• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Tất tần tật về vấn đề hình xăm ở Hàn Quốc: 'Mẹo trốn lính' đã không còn linh nghiệm của thanh niên Hàn

Cuộc sống

Xăm mình ở Hàn Quốc không phải là tội, thế nhưng quá trình, cách thức và mục đích của hành vi này có thể khiến các thanh niên vướng vòng lao lý. Luật Hàn Quốc quy định xăm mình là một thủ thuật/dịch vụ y tế, người thợ xăm cũng cần phải có chứng chỉ hành nghề hợp lệ.

Thế nhưng, vì một số nhu cầu đặc biệt (ví dụ để trốn nghĩa vụ quân sự) nên việc xăm trổ bất hợp pháp ở Hàn Quốc vẫn âm thầm diễn ra. Trong bài viết này Lost Bird sẽ chia sẻ với bạn đọc một góc nhìn về vấn đề gây tranh cãi từng rất được cộng đồng fan K-Pop quan tâm bàn luận sôi nổi.

xam

(Ảnh minh họa)

Hình xăm trong lịch sử Hàn Quốc

Để hiểu rõ về bản chất của hình xăm, hãy quay về thời gian thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, đây là thời điểm người Hàn Quốc cổ xưa bắt đầu ưa chuộng việc xăm mình. Cụ thể là những người sống ở miền duyên hải, hành nghề ngư dân, họ xem rằng hình xăm là một cách để xua đuổi những loài thủy quái dưới nước, cầu mong cho việc đánh bắt thủy sản được may mắn, an toàn hơn.

xam 2

(Ảnh minh họa)

Thực ra, tục xăm mình đều xuất hiện từ rất sớm trong những nền văn minh hình thành ở ven biển, không chỉ có Hàn Quốc mà còn bao gồm cả Nhật Bản và nước Việt cổ đại. Trong sách Lĩnh Nam Chích Quái (phần Hồng Bàng thị truyện) chép:

Bấy giờ, dân trên núi xuống nước đánh bắt cá thường bị thuồng luồng gây thương tổn, bèn cùng nhau tâu việc ấy với Vua. Vua nói: “Các giống ở trên núi khác với các loài ở dưới nước. Các loài ở dưới nước chỉ ưa những gì giống với mình và ghét những gì khác mình, vì vậy, ta mới bị gây hại”.

Thế rồi, nhà vua bèn ra lệnh cho ai nấy cũng phải lấy màu xăm hình thủy quái rồng rắn vào người. Từ đó, không bị thuồng luồng gây thương tích nữa. Tục vẽ mình của dân Bách Việt bắt đầu có kể từ đấy.

Người Hàn Quốc xưa xăm mình cũng không ngoài mục đích ấy. Mãi đến thời đại Joseon (hay còn gọi là Chosŏn, tiếng Hàn: 조선왕조, 朝鮮王朝) tức Đại Triều Tiên Quốc, khi nước Triều Tiên bắt đầu chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ hệ thống triết lý, đạo đức xã hội của đạo Khổng (Confucianism) từ Trung Quốc thì hình xăm mới bị xem là tiêu cực.

khong tu

Khổng Tử - Ông được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông.

Quan điểm của Khổng Tử là coi trọng thân thể, da dẻ, lông tóc vốn là thứ do cha mẹ ban cho khi sinh thành. Thế nên, việc sở hữu hình xăm là một hành vi xúc phạm thân thể, vốn chỉ dùng để đối đãi với kẻ trọng phạm, bị quan phủ xăm mình nhằm đánh dấu lên người để định tội trạng mà thôi. Kể từ thời điểm này đến tận ngày nay, hình xăm ở Hàn Quốc được cho là gắn liền với tội phạm, băng đảng vào tù ra khám.

