• Về đầu trang
Hạnh Tâm
Hạnh Tâm

Tâm sự đau lòng ‘Tôi chỉ muốn chết’ của những người mặc cảm ngoại hình

Cuộc sống

Sở hữu một ngoại hình trong mơ và thu hút là khát khao cơ bản của nhiều người, nhất là trong một xã hội trọng ngoại hình và luôn có xu hướng đánh giá một con người qua bề ngoài của họ. Chẳng thế mà không ít người có một niềm tin mãnh liệt vào câu nói “thà đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn sinh ra đã có một gương mặt xinh đẹp, một cơ thể lí tưởng và chẳng phải ai cũng có điều kiện “trùng tu” nhan sắc. Tự tin trở thành một thứ xa xỉ để đón nhận cơ thể tự nhiên của mình và mặc kệ miệng lưỡi người đời. Thậm chí, có nhiều người buộc phải sống chung với mặc cảm ngoại hình gần như suốt cả đời.

mac cam ngoai hinh

Mặc cảm ngoại hình là một cái lồng giam giữ và dày vò người ở trong đó (ảnh: Pinterest).

Liane Piper (29 tuổi) luôn thấy mình giống một con quái vật xấu xí. Cô tâm sự trong dòng nước mắt:

“Tôi nỗ lực rất nhiều để có một vẻ ngoài như ý. Nhưng mà khó quá. Trông tôi béo ú và xấu xí. Tôi thấy mặt mình chẳng giống ai cả. Mặt tôi như bị biến dạng vậy. Thỉnh thoảng, tôi chỉ muốn cào nát mặt mình.”

Khách quan mà nói, Liane là một cô gái trẻ xinh đẹp với làn da trắng mịn màng, đôi mắt xanh dương trong trẻo. Liane có một gương mặt mà nhiều cô gái ao ước nhưng bản thân cô lại không thấy vậy.

mac cam ngoai hinh

Liane Piper luôn nghĩ vì gương mặt xấu xí này nên bạn trai cô không thấy cô hấp dẫn (ảnh: dailymail).

Liane Piper mắc chứng Mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder – BDD), một trạng thái tâm lí tiêu cực khiến cô bị ám ảnh bởi những khiếm khuyết trên cơ thể hoặc không tự tin với ngoại hình của bản thân.

Soi gương trở thành một thói quen ăn sâu đến mức Liane không thể nhớ chính xác mỗi ngày mình dành bao nhiêu tiếng cho việc này. Cô thậm chí bị ám ảnh chuyện phân tích đặc điểm gương mặt và luôn trang điểm đậm để che đi những khuyết điểm cô không vừa lòng.

Liane rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể đến mức cô hiếm khi rời khỏi nhà. Nếu ra ngoài, cô cũng chỉ đến nơi làm việc là một kho hàng xây dựng gần nhà.

Viễn cảnh hòa nhập xã hội gây ra những nỗi sợ hãi cho Liane. Vào kì nghỉ lễ, cô thường nhét chân tay mình vào những bộ quần áo rộng thùng thình và lo sợ mọi người cảm thấy ghê tởm nếu họ nhìn thấy làn da của cô. Liane giải thích lí do:

“Tôi thấy thực sự khó khăn khi phải đương đầu với chuyện này. Mỗi lần ra ngoài, tôi cảm giác mọi người đang nhìn và nhận xét về mình. Nó giống như bộ não của tôi đang hoạt động quá mức và nói với tôi những điều không mong muốn. Tôi quả thực không còn thời gian để nghĩ đến những chuyện khác.”

Mặc cảm ngoại hình còn gây tổn thương đến mối quan hệ tình cảm giữa Liane và Mitch, bạn trai 4 năm của cô. Vì sự lo lắng mặc cảm ngoại hình của Liane khiến “chuyện chăn gối” của hai người gặp khó khăn. Liane cảm thấy “phát bệnh” mỗi khi Mitch nhìn cơ thể cô.

