• Về đầu trang
H.Khanh
H.Khanh

The Bystander Effect: Từ một vụ án trở thành hiện tượng tâm lý đáng sợ nhất của con người

Kinh dị

Ngày 13/3/1964, một buổi sáng sương mờ, thi thể của một người phụ nữ được phát hiện. Cô là Kitty Genovese, 28 tuổi, có một cuộc sống ổn định, đang còn rất nhiều kế hoạch cho những năm tiếp theo của cuộc đời mình. Nhưng vào sáng thứ Sáu hôm đó, những điều trên không còn quan trọng nữa.

kitty genovese

Khi Kitty bị đâm chết tại một con hẻm bên ngoài căn hộ của mình, những người bạn bè, hàng xóm đã từng sống bên cạnh cô trong suốt nhiều năm qua đã chọn cách…không làm gì cả. Họ chỉ đứng yên đó và nhìn sự sống đang rời khỏi người bạn của mình.

Vụ án cũng từ đây mà trở nên nổi tiếng cả nước. Ngoài ra, cũng nhờ vụ án này mà chúng ta ngày nay mới có thể học hỏi về hiện tượng tâm lý đã xảy ra: The Bystander Effect, hay còn được biết đến với cái tên Hiệu ứng người ngoài cuộc.

Vào lúc 2 giờ 30 sáng hôm đó, Kitty Genovese rời khỏi quán bar mà cô làm việc để đi về nhà. Trong suốt nhiều năm, Kitty là quản lý của một quán bar tên Ev’s Eleventh Hour ở Hollis. Nhà cô là một căn hộ ở Kew Gardens, cách nơi cô làm việc khoảng 45 phút chạy xe.

bar

Dừng lại tại một cột đèn đỏ trên đường về, Kitty đã không để ý đằng sau mình có một chiếc xe khác vừa mới rời khỏi công viên, cô cũng không để ý là chiếc xe đó đã theo cô suốt đường về nhà.

Thời khắc đã điểm, Kitty đỗ xe vào bãi đậu xe ga Kew Gardens Long Island, cách nhà cô khoảng 30m rồi sau đó, Kitty đi bộ đến trước cửa nhà mình, chiếc xe bám đuôi kia thì đỗ vào một bãi gửi xe tại trạm chờ bus ở cuối phố.

Người điều khiển chiếc xe lúc đó là Winston Mosely, một người đàn ông 29 tuổi với 1 vợ, 3 con và không hề có tiền sử gây án, cho đến sáng sớm ngày hôm đó.

killer mugshot kitty

Khi Kitty đã đến trước cửa nhà cô, Mosely tiến lại gần, và dùng con dao găm đâm vào lưng cô 2 nhát chí mạng. Kitty hét thất thanh khi nhận ra chuyện. Vài người hàng xóm nghe thấy tiếng hét và chạy đến. Nhưng chỉ có duy nhất Robert Mozer bảo vệ Kitty bằng cách la lên:

Để cô gái ấy yên!

Sau khi đâm Kitty, Mosely bỏ chạy, còn cô thì bò từ từ đến cánh cửa nhà mình. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng đã kể lại rằng Mosely lên xe chạy đi, nhưng 10 phút sau hắn đã quay lại để tìm Kitty.

Và tất nhiên là y đã tìm thấy cô, nằm trên một hành lang trong tòa chung cư, lần này Mosely đâm Kitty thêm vài nhát, hiếp dâm cướp của, sau đó bỏ chạy. Xe cứu thương đến nơi vào lúc 4 giờ 15 để đưa nạn nhân đến phòng cấp cứu, nhưng cô đã trút hơi thở cuối cùng trên đường đến bệnh viện.

queens 1966

bystander effect

Con hẻm nơi Kitty Genovese bị sát hại.

Toàn bộ sự việc diễn ra trong khoảng 40 phút, nhưng cuộc gọi đầu tiên đến cảnh sát là vào lúc 4 giờ đúng. Vài nhân chứng khẳng định họ đã gọi cảnh sát, nhưng cuộc gọi của họ không được chuyển đến đường dây ưu tiên. Nhiều người khác cũng khẳng định rằng họ đã gọi, nhưng lúc đó họ không hiểu được độ nghiêm trọng của vụ án. Và cũng có nhiều người khác, nghĩ rằng đã có người gọi cảnh sát rồi, nên họ không làm gì cả.

Mosely bị bắt quả tang 6 ngày sau khi vụ án xảy ra, ngay trong một vụ cướp hắn đang thực hiện. Trong lúc bị giam, hắn thú nhận giết Kitty Genovese, miêu tả cụ thể các tình tiết của vụ án. Sau đó hắn bị đưa ra tòa và kết án chung thân. Mosely chết trong tù vào năm 2016.

