• Về đầu trang
Minh Ngọc
Minh Ngọc

x: Các chàng lập trình viên thích mặc váy - một nhóm gây nhiều tranh luận và có tác động mạnh mẽ tới xã hội Trung Quốc

Tin tức

Tại Trung Quốc, một cộng đồng lập trình viên với sở thích thú vị đang phát triển rất nhanh và mạnh mẽ. Trái với định kiến về lập trình viên là những chàng trai đầu to mắt cận, khô khan, cả ngày chỉ biết cắm mặt vào màn hình, cộng đồng này gây ấn tượng khi mặc đồ nữ sinh hay váy xòe kiểu lolita nhưng vẫn thực hiện tốt công việc của mình.

Mặc dù crossdress không còn là một điều gì đó xa lạ nhưng mãi gần đây, nó mới thu hút một lượng lớn những người làm trong ngành lập trình. Mới nhất, một hội nhóm tên Dress dành cho những lập trình viên có sở thích đặc biệt này đã được thành lập và có hàng trăm thành viên tham gia chỉ trong thời gian ngắn.

Người đứng đằng sau Dress là một lập trình viên 19 tuổi, được biết đến với tên gọi Akechi Satori, sống ở Quảng Châu, Trung Quốc. Khi được hỏi về lý do tạo ra Dress, Akeri đã chia sẻ:

"Việc con trai thích những món đồ dễ thương và theo đuổi phong cách thời trang nữ tính không phải điều gì đó kỳ quặc. Ban đầu tôi lập nhóm là để đăng tải những tấm hình của tôi và các bạn. Tuy nhiên, tôi không hề nghĩ nó sẽ nhận được nhiều sự chú ý như vậy.

Sẽ không thật lòng nếu nói rằng tôi không tự hào về những gì đã đạt được. Nhưng tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã đóng góp cho dự án và giúp chúng tôi kết nối với rất nhiều người bạn có cùng sở thích."

Những anh chàng bảnh bao trong bộ váy

Suji Yan sống tại Thượng Hải, là một trong những lập trình viên đầu tiên công khai về sở thích đặc biệt của mình. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Yan chia sẻ: "Tôi bắt đầu mặc trang phục khác giới khi tham gia các hoạt động về anime. Mọi người đều nói rằng trông tôi rất đẹp khi mặc đồ của nữ." Trong một bài đăng vào năm 2013, anh còn chia sẻ cảm thấy mình lập trình tốt và ít mắc lỗi hơn khi đang mặc váy.

Sau khi công khai, câu chuyện của anh nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng lập trình viên Trung Quốc và rất nhiều câu đùa được ra đời. Có một câu nói đùa khá phổ biến ở đây là những lập trình viên thường bắt đầu ở trình cơ bản, rồi lên trình cao cấp và cuối cùng là mặc váy.

Với Yan, những câu nói đùa này không gây ảnh hưởng gì tới anh. Gần đây, anh đã kết hôn và chia sẻ rằng dù vợ anh không có vấn đề gì với sở thích này nhưng anh không còn mặc váy nhiều như trước nữa. Hiện tại, anh đang điều hành một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ bảo mật trực tuyến.

Khi được hỏi điều gì đã khiến anh dừng lại, Yan cho biết: "Đôi lúc, tôi tự hỏi liệu việc mặc quần áo khác giới có gây ảnh hưởng đến những người chuyển giới không. Một số người mặc đồ của nữ chỉ để gây cười và những từ như 'chàng chuẩn men thích mặc váy' có thể mang một ý nghĩa tiêu cực."

Bên cạnh những người mặc vì sở thích, mặc đồ khác giới để mua vui đã trở thành một phần không thể thiếu trong những bữa tiệc tại công ty. Theo PingWest, một trang điện tử chuyên về công nghệ của nước này, "việc các nhân viên nam trang điểm đậm và mặc đồ phụ nữ để làm trò đùa đã trở thành một phần không thể thiếu tại những công ty công nghệ lớn của Trung Quốc. Điều này đã tạo ra những định kiến xấu và vô tình hạ thấp người khác."

Sự kỳ thị của xã hội

Mặc đồ khác giới không phải lúc nào cũng bị kỳ thị trong xã hội Trung Quốc hiện đại. Trong lịch sử, từng có hai nhà lãnh đạo đất nước là Chu Ân Lai và Hồ Cẩm Đào đóng vai nữ trong các vở kịch hồi còn đi học. Chen Yaya, một nhà nghiên cứu về bình đẳng giới tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nói rằng mặc đồ trái giới đã có từ lâu tại nước này và phổ biến từ trước khi Internet xuất hiện.

Cô giải thích:

"Mặc dù có sự khác biệt giữa những người mặc đồ để biểu diễn và những người làm vì thích, sự xuất hiện và được chấp nhận của hai nhóm người này tại Trung Quốc đã giúp xã hội hiểu rõ hơn về sự đa dạng trong biểu hiện giới.

Những người mặc đồ khác giới có cộng đồng riêng trên mạng để liên lạc và chia sẻ. Tôi nghĩ rằng điều này rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy sự đa dạng trong giới tính và biểu hiện giới."

Tuy nhiên, đây là một quá trình dài. Chen chia sẻ rằng việc Trung Quốc kiểm soát Internet cũng như các khía cạnh khác của xã hội có thể khiến cộng đồng này cảm thấy bị đe dọa.

Một hành động nổi loạn

Việc các lập trình viên mặc đồ phụ nữ bắt đầu rộ lên ở Trung Quốc vào năm 2018 khi một trong những lập trình viên nổi tiếng nhất nước này với bố mình xuất hiện trên Have Words to Say, một chương trình truyền hình giúp giải quyết những xung đột giữ người tham gia và người thân của họ.

Tang Feihu, hay còn được gọi Xiaodao, là một kỹ sư phần mềm và từng làm việc cho Google. Anh chia sẻ rằng anh đã mặc đồ phụ nữ từ khi còn đang học trung học.Tuy nhiên, bố anh lại nói ông thấy rất xấu hổ trước hành động của con: "Con trai tôi mặc váy đó. Làm sao mà tôi dám nhìn mọi người được?" Bố anh cũng nói thêm rằng mỗi khi ông khoe ảnh con trai cho bạn bè, nhiều người thường hỏi rằng có phải Xiaodao là con gái không vì vẻ ngoài quá nữ tính.

Nhưng theo những người dẫn chương trình kiêm hòa giải viên, phong cách thời trang của Xiaodao không phải điều gì đó đáng xấu hổ và cách hành xử của người cha đã khiến cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Xiaodao cũng đồng ý với ý kiến của dẫn chương trình. Anh cho biết: "Lấy kiểu tóc dài của tôi làm ví dụ đi. Nó phản ánh rất nhiều thứ trong tôi. Nhưng bố tôi không chấp nhận điều đó. Qua thời gian, tôi không muốn nói chuyện với ông ấy nữa. Tôi không nghĩ là ông ấy sẽ hiểu."

Xiaodao cũng cho biết anh mặc đồ khác giới như một cách để chống lại cha mình và xã hội bảo thủ. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, anh đã kể rằng: "Khi bắt đầu mặc đồ của phụ nữ, tôi nghĩ đó là một cách để đi ngược lại với đám đông. Nếu nó đã trở thành điều bình thường rồi thì tôi không có lý gì để làm thế nữa."

Theo: SCMP

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.