• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Tình trạng phong tỏa khiến khí thải nhà kính giảm mạnh, nhân loại phải suy ngẫm về điều này

Thế Giới

Chúng ta đều biết rằng vì hậu quả của đại dịch Coronavirus, mọi hoạt động sản xuất công nghiệp trên thế giới đều đang ở chế độ "ngủ đông". Điều này đã dẫn đến việc ô nhiễm không khí do khói bụi giảm đáng kể, nhưng một số phân tích hiện đang cho thấy rằng khí thải nhà kính bao gồm CO2 và NO2 cũng đang giảm ở mức độ nhanh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử loài người hiện đại.

Carbon Brief - một trang tin tức về môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh đã thu thập dữ liệu và công bố phân tích cho thấy đại dịch có thể khiến lượng khí thải carbon giảm đến 1.600 megaton trong năm nay (1 megaton tương đương 1.000.000 tấn). Đây sẽ là mức giảm xả thải hàng năm lớn nhất từng được ghi nhận.

Không riêng gì khí thải carbon, cả khí thải NO2 do sản xuất công nghiệp cũng giảm.

Mức độ ô nhiễm NO2 ở Trung Quốc đã giảm đến 70% sau hơn 2 tháng phong tỏa, chúng ta có được bài học gì qua sự kiện này?

Giảm 1.600 megaton khí thải đồng nghĩa với việc ngừng sử dụng 345 triệu xe ô tô trong 1 năm liền, và đây cũng chỉ mới là một đánh giá tạm thời, tức là số lượng khí thải thực sự được cắt giảm có thể lớn hơn con số này nhiều lần, vì còn nhiều ngành công nghiệp khác cũng bị ngưng trệ, ví dụ như công nghiệp khai thác và chế biến dầu mỏ.

Như đã biết, những gì đang xảy ra có thể sẽ khiến chúng ta không vui, bởi vì hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, các công ty thua lỗ, người lao động mất việc làm và thu nhập... Tuy nhiên, điều này lại có lợi cho Trái Đất. Mức độ ô nhiễm ở các nước như Trung Quốc, Ý, Anh, Hàn Quốc... đã giảm đáng kể và không khí trong lành hơn thấy rõ.

Đường phố nước Anh vắng vẻ sau lệnh phong tỏa.

Tất nhiên, sẽ thật điên rồ nếu có một kẻ nào đó nhân danh môi trường để cỗ vũ cho đại dịch, bởi vì đã có hàng triệu người nhiễm bệnh, hơn 90.000 người thiệt mạng, hàng tỷ người trên toàn thế giới mất đi thu nhập và bị ảnh hưởng cuộc sống vì Covid-19. Thế nhưng, đây rõ ràng là một cơ hội hiếm có để nhân loại nhìn lại chính mình.

Giáo sư Paul Monks chuyên nghiên cứu về ô nhiễm môi trường ở Đại học Leicester, Anh Quốc cho biết chúng ta có được một bài học đáng giá sau đại dịch này:

Ngay bây giờ, chúng ta đang vô tình tiến hành một thí nghiệm với quy mô lớn nhất từng thấy. Chúng ta có một tầm nhìn vào những gì có thể xảy ra trong tương lai nếu chúng ta có thể chuyển sang một nền kinh tế ít khí thải hơn? Tôi không móc mỉa gì đối sự mất mát do đại dịch, nhưng bài học này có thể cho chúng ta một chút hy vọng từ điều gì đó khủng khiếp. Hãy cùng xem nhân loại sẽ đạt được những gì.

Monks nói tiếp:

Hoàn toàn có khả năng rằng việc giảm ô nhiễm không khí sẽ có lợi cho những người thuộc nhóm dễ mắc bệnh, ví dụ như một số người mắc bị hen suyễn. Giảm ô nhiễm đồng nghĩa với làm giảm sự lây lan của bệnh tật. Mức độ ô nhiễm không khí cao làm trầm trọng thêm sự hấp thu virus vì nó gây viêm và làm giảm khả năng miễn dịch.

Chấp nhận sống chung với loại virus rất dễ lây lan không phải là sự thay thế cho việc đưa ra một kế hoạch chống biến đổi khí hậu có ý nghĩa. Tình trạng sút giảm khí thải hiện tại cũng không bền vững, cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ đã đưa ra một dự báo vào đầu tuần này rằng lượng khí thải carbon liên quan đến việc tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu sẽ giảm 7.5% vào năm 2020 so với năm 2019. Tuy nhiên, họ cũng dự kiến ​​lượng phát thải sẽ tăng vọt vào năm 2021 thêm 3,6% khi nền kinh tế thế giới phục hồi một chút.

Vấn đề không phải là việc khí thải giảm do đại dịch có lợi như thế nào, mà là sau khi hết dịch, chúng ta sẽ làm gì để Trái Đất không bị ô nhiễm trở lại do hoạt động sản xuất.

Nhờ tác động của các biện pháp phong tỏa, Trái Đất đang trong lành trở lại và thiên nhiên đang tự hồi phục.

Giáo sư Monks kết luận:

Tôi nghĩ rằng nhân loại sẽ nhận thức được một điều mới mẻ sau đại dịch này - không đơn thuần là vì chúng ta muốn mà bởi vì chúng ta buộc phải nhận ra điều đó - rằng mỗi người đều thấy được một động lực để thay đổi thói quen trong công việc và lối sống. Điều này thách thức chúng ta phải suy nghĩ xa hơn trong tương lai, liệu chúng ta có thực sự cần phải lái xe, hay thực sự cần phải đốt số nhiên liệu gây ô nhiễm cho điều đó?

Bên cạnh đó, việc nhận thức được việc ô nhiễm môi trường có quan hệ mật thiết với đại dịch cũng là điều quan trọng, một ví dụ khá thực tế là ở Vũ Hán - một trong những thành phố công nghiệp có hàng trăm nhà máy và dây chuyền sản xuất, chúng thải ra rất nhiều khí NO2 (Nitơ Điôxít) gây ô nhiễm môi trường.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO mô tả NO2 là một loại khí độc hại gây ra tình trạng viêm đường hô hấp nghiêm trọng ở nồng độ hơn 200 microgam trên mét khối. Các hạt khói bụi gây ô nhiễm cũng có thể là một vectơ trung gian cho mầm bệnh, hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có. WHO hiện đang điều tra xem liệu các hạt ô nhiễm trong không khí có thể là một vectơ lây lan Covid-19 và làm cho nó có độc lực cao hơn hay không.

Theo: Gizmodo & WHO
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.