• Về đầu trang
Hạ Vũ Hà
Hạ Vũ Hà

Những di sản thế giới trông như thế nào qua màn tái tạo của máy tính?

Lịch sử

Theo thời gian, có hàng trăm địa điểm trên khắp thế giới đã trở thành di sản. Chúng là một phần rất quan trọng trong lịch sử của loài người và cho chúng ta thấy những gì tổ tiên đã xây dựng từ hàng ngàn năm trước.

Những tác phẩm kì vĩ này đang bị đe doạ liên tục bởi thiên tai, chiến tranh, hoạt động khai phá của con người. UNESCO đang ra sức bảo vệ những hiện vật này; song, hiện nay có 53 di sản thế giới đang ở mức nguy hiểm đáng báo động.

Với mong muốn sẽ hiểu thêm về những di sản quý báu này, Budget Direct Travel Insurance đã hợp tác với kiến trúc sư Jelena Popovic để xây dựng lại 6 di tích lịch sử bằng đồ hoạ với tỉ lệ gần đúng nhất.

Hatra (Al-Jazīrah, I-rắc)

Cho đến nay, Hatra là thành phố cổ đại thuộc quyền cai trị của Đế quốc Parthia ngày xưa cũng là nơi còn tàn tích thể hiện sự sáng tạo rõ rệt nhất của người dân thời bấy giờ. Các pháo đài được xây dựng kiên cố từ giữa thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 2 TCN nhằm bảo vệ thành phố bên trong. Hatra là thủ đô của Vương quốc Ả Rập đầu tiên và được gọi là Beit ʾelāhāʾ (Nhà của Thần Linh). Cái tên này bắt nguồn từ việc nơi đây là đền thờ các vị thần Hy Lạp, Aramean, Lưỡng Hà và Ả Rập.

Vua Sāsānian Ardashīr I ra lệnh "phá hủy" thành phố vào thế kỷ thứ 3 và đến mãi những năm của thế kỷ thứ 19 thì những tàn tích ấn tượng mới được khám phá. Vào năm 2015, UNESCO đã bổ sung Hatra vào danh sách có nguy cơ "tuyệt diệt" sau khi phiến quân Isis bắn đạn vào tường, tháp và dùng búa tạ để phá hủy các bức tượng mà họ coi là "dấu hiệu của đa thần giáo".

Leptis Magna (Quận Khoms, Libya)

Sau khi Septimius Severus lên ngôi hoàng đế vào năm 193 sau CN, ông đã đầu tư và phát triển thành phố quê hương của mình thành một nơi nguy nga bậc nhất của kiến trúc đô thị La Mã. Leptis Magna trở thành thành phố La Mã quan trọng thứ 3 ở Châu Phi chỉ sau Carthage và Alexandria.

Điểm sáng của thành phố tráng lệ trên phải kể đến nhà hát này. Nơi đây từng được sử dụng làm nghĩa trang nhưng sau đó đã được cải tạo thành nhà hát. Đây là một trong những nhà hát kết hợp với khán đài hình thành sớm nhất. Nhà hát được xây dựng từ đá tự nhiên và bê tông, nếu men theo những hành lang chúng ta sẽ đến được một khu vườn và một khu đền. Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Libya (chiến tranh, cướp bóc) đã khiến thành phố Leptis Magna bị ảnh hưởng nặng nề.

Palmyra (Tadmur, tỉnh Homs, Syria)

Palmyra đã trở thành một biểu tượng của di sản đang trong tình trạng bị đe dọa. Ở đỉnh điểm của cuộc chiến ở Syria, quân đội Isis đã tra tấn ông Khaled al-Asaad, 82 tuổi người phụ trách bảo tàng thành phố từ những năm 1960 với mục đích bắt ông khai ra nơi cất giấu những hiện vật quý giá. Đến cuối cùng ông chết trong quật cường và không hề khai báo về chúng.

Quân đội Nhà nước Hồi giáo đã phá hủy đền Bel vào tháng 8 năm 2015. Gian điện thờ chính được bao bọc bởi một bức tường 205m với một cổng điện lớn; tuy nhiên sau khi trải qua đợt tàn phá suốt nhiều năm thì những gì còn sót lại chỉ là một phần bức tường và cổng điện chính. Ngày nay, có rất nhiều đầu việc khẩn cấp được đưa ra để bảo tồn thành phố cổ.

Pháo đài Portobelo-San Lorenzo (tỉnh Colon, quận Cristobal, Panama)

Bắt đầu từ những năm 1590, Chế độ quân chủ Tây Ban Nha đã xây dựng một loạt pháo đài dọc theo bờ biển Caribbean của Panama nhằm bảo vệ việc thương mại xuyên lục địa. Một số pháo đài được chế tạo khéo léo để thích hợp với các đặc điểm tự nhiên của đường bờ biển. Một vài khu vực có thiết kế mang màu sắc trung cổ trong khi những nơi khác được thiết kế theo phong cách tân cổ điển.

Pháo đài Portobelo-San Lorenzo được xây dựng trong hai thế kỷ. Đây là một bài học trực quan về sự phát triển của kiến trúc quân sự thuộc địa Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các vấn đề như: thiên tai, đô thị hoá, lấn chiếm đất đai và các vấn đề bảo trì đã làm tổn hại đến pháo đài. Vào năm 2012, UNESCO đã liệt kê pháo đài này vào danh sách nguy hiểm có nguy cơ biến mất.

Nan Madol (đảo Temwen, Liên bang Micronesia)

Từ năm 1200 đến 1500, người dân đảo Pohnpei đã sử dụng đá bazan và san hô để xây dựng hơn 100 đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển của đảo chính. Kích thước và độ tinh xảo của những hòn đảo nhân tạo này và các cấu trúc mà chúng lưu giữ chính là một kỷ lục về thành tựu và văn hóa của các dân tộc đảo Saudeleur ở Thái Bình Dương. Điển hình như: cung điện bằng đá, đền thờ, lăng mộ và nhà cửa nối nhau xếp dài trên mẫu đất rộng 200 mẫu Anh (khoảng 80 héc-ta).

Tuy nhiên, thành phố trên mặt nước này rất dễ bị hư hại do vấn đề về thiên tai, thời tiết xấu. Nơi đây đã không còn được bàn tay con người sửa chữa hay đổi mới từ những năm 1820. Sự sống thực vật ở đây quá mạnh mẽ đã dẫn đến cấu trúc của Nan Madol bị tổn hại khá nhiều.

Thành phố cổ Jerusalem và những bức tường thành (Jerusalem, Israel)

Thành phố Jerusalem là nơi sở hữu các cấu trúc có ý nghĩa văn hóa được xây dựng qua hàng trăm năm. Bức tường Than Khóc có niên đại từ cuối thời kỳ Second Temple, được xây dựng vào khoảng năm 19 trước Công nguyên bởi Herod Vĩ đại. Trong khi Mái vòm đá được xây dựng trên trên Núi Đền khoảng vào năm 688–691. Mái vòm này có niên đại từ giữa thế kỷ XX.

UNESCO đã liệt kê thành phố cổ đại này vào danh sách có nguy cơ bị "tuyệt diệt" vì sự đô thị hoá diễn ra quá nhanh chóng. Điều này đã khiến cho khu vực xung quanh nơi đây bị ảnh hưởng tiêu cực rất nhiều.

Đọc thêm: Những đại dịch khủng khiếp thời cổ đại được phác họa qua các bức tranh nổi tiếng (Kỳ 2)

Theo: Bored Panda
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.