2 tuần sau, vụ án kinh khủng này xuất hiện trên mặt báo The New York Times với tiêu đề:

37 (sau này được sửa thành 38) nhân chứng không gọi cảnh sát khi chứng kiến án mạng.

Đột nhiên, vụ giết người Genovese làm rúng động cả thành phố New York. Hàng trăm người xem vụ án này là dấu hiệu của lối sống nhẫn tâm và vô nhân đạo xuất phát từ việc sống trong một thành phố lớn, trong khi có những người khác chỉ biết than khóc về sự mất đi tình người trong số những người dân ở New York.

Khi công chúng còn đang thương tiếc nạn nhân, các nhà tâm lý học bắt đầu để tâm đến những người hàng xóm. Làm thế nào mà một nhóm người có thể thấy một sự kiện như vậy ngay trước mắt mình nhưng lại không có phản ứng gì cả?

Các nhà tâm lý học xã hội bắt đầu nghiên cứu về tư duy tập thể và đã đặt tên cho hiện tượng này là The Bystander Effect (Hiệu ứng người ngoài cuộc).

1529569968969 1 268241

Hiệu ứng người ngoài cuộc, hay còn được biết đến là Hiệu ứng bàng quan, hay Hội chứng Genovese là hiện tượng tâm lý xã hội chỉ một tình huống khẩn cấp mà trong đó những người có mặt không giúp đỡ nạn nhân.

Các nghiên cứu cho rằng khả năng hỗ trợ có liên quan mật thiết đến số người chứng kiến. Nói cách khác, càng nhiều người chứng kiến thì càng có ít khả năng ai đó sẽ hỗ trợ.

Sự xuất hiện của những người chứng kiến khác làm giảm khả năng can thiệp. Điều này là do càng có nhiều người chứng kiến, thì một cá nhân chứng kiến lại càng ít xem vụ tai nạn là một vấn đề nghiêm trọng và nhận trách nhiệm để hành động.

Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể kể đến là Sự mơ hồ (Bản thân không biết rằng có nên giúp hay không, nhưng luôn cho rằng người khác sẽ giúp nạn nhân), Sự gắn kết đám đông (Một người thấy những người khác không hành động nên bản thân cũng sẽ không hành động), và Sự khuếch tán trách nhiệm (trách nhiệm của mọi người là giúp nạn nhân, nhưng vì có quá nhiều người chứng kiến nên trách nhiệm của mỗi người nhỏ dần đi và không ai cảm thấy mình bắt buộc phải giúp).

Không lâu sau đó, vụ án này đã được kể lại trong hầu hết các sách giáo khoa tâm lý ở Hoa Kỳ và vương quốc Anh, sử dụng những người hàng xóm như là một ví dụ về sự can thiệp của người ngoài cuộc.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nền tảng của lý thuyết tâm lý học này đã có thêm nhiều câu hỏi. Sau cái chết của Mosely vào năm 2016, The New York Times đã xuất bản một bài báo mới, nói rằng những báo cáo ban đầu của vụ án không chính xác.

06insider kitty 04 jumbo

Vụ án mạng chắc chắn đã xảy ra nhưng con số 38 người gần như là số liệu được thêu dệt bởi The New York Times. Bài báo đã phóng đại số lượng nhân chứng và những gì họ nhìn thấy. Gần như không ai thấy toàn bộ cuộc tấn công cả. Vì vụ việc đã xảy ra hơn 50 năm trước, không có cách nào để chúng ta có thể kiểm chứng những nguồn tin này.

Theo lời A. M. Rosenthal, biên tập viên điều hành của tờ The New York Times vào khoảng thời gian vụ án mạng xảy ra,

Tôi không thể chắc chắn với anh là có đúng 38 người đã đứng nhìn vụ án đó không. Có những báo cáo bảo là có nhiều hơn, cũng có những nguồn cho rằng số nhân chứng ít hơn như vậy. Sự thật duy nhất ở đây là sự kiện này đã ảnh hưởng đến cả thế giới. Và tôi mừng là tôi đã đặt con số 38 vảo tựa đề bài báo.

Nói gì thì nói, vụ án Kitty Genovese cũng đã nổi tiếng trong suốt hơn 53 năm qua, trở thành một trong những vụ án gây sốc nhất nước Mỹ. Hàng trăm cuốn sách đã được viết về vụ án và hiệu ứng người ngoài cuộc, vụ án cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim, series truyền hình, và cả một vở nhạc kịch.

Như vậy, Kitty Genovese từ nạn nhân không may của một vụ giết người cướp của cùng với sự vô tâm của những người mà cô gọi là bạn bè, hàng xóm, đã giúp chúng ta hiểu ra được một mặt vô cùng tối của bản chất con người.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.