• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Tuyển tập 'Humans of New York': Câu chuyện ly kỳ của Bobby Love - kẻ cướp ngân hàng trốn chạy suốt 40 năm (Kỳ 1)

Cuộc sống

Là một trang Facebook nổi tiếng với hơn 18 triệu lượt thích, Humans Of New York ghi lại những dấu chân không mệt mỏi của Brandon Stanton trong sứ mệnh viết nên những câu chuyện về cuộc sống và con người trên khắp thế giới.

Humans of New York luôn chia sẻ những sự việc thú vị với phong cách bình dị nhất, Brandon Stanton cũng luôn biết cách tiếp cận người khác bằng sự chân thành và gần gũi. Được đánh giá là một trong những người sử dụng Facebook thành công nhất, Stanton đã biến ''thế giới ảo'' của mạng xã hội thành nơi chia sẻ mọi điều ''thật như cuộc sống''.

Bài viết này xin phép trích dịch câu chuyện dài 11 kỳ trên Humans Of New York, kể về cuộc đời Bobby Love - kẻ cướp ngân hàng ở Bắc Carolina đã trốn chạy suốt 40 năm, để rồi trôi dạt về New York với một danh tính giả và đôi bàn tay trắng. Ông ta cưới vợ, sinh con và nuôi nấng chúng trưởng thành trong nỗi lo sợ bị phát hiện. Một ngày nọ, cảnh sát đến gõ cửa nhà Bobby, vợ ông - bà Cheryl ra mở cửa và cuộc sống của cả gia đình đã thay đổi bắt đầu từ buổi sáng bình thường đó...

1/11: "Một buổi sáng bình thường"

"Đó chỉ là một buổi sáng bình thường. Độ chừng 5 năm trước. Tôi đang nấu nước châm trà trong bếp. Bobby vẫn còn nằm trên giường. Và tôi nghe tiếng gõ cửa. Mở hé cửa thật chậm rãi, tôi ngó thấy cảnh sát đứng sẵn đó. Lúc đầu, tôi không lo lắng mấy. Chúng tôi có hàng xóm là một bà điên, sống ngay bên cạnh đây, cảnh sát thường xuyên đến kiểm tra cô ấy nên tôi cho rằng liệu họ đã nhầm địa chỉ hay chăng?

Nhưng vào khoảnh khắc cánh cửa được mở ra hoàn toàn, mười hai sĩ quan đã xộc vào đi ngang qua tôi. Một trong số họ có chữ 'FBI' (Cục điều tra liên bang) trên áo khoác. Họ đi thẳng về hướng phòng ngủ, đến chỗ Bobby. Tôi nghe họ hỏi: "Ông tên gì?" Và anh ấy nói: "Bobby Love." Rồi họ nói: "Không. Tên thật của ông là gì?" Tôi nghe anh ấy nói điều gì đó với giọng thật thấp.

Họ trả lời: "Ông đã có một cuộc trốn chạy khá dài." Đó là khi tôi cố gắng bước vào phòng. Nhưng nhân viên cảnh sát cứ bảo: "Lùi lại, lùi lại. Bà không biết người đàn ông này là ai đâu." Rồi cảnh sát bắt đầu còng tay ông ấy. Điều này thật không hợp lý. Tôi đã kết hôn với Bobby được bốn mươi năm ròng. Ông ta thậm chí còn không có một tiền án tiền sự nào.

Vào thời điểm đó tôi khóc, và hét lên: "Bobby, chuyện gì đang xảy ra vậy? có phải ông đã giết ai đó không?" Và ông ấy nói với tôi: "Chuyện này xảy ra lâu rồi, Cheryl. Quay lại thời gian trước khi anh gặp em. Khi anh còn ở Bắc Carolina."

Lời kể của Cheryl
Image may contain: 2 people, people standing

2/11: "Walter Miller"

Trở lại những ngày tên tôi còn là Walter Miller, với một thời thơ ấu diễn ra khá bình thường. Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo, không có gì thực sự kịch tính diễn ra trong đời cho đến khi tôi đi xem buổi hòa nhạc của danh ca Sam Cooke ở tuổi 14. Quá rất phấn khích khi được ở buổi hòa nhạc đó, tôi đã chen lấn để bước lên được hàng đ, nơi gần sân khấu nhất.

Đám đông đang thực sự lắc lư theo từng giai điệu, bởi vì đó là thứ nhạc dance sôi động. Sam Cooke lại không thích điều đó. Anh ấy cứ bảo mọi người hãy ngồi xuống đi nhưng họ không nghe theo. Thế rồi, sau hai bài hát, anh ta tức giận đến nỗi bước ra khỏi sân khấu. Tôi hét lên thật to: "Sam Cooke là đồ chết tiệt!"

Ở Bắc Carolina những năm 1964, chỉ cần một lời nói như vậy là đủ để bị bắt giam vì hành vi gây rối loạn trật tự nơi công cộng. Sau đó, mọi thứ đối với tôi đã tuột dốc không phanh. Mẹ tôi phải tự nuôi tám đứa con nên bà ấy không thể kiểm soát tôi. Tôi tự chuốc lấy mọi rắc rối. Từ việc lấy trộm ví tiền từ những người quên khóa cửa xe, cho đến ăn cắp đồ trong hòm thư của nhà nước.

