• Về đầu trang
Coffeecat
Coffeecat

Ngắm rêu: Thú vui lạ kỳ nhưng tao nhã của nam thanh nữ tú Nhật Bản

Thiên nhiên

Vào năm 2011, nhà văn Hisako Fujii đã xuất bản một quyển sách thú vị với tựa đề Mosses, My Dear Friends (tạm dịch Rêu, Người bạn thân thiết của tôi). Với hơn 40.000 bản được bán ra, quyển sách này đã tạo một làn sóng ngắm rêu trên toàn nước Nhật.

Từ khi ấy, những thức uống mang mô típ rêu và nhẫn rêu, cùng với quả cầu rêu (marimo) đã trở thành những món hàng được ưa chuộng.

Những tour ngắm rêu đặc biệt được tổ chức ngày một nhiều, với đối tượng tham gia đa phần là phụ nữ trẻ. Họ yêu thích rêu đến nỗi còn tự gọi mình là những "moss girl". Trong những tour này, hướng dẫn viên sẽ dẫn một nhóm người nhỏ vào sâu trong những khu rừng xanh mướt, và họ sẽ quan sát cây cỏ bằng kính lúp.

ngam reu nhat ban

Điều gì đã khiến người dân Nhật Bản yêu mến rêu đến vậy? Phải chăng đây chỉ là một trào lưu nhất thời, hay nó bắt nguồn từ những giá trị văn hóa và thẩm mỹ của Nhật Bản?

Giá trị Văn hóa phương Đông

Trong khoảng 12.000 loài rêu được tìm thấy trên toàn thế giới, tận 2.500 loài đang sinh sống tại Nhật Bản, biến nơi đây thành thiên đường của những 'tín đồ' muốn nghiên cứu và tìm hiểu thêm về những loài rêu.

Khí hậu ẩm ướt tại Nhật Bản giúp loài thực vật này sinh sôi nảy nở, và những thảm rêu xanh mát cũng góp phần làm mùa hè nóng bức nơi đây trở nên dễ chịu hơn. Nhiều người cảm thấy thư giãn và được giải tỏa căng thẳng khi ngắm rêu, chính vì vậy, họ thường trồng những quả cầu rêu tại nhà để ngắm mỗi khi cảm thấy stress.

marimo qua cau reu

Có lẽ nhờ sự hiện diện khắp mọi nơi của chúng, rêu đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa Nhật Bản. Đa số những khu vườn kiểu Nhật, còn gọi là vườn thiền (Zen garden), đều có rêu. Ngay cả quốc ca Nhật Bản cũng có rêu trong lời bài hát (tạm dịch tiếng Việt: "Hoàng triều của Người / Tồn tại qua ngàn đời / Đến khi những viên sỏi kết thành đá, với bề mặt cổ kính rêu phong").

Trong những nền văn hóa phương Tây, thiên nhiên được xem là một thứ để chinh phục. Nhưng trong tư tưởng văn hóa Nhật Bản, thay vì chinh phục thì họ muốn sống hòa hợp cùng thiên nhiên và xem mình như một vị khách trong ngôi nhà xanh này. Vì vậy, họ luôn trân trọng, gìn giữ thiên nhiên và sẽ không bao giờ nghĩ đến việc dỡ bỏ đi những thảm rêu vô hại.

Nhật Bản cũng rất coi trọng bề dày lịch sử. Chính vì vậy, họ rất quý rêu - loài thực vật sinh trưởng chậm rãi qua từng năm tháng và lặng lẽ bao phủ khắp mọi nơi.

Đương nhiên, ngoài những giá trị văn hóa ra thì rêu cũng rất đẹp với những sắc màu đa dạng, có khi xanh mởn mơn, lúc thì nâu trầm ấm. Những màu sắc này tạo nên khung cảnh đặc sắc khi kết hợp với màu xám của đá, màu đỏ rực của những chiếc lá mùa thu, và màu hồng nhẹ nhàng của những cánh hoa anh đào.

ngam reu

Màu rêu xanh nổi bật trên thềm xám.