Hiện trạng xã hội

Bất kể việc xăm trổ bị ràng buộc bởi luật lệ, tín ngưỡng dân gian và định kiến xã hội, Hàn Quốc là quốc gia phương Đông có tỉ lệ người xăm mình cao nhất, hơn cả Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Theo nghiên cứu, đơn giản là do người Hàn Quốc có tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ đứng đầu thế giới, nó khiến việc xăm trổ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Theo thống kê, trung bình cứ 3 cô gái Hàn Quốc thì có 1 cô phẫu thuật thẩm mỹ (ở Seoul thì tỷ lệ này sẽ cao hơn), từ đơn giản như tạo mắt hai mí, cho đến phức tạp như nâng sửa mũi, bơm ngực bơm mông và nguy hiểm khó lường như cắt xương thu nhỏ hàm...chính vì vậy mà việc sở hữu hình xăm không phải là điều gì quá nghiêm trọng.

(Ảnh minh họa)

Người Hàn Quốc không ngại khi phải thay đổi vĩnh viễn cơ thể của mình, quan trọng là nó phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ của họ. Tuy nhiên, trong khi phẫu thuật thẩm mỹ là để trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người, xăm mình lại có xu hướng phục vụ nhu cầu cá nhân và dễ trở thành hình ảnh phản cảm trong mắt người khác.

Nhiều trường học ở Hàn Quốc nghiêm cấm học sinh có hình xăm, thậm chí những phòng tắm hơi hoặc các spa jimjilbang sẽ từ chối phục vụ nếu du khách sở hữu hình xăm. Hơn nữa, việc hình xăm có mang tính chất tiêu cực hay không còn phải tùy vào người sở hữu nó, nhất là trong 2 thập niên gần đây, khi ngành công nghiệp giải trí ở Hàn Quốc phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Ở những nơi công cộng như nhà tắm, phòng xông hơi, người có hình xăm lớn thường bị xa lánh, thậm chí bị từ chối sử dụng dịch vụ.

Một thanh niên vô danh nào đó ở trần khoe hình xăm giữa phố thì sẽ bị xem là kẻ xấu, thế nhưng nếu là nhân vật thần tượng nào đó thì lại trở thành nghệ thuật và cá tính. Ví dụ như là G-Dragon có hơn 20 hình xăm lớn nhỏ và anh ta không hề ngại phô bày nó trên sàn diễn hoặc trên phương tiện truyền thông đại chúng (mặc dù vậy G-Dragon không có hình xăm nào vi phạm luật nghĩa vụ và anh vẫn nhập ngũ bình thường).

Một thống kê khác cho thấy khi nhắc đến hình xăm thì giới trẻ Hàn Quốc có thiện cảm với từ tiếng Anh "tattoo" hơn là với từ tiếng Hàn "munsin" (문신).

Hệ lụy của xã hội khắc nghiệt và khát khao khẳng định bản thân

Hàn Quốc là một đất nước mà người trẻ phải cạnh tranh gay gắt, học sinh từ bé đã phải học nhiều giờ liền, thậm chí phải "cày cuốc" rất nhiều vào buổi tối, thi cử vất vả và mang nặng bệnh thành tích, vô cùng áp lực (hơn rất nhiều so với các nước Châu Á khác như Nhật, Việt Nam hoặc Trung Quốc).

Khi trưởng thành và gia nhập lực lượng lao động nòng cốt của đất nước, họ phải o ép chính mình để phù hợp với tiêu chuẩn cao mà xã hội đặt ra chứ không có lựa chọn khác, phụ huynh thì luôn muốn con mình theo đuổi những nghề nghiệp "mainstream", trở thành kỹ sư bác sĩ, có địa vị trong một xã hội phân cấp vô cùng rõ rệt.

Xã hội Hàn Quốc xem trọng thành tích và nặng lễ giáo khắc nghiệt. (Ảnh: học sinh Hàn Quốc quỳ trước cổng trường để cầu chúc cho các anh chị khóa trước thi tốt.

Chính vì thế, với những cá nhân có cơ hội thoát ra khỏi vòng xoáy cay nghiệt đó để tìm hướng đi khác, hoặc với những người ở tầng đáy của xã hội, họ sẽ cố gắng sống cho bản thân và có những trải nghiệm mới lạ đến mức cực đoan, nhất là với những cá nhân làm trong ngành giải trí - thời trang, hình xăm cũng là một phần của thế giới phong phú đó.