Tôi trở nên mạnh mẽ hơn và táo bạo hơn, cho đến một ngày nọ, tôi bị bắt vì tội trộm cắp đồ trong phòng của ban nhạc ở trường học. Họ đưa tôi đến trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên tên là Trường Đào tạo Morrison. Tôi căm ghét tất cả mọi thứ ở nơi đó. Thức ăn thật khủng khiếp. Lũ trẻ ở trong trường thì rất bạo lực. Tôi vẫn còn đây những vết sẹo sau những lần bị chúng đánh đập.

Mỗi đêm, khi tôi đang ngủ lơ mơ, tôi có thể nghe thấy tiếng còi của một chuyến tàu vận tải ở phía xa. Và tôi luôn muốn biết con tàu đó đang đi về đâu... Vậy là một đêm nọ, khi người bảo vệ quay lưng lại kiểm tra đồng hồ, tôi chạy ra khỏi cửa sau, hướng về tiếng còi tàu. Và đó là lần đầu tiên tôi trốn thoát.

Booby Love, hay còn được biết với tên thật là Walter Miller
Image may contain: 1 person, standing, beard and outdoor

3/11: "Ngựa quen đường cũ"

Đi theo những chuyến tàu hỏa, tôi hướng thẳng đến thủ đô Washington DC. Trong một phút giây nào đó, tôi cảm thấy dường như mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Anh tôi sống ở thành phố này nên tôi bắt đầu đến ngủ nhờ chỗ anh ấy. Đăng ký vào một trường trung học mới, tôi đến lớp học, rồi thi thoảng chơi bóng rổ. Mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ, thế nhưng tôi vẫn chưa học được bài học cho chính mình.

Ngựa quen đường cũ, tôi đã chọn nhầm bạn mà chơi. Có một nhóm thanh niên nọ, bọn này hay cướp ngân hàng và trốn thoát thành công. Cứ thế, tôi quyết định tham gia cùng chúng nó. Chúng tôi đi xuống Bắc Carolina để tác nghiệp vì những ngân hàng ở đó ít an ninh hơn. Rồi nhóm tôi đã trốn thoát vài lần với số tiền cướp được.

Sau mỗi lần cướp bóc thành công, chúng tôi sẽ đi chơi trên đường Số 14 và đường T, cư xử như những tên tai to mặt lớn. Chúng tôi cảm thấy như mình đã là giang hồ thứ thiệt vậy! Tôi không có ai để đổ lỗi ngoài bản thân mình. Tôi thích cảm giác có tiền, nhưng cuộc vui đã không kéo dài được lâu.

Một trong những ngân hàng đó có hệ thống báo động ngầm. Và trong khi chúng tôi đang cố nhét túi đầy tiền, người quản lý ngân hàng đã nhấn nút bí mật. Cảnh sát mai phục chúng tôi trong bãi đậu xe, kế hoạch cướp ngân hàng xem như phá sản. Tôi đã cố gắng trốn thoát, né tránh và len lỏi chạy qua những chiếc ô-tô. Thế rồi tôi bị bắn vào mông, viên đạn xuyên qua người. Tôi thấy mình thức dậy trong bệnh viện, với một cái lỗ ở phía trước và sau áo khoác của mình.

Walter Miller
Image may contain: 1 person, outdoor

4/11: "Nhà Tù Trung Tâm"

Tất cả đã kết thúc với Walter Miller như vậy đó. Thẩm phán kết án tôi 20 lăm đến 30 năm tù giam. Tôi đã giữ hy vọng trong một thời gian và gửi đơn kháng nghị, mong rằng sẽ giành chiến thắng trước tòa, hoặc ít nhất là có thu xếp được phiên tòa mới với một luật sư giỏi hơn. Thế nhưng mọi thứ vẫn tiếp tục đi vào ngõ cụt. Tôi phải sớm đối mặt với thực tế rằng mình sẽ phải bóc lịch trong một thời gian rất dài.

Họ gửi tôi đến một cơ sở an ninh tối đa được gọi là Nhà tù Trung Tâm. Nơi đó có tháp canh, cảnh vệ mang súng ống và tất cả mọi thứ. Không có lối thoát, tôi đã phải làm quen với cuộc sống trong tù. Mẹ tôi qua đời trong khoảng thời gian này, điều đó thực sự khiến tôi suy sụp. Suốt cả cuộc đời, bà ấy đã cầu nguyện cho tôi, mong ước rằng tôi có thể quay lại cuộc sống bình thường.

Tiếc thay bà ấy không bao giờ được nhìn thấy điều đó xảy ra. Tôi cam kết với chính bản thân mình rằng phải sống tốt hơn. Tôi đã chấp hành kỷ luật và trở thành một tù nhân hoàn hảo, chưa bao giờ bị đánh giá kém trong quá trình thi hành án tù. Hành vi của tôi rất tốt nên họ chuyển tôi xuống đến một cơ sở an ninh tối thiểu. Nơi này giống như trại giam thông thường, vẫn có tháp canh, súng và tất cả mọi thứ, nhưng nó dễ chịu hơn nhiều so với lúc trước.

Họ cho phép tù nhân đi dạo quanh sân. Tôi có thể gọi điện thoại, thậm chí còn được làm một show của riêng mình trên radio. Thật là vui. Tôi ghi âm bài nói của mình vào mỗi thứ Tư và họ đã phát sóng nó trên đài phát thanh của trường đại học địa phương. Tôi được thư giãn, cảm thấy tốt hơn rất nhiều. Trong đầu tôi không có kế hoạch trốn thoát nào.

Walter Miller

(Đọc tiếp KỲ 2 TẠI ĐÂY)

Theo: Humans Of New York

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.