• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

x: Kỳ án Nhật Bản (Phần 14): 'Thảm án siêu thị Hachioji' 25 năm chưa tìm ra thủ phạm

Kinh dị

Mới đây một buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức tại khuôn viên trường học ở Machida, Tokyo, vào thứ Bảy ngày 1 tháng 8 để cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ giết người hàng loạt tại siêu thị ở Hachioji, Tokyo vào năm 1995.

Vụ án giết chết 3 người vô tội là nhân viên siêu thị ở Tokyo sau 25 năm vẫn chưa tìm ra lời giải, cảnh sát vẫn treo thưởng cho ai cung cấp tình tiết có thể dẫn đến việc tìm ra hung thủ.

Một trong những nạn nhân, Megumi Yabuki, 17 tuổi, là một học sinh tại trường trung học nọ, lễ tưởng niệm của cô có sự tham gia của một số bạn học cũ và các quan chức của trường.

Cho đến nay, đây vẫn là một kỳ án mà cảnh sát Nhật chưa thể phá giải, bất kể nó diễn ra ngay trước mũi lực lượng chức năng tại một nơi sầm uất như thủ đô của Nhật Bản.

Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản tuyên bố sẽ trao phần thưởng trị giá 6 triệu Yên (1 tỷ 300 triệu VNĐ) cho thông tin giúp ích cho việc bắt giữ một hoặc nhiều người chịu trách nhiệm về vụ sát hại 3 nạn nhân Megumi Yabuki, Hiromi Maeda, 16 tuổi và Noriko Inagaki, 47 tuổi.

Vào khoảng 9 giờ tối vào ngày 30 tháng 7 năm 1995, 3 nạn nhân - tất cả đều là nhân viên bán thời gian tại siêu thị Nampei Owada ở thành phố Hachioji, đã bị bắn chết trong văn phòng trên tầng hai của cửa hàng. Mỗi người bị trói bằng băng keo và bị sát hại bằng một phát súng vào đầu.

Siêu thị ở Hachioji nơi xảy ra thảm án.

25 năm trôi qua, không có tình tiết mới nào hé mở cho vụ án, mặc dù có một số giả thuyết được đặt ra. Các báo cáo ban đầu của cảnh sát mô tả đây là một vụ cướp thất bại, vì không ai trong số ba nhân viên biết cách mở két an toàn của cửa hàng. Cảnh sát Thủ đô Tokyo cho biết, dấu vân tay lưu lại trên băng dính dùng để trói nạn nhân, được cho là của hung thủ, đã khớp với những người đàn ông Nhật Bản chết vì nguyên nhân tự nhiên vào năm 2005.

Ban đầu, những dấu vân tay đó không được coi là bằng chứng hoàn chỉnh để đưa ra một kết luận phù hợp có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, sau khi tìm kiếm rộng rãi các cơ sở dữ liệu vân tay, nhân viên điều tra tin rằng các tiêu bản khá khớp với một người đàn ông sống ở quận Tama ở phía Tây Tokyo. Thông thường, tiêu chí pháp lý cho thủ thuật so sánh 2 dấu vân tay là chúng phải có sự tương ứng ở 12 điểm trở lên, đó là lý do tại sao các tìm kiếm ban đầu thông qua cơ sở dữ liệu không thu hẹp được một nghi phạm. Một kết quả so sánh với 8 điểm tương đồng vẫn được cho là có độ chính xác rơi vào khoảng 1/100 triệu.

Mặc dù các vân tay lưu lại trên băng dính không thể cung cấp một kết quả khớp 12 điểm, nhưng vân tay của người đàn ông nói trên lại nằm trong cơ sở dữ liệu do anh ta có tiền án tiền sự. Thế nhưng, vào thời điểm xảy ra vụ giết người, cảnh sát không tìm thấy gì bằng chứng gì cho thấy người đàn ông đó đã hiện diện tại khu vực xảy ra tội ác.

Chân dung 3 nạn nhân xấu số, bạn bè và người thân vẫn thường xuyên tổ chức lễ tưởng niệm hy vọng họ siêu thoát.

Vào thời điểm này, cảnh sát thừa nhận rằng kết quả khớp dấu vân tay 8 điểm là không đủ để đưa ra kết luận, và sẽ không thể được sử dụng làm bằng chứng trong việc giải quyết vụ án. Cảnh sát cho biết họ vẫn đang cố gắng thiết lập mối liên hệ giữa nghi phạm và vũ khí giết người, vốn là một khẩu súng ngắn bất hợp pháp được cho là đã được sản xuất tại Philippines.

Đến năm 2009, có chút ánh sáng cuối đường hầm khi cảnh sát phát hiện một người đàn ông Nhật Bản bị kết án tử hình ở Trung Quốc vì buôn bán ma túy. Gã này đã tuyên bố rằng hắn biết một người Trung Quốc khác ở Canada có liên quan đến vụ giết người tại Hachioji, kẻ này là thành viên của băng đảng xuyên quốc gia Nhật và Trung Quốc thực hiện một loạt các vụ cướp ở Nhật Bản vào những năm 1990.

Nghi phạm Trung Quốc tên Liang He, đã bị truy nã ở Nhật Bản vì sử dụng hộ chiếu giả mạo để rời khỏi đất nước vào năm 2002. Hắn ta có được quốc tịch Canada vào năm 2006. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia khi đó đã đệ trình yêu cầu dẫn độ nghi phạm vào năm 2010 với Tòa án Tối cao Ontario, Canada. Liang đã nộp đơn kháng cáo nhưng tòa từ chối và bị dẫn độ về Nhật Bản vào năm 2013, nơi hắn phải ở tù vì gian lận hộ chiếu. Thế nhưng, Liang từ chối nói về vụ giết người ở siêu thị nên vụ việc vẫn rơi vào bế tắc.

Đọc thêm: Series Kỳ Án Nhật Bản trên Lost Bird

Theo: Tổng Hợp
Đọc tiếp

x: Kỳ án Nhật Bản (Phần 15): Khi máy chơi game PS4 cứu mạng cô gái bị bắt cóc

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.