Thêm nữa, người Hàn Quốc coi trọng vẻ đẹp ngoại hình, với những người có tư tưởng nổi loạn đang làm việc trong ngành giải trí - thời trang thì việc sở hữu một hình xăm hoàn hảo sẽ đáp ứng cả hai nhu cầu của họ: bộc lộ cá tính của bản thân và tỏ ra sự chuyên nghiệp trước ánh mắt người khác.

Giới trẻ Hàn Quốc có thể xem hình xăm như một biểu hiện của sự chống đối tư tưởng phong kiến đang đè nặng lên thế hệ mình. (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, một số người trẻ tuổi đang có xu hướng đi xăm những hình nhỏ, dễ dàng che giấu, có lẽ đây là một hành động nổi loạn nho nhỏ thể hiện sự chống đối với lề thói xưa cũ của quốc gia phong kiến vẫn còn tồn tại trong xã hội.

Từng là một biện pháp trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Như chúng ta đã biết, nghĩa vụ quân sự ở Hàn Quốc là bắt buộc với nam giới từ độ tuổi 18 đến 35, mặc dù vậy những người có hình xăm lớn sẽ bị gạt bỏ khỏi danh sách thực hiện nghĩa vụ quân sự. Lý do là các quân nhân chân chính sẽ không chấp nhận ở chung với người có hình xăm, họ cho rằng đó là một sự "dơ bẩn". Tuy nhiên điều này cũng bị lợi dụng để trở thành một mẹo trốn lính của rất nhiều thanh niên.

Thời điểm đầu những năm 2000 trở về trước, có rất nhiều vụ cố ý xăm mình để trốn nghĩa vụ không được phơi bày ra ánh sáng. Thông thường, một hình xăm rồng che kín lưng với những họa tiết kéo dài lên vai hoặc ra trước bụng sẽ giúp chủ nhân thoát khỏi lời kêu gọi nghĩa vụ quân sự. Đến năm 2003, khi có hơn 170 nghi phạm bị bắt giữ vì lý do "trốn tránh nghĩa vụ đối với quốc gia" gây chấn động xã hội, chính phủ Hàn Quốc mới siêt chặt hơn về quy trình kiểm tra xét duyệt công dân tham gia nghĩa vụ.

Một số thanh niên Hàn Quốc bị bắt giữ vì cố ý xăm mình để trốn nghĩa vụ.

Thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ sẽ phải trải qua nhiều vòng khám sức khỏe để ghi nhận về hiện trạng cơ thể, ngoài những chỉ số sức khỏe cơ bản, nếu đối tượng có hình xăm thì phải được xác minh là xăm khi nào, ở đâu, do ai xăm, có giấy tờ xác minh dịch vụ y tế hợp pháp hay không.

Nếu xuất xứ của hình xăm đó không minh bạch, được xăm bất hợp pháp, có khả năng trở thành công cụ trốn tránh nghĩa vụ thì chủ nhân của nó sẽ bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ vi phạm. Phạm nhân sau khi thi hành án xong vẫn sẽ phải nhận làm các công việc dân sự khác để phục vụ cho xã hội, bù đắp vào nghĩa vụ quân sự không thể làm kia.

Quân đội Hàn Quốc tuy không được đánh giá là thiện chiến bậc nhất, nhưng họ là một trong những lực lượng có kỷ luật nghiêm ngặt nhất.

Hồi đầu tháng 9 năm 2019, chính phủ Hàn Quốc cho biết có 48 người đã trốn nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong năm nay, tất cả đều bị bắt gọn. Theo Cơ quan Quản lý Nhân lực Quân đội Hàn Quốc ghi nhận, tất cả 48 người trên đã cố gắng để được miễn trừ nghĩa vụ quân sự bắt buộc bằng nhiều cách, bao gồm giảm/tăng cân, tự gây thương thích, làm giả bệnh án và bao gồm cả xăm hình chiếm phần lớn diện tích cơ thể.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.