• Về đầu trang
Chou Chou
Chou Chou

Nhà tuyển dụng mong chờ điều gì từ những CV ứng tuyển vị trí Kỹ sư CNTT?

Tech

CV (Curriculum vitae) luôn là thứ được các nhà tuyển dụng xem xét đầu tiên khi quyết định một người có khả năng trở thành nhân viên của công ty hay không. Chính vì vậy, tất cả các ứng cử viên luôn cố gắng sao cho CV của mình trông thật độc đáo, ấn tượng, thể hiện được hết năng lực của mình để có thể trở nên nổi bật giữa hàng ngàn bộ hồ sơ tuyển dụng.

Trong khi ở những ngành nghề khác, ứng viên có thể được thỏa sức tung hoành của mình để khiến cho chiếc CV trông thật nghệ thuật và đặc sắc, thì đối với dân IT, điều này dường như vô cùng khó khăn, bởi sự sáng tạo ở lĩnh vực này vốn không thể hiện ở các đường nét và màu sắc phô trương.

Tuy vậy, không phải là không có cách để có thể gây được thiện cảm với nhà tuyển dụng lĩnh vực CNTT mà không cần phải quá đầu tư về mặt hình thức. Nội dung của CV chính là thứ sẽ giúp bạn ghi điểm lớn với họ.

Hãy cố gắng viết trong một trang giấy

Hằng ngày, các nhà tuyển dụng phải đọc rất nhiều các bộ hồ sơ, tức là hàng trăm, hàng nghìn chiếc CV khác nhau, vì thế họ sẽ chỉ lướt qua trang đầu tiên, và rất ít khi lật sang trang thứ hai. Hãy để những điều ấn tượng nhất về bản thân lên trên đầu để gây sự chú ý với họ.

Có quá nhiều hồ sơ cần đọc, và họ sẽ chỉ dành cho mỗi CV của ứng cử viên vài phút

Tuy nhiên, nếu bạn là một nghiên cứu sinh hoặc hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu, hãy ghi đầy đủ tất cả những thành tựu cũng như bài báo đã được xuất bản của bạn - bởi vì chúng là một phần quan trọng mà các nhà tuyển dụng thường yêu cầu phải có.

Hãy để định dạng CV là PDF

Trừ khi bạn được yêu cầu lưu ở định dạng khác, hoặc phải mang đi in để gửi (điều rất ít khi xảy ra), hãy lưu CV và gửi đi ở dạng PDF. Đây là định dạng phổ biến, tiện lợi, dễ mở, đồng thời cũng đảm bảo nội dung trình bày của bạn không bị lỗi hiển thị. Trong một vài trường hợp, khi bạn sử dụng các định dạng khác như DOC, các nhà tuyển dụng sẽ gặp trục trặc khi đọc file của bạn.

CV nên được gửi đi dưới dạng PDF

Chú ý về thư xin việc

Trong đa số các trường hợp, nhà tuyển dụng lĩnh vực CNTT sẽ không yêu cầu bạn phải có thư xin việc. Tuy nhiên, nếu có, hãy viết ngắn gọn và xúc tích trong khoảng 2-3 đoạn ngắn. Trình bày tóm lược những điểm mạnh nổi bật của bạn, cũng như tại sao bạn mong muốn có được vị trí làm việc này. Đừng viết quá dài. Hãy trình bày cụ thể hơn những điều đó trong CV và thể hiện chúng thật tốt trong phần phỏng vấn.

Thư xin việc nên ngắn gọn

Nội dung của CV

Đây là "lần đầu làm chuyện ấy" của bạn và bạn không biết phải bắt đầu viết CV ra sao? Đơn giản thôi, hãy lên mạng Google "CV kỹ sư công nghệ thông tin" (bằng cả keyword tiếng Anh và tiếng Việt), chọn cho mình một mẫu CV ưng ý. Ưu tiên chọn những template có màu sắc tươi sáng và đơn giản, không quá lòe loẹt, màu mè, bố cục cân đối, rõ ràng.

Một mẫu CV đơn giản để xin việc ngành CNTT

Thông tin liên hệ

Rất nhiều người viết CV nhưng lơ là phần thông tin liên hệ. Hãy để rõ tên, và ít nhất là email và số điện thoại, bởi đó chính là thứ giúp họ có thể kết nối với bạn khi bạn lọt vào mắt xanh của họ.

Hãy dẫn link đến những trang cá nhân quan trọng của bạn, ví dụ như blog cá nhân (có liên quan tới lĩnh vực bạn xin làm), LinkedIn... và đặc biệt, nếu có dự án trên GitHub/GitLab... hãy thêm nó vào, bởi họ sẽ ấn tượng và lập tức vào xem đấy.