“Thời gian đầu, mỗi khi gặp Mitch, tôi chắc chắn phải trang điểm thật kĩ lưỡng. Khi chúng tôi tiến đến mối quan hệ nghiêm túc và anh ấy bắt đầu ngủ qua đêm ở nhà tôi, đó là lúc anh ấy sẽ được nhìn thấy gương mặt thật của bạn gái mình.

Tôi biết anh bị mình thu hút nhưng tôi không hiểu nổi chuyện đó như thế nào. Tôi đã cự tuyệt bản thân mình. Thậm chí kể cả bây giờ, vẫn luôn có một nỗi lo sợ thường trực trong tôi rằng, một ngày nào đó anh ấy thức dậy và bỏ tôi đi mất, còn tôi chẳng biết rốt cuộc mình đã làm gì.”

Liane Piper thừa nhận cô không làm “chuyện đó” với bạn trai trong suốt hai năm và nó tạo khoảng cách giữa hai người.

mac cam ngoai hinh

Mặc cảm ngoại hình phổ biến một cách đáng ngạc nhiên. Ước tính cứ 50 người thì sẽ có một người mặc bệnh này (ảnh: Pinterest).

Chúng ta không thể chẩn đoán và chữa trị mặc cảm ngoại hình. Gia đình, bạn bè và các chuyên gia y tế thậm chí còn đánh giá thấp căn bệnh này.

Mặc cảm ngoại hình được biết đến vào thế kỉ 19. Tên của nó bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “biến dạng” hoặc “xấu xí”. Qua nhiều năm, một số người nổi tiếng được chẩn đoán mắc căn bệnh này như họa sĩ Andy Warhol, diễn viên Sylvia Plath và ca sĩ Michael Jackson.

Trong số những người mắc bệnh, chỉ có 5% nhận được sự giúp đỡ từ những dịch vụ sức khỏe tâm lý. Và cho đến nay, chỉ có một trung tâm điều trị chuyên khoa ở bệnh viện Maudsley phía nam nước Anh.

Giáo sư David Veale, bác sĩ tư vấn tâm thần và là một trong số những chuyên gia hàng đầu thế giới về căn bệnh mặc cảm ngoại hình cho biết:

“Khái niệm mặc cảm ngoại hình là người bệnh bị ám ảnh bởi những khiếm khuyết của mình. Nó mang đến đau khổ cho người bệnh và gây trở ngại cuộc sống của họ theo nhiều cách.

Giống như hầu hết các rối loạn cảm xúc, có rất nhiều đặc điểm cá nhân khiến bạn dễ bị tổn thương.

Căn bệnh có thể hình thành từ những trải nghiệm đầu tiên thời thơ ấu: do bạn bị trêu chọc hoặc bị làm cho bẽ mặt vì ngoại hình của bản thân. Bạn bắt đầu nghĩ rằng mình là một thứ gì đó “khác lạ”.

Mặc cảm ngoại hình xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào trong cuộc sống. Tương tự chứng rối loạn ăn uống và các đặc điểm của những căn bệnh rối loạn ám ảnh khác, mặc cảm ngoại hình cũng ảnh hưởng đến nam giới lẫn nữ giới.

mac cam ngoai hinh

Chỉ vì mặc cảm ngoại hình nên Minnie Iris không thể có con (ảnh: dailymail).

Minnie Iris, một phụ nữ 50 tuổi kể rằng hồi nhỏ cô bị bắt nạt. Đó là lí do năm 38 tuổi, cô bị chẩn đoán mắc bệnh mặc cảm ngoại hình. Nhưng Minnie Iris nghi ngờ cô mắc bệnh từ năm 11 tuổi. Cô cũng chia sẻ thêm:

“Tôi sinh ra ở Ấn Độ và gia đình tôi chuyển đến Anh năm tôi 6 tuổi. Tôi cảm giác mình là một kẻ lạc loài. Tôi nhớ có một lần, cả lớp ngồi thành vòng tròn, một thằng con trai đã nói khẽ vào tai tôi rằng “Mày là một đứa xấu xí, chẳng ai thèm lấy mày đâu”.

