• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

Sinh viên mắc bệnh tâm lý, trường ngay lập tức buộc... thôi học

Cuộc sống

Khi Harrison Fowler nghe nói về trung tâm tư vấn tại Stanford, nơi cậu bắt đầu theo học vào mùa thu năm ngoái, cậu quyết định phải chấm dứt thứ đã khiến mình vật lộn suốt thời gian qua.

merlin 142179780 12288fab 614a 42f0 8369 793f25b1b0cb jumbo

Cậu sinh viên năm nhất Harrison Fowler.

Nhưng cậu không đạt được những gì mà mình đã mong đợi. Khi được hỏi liệu đã từng nghĩ đến chuyện tự tử chưa, Fowler trả lời có. Sau đó trung tâm khuyên cậu nên tới bệnh viện nhưng thật không may, quá trình điều trị diễn ra không suôn sẻ và cậu bị trường bắt nghỉ học.

Nhớ lại, cậu sinh viên 19 tuổi này cho biết: “Không, tôi không thể về nhà. Chuyện này một phần là do lỗi của tôi vì đã quyết định chữa trị. Tôi đã tìm sự giúp đỡ và bây giờ lại bị đổ lỗi vì điều này.” Sau đó, chàng trai này đã phải nghỉ học gần một năm. Hiện giờ cậu đang tham gia một vụ kiện tập thể nhằm cáo buộc trường đại học đã phân biệt đối xử với các sinh viên có vấn đề sức khỏe tâm thần bằng cách ép họ nghỉ học, thay vì cố gắng đáp ứng nhu cầu của sinh viên trong nội bộ nhà trường.

Stanford nói họ đã cư xử theo đúng luật. Tuy nhiên, vụ việc đã làm dấy lên một vấn đề đáng quan ngại ở các trường đại học, đó là phản ứng của giảng viên với các sinh viên gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Một số trường bị cáo buộc là xa rời với sinh viên, chỉ khi nào họ xảy ra chuyện thì mới báo cho phụ huynh. Những người khác thì nói rằng nhà trường thường nhanh chóng bỏ mặc sinh viên để tránh việc kiện tụng và mang danh tiếng xấu cho trường.

merlin 142143660 9930d041 ed9d 4e0f bb16 27e13836da4d jumbo

Khuôn viên trường Stanford.

Theo các giấy tờ được gửi lên tòa án: "Chỉ có một nửa sinh viên đại học gặp vấn đề sức khỏe tâm thần tìm tới sự giúp đỡ, còn lại thì không do sợ bị kỳ thị và những tác động tiêu cực khác. Ngoài ra, khi gặp sinh viên mắc bệnh tâm lý, các trường đại học thường đổ lỗi cho họ và dùng những biện pháp cực đoan như bắt họ nghỉ học.”

download

Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ kiện chống lại chính sách bắt nghỉ học vì sức khỏe tâm thần tại các trường như Princeton, Cao đẳng Hunter, Đại học Tây Michigan, Đại học George Washington và nhiều trường khác.

Trang web của Stanford nói rằng việc nghỉ học có thể được khuyến khích hoặc bắt buộc với một sinh viên mắc bệnh tâm lý hay có những hành động "gây nguy hiểm cho tính mạng hoặc sự an toàn của bản thân hoặc người khác, hay có những hành vi gây ảnh hưởng tới hoạt động của trường đại học."

Các ca bệnh trong báo cáo gửi lên tòa bao gồm một học sinh mắc chứng lo âu, một người luôn tìm cách để hại bản thân và những người có suy nghĩ tự tử hay từng cố tự sát. Các chuyên gia pháp lý nói rằng theo quy định của liên bang, rõ ràng là học sinh có thể bị cấm đến trường nếu họ gây ra mối đe dọa cho người khác, nhưng nếu họ tự gây hại cho bản thân thì chưa có luật rõ ràng.

