• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

'Soi' loạt đồ vật, đạo cụ trong MV lịch sử của Hòa Minzy: Ekip được khen vì tâm huyết chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ

Showbiz

Hòa Minzy "trở lại và lợi hại hơn xưa" với MV mới nhất Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp, đây không chỉ là một video ca nhạc thông thường mà còn hàm chứa nhiều giá trị về văn hóa và nghệ thuật trong một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của Việt Nam.

Suốt thời lượng 8 phút của MV, người xem không chỉ đắm chìm trong âm nhạc mà còn nhận ra được nhiều thâm ý về "cảnh cũ, người xưa" được nhà thiết kế sản xuất Phạm Phong Lan (Lan Zi) tạo dựng một cách tinh tế.

Trên Facebook cá nhân, Lan Zi cũng cho biết trong kịch bản gốc của MV hình tượng nhân vật nữ chính không được khẳng định Nam Phương Hoàng Hậu, tuy nhiên ý đồ thiết kế nhân vật hoàn toàn được khơi nguồn cảm hứng từ chuyện tình của Hoàng đế Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam và Nam Phương Hoàng Hậu.

Từ thuyền gỗ sơn son thếp vàng đến đám rước hoàng gia, dù thiếu thốn vẫn đảm bảo trung thực với lịch sử

Một trong những cảnh quay đầu tiên, tuy chỉ kéo dài vài chục giây nhưng đã tiêu tốn nhiều công sức của ê-kíp sản xuất chính là khi nhân vật chính đi thuyền gỗ trên sông, một phân cảnh lặng lẽ buồn man mác. Lan Zi cho biết chiếc thuyền này đã khiến cô đau đầu vì thời gian để chuẩn bị chỉ có 2 ngày. Đội ngũ thiết kế phải đan đi đan lại bức rèm của thuyền để nó phù hợp nhất với tình trạng của nhân vật trong thời điểm lịch sử đó, không thể quá màu mè nhưng vẫn phải giữ được nét vương giả.

Theo như Lan Zi chia sẻ, mẫu rèm trong ảnh trên được tham khảo từ mẫu trên kiệu của Từ Cung Thái Hậu vốn đang được lưu giữ trong Đại nối Huế. Từ Cung Thái Hậu chính là thân mẫu của Hoàng đế Bảo Đại, bà cũng là Hoàng Thái Hậu cuối cùng của một triều đại phong kiến ở Việt Nam.

Nguyên mẫu kiệu sơn son thếp vàng của Từ Cung Thái Hậu với rèm tua rua màu vàng hiện đang được lưu giữ trong Đại nội Huế.

Về phân cảnh đám rước trong lễ cưới hoàng gia, ê-kíp đã sử dụng nhiều đạo cụ thật với sự hỗ trợ của Nhà hát truyền thống cung đình Huế, bao gồm cả những vật dụng đã được sử dụng trong Festival Huế. Một số cổ vật có giá trị đã được vay mượn từ những nhà sưu tập đồ cổ, bao gồm thanh gươm của thị vệ bên cạnh nhà vua trong cảnh dưới đây.

Thị vệ (áo xanh) cầm một thanh gươm cổ vật thực sự được nhà sưu tập đồ cổ Bình Nhiên Trà cho mượn.

Đội ngũ sản xuất đã gặp nhiều khó khăn để quay được cảnh đám rước này, theo như Lan Zi bộc bạch thì để đảm bảo tái hiện được phong tục tập quán trong lễ cưới hoàng gia thời nhà Nguyễn, cả nhóm đã phải "vật lộn" với 2 chú "vịt xiêm giả ngỗng" (góc phải, ảnh dưới). Số là đám rước cần một đôi ngỗng trắng, tuy nhiên vào thời điểm sản xuất MV là sau tết và ngay trước đỉnh điểm của dịch Covid-19 nên điều đó là bất khả thi. Lan Zi đành chấp nhận mua vịt về quay tạm.

"Vịt xiêm giả ngỗng" dành cho đám rước hoàng gia (góc phải, bên dưới).

Những hoài niệm ở phân cảnh điện Kiến Trung và cung An Định thể hiện sự pha trộn giữa văn hóa Đông - Tây và xung đột Á - Âu trong nội bộ gia đình hoàng gia

Một phân cảnh quan trọng nhất của MV chính là flashback của nhân vật chính về một giai đoạn phức tạp trong đời sống của gia đình Hoàng đế Bảo Đại, với bối cảnh là điện Kiến Trung (nằm trong Hoàng thành Huế, nay đã không còn) và cung An Định (cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua, sau này được vua Bảo Đại thừa kế và sống ở đây những ngày cuồi cùng trước khi thoái vị).

Cảnh được quay trong khách sạn Azerai, Huế với phong cách Âu Hóa, có thể nhận ra sự khác biệt trong phong cách ăn mặc giữa hai nhân vật trung tâm của cảnh quay.

Đây là một cảnh được thiết kế vô cùng tỉ mỉ, bên kia bức rèm sau lưng vua Bảo Đại là phòng làm việc của ông, Lan Zi cho biết những chi tiết như máy đánh chữ, bàn làm việc của vua đều được chuẩn bị đâu ra đấy, mặc dù chúng không lên hình và khán giả cũng không có khái niệm nào về chúng. Phía sau lưng hoàng hậu cũng là phòng trang điểm của bà, tất nhiên nó cũng không xuất hiện trong phân cảnh nhưng đều được sắp đặt để tạo nên không gian chân thực nhất có thể.