Ở trường cấp hai, Minnie là một trong số ít học sinh châu Á và cô trở thành mục tiêu cho những lời chế nhạo phân biệt chủng tộc.

“Tôi thừa hưởng chiếc mũi nhọn và cao từ ông tôi và đó là lí do vì sao tôi bị bắt nạt. Mỗi khi tôi đi ngang qua một đám người, kiểu gì cũng sẽ có ai đó hét toáng lên “Ê, con phù thủy mũi vừa to vừa dài”. Nó càng khiến tôi tin rằng mình xấu xí và mình không đủ tốt.

Tôi bị ám ảnh bởi cái mũi này và những đường nét quanh cổ. Tôi dành hàng giờ đứng trước gương chỉ để soi cơ thể mình, rồi cảm thấy sợ hãi và lo lắng.”

Năm 18 tuổi, Minnie quyết định phẫu thuật thẩm mĩ chiếc mũi của mình. Tuy nhiên, mặc cảm ngoại hình của cô chuyển sang những bộ phận khác trên cơ thể.

Minnie Iris vẫn có một cuộc sống tương đối bình thường cho đến khi mẹ cô qua đời vào năm 2005. Thời gian đó, cô đã bỏ việc để chăm sóc mẹ và thấy tâm trạng tồi tệ đi nhiều. Minnie hồi tưởng lại:

“Tóc tôi bắt đầu thưa dần và quầng thâm xuất hiện quanh mắt tôi. Tôi biết nguyên nhân do tôi quá đau buồn và do tuổi tác nữa, nhưng tôi vẫn thấy chán chường vô cùng. Tôi cảm giác cuộc sống của mình chỉ dựa vào ngoại hình.

Tôi phải tránh xa gương vì tôi thấy rùng mình mỗi lần nhìn thấy bản thân trong đó. Ra khỏi nhà là một chuyện cực kì tồi tệ. Tôi cúi gằm đầu mỗi khi vào siêu thị và thậm chí cả khi đi xe lửa.

Lúc nào tôi cũng thấy ngừng thở và hoảng sợ. Cuối cùng, mặc cảm ngoại hình nuốt trọn cuộc sống của tôi, làm tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là kết thúc đời mình. Đó cũng là lúc tôi tìm đến các bác sĩ và nhờ họ giúp đỡ.”

Liệu pháp hành vi nhận thức là một liệu pháp tâm lý tập trung vào việc phá vỡ những suy nghĩ tiêu cực. Đây cũng là cách chữa trị phổ biến nhất và thành công nhất đối với căn bệnh mặc cảm ngoại hình.

Với liệu pháp này, người bệnh được khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ “tiếp xúc”. Họ sẽ tự đặt bản thân vào những tình huống khó xử thông thường như được chụp ảnh hoặc nói chuyện với người lạ. Một trong những vấn đề người bệnh thấy khó khăn nhất là hình thành và duy trì các mối quan hệ. Nguyên nhân vì họ rất tự ti.

Minnie giãi bày về hôn nhân của cô:

“Tôi chọn cưới một người mà tôi thấy chẳng hấp dẫn. Vì tôi nghĩ tôi không có quyền được sánh đôi với những người đàn ông đẹp trai. Mà họ cũng chẳng có hứng thú gì với tôi đâu.

Tôi có thể kiểm soát được bệnh tình của mình nhưng tôi biết nó vẫn luôn luôn ở đó và nó tác động đến mọi quyết định của tôi. Sau 10 năm chung sống, chúng tôi li dị và tôi sống độc thân từ đó đến giờ.”

Điều đau lòng là, Minnie Iris khao khát được làm mẹ nhưng căn bệnh của cô đã ngăn cản cô có một đứa con.