Karen Bower, một luật sư đại diện cho những sinh viên kiện các trường đại học vì bắt họ phải nghỉ học cho biết: “Luật có thể thay đổi. Giờ “gián đoạn” đã trở thành một từ phổ biến với các trường đại học. Họ tuyên bố rằng những sinh viên đã gây ảnh hưởng tới hoạt động trong khuôn viên trường và ký túc xá khi nói cho bạn bè về ý nghĩ tự tử hoặc yêu cầu được kiểm tra sức khỏe. Sau đó, những sinh viên này buộc phải về nhà."

depression

Vụ kiện tại Stanford cho thấy những học sinh bị bắt nghỉ học đã bị đuổi khỏi trường, mất đi quyền riêng tư và tự chủ. Theo giấy tờ tố tụng, các bác sĩ tâm lý của họ đã bị nhà trường kiểm soát và trường thường yêu cầu sinh viên phải rời khỏi trường, ký túc xá và chương trình học ngay lập tức. Muốn tiếp tục theo học, họ phải viết những đơn thừa nhận về hành vi sai trái của mình.

Hậu quả của việc nghỉ học với một sinh viên đang gặp khủng hoảng có thể rất thảm khốc. Họ có thể mất liên lạc với những người bạn thân của mình, thấy bị cô lập và xấu hổ. Một số người bị bắt nghỉ đã cố tự sát khi ở nhà. Nếu may mắn hơn, họ sẽ phải tốt nghiệp muộn hơn so với bạn bè của mình.

Nhưng ở ký túc xá, nơi mà áp lực xã hội và học thuật đè nặng cũng có thể gây ra khó khăn cho các sinh viên đang mắc bệnh tâm lý.

Trong một tuyên bố, Stanford nói rằng họ "quan tâm sâu sắc" tới các sinh viên của mình và cho biết "trong những hoàn cảnh đặc biệt, tốt nhất là sinh viên nên rời trường và cộng đồng một thời gian." Họ cũng không cho biết mình không xâm phạm vào thông tin cá nhân của sinh viên hay bắt các em phải nghỉ học.

Tiến sĩ Victor Schwartz - bác sĩ tâm thần và giám đốc y tế của nhóm phòng chống tự tử Jed Foundation - cho biết việc rời đi có thể mang tới hiệu quả tốt. Ông nói: "Nó có thể hơi cực đoan nhưng họ làm vậy cũng chỉ vì muốn tốt cho sinh viên. Việc nghỉ học một thời gian và tránh khỏi những khó khăn hiện thời có thể đem tới những tác động tích cực.”

jed staff victor schwartz

Ông Victor Schwartz.

Một số sinh viên nói việc tạm nghỉ rất tốt cho họ.

Sau khi bị gãy xương, giấc mơ trở thành vũ công ballet của Rebecca Minsley đã chấm dứt và cô cảm thấy vô cùng chán nản mỗi khi đến trường. Cô đã từng uống rất nhiều thuốc trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ tại trung tâm y tế của trường và họ yêu cầu cô hãy nghỉ học. Mẹ cô và một hiệu trưởng đã chiến đấu để Minsley được ở lại trường vì cho rằng ở nhà sẽ khiến bệnh trầm cảm trở nên trầm trọng hơn. Đến học kỳ thứ hai, cô ngừng việc đến trường. Khi được yêu cầu nghỉ học một lần nữa, cô đã đồng ý.

Trở lại căn hộ của mẹ tại thành phố New York, Minsley đã dành hàng tháng trời nằm trên giường và cảm thấy mình như một kẻ thất bại. Cuối cùng nhờ được điều trị đúng cách, cô đã có một công việc mới và chuyển vào căn hộ cho riêng mình. Nói về việc nghỉ học, cô cho biết “Nó thật kinh khủng và thực sự khó khăn, nhưng tôi cần nó. Tôi nghĩ rằng mình đang có một cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều."

Lark Trumbly, một cựu sinh viên ở Stanford cũng trở nên khá hơn sau khi nghỉ học. Vào năm nhất, cô đã ngất trong phòng tắm ký túc xá do sử dụng thuốc trộn với đồ có cồn. Trưởng khoa đã tới thăm cô tại bệnh viện và nói rằng “các học sinh trong hoàn cảnh của tôi có khuynh hướng không thành công ở Stanford”. Sau đó, cô bị nhà trường yêu cầu nghỉ học.

merlin 142358061 7abf6a39 49d3 45c1 a8e9 b870b0049e17 jumbo

Cô Lark Trumbly.

