ, người thấy nghi hoặc,…

Nhưng nếu quan sát kỹ có thể thấy được quần áo mà bộ xương lớn đang mặc là vải the mỏng, trong suốt như cánh ve, người mặc được loại vải này không chỉ trong nhà giàu có mà còn phải là vương tôn quý tộc.

Hai vị phu nhân có hình thể hơi béo, quần áo xinh đẹp, đầu cắm trâm hoa, tai đeo khuyên, không như người nghèo. Càng không giống người dân nghèo bị đói chết.

Nếu vậy ý nghĩa mà Hoàng Công Vọng giải thích trong khúc tiểu đề của mình có vẻ như đã không đúng. Bởi vì ông cho rằng ẩn ý của hoạ sĩ là thể hiện tình cảnh lẻ loi cô đơn, lưu lạc thiên nhai, màn trời chiếu đất của nghệ nhân múa rối, để rồi cuối cùng bị cuộc sống áp bức đến hoá thành xương khô. Bộ xương khô không phải đang chơi rối mà càng như bị sinh hoạt khống chế.

Rốt cuộc đây là Hoàng Công Vọng hiểu sai ý, làm thế nhân suốt mấy trăm năm sau cũng hiểu sai ý theo, hay chính ông cũng bị Lý Tung đùa giỡn? Hoặc giả ông nhìn ra được ẩn ý của Lý Tung, rồi cố ý hùa theo Lý Tung để tiếp tục đùa bỡn hậu thế?

Ý kiến được nhiều người tán đồng nhất là hoạ sĩ là muốn nói cho người đời sau, bộ xương kia vừa là nghệ nhân bần cùng vừa là kẻ phú quý, mà dù là ai đi chăng nữa, chết rồi cũng sẽ hoá thành xương khô. Giàu sang hay bần hàn cũng là như nhau, cũng đều bị vận mệnh trói buộc và đùa bỡn trong tay, vì thế hãy vui với những gì mình đang có. Nói cho cùng, nỗi buồn vui, thành bại vinh nhục của thế nhân, rồi cũng sẽ hoá thành xương khô.

Thế nên tên của bức tranh này không phải là Khô Lâu đồ mà mà Khô Lâu Huyễn Hí đồ, nhấn mạnh vào hai chữ “huyễn hí” (huyễn: huyền ảo, biến hoá khôn lường, hí: nô đùa, kịch nghệ).

Cũng vì ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa và hàm ý như vậy mà bức tranh này đã được không ít các sử gia nghiên cứu và để lại một nét bí ẩn trong lịch sử mỹ thuật tạo hình Trung Quốc.

Theo: Zhihu
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.