• Về đầu trang
Neko Punch
Neko Punch

Chú ngựa biết làm toán: Trí thông minh của ngựa hay khả năng 'đọc' tâm lý con người?

Khám phá

Trên chiếc sân nhà nhỏ được lát đá, xung quanh là những căn chung cư cao cấp ở phía Bắc Berlin, ông giáo viên già dạy Toán cấp hai đứng trước một đám đông nhỏ, chuẩn bị cho họ xem thành tích của đứa học trò sáng giá nhất của mình. Vị giáo viên đã quá tuổi ngũ tuần, ngạo nghễ đội chiếc mũ đen, che đi mái tóc trắng lưa thưa. Bên trái ông là "học trò sáng giá" - một con ngựa nhập từ Nga.

Trong suốt hơn một thập kỷ, Wilhelm von Osten đã dạy Hans cách nhận thức số học. Osten thường hỏi một câu hỏi, sau đó Hans sẽ trả lời bằng cách gật đầu, một cái là có, hai cái là không, hoặc gõ chân để biểu hiện số. Hans cũng có thể chỉ đường bằng đầu của mình, phân biệt giữa trái và phải, nhận diện màu sắc, xem đồng hồ, phân biệt những lá bài Tây, và hiểu một lượng lớn những khái niệm trừu tượng của con người. Hans không những biết đếm mà còn biết làm toán trên mức cơ bản.

2/5 cộng 1/2 là bao nhiêu nào con ơi?

Osten hỏi với tông giọng ngọt ngào, rồi Hans sẽ trả lời bằng cách gõ móng, 9 cái, rồi tới 10 cái, cho đáp án đúng là 9/10.

Căn bậc hai của 16 là bao nhiêu nào?

Bốn cái gõ.

Ta đang nghĩ tới cái số này, lấy số đó trừ 9, thì ta còn 3. Số của ta là bao nhiêu ?

Nhanh chóng, Hans lại gõ 12 cái.

Nhưng trí thông minh của Hans không chỉ dừng lại ở những con số. Chú ngựa từng làm sửng sốt dư luận với việc đánh vần đúng tên người bằng những cái gõ, một gõ là A, hai gõ là B, vân vân…

Hans đang gõ số trên một chiếc bàn đạp.

Trí nhớ của Hans cũng không phải hạng xoàng, Osten từng tự hào khoe rằng nó có thể nhớ được lịch của cả một năm, ai không tin cứ lại mà hỏi nó:

Nếu như ngày thứ tám của một tháng rơi vào thứ Ba, thì thứ Sáu tuần sau là ngày mấy?

Tính linh hoạt của Hans thật sự rất đáng kinh ngạc. Nó có thể nhận ra một số tone màu, nhận ra người trong ảnh, cho biết bây giờ là mấy giờ bằng cách gõ móng, phân biệt chất liệu như rơm và nỉ. Theo một số ước tính, sự phát triển về tâm lý của Hans tương tự như ở một đứa trẻ 13 đến 14 tuổi.

Trí thông minh của Hans cùng những tiếng lành đồn xa đã thu hút các nhà tâm lý học, nhà động vật học cùng một số chuyên gia ở một vài lĩnh vực khác. Đây là thời kì mà các nghiên cứu về nhận thức ở động vật còn rất ít ỏi, vì mọi người dường như đều đồng ý rằng động vật không có khả năng thể hiện trí thông minh giống như con người.

Hans cùng Wilhelm von Osten.

Trước sự chú ý ngày càng tăng của giới truyền thông, hội đồng giáo dục Đức đã chỉ định một ủy ban điều tra các tuyên bố của Osten về Hans. Ủy ban này bao gồm một bác sĩ thú y, một quản lý rạp xiếc, một sĩ quan kỵ binh, một số giáo viên và giám đốc của vườn bách thú Berlin. Sau khi thử nghiệm sơ bộ, ủy ban đã kết luận vào năm 1904 rằng không có thủ đoạn nào liên quan đến trí thông minh của Hans. Theo như kết quả của họ, khả năng của Hans có thể hoàn toàn là sự thật.

Ủy ban sau đó chuyển bản đánh giá này qua cho Oskar Pfungst, một nhà tâm lý học trẻ đang thử việc trong phòng thí nghiệm của người đứng đầu ủy ban Hans. Pfungst thiết kế một bộ thí nghiệm cẩn thận và bắt đầu thử nghiệm trên Hans.

Để loại trừ khả năng Osten bí mật đưa câu trả lời cho Hans, ông đã mời Osten ra khỏi khu vực thí nghiệm và Pfungst đã rất ngạc nhiên khi Hans vẫn có thể trả lời đúng. Khả năng gian lận đã bị loại bỏ, Pfungst tiếp tục kiểm tra xem liệu Hans có nhận được manh mối theo các cách khác không, bằng cách đọc những thay đổi nhỏ trong thái độ, tư thế, giọng điệu, v.v. Để xác nhận điều này, Pfungst không cho người hỏi biết câu trả lời. Và ngay lập tức, độ chính xác của Hans giảm xuống phần nào.

Oskar Pfungst giải thích quy trình kiểm tra:

Ông Osten thì thầm vào tai con ngựa một con số để những người xung quanh không nghe được. Tôi cũng làm vậy với một con số khác. Hans sau đó được yêu cầu cộng hai con số này vào. Vì mỗi người chỉ biết con số của mình, nên tổng số chỉ có thể được Hans biết. Mọi thử nghiệm khác sau đó được thực hiện với phương pháp này. Trong số 31 bài thử nghiệm, Hans chỉ có thể trả lời chính xác 3 câu hỏi. Kết quả của loạt thí nghiệm này cho thấy Hans gần như không thể giải quyết các vấn đề toán học.