“Lúc đó, tôi không có khả năng để diễn đạt tình trạng của mình. Nhưng tôi luôn cảm giác rằng tôi không thể có con bởi vì đứa trẻ sẽ xấu xí như tôi và điều đó không thể chấp nhận được.

Nếu tôi sinh con, đó sẽ là một con quái vật gớm guốc. Thật không công bằng khi nó phải đến với thế giới này.”

mac cam ngoai hinh

Người mắc bệnh mặc cảm ngoại hình có thể dành hàng tiếng đứng trước gương hoặc không dám soi gương (ảnh: Giphy).

Còn gia đình của những bệnh nhân, họ cũng có một cuộc sống khổ sở chẳng kém. Bà Lisa, mẹ của Liane Piper, kể lại câu chuyện về con gái mình:

“Liane là một đứa trẻ hoàn hảo và không bận tâm điều gì cả. Khi nó lên 14, nó bắt đầu cách xa tôi. Điều đó xảy ra sau khi chúng tôi đi nghỉ mát.

Con bé bắt đầu trang điểm đậm hơn và bôi đủ thứ lên người để có một làn da rám nắng. Tôi nghĩ đó là một phần trong quá trình trưởng thành của Liane. Tôi không rõ vì sao mọi chuyện ra nông nỗi này.

Con bé đang lãng phí cuộc đời của nó. Tôi chỉ muốn Liane trở lại là con gái của mình.”

Những tấm ảnh chụp Liane hồi còn tuổi teen là một cô gái trẻ trung hay cười và vui vẻ. Nhưng Liane không thể chịu đựng nổi khi nhìn những tấm ảnh này.

“Tôi nhớ kì nghỉ mát ấy. Bởi đó là lần đầu tiên tôi nghĩ rằng mình thực sự xấu xí. Ở đó có một câu lạc bộ mà đám con gái toàn make-up và tụi con trai rất thích chúng. Còn tôi nhìn như tomboy và tôi nghĩ chẳng ai muốn bắt chuyện với mình. Thật tồi tệ.”

Giáo sư Veale cho biết chính những sự kiện tưởng chừng vô hại đó đã để lại những hậu quả nặng nề khi một người bắt đầu hình thành những suy nghĩ ám ảnh và tự chỉ trích bản thân. Giáo sư cũng giải thích thêm:

“Chúng ta không thể đảo ngược các sự kiện. Thay vào đó, chúng ta nên phát triển những cách nghĩ mới.

Những người mắc bệnh mặc cảm ngoại hình dành 90% chú ý vào bản thân và 10% còn lại vào thế giới quanh họ. Chúng ta phải giúp đỡ họ thoát khỏi bản thân và hướng họ vào những gì đang xảy ra xung quanh.”

Trong một xã hội thường chú ý vào ngoại hình, lời khuyên này có vẻ rất khó thực hiện.

Internet, đặc biệt là mạng xã hội, là một thứ độc hại khiến bệnh tình trầm trọng thêm. Người mắc bệnh bị “dội bom” bởi những bức ảnh photoshop hoàn hảo hoặc những người nổi tiếng đẹp như tranh vẽ.

Bi kịch nằm ở chỗ số người tự tử vì mặc cảm ngoại hình gấp 30 lần so với mức trung bình. Người mắc bệnh có thể thay đổi ngoại hình một cách cực đoan và gây shock như tự cắt ngón tay mình hoặc lấy búa đập vào mặt.

mac cam ngoai hinh

Alanah Bagwell hiếm khi rời khỏi nhà mình trong suốt 5 năm qua và cô đã cố tự tử 3 lần.

Alanah Bagwell, một sinh viên 22 tuổi ở Oxfordshire kể rằng cô đã cố tự tử ba lần vì bị mặc cảm ngoại hình dày vò. Lần cố gắng tự tử cuối cùng cách đây bốn năm, Alanah đã phải nhập viện mất ba ngày.

