• Về đầu trang
Neko Punch
Neko Punch

Phụ nữ Indonesia xăm mình để cứu bản thân khỏi nạn nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ hai

Chị em

Mariana Hoar hồi tưởng lại nỗi sợ khi phải sống dưới thời kỳ chiếm đóng của quân đội Nhật, và nỗi đau đi cùng nó.

“Khi quân Nhật đến, chúng tôi đều đã xăm mình để bọn chúng nghĩ rằng chúng tôi đã có chồng.” Bà kể, tay chỉ vào những đường vẽ hoa văn mờ nhạt trên làn da nhăn nheo của mình. “Những hình vẽ này cho thấy rằng chúng tôi đã có gia đình. Và vì thế bọn chúng đã để chúng tôi yên… Chúng tôi sợ lắm.”

Mariana dùng đầu ngón tay gõ gõ lên da mình, bắt chước chuyển động của những cây kim xăm truyền thống. “Kim, kim, kim. Và máu.”

“Nó có đau không?”

“Rất đau là đằng khác.” Bà trả lời.

indo women

Những hình xăm đã cứu phụ nữ Indonesia khỏi nạn nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ hai. Ảnh: Vice

Mariana là một trong những người phụ nữ sinh sống tại làng Umatoos, nơi những mái nhà tranh cũ nát nằm ngay cạnh những tòa nhà cao tầng hiện đại tại huyện đảo Tây Makala, thuộc địa phận Indonesia của đảo Timor. Tọa lạc tại một vùng xa xôi hẻo lánh của Indonesia, Malaka tiếp giáp với Đông Timor, một đất nước nhỏ với 1,25 triệu dân, trước đây là một phần của Indonesia. Makala gần về phía Australia hơn là Jakarta, thủ đô Indonesia. Nhóm phóng viên phải đi từ Batugate, Đông Timor để gặp được những người phụ nữ này.

mariana hoar

Mariana Hoar. Ảnh: Vice

Phụ nữ Indonesia chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử đất nước họ mà cho đến nay chưa hề bị quên lãng. Quay ngược trở về quá khứ, trong Thế chiến thứ hai, khi Indonesia – cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác – bị quân Nhật chiếm đóng, những người phụ nữ như Mariana đành phải dựa vào một tập tục kết hôn truyền thống của địa phương để có thể phần nào chống chọi với hiện thực khắc nghiệt lúc bấy giờ. Những người phụ nữ Malaka này đã xăm mình khi kết hôn, tự in lên cơ thể mình vô số hình vẽ phức tạp khác nhau với ý nghĩa rằng mình “đã có chủ”.

“Ở những thành phố lớn, hình xăm biểu tượng cho sự hư hỏng, vô lại thì ở đây, hình xăm là di sản của chúng tôi. Nó là một giá trị truyền thống quý giá gắn liền với mỗi con người nơi đây.” Daniel Bria Suri, một tù trưởng cho hay. “Truyền thống này đã được lưu truyền và kế thừa suốt bao đời nay, nó thể hiện triết lý sống của bộ lạc. Một số hình xăm biểu tượng cho những ngôi nhà truyền thống, một số khác biểu tượng cho thiên nhiên.”

indo women2

Những người phụ nữ Malaka và những hình xăm trên tay họ. Ảnh: Vice

Khi quân đội Nhật đến Malaka, họ đã tiến hành một chiến dịch tàn bạo gọi là jugun lanfu, hay comfort women (Phụ nữ giải khuây/ Ủy an phụ), Mariana và các bạn gái của bà phải miễn cưỡng xăm mình như những người phụ nữ có chồng mặc dù họ vẫn độc thân. Những hình xăm đó đã cứu họ khỏi những nhà thổ của Quân đội Đế quốc Nhật Bản, một hệ thống đã kéo theo ít nhất 20.000 phụ nữ và 410.000 người vào nền công nghiệp vô nhân tính mà cho đến nay vẫn là một vết thương lớn đối với Indonesia nói riêng và các quốc gia Châu Á nói chung.