Việc trở về nhà ở Sacramento là một thảm họa. Cảm thấy bị cô lập và chán nản, cô cố gắng tự sát lần nữa. Stanford không biết về chuyện đó và cô được phép đi học trở lại. Nhưng sau một lần bị xâm hại tình dục, cô đã tự cắt tay và được trường yêu cầu nghỉ học.

Lần nghỉ thứ hai mang lại kết quả tích cực. Trumbly tìm thấy một công việc giảng dạy sau giờ học. Cô đã trở thành một nhà hoạt động vì sức khỏe tâm thần và tốt nghiệp Đại học Stanford muộn một năm với tấm bằng tâm lý học. Bây giờ cô ấy dạy ở một trường tư. Cô cho biết "Cho đến giờ, mọi chuyện vẫn rất ổn.”

Theo lời luật sư, rõ ràng là cho các sinh viên học muộn một hay hai năm vẫn tốt hơn là để họ tự tử. Nhưng cũng theo họ, các trường do sợ kiện cáo nên khi gặp những học sinh gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, họ thường bắt học sinh nghỉ học luôn trong khi luật liên bang quy định họ phải xem xét riêng từng trường hợp. Do vậy, việc bắt nghỉ học không phải một biện pháp khả thi.

Vấn đề có nên bắt học sinh thôi học khi họ mắc bệnh tâm lý đã trở nên cấp bách hơn khi các trường học đối mặt với một số lượng lớn các sinh viên có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhiều quản lý trường nói rằng, trong những năm gần đây, thuốc và liệu pháp tâm lý đã cho phép nhiều sinh viên gặp những vấn đề sức khỏe vào đại học.

Trở lại với sinh viên Fowler ở đầu bài, cậu thấy như bị trường đại học phản bội. Khi quyết định đến tìm sự giúp đỡ ở phía nhà trường, họ đã kêu cậu phải tới bệnh viện. Sau đó, cậu đã phải tới một cơ sở điều trị ngoại trú tư nhân và đi bộ gần 3km một ngày do “không có đủ tiền để đi Uber.”

Ở đó, người ta đã cấp cho cậu những loại thuốc mà chàng trai này tin là nó đã khiến cậu có những suy nghĩ tự tử. Khi đó một trợ lý giáo vụ nói đây là chuyện bình thường và khuyên cậu tiếp tục điều trị. Khi Fowler từ chối đến bệnh viện lần nữa, họ đã gọi cảnh sát và áp giải cậu đi.

Sau đó, một trưởng khoa đã tới thăm cậu trong bệnh viện. Fowler kể rằng trước đây cậu đã gặp người này và nói khi đó cả hai đã có một cuộc nói chuyện thân thiện. Nhưng lần này thì cậu sinh viên năm nhất đã vô cùng choáng váng khi biết bị trường yêu cầu nghỉ học một năm. Cậu phải ký vào một tờ đơn xin nghỉ vì đó là cách duy nhất để được ra viện. Fowler cho biết "Nó gần giống như một lời cầu xin để được thoát khỏi nhà tù." Nhưng phía Stanford lại nói rằng cậu tự nguyện nghỉ học.

Kể từ sau khi xuất viện, cậu không được về ký túc xá mà mẹ cậu mới là người tiến hành đóng gói đồ đạc. Trở về nhà ở Beaumont, Texas, Fowler nói mình như bị nghẹt thở. Ở Beaumont, “mọi người nhìn tôi như một kẻ điên rồ và gọi tôi bằng những từ phân biệt chủng tộc khi đang chạy bộ.”

Mùa thu này, cậu sẽ trở lại Stanford nhưng vẫn rất tức giận. Khi biết rằng một trung tâm pháp lý được gọi là Đấu tranh cho Quyền của Người khuyết tật đang kiện Stanford về chính sách bắt nghỉ học của mình, cậu đã yêu cầu tham gia. Nói về mục đích của mình, Fowler cho biết "Tôi không muốn mọi người sợ hãi trong việc tìm sự giúp đỡ."

Theo: The New York Times
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.