Trong cảnh này, chiếc đèn bàn với chụp đèn tạo điểm nhấn được Lan Zi chu đáo mang từ Sài Gòn ra Huế để quay phim.

Trong khi cảnh điện Kiến Trung được dàn dựng tại khách sạn, những cảnh ở cung An Định được quay thực ở địa điểm này, hình ảnh của Nam Phương Hoàng Hậu xuất hiện nhiều hơn và đời tư của bà cũng được khai thác nhiều hơn.

Ảnh trắng đen sau đây không xuất hiện trong MV, tuy nhiên được Hòa Minzy chụp bổ sung cho album ảnh hậu trường.

Trong phân cảnh hoàng hậu trầm tư bên bàn phấn, các thành viên thuộc ê-kíp sản xuất cho biết bức rèm được sử dụng vốn là loại giá rẻ chỉ hơn 200.000 đồng mua được ở chợ, tuy nhiên lên ảnh lại rất lung linh. Theo cột mốc lịch sử thì vào thời điểm này vua Bảo Đại đã thoái vị, cả gia đình ông phải sống tiết kiệm hơn trước, hoàng hậu vẫn sung túc nhưng tác phong vương giả đã không còn được như xưa.

Tái hiện chính xác cảnh hoàng hậu chụp ảnh cùng các con tại Thái Bình Lâu

Nam Phương Hoàng Hậu và các con do Hòa Minzy tái hiện.
Ảnh thật, chụp hoàng hậu và 5 người con tại lâu đài Thorenc, Pháp năm 1950 có bố cục khá tương đồng.

Để dàn dựng lại ảnh trên theo đúng ý đồ của đạo diễn, ê-kíp phải tìm được mẫu ghế cẩn xà cừ tương tự như chiếc ghế thật mà hoàng hậu đã dùng khi xưa để đặt trước Thái Bình Lâu, nằm ở phía Đông Bắc Tử Cấm Thành, Hoàng thành Huế. Đây là một trong những di tích còn được lưu giữ nguyên vẹn và đã trùng tu vào đầu những năm 90.

Một phân cảnh đặc sắc khác là khi hoàng hậu ru con ngủ trong đêm mưa, vỏ gối của hoàng tử là đồ cổ thật cũng được mượn từ nhà sưu tập Bình Nhiên Trà, tuy nhiên bạn nào để ý có thể sẽ nhận ra bức rèm giả pha lê giá 200.000 đồng đã được tái sử dụng và tạo nên hiệu ứng thị giác tuyệt vời.

Sau khi hoàn thành trách nhiệm với chồng con, hoàng hậu có những phút giây đầy tâm trạng cho riêng mình bên bàn trang điểm, Lan Zi chia sẻ rằng cô lại một lần nữa cần sự trợ giúp của nhà sưu tầm Bình Nhiên Trà để có được một vài lọ nước hoa theo kiểu xưa, theo cô, hoàng hậu ưa thích các nhãn hiệu như Chanel, Guerlain, Dior và Balmain.

Ngoài ra, các trang sức trong hình trên được tài trợ bởi công ty vàng bạc đá quý PNJ.

Phân cảnh cuối cùng với sắc màu Hong Kong và chút ký ức về Hà Nội thời Pháp thuộc

Ê-kíp sản xuất một lần nữa lại quay về khách sạn Azerai, Huế để tái hiện cảnh Hong Kong năm 1946 khi vua Bảo Đại chung sống cùng người tình Lý Lệ Hà (hoa khôi đầu tiên của Việt Nam chiến thắng cuộc thi sắc đẹp ở Hà Đông năm 1938), đây là nhân vật khiến cho Nam Phương Hoàng Hậu và thứ phi Bùi Mộng Điệp buồn lòng.

MV khép lại với cảnh người tình Lý Lệ Hà đọc bức thư của Nam Phương Hoàng Hậu, cảnh này kết thúc một thiên tình sử, cũng là kết thúc một triều đại, một thời vàng son của phong kiến Việt Nam.

Ngoài ra, ngôi nhà tại địa chỉ số 51 đường Gambetta (đường Trần Hưng Đạo ngày nay) - vốn là nơi Bảo Đại chung sống với thứ phi Bùi Mộng Điệp cũng được tái hiện tại khu vực khách sạn Azerai, Huế. Để tấm biển bằng thép ghi địa chỉ được chân thực hơn, ê-kíp đã trực tiếp chà nó xuống mặt sàn khách sạn để tạo những vết trầy xước làm cũ nó đi.

Có thể thấy, MV Không thể cùng nhau suốt kiếp thực sự thể hiện được quyết tâm của Hòa Minzy và ê-kíp sản xuất gồm gần 200 người, họ phải mất 6 tháng để hoàn thiện khâu kịch bản. Bên cạnh đó, nhiều cảnh được ghi hình ở những địa điểm lịch sử của triều Nguyễn tại Đại nội Huế. Theo như thông tin được chia sẻ, ê-kíp đã cất công mang 2 xe đạo cụ gồm những cổ vật giá trị từ Hà Nội vào Huế để phục vụ dàn dựng ghi hình, tổng số bộ quần áo phong cách cổ trang được may là hơn trăm bộ.

Đọc thêm: Hòa Minzy 'chơi lầy' nhờ Erik ẩn MV, cả gia đình Hoa Dâm Bụt chiếm luôn 3 ngôi đầu Top trending

Theo: Tổng Hợp

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.