“Hình xăm trở thành loại vũ khí tối thượng để bảo vệ phụ nữ trước những binh lính Nhật.” Daniel nói. “Khi những người phụ nữ có hình xăm trên cơ thể, quân Nhật sẽ không động đến họ.”

Việc bắt cóc phụ nữ ở những vùng bị chiếm đóng để phục vụ cho nhu cầu tình dục của lính Nhật được cho là ngăn chặn những sự việc hy hữu xảy ra như hồi năm 1937, khi quân đội Nhật hãm hiếp và tàn sát hàng loạt người dân ở Nam Kinh, Trung Quốc mà sự việc này sau đó đã bị phơi bày trên khắp các mặt báo quốc tế.

comfort women chinese malayan

Không chỉ phụ nữ Indonesia, những người phụ nữ Trung Quốc và Malaysia cũng bị bắt vào những nhà thổ của quân đội Nhật. Ảnh: Wikipedia

“Indonesia đã luôn cố che đậy lịch sử của jugun ianfu.” Winarta, Giám đốc Viện Trợ giúp Pháp lý Độc lập (ILAI) cho biết. “Họ không công nhận sự tồn tại của jungun ianfu. Nhưng chúng tôi đã làm được, chúng tôi đã chứng minh được nó đã từng tồn tại.”

Ở Malaka, ký ức về những năm tháng đầy đau thương như ngày ấy đã dần trở nên mờ nhạt. Ngày nay, rất ít phụ nữ có hình xăm còn sống. Và những người phụ nữ trẻ hiện nay không còn muốn xăm mình khi kết hôn nữa. Đây là điều không thể tránh khỏi, bởi một phần cũng là do sự hiện đại hóa nhanh chóng sau khi đất nước này giành độc lập. Điều này, buồn thay, lại khiến cho những nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc – mà chính chúng ta luôn mong muốn giữ gìn – đang dần mai một, lụi tàn đi.

“Bọn trẻ ngày nay không còn muốn xăm mình khi kết hôn như các bà và cụ của nó nữa.” Daniel nói. “Thay vào đó, chúng lại thích đeo nhẫn hoặc dây chuyền hơn.”

Nhưng còn lý do khác khiến nhiều phụ nữ ngày nay không muốn xăm mình – đó là sự đau đớn mà họ phải trải qua trong quá trình xăm. Maria Theresia Hoar nói rằng xăm mình là thứ mà phụ nữ phải chịu đựng, không phải hưởng thụ, để kế thừa và phát huy truyền thống của làng.

maria theresia hoar

Maria Theresia Hoar. Ảnh: Vice

“Nó đau lắm.” Bà nói. “Đừng hỏi tôi nữa. Nó đã khiến tôi đau đớn vô cùng, nhưng vì tôi muốn kết hôn nên tôi phải chịu đựng.”

Hết lần này đến lần khác, chúng ta đã được chứng kiến bao nhiêu người hy sinh bản thân mình để duy trì một truyền thống mà hầu như đang dần suy vong. Có phải tất cả mọi truyền thống đều đáng được bảo tồn không? Không ai thực sự biết. Nhưng sau câu chuyện của những người phụ nữ Malaka, chúng ta không thể không nhận thấy rằng áp lực và gánh nặng của việc duy trì và phát huy truyền thống dân tộc từ trước đến nay vẫn luôn đè nặng trên đôi vai người phụ nữ.

comfort women

Tượng đài Phụ nữ giải khuây, Indonesia. Ảnh: Wikipedia

Ngày nay, phụ nữ Malaka không còn tự xăm mình nữa. Họ cũng không còn có nguy cơ bị bắt cóc và buộc phải phục vụ trong các “trạm giải khuây”. Và ngày nay, ở một đất nước không còn quân xâm lược và các nhà thổ, một đất nước dân chủ và hiện đại, nỗi đau đó không còn là điều mà phụ nữ phải gánh chịu. Thế giới mà chúng ta sống ngày nay không hẳn là một thế giới hạnh phúc, không còn đau thương, nhưng đất nước là chúng ta đang sống là nơi, ít nhất là đối với hầu hết chúng ta, điều đau xót nhất không phải là nỗi đau xác thịt.

Theo: Vice
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.