“Có một giọng nói vang lên trong đầu tôi rằng hãy hành hạ bản thân đi, hãy tự kết liễu chính mình đi, đến nỗi tôi thấy mình đáng ghê tởm và rất đáng chết.

Mặc cảm ngoại hình làm tôi tin rằng mình là một kẻ tồi tệ, một người bạn tồi tệ, một đứa con tồi tệ. Suy nghĩ này ăn sâu vào tâm trí hơn là lo lắng về ngoại hình. Tôi đã bỏ học năm 14 tuổi và hiếm khi ra khỏi nhà trong suốt 5 năm trời.

Tôi chỉ biết nằm trên giường, ngủ, khóc, và nghĩ rằng mình xấu xí, kinh tởm, và vô dụng.”

Đỉnh điểm là khi Alanah ép mình phải selfie lên đến 200 bức ảnh mỗi ngày để xem xét kĩ lưỡng ngoại hình của mình. Alanah lí giải vấn đề:

“Mọi người nhìn vào tấm ảnh này sẽ chỉ thấy đây là một con nhóc bĩu môi vô tích sự, nhưng đó là cách duy nhất để tôi cho thế giới này thấy con người mình.

Tôi dành hàng giờ để tô son trát phấn và tiếp tục so sánh bản thân mình với người khác đến ám ảnh. Điều đó chiếm trọn cuộc đời tôi.”

Trớ trêu thay, môi trường Internet là nơi Alanah vượt qua mặc cảm ngoại hình và giúp cô tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia.

“Có một hôm, tôi google câu “Tôi xấu đến nỗi chỉ muốn chết”. Nhiều trang mạng hiện ra nói về căn bệnh mặc cảm ngoại hình, và tôi nghĩ rằng, đó chính là mình. Tôi không thể tin là có nhiều người cũng cảm nhận giống mình.”

mac cam ngoai hinh

Những người mặc cảm ngoại hình thường rất tự ti, có xu hướng hành hạ bản thân, ghét bỏ chính mình và luôn có suy nghĩ muốn tự tử (ảnh: Pinterest).

8 năm sau, Alanah cuối cùng cũng hồi phục. Mặc dù để lỡ những năm trung học và dự bị đại học, Alanah vẫn tham dự kì thi của trường Quốc lập Anh dành cho học sinh muốn thi vào đại học. Bây giờ, Alanah đang là sinh viên năm hai khoa tâm lý của một trường đại học ở London.

Còn Minnie, cô vẫn tiếp tục cuộc sống của mình và là ủy viên của tổ chức mặc cảm ngoại hình BDD. Tại đây, Minnie hướng dẫn các nhóm hỗ trợ các bệnh nhân và giúp mọi người nhận thức về căn bệnh này. Cô cũng hi vọng bản thân sẽ tìm được mối quan hệ yêu thương lành mạnh.

Còn những người khác, vẫn có một đoạn đường dài đang chờ họ ở phía trước. Liane vừa trải qua phẫu thuật thẩm mĩ để cải thiện bề ngoài. Cô thừa nhận bản thân vẫn suy nghĩ nhiều về mặc cảm ngoại hình.

“Tôi đang đương đầu với việc nhìn thẳng vào tương lai. Đôi khi tôi sợ những thứ mình thấy. Trong một thế giới lí tưởng, tôi thấy mình lúc nào cũng đầy rẫy lo sợ.

Cách duy nhất tôi có thể thấy mình hạnh phúc là thay đổi ngoại hình này.

Tôi chỉ muốn một ngày nào đó, mình có thể nhìn vào gương và mỉm cười như bao người bình thường khác. Tất cả những gì tôi làm chỉ là đợi đến ngày đó.”

Bạn nghĩ sao về mặc cảm ngoại hình? Phải chăng bạn cũng từng là nạn nhân của body shaming? Hãy chia sẻ câu chuyện và suy nghĩ của bạn cho Lost Bird biết nhé!

Theo: Dailymail
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.