Pfungst cũng chỉ ra rằng nếu như người kiểm tra đứng xa hơn bình thường thì Hans cũng sẽ gần như không thể trả lời đúng:

Khoảng cách thông thường là một phần tư đến nửa mét. Khoảng cách này được giữ cho tất cả các bài kiểm tra. 70 bài kiểm tra khác đã được thực hiện với mục đích tìm ra ảnh hưởng của sự thay đổi khoảng cách. Ở khoảng cách ba đến bốn mét, đột nhiên xảy ra sự giảm sút 60-70% về số lượng câu trả lời chính xác. Ở khoảng cách bốn mét rưỡi, chỉ có 1/3 số câu hỏi được trả lời đúng. Và ở khoảng cách hơn bốn mét rưỡi thì không có câu trả lời nào là đúng. Phần lớn những thử nghiệm này được thực hiện dưới sự hiện diện của ông Osten, ông nghĩ rằng chúng tôi đang kiểm tra độ chính xác của thính giác con ngựa, trong khi chúng tôi đang thực sự kiểm tra độ chính xác trong nhận thức về chuyển động của nó.

Với mỗi bài kiểm tra Pfungst tiến hành, Hans đều trượt. Ngay cả trí nhớ của nó cũng chỉ ở mức dưới trung bình và không phù hợp để thực hiện những kỳ công kinh ngạc mà người ta đồn đoán.

Sau khi sự thật đã trở nên rõ ràng là con ngựa hoàn toàn phụ thuộc vào các kích thích bên ngoài từ người hỏi để trả lời, thí nghiệm này trở thành tìm kiếm xem con người đã vô thức đưa ra thế giới bên ngoài những loại manh mối nào.

Nhà tâm lý học trẻ ngay lập tức nhận thấy rằng hơi thở của người hỏi, cùng với tư thế và biểu cảm trên khuôn mặt thường vô tình ảnh hưởng đến số lần cũng như thời điểm mà Hans bắt đầu gõ móng. Pfungst quan sát thấy sự căng thẳng rõ rệt trên cơ mặt của người hỏi, cũng như khu vực cổ sẽ thường bắt đầu nổi gân khi Hans càng tiến gần đến đáp án đúng. Ngay sau khi Hans gõ đúng số lần với đáp án, sự căng thẳng đột nhiên được giải tỏa, và điều này cung cấp một gợi ý cho Hans rằng nó nên ngừng gõ.

Khi Pfungst nhận ra điều này, ông tiếp tục thử nghiệm với Hans, nhưng lần này, Pfungst sẽ đóng vai Hans. Ông yêu cầu các đối tượng thử nghiệm tập trung vào một con số cụ thể. Pfungst sau đó sẽ cố khai thác được đáp án đúng chỉ bằng cách quan sát ngôn ngữ cơ thể của các đối tượng thử nghiệm. Đáng kinh ngạc hơn là các đối tượng dường như không thể triệt tiêu đi những tín hiệu ngầm mà họ gửi ra, kể cả khi họ nhận thức được chúng.

Nghiên cứu của Oskar Pfungst đã chứng minh rằng Hans Thông Thái thật sự thông thái, nó rất giỏi trong việc đọc vị con người, có thể nhận ra các tín hiệu rất nhỏ khi đối mặt với chủ nhân của mình, và khả năng này vượt xa rất nhiều so với một người bình thường. Nhưng trí thông minh của Hans không thể nào bằng con người được.

Kết luận của Oskar Pfungst cho thấy rằng các nhà nghiên cứu có thể vô tình dẫn dắt đối tượng thí nghiệm, hiện tượng này nay được công nhận rộng rãi trong những nghiên cứu liên quan đến các đối tượng gồm cả con người lẫn động vật, được gọi là Hiệu ứng Hans Thông Thái. Để ngăn chặn những định kiến, dù vô tình hay có chủ đích, nhiều thí nghiệm trong các lĩnh vực nhận thức, tâm lý học và tâm lý học xã hội được thực hiện dưới dạng thử nghiệm mù, khi cả đối tượng lẫn người thực hiện nghiên cứu đều không biết những thông tin chính xác và cụ thể của thí nghiệm đang được thực hiện. Hiệu ứng Hans Thông Thái cũng đã được quan sát ở những con chó nghiệp vụ, tín hiệu từ những người sở hữu chất cấm có thể dẫn đến việc con chó cho kết quả dương tính giả.

Quay về với Hans, mặc dù sự thật đã được tiết lộ nhưng sự nổi tiếng thì vẫn không ngừng tăng lên. Osten tiếp tục thực hiện các tour du lịch khắp nước Đức để thu hút đám đông xem Hans trình diễn. Osten chưa bao giờ thu xu nào cho những buổi biểu diễn này, vì ông thật sự tin tưởng vào trí thông minh vô song của Hans.

Wilhelm von Osten qua đời vào năm 1909, sau đó Hans đổi chủ vài lần và cuối cùng được đưa vào quân đội để phục vụ cho Thế chiến thứ Nhất vào năm 1914, không ai rõ số phận của chú ngựa thông minh nhưng nhiều người tin rằng Hans đã chết trên chiến trường vào năm 1916.

Theo: Amusing Planet
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.