• Về đầu trang
Colima
Colima

'Harvard Computers' - Chuyện chưa kể về những nhà thiên văn học nữ với đóng góp vĩ đại vào kho tàng kiến thức vũ trụ của nhân loại

Chị em

Vào cuối những năm 1800, một nhóm các nhà khoa học nữ làm việc tại Đài Thiên Văn Harvard đã phân loại hàng trăm nghìn ngôi sao dựa trên một hệ thống do họ tự sáng chế. Bất chấp những hạn chế và thiệt thòi mà phụ nữ phải gánh chịu vào thời điểm đó, họ đã góp phần tạo nên những kiến thức nền tảng nhất cho nền thiên văn học thế giới.

Nhóm các nhà khoa học nữ và ông Edward Charles Pickering.

Giám đốc đời thứ tư của Đài Thiên Văn Harvard Edward Charles Pickering là một người có tư tưởng rất tiến bộ so với thời đại. Tốt nghiệp Đại học Harvard vào năm 1865, ông đã phá vỡ các quan niệm truyền thống thời bấy giờ với việc cho phép sinh viên tiến hành thí nghiệm và mời phụ nữ tham dự các bài giảng của mình khi giảng dạy bộ môn vật lý tại MIT (viện Công nghệ Massachusetts).

Chân dung ông Edward Charles Pickering.

Thay vì dựa vào các quan sát bằng kính viễn vọng, ông Pickering khuyến khích các thí nghiệm bằng ảnh thiên văn. Vào cuối những năm 1800, công nghệ ống kính mới cho phép các nhà thiên văn học có thể chụp ảnh bằng kính viễn vọng. Khát khao lớn nhất của ông Pickering chính là kiểm tra và lập danh mục toàn bộ các ngôi sao trên bầu trời đêm. Nhờ đóng góp của ông và các đồng sự, đài Thiên Văn Harvard đã tích lũy một bộ sưu tập hình ảnh khổng lồ bao gồm hơn nửa triệu tấm kính.

Tuy nhiên, điều này dẫn đến một vấn đề: có quá nhiều dữ liệu nhưng không đủ nhân lực có thể phân tích chúng. Công việc có phần tẻ nhạt và lặp đi lặp lại này lại đòi hỏi sự chính xác, tính cẩn thận và khả năng tập trung cao độ. Vì vậy, giám đốc Đài Thiên Văn Harvard lúc bấy giờ quyết định lựa chọn các nhân viên nữ cho nhiệm vụ này.

Vào năm 1881, theo lời giới thiệu của vợ, ông Pickering thuê một trong những người giúp việc của gia đình là bà Williamina Fleming để hỗ trợ công việc tại đài thiên văn. Từ thời điểm đó, nhà khoa học nữ bắt đầu làm việc tại Harvard và dành hơn 34 năm để cống hiến cho sự phát triển của ngành thiên văn học.

Chân dung bà Williamina Fleming.

Vô cùng hài lòng với năng lực và đạo đức làm việc của bà Fleming, ông Pickering đã đăng một mẩu quảng cáo để tuyển thêm các nữ nhân viên cho đài thiên văn.

Trong cuốn sách The Glass Universe: How the Ladies of Harvard Universe Took the Measure of the Stars, tác giả Dava Sobel từng chia sẻ về một phần nội dung của mẫu quảng cáo như sau: "Nhiều phụ nữ quan tâm đến thiên văn học và sở hữu kính viễn vọng, nhưng ngoại trừ hai hoặc ba trường hợp đáng chú ý, những đóng góp của họ cho khoa học gần như là con số không.

Nhiều người trong số đó có thời gian và thiên hướng cho công việc này, đặc biệt là những cử nhân đại học đã được đào tạo đầy đủ các kỹ năng để trở thành những nhà quan sát xuất sắc. Công việc này hoàn toàn có thể được thực hiện tại nhà với cửa sổ mở toang và nhiệt độ trong phòng tương đương với ngoài trời. Vì vậy, không có lý do gì mà họ không thể tận dụng các kỹ năng của mình."

Có hơn 80 phụ nữ đã làm việc tại đài thiên văn trong nhiệm kỳ của ông Pickering. Họ được mệnh danh là "những chiếc máy vi tính của Harvard" (Harvard computers). Một số nam giới coi thường trí thông minh của các nhà khoa học nữ này và gọi họ là "hậu cung của Pickering".

