• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Chế độ ăn Địa Trung Hải giúp những người lớn tuổi sống khỏe hơn

Ẩm thực

Khi tuổi thọ trung bình của con người ngày càng cao hơn, việc tìm ra một lối sống vừa lành mạnh vừa có thể duy trì lâu dài là vô cùng cần thiết. Ngoài luyện tập thể dục và chế độ ăn uống, gần đây các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra tầm quan trọng của ruột - cụ thể hơn là hệ vi sinh vật đường ruột - đối với sức khỏe con người.

Một nghiên cứu gần đây cho biết, ăn uống theo chế độ ăn Địa Trung Hải sẽ làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột, giúp tăng cường khả năng nhận thức, trí nhớ, miễn dịch và giúp xương chắc khỏe.

Chế độ ăn Địa Trung Hải sẽ giúp tăng cường khả năng nhận thức, trí nhớ, miễn dịch, giúp xương chắc khỏe hơn.

Hệ vi sinh vật đường ruột là một hệ thống phức tạp bao gồm hàng tỷ vi sinh vật sống gần như vĩnh viễn trong ruột. Chúng cùng tiến hóa với con người và những loài động vật khác, giúp phân hủy những chất không thể tiêu hóa được như inulin, arabinoxylan, tinh bột không tiêu. Chúng cũng góp phần ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Tuy nhiên, hệ vi sinh đường ruột rất nhạy cảm và dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, thuốc đang được sử dụng, gen di truyền, thậm chí là những bệnh như viêm loét đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích.

Hê vi sinh này còn liên quan đến những thay đổi về hành vi, bao gồm cả rối loạn lo âu và trầm cảm. Nhưng đối với những bệnh liên quan đến đường ruột khác như tiểu đường loại 2 hoặc thừa cân, thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột chỉ là một phần của vấn đề - gen di truyền và lối sống không lành mạnh mới là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất.

Chế độ ăn uống không lành mạnh cũng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lí con người.

Chính vì chế độ ăn uống hằng ngày ảnh hưởng nhiều đến hệ vi sinh vật đường ruột, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Paul O'Toole tại Đại học Cao đẳng Cork, Ireland, đã tìm hiểu xem hệ vi sinh này có thể được vận dụng như thế nào nhằm giúp con người lão hóa một cách khỏe mạnh.

Họ đã quan sát tổng cộng 612 người ở độ tuổi từ 65 - 79 đến từ Anh, Pháp, Hà Lan, Ý, Ba Lan. Một nửa trong số này được yêu cầu thay đổi chế độ ăn uống thường ngày sang chế độ ăn Địa Trung Hải trong vòng một năm. Điều này đồng nghĩa với việc ăn nhiều rau củ, các loại hạt, đậu, trái cây, dầu ô-liu, cá,... và ăn ít thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, chất béo bão hòa. Nửa còn lại sẽ ăn uống như bình thường.

Chế độ ăn Địa Trung Hải bao gồm nhiều rau củ quả, trái cây, và ít thịt đỏ hơn hẳn chế độ ăn thông thường.

Phát hiện ban đầu của nghiên cứu là những người ăn theo chế độ Địa Trung Hải có khả năng nhận thức và trí nhớ tốt hơn, ít mắc những chứng bệnh viêm, và xương chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, điều mà các nhà nghiên cứu muốn biết là liệu hệ vi sinh đường ruột có liên quan gì đến những thay đổi này hay không.

Nghiên cứu đã phát hiện rằng những người chuyển sang chế độ ăn Địa Trung Hải có thay đổi nhỏ nhưng đáng kể về sự đa dạng vi sinh - nghĩa là chỉ tăng nhẹ về số lượng và loại vi sinh vật hiện hữu trong đường ruột. Tuy nhiên, khi đối chiếu nhiều dữ liệu trước và sau khi người tham gia nghiên cứu thay đổi chế độ ăn, các nhà nghiên cứu đã xác định được hai nhóm vi sinh vật đường ruột khác nhau: một nhóm chịu ảnh hưởng tích cực từ chế độ Địa Trung Hải và tăng số lượng, nhóm còn lại thì giảm số lượng.

Những người theo chế độ ăn Địa Trung Hải sẽ có nhiều vi sinh vật có lợi hơn trong hệ vi sinh đường ruột.

Nhóm bị giảm số lượng hoặc là không thể tiêu hóa chế độ ăn này, hoặc là không thể đối chọi với nhóm tăng số lượng. Nhóm gia tăng số lượng thì có liên hệ đến việc cơ thể ít bị yếu ớt và mắc bệnh viêm hơn, đồng thời tăng cường khả năng nhận thức. Việc mất đi số vi sinh vật thuộc nhóm còn lại cũng liên quan đến những cải thiện về sức khỏe trên.

Nghiên cứu đã đối chiếu số lượng vi sinh vật của hai nhóm người tham gia nghiên cứu, một nhóm chuyển sang chế độ ăn Địa Trung Hải và một nhóm ăn theo chế độ thông thường. Họ phát hiện rằng nhóm đầu tiên có số lượng vi sinh vật nhận ảnh hưởng tích cực từ chế độ ăn gia tăng. Sự gia tăng này tuy nhỏ nhưng nhất quán ở cả năm quốc gia trong vùng nghiên cứu - và những thay đổi nhỏ trong vòng một năm có thể tác động lớn về lâu dài.

Chế độ ăn này cũng giúp làm chậm quá trình suy yếu, loãng xương ở người cao tuổi.

Đa số những người tham gia cũng trong giai đoạn suy yếu dần, tức là độ chắc xương và mật độ xương của họ đang bắt đầu giảm. Nghiên cứu cho thấy nhóm người giữ chế độ ăn như cũ bị suy yếu nhiều hơn so với nhóm chuyển sang chế độ ăn Địa Trung Hải.

Mối liên hệ giữa sự suy giảm thể lực, nguy cơ mắc bệnh viêm, giảm khả năng nhận thức... với những thay đổi trong hệ vi sinh vật là mật thiết hơn sự liên hệ với thay đổi trong chế độ ăn uống.

Không phải ai cũng có khả năng chuyển sang một chế độ ăn mới. Vì vậy, nghiên cứu trong tương lai cần tập trung tìm những thành phần chính có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhìn nhận rằng việc bỗng dưng chuyển sang một chế độ ăn mới không phải là việc mà ai cũng sẽ làm được, nhất là đối với người lớn tuổi. Vì vậy, những nghiên cứu sau cần tập trung vào việc tìm ra nguyên liệu chính trong chế độ ăn Địa Trung Hải mà có ảnh hưởng tích cực đến những vi sinh vật đường ruột.

Theo: The Conversation
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.