Thông thường, bạn không cần thêm ảnh vào CV xin việc. Tuy nhiên, nếu nhà tuyển dụng yêu cầu, đừng lấy những bức ảnh chụp ngoài công viên, cho dù trong bức đó bạn có xinh gái/đẹp trai đến thế nào. Hãy chọn một tấm chụp chân dung rõ mặt với nền xanh/trắng phía sau.

Kỹ năng

Việc liệt kê các kỹ năng có liên quan đến công việc là rất cần thiết, bởi nó giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về năng lực của bạn. Hãy liệt kê chúng theo mức độ giảm dần độ thân thuộc - tức là bạn càng ít quen với nó, thì càng để nó ở cuối cùng. Đồng thời, hãy hãy tùy chỉnh chúng sao cho phù hợp với công việc đang ứng tuyển. Bạn giỏi cả Ruby và C++, nhưng nơi bạn nộp CV đang cần người thông thạo C? Hãy để C++ lên trước.

Hãy chọn những thứ bạn giỏi và ưu tiên những thứ có liên quan tới vị trí ứng tuyển lên đầu CV

Bạn không nên liệt kê các chứng chỉ được công nhận rộng rãi, cũng như các chứng chỉ online tràn lan trên mạng. Chúng không giúp ích gì cho bạn mà chỉ còn khiến cho CV trở nên rối hơn. Cũng đừng tự đánh giá năng lực của mình - đây là một trong những "tính năng" nho nhỏ thường được đưa vào các mẫu CV hiện nay, và bạn nên bỏ chúng.

Kinh nghiệm làm việc

Đây là phần chính của CV, cũng là nơi bạn cần đầu tư rất kỹ lưỡng. Bởi đây chính là thứ mà công ty trả tiền để có, hãy thể hiện rằng bạn xứng đáng với mức lương của mình (và xứng đáng hơn thế)

Với mỗi mục kinh nghiệm, hãy ghi rõ tên công ty, cũng như 2-5 thứ bạn đã làm ở đó. Lựa chọn những động từ để mô tả cũng rất quan trọng: phát triển, xây dựng, tạo, phân phối, quản lý, thiết kế, phân tích, chỉ đạo, phụ trách… sẽ khiến nhà tuyển dụng "có cảm tình" hơn.

Hãy định lượng hóa kết quả công việc của bạn. Điều này không những giúp nhà tuyển dụng dễ dàng đánh giá năng lực của bạn hơn, mà còn cho thấy rõ sự nỗ lực của bạn trong công việc. Hãy kể cả về những đóng góp của bạn trong những dự án chung nữa: Bạn đã thức đến 3h sáng để fix bug như thế nào, bạn đã tìm ra một lỗ hổng trong phần mềm ra sao...

Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, hãy thay thế bằng các dự án. Cũng đừng đưa tất cả các dự án bạn đã tham gia vào CV, mà chỉ nên chọn những dự án ấn tượng. Đồng thời, cũng hãy kể về những gì nổi bật bạn đã làm trong đó, những phần khó nhất bạn đã vượt qua. Nếu có thể, hãy dẫn link tới dự án đó và code của nó.

Học vấn

Phần này nên ghi ngắn gọn. Hãy ghi bằng Đại học và năm tốt nghiệp, và chỉ nên ghi CPA/GPA nếu chúng cao. Nếu bạn tự học, hãy chắc chắn ghi nơi bạn học và các chứng chỉ học đạt được vào CV của mình để nhà tuyển dụng có cơ sở đánh giá.

Những thứ khác

Đừng ngại thể hiện bản thân ở phần này. Chúng sẽ giúp bạn có thêm vài điểm cộng với người đọc CV. Viết vài dòng để cho thấy bạn là con người thú vị, phù hợp với môi trường làm việc nơi đây, và những người ở công ty mới sẽ rất vui khi chào đón bạn là thành viên mới

CV giống như một tấm vé thông hành giúp bạn có thể vào được công ty mong muốn. Nó không cần quá đắt đỏ hay đẹp đẽ với giấy bóng lộn và mực in thơm phức, nhưng chỉ cần có những điều quan trọng: mã số, mã vạch, xác nhận - là bạn có có hiệu lực. CV cũng cần có những điều thiết yếu giống như vậy để có thể giúp bạn trở nên nổi bật giữa hàng nghìn hồ sơ.

Theo: Medium.com
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.