Ảnh chụp các "máy vi tính của Harvard" (hay còn gọi là "hậu cung của Pickering" - một nhóm các nhà khoa học nữ làm việc dưới sự quản lý của Edward Charles Pickering tại Đài Thiên Văn Harvard.

Tại đây, các nhân viên nữ của ông Pickering phải làm việc 6 ngày/ tuần với các bức ảnh và nhận về khoảng 25 - 50 cent một giờ (khoảng 5 nghìn 500 đồng - 11 nghìn đồng nếu tính theo tỷ giá hiện tại), chỉ bằng một nửa mức lương của nhân viên nam.

Công việc này vô cùng chi tiết và được tạp chí Smithsonian mô tả như sau: "Một vài người sẽ làm nhỏ các bức ảnh lại, nghiên cứu các yếu tố như mức độ khúc xạ trong bầu khí quyển để lọc các bức ảnh sao cho chúng rõ ràng và tinh khiết nhất. Một nhóm khác sẽ phân loại các ngôi sao dựa trên danh mục có sẵn.

Một nhóm khác nữa chịu trách nhiệm lập danh mục các bức ảnh, ghi chú cẩn thận về ngày phơi sáng, khu vực chụp của từng hình ảnh. Các ghi chú sau đó được sao chép tỉ mỉ vào các bảng, trong đó bao gồm vị trí ngôi sao trên bầu trời và độ lớn của nó."

Trong khi "những chiếc máy vi tính của Harvard" không được khuyến khích tự mình nghiên cứu các lý thuyết, công việc họ đang làm lại trở thành nền tảng quan trọng cho các lý thuyết thiên văn.

Toàn cảnh đài Thiên Văn Harvard.

Theo Đài Thiên Văn Harvard, "Một số thành tựu có thể kể đến của họ bao gồm lập Danh mục Henry Draper, phát hiện ra các ngôi sao biến quang, nghiên cứu quang phổ và đếm các dải ngân hà".

Một vài người trong số họ trở thành các nhà thiên văn học nổi tiếng lúc bấy giờ.

Đến năm 1890, bà Fleming đã phân loại quang phổ của hơn 10.000 ngôi sao, xuất bản một nghiên cứu trong Danh mục Draper và soát lỗi tất cả 400 trang của danh mục này. Vào ngày 11/05/1906, bà được bầu làm thành viên danh dự của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.

Bà Williamina Fleming là một trong những người có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thiên văn học.

Một trong những cái tên tiêu biểu khác là cựu sinh viên hai đại học Wellesley và Radcliffe Annie Jump Cannon. Vì không thể sử dụng hệ thống danh mục của ông Pickering và bà Fleming, bà phát triển hệ thống phân loại sử dụng bảng chữ cái của riêng mình.

Bà Annie Jump Cannon.

Ngay sau khi tham gia vào đài thiên văn, bà đã phân loại hơn 20.000 ngôi sao. Phương pháp của bà Cannon chính thức được Liên minh Thiên văn Quốc tế áp dụng vào năm 1922 và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay với tên gọi "hệ thống phân loại quang phổ Harvard".

Người đầu tiên nhận bằng tiến sĩ thiên văn học tại Đại học Radcliffe College Cecilia Payne-Gaposchkin là người phát hiện ra mặt trời được cấu tạo chủ yếu từ hydro.

Những khám phá của Henrietta Swan Leavitt (một "máy vi tính khác" của Harvard) trở thành nền tảng của Định luật mô phỏng sự giãn nở của vũ trụ Hubble.

Bà Annie Jump Cannon (trái) và nhà khoa học Henrietta Swan Leavitt (phải).

Sau khi ông Pickering nghỉ hưu vào năm 1918 và qua đời một năm sau đó, bà Cannon tiếp tục làm việc tại Harvard và được bổ nhiệm là nhà thiên văn học chính thức tại trường vào năm 1938.

Bìa cuốn sách The Glass Universe: How the Ladies of Harvard Universe Took the Measure of the Stars của tác giả Dava Sobel.

Quá trình nghiên cứu các đĩa thiên văn tại Harvard tiếp tục đến năm 1992 trước khi bị các công nghệ tiên tiến hơn thay thế. Hiện nay, những danh mục phân loại trên đã được số hóa, nhưng các bản viết tay vẫn được giữ lại để phục vụ cho mục đích nghiên cứu.

Một góc Đài Thiên Văn Harvard.
Theo: The Vintage News

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.