Cũng giống cây bonsai, rêu có thể được trồng tại nhà. Chúng rất dễ nuôi và không cần được tưới nước thường xuyên.

Vẻ đẹp Không Hoàn Hảo

Khái niệm Wabi-sabi (sự không hoàn hảo) cũng góp phần vào sự nổi tiếng của loài rêu. Đây là quan niệm thẩm mỹ chung tại Nhật Bản, nó đề cao sự vô thường, khiêm tốn, bất cân đối và không hoàn hảo. Điều này trái ngược với những quan niệm thẩm mỹ phương Tây, nơi mà sự tráng lệ, cân đối và hoàn hả được đề cao hơn cả.

Một ví dụ cho quan niệm này là người Nhật thường ưa chuộng những chén trà đơn giản về thiết kế và màu sắc. Đa phần những chiếc chén này cũng có dáng dấp không hoàn hảo, khác với những chiếc chén không tì vết được phương Tây ưa chuộng.

chen tra nhat ban

Chén trà với hình dạng bất đối xứng.

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản (Ikebana) cũng mang một phong thái khác hẳn, với vẻ thanh lịch tối giản được đề cao hàng đầu. Ruộng lúa đồn điền tại đây cũng theo phong cách Wabi-sabi.

image 20151208 32365 1v72422

Thay vì san bằng núi để trồng trọt như ở phương Tây (phải), tại Nhật Bản, những đồng ruộng bậc thang được dựng bên sườn núi (trái)

Đối với người Nhật, sự mộc mạc của Wabi-sabi làm nên vẻ đẹp của nó. Và có lẽ rêu đã hội tụ đủ mọi yếu tố làm nên vẻ đẹp này - chúng mọc mọi nơi một cách ngẫu hứng, không theo trật tự nào và khiêm nhường hơn cả, luôn bị chà đạp và quên lãng. Nhưng khi nhìn kỹ, những thảm rêu ấy mang một nét đặc sắc, trang nhã đến lạ kỳ.

Những địa điểm ngắm rêu tại Nhật Bản

Tuy rêu mọc ở khắp nơi tại Nhật Bản, nơi đây vẫn có những nơi chuyên biệt dành riêng cho những tín đồ rêu. Nếu yêu thiên nhiên và có dịp được đi du lịch Nhật Bản, chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ lỡ những địa điểm này.

Vườn rêu Saiho-ji, Kyoto

saiho ji vuon reu nhat ban

Vườn rêu tại chùa Saiho-ji, Kyoto

Được mệnh danh là "ngôi đền rêu phong' (Koke-dera), vườn Saiho-ji là địa điểm phải có trong lịch trình của những người yêu thiên nhiên. Đây là địa điểm ngắm rêu nổi tiếng nhất Nhật Bản, và đẹp nhất là vào mùa mưa (tháng 6, 7) khi những thảm rêu xanh mướt lấp lánh dưới lớp màn mờ ảo.

Công viên Takinoue, Hokkaido

reu hong nhat ban hokkaido

Vườn hoa tại công viên Takinoue mở cửa từ ngày 1/5 đến khi tuyết rơi, và là một địa điểm tuyệt vời để tận hưởng thiên nhiên. Công viên này nổi tiếng với loài "rêu hồng" mang tên Shibazakura, thu hút hàng nghìn khách du lịch vào mùa hoa nở (tháng 5, 6).

Vườn rêu Yoshikien, Nara

vuon hoa nhat ban yoshikien

Yoshikien là một khu vườn Nhật tọa lạc tại tỉnh Nara, được hình thành từ sự kết hợp của 3 vườn: "Vườn của hồ" được xây dựng với hồ là trung tâm, "Vườn của rêu" là nhà của loài rêu Sugi-koke, và "Vườn của hoa trà" với nhiều loài hoa trà xinh đẹp.

Theo: Tổng Hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.