• Về đầu trang
Xyresix
Xyresix

Vén màn sự thật: Ngành du lịch Thái Lan và muôn vàn góc tối đằng sau nụ cười thân thiện

Khám phá

Thái Lan được xem là một trong những địa điểm du lịch đáng tham quan nhất thế giới. Đất nước này sở hữu những bãi biển xinh đẹp, những khu rừng hoang sơ chưa hề bị tác động bởi con người, hàng loạt ngôi chùa cổ kính, một đời sống về đêm nhộn nhịp và nền ẩm thực đầy độc đáo với nhiều món ăn đặc trưng. Nhờ đó mà Thái Lan không chỉ thu hút hàng chục triệu lượt khách tham quan mỗi năm, mà còn là điểm đến đầy cảm hứng của các nghệ sĩ và được chọn làm cảnh quay của nhiều bộ phim hay video âm nhạc nổi tiếng. Chính vì vậy, ngành du lịch của Thái Lan từ lâu đã trở thành một phần quan trọng, đóng góp hơn 70 tỉ USD hàng năm cho nền kinh tế quốc gia.

Một video quảng bá du lịch Thái Lan

Tuy nhiên, cũng như rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, ngành công nghiệp không khói của Thái Lan vẫn còn tồn tại nhiều tiêu cực đáng lên án như mối liên hệ chặt chẽ giữa nạn buôn người và mại dâm hay tình trạng ngược đãi động vật. Dưới đây chỉ là bốn trong rất nhiều góc tối khác được truyền thông ngày nay nhắc đến, tuy nhiên cũng đáng chú ý nếu bạn đang cân nhắc một chuyến đi chơi với bạn bè và gia đình tại Thái Lan.

Mối quan hệ cung - cầu giữa du lịch tình dục và nạn buôn bán người

Đường Bangla, chợ đêm Patpong, phố Soi Cowboy và phố đi bộ tại Pattaya đều là những khu phố đèn đỏ nổi tiếng thế giới, mang lại nguồn lợi nhuận khủng cho nền kinh tế Thái Lan. Tuy mại dâm ở xứ sở chùa vàng đã được hợp pháp hóa từ 1960 nhưng rất nhiều hoạt động "bán hoa" tại các địa điểm nói trên là bất hợp pháp và có liên hệ chặt chẽ với nạn buôn bán người.

thailand red light district

Cảnh tượng thường thấy tại các khu phố đèn đỏ ở Thái Lan Nguồn ảnh: Keyframe5

Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tính đến 2013, có ít nhất 3 triệu lao động nhập cư đang làm việc tại Thái Lan. Tuy nhiên, hàng chục nghìn đàn ông, phụ nữ và đặc biệt là trẻ em là nạn nhân của ngành công nghiệp tình dục vốn phát triển mạnh mẽ. Theo Chương trình hành động của Liên Hiệp Quốc về hợp tác chống nạn buôn bán người (UNACT), ngành du lịch tình dục vẫn tiếp tay cho nạn buôn bán người, khiến các nạn nhân bị lợi dụng cho mục đích tình dục, đồng thời cản trở những nỗ lực chống tệ nạn này.

5bc3a349a5a15c455f4625a2 750 563

Các nghi phạm buôn bán người trên đường đến phiên điều trần tại Bangkok Nguồn ảnh: REUTERS/Chaiwat Subprasom

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề đầy nhức nhối này là "độ giàu" của Thái Lan so với các nước láng giềng - những quốc gia nghèo và có mức GDP rất thấp trong châu Á. Nhìn lại lịch sử, chính những quốc gia này cũng đã từng bị đánh bom một cách không thương xót bởi Hoa Kì (Campuchia và Lào), bị "can thiệp" bằng vũ trang bởi các cường quốc (Việt Nam), kết thúc chủ nghĩa thực dân một cách đột ngột (Lào, Campuchia, Việt Nam và Myanmar) hay bị thanh lọc sắc tộc bởi các chế độ đàn áp (Myanmar). Vì vậy mà theo thời gian, Thái Lan dần trở thành điểm sáng duy nhất trong khu vực. Nhưng vì nền kinh tế quốc gia phụ thuộc vào nguồn lợi nhuận khổng lồ từ ngành du lịch và nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát cùng những cơ quan chính phủ khác, luật chống nạn buôn người và mại dâm bất hợp pháp khó được thi hành một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Khu bảo tồn các động vật quý hiếm: có thực sự là "bảo tồn"?

Vào 2016, các hoạt động vui chơi cùng động vật tại Thái Lan đã bị vạch trần khi các nhà chức trách khám xét Đền Hổ tại tỉnh Kanchanaburi. Trước đó, nhiều người đã tranh cãi rằng các nhà sư và nhân viên của đền đã cho 137 con hổ sinh sống ở đó một môi trường và sự chăm sóc tốt hơn ở các sở thú được điều hành bởi chính phủ. Tuy nhiên tất cả đã bàng hoàng khi phát hiện lông động vật và các sản phẩm khác thường được rao bán ở các chợ đen. Theo ước tính của Al Jazeera, ngôi đền đã bỏ túi khoảng 15 nghìn USD (khoảng 350 triệu VND) mỗi ngày từ xấp xỉ 1000 du khách đến để chơi đùa với các con hổ trưởng thành và hổ con.

Lí do cho con số lợi nhuận kinh khủng này là vì đây là một trong rất ít nơi trên thế giới mà hổ rất ngoan ngoãn và không bị giam trong chuồng, tạo cơ hội cho khách tham quan, "selfie", dắt đi dạo, vuốt ve hay cho ăn. Không chỉ vậy, một bác sĩ thú ý từng làm việc ở đền cho rằng ba con hổ được cho là mất tích thực ra đã bị bí mật đưa sang Lào để bán, giết và lấy các bộ phận làm thành thuốc cổ truyền Trung Quốc với giá cả cơ thể một con hổ lên tới 150 nghìn USD (khoảng 3 tỉ 490 triệu VND).

02tigers web2 jumbo

Cảnh sát Thái Lan khám xét Đền Hổ Nguồn ảnh: Dario Pignatelli/Getty Images

Tại các địa điểm vui chơi khác của Thái Lan, cưỡi voi là một hoạt động khá phổ biến nhưng đằng sau những chuyến đi đấy là câu chuyện rất vô nhân đạo. Những con voi con được lén mang vào Thái Lan rồi phải chịu những chế độ rèn luyện rất tàn nhẫn. Chúng thường bị xích lại và trừ khi được cưỡi, chúng phải ở trong chuồng và thường bị ngược đãi bởi người huấn luyện.

heres why you should never ride an elephant in thailand 1454697360

Du khách cưỡi voi Nguồn ảnh: VICE

Vì vậy mà nếu có ý định tham quan các trung tâm bảo tồn động vật ở Thái Lan thì bạn nên tìm hiểu trước để chắc chắn rằng những địa điểm đó có thực sự "trong sạch" không hay chỉ sử dụng "bảo tồn" làm vỏ bọc cho những hành vi thiếu tính nhân đạo như những trường hợp nói trên nhé.

Những xác chết đầy bí ẩn tại hòn đảo "tử thần" Koh Tao

Hãy thử trò chuyện với một người đam mê lặn biển hay đơn giản là một người chuyên du lịch mà đã từng đi Thái Lan, khả năng cao họ sẽ nhắc đến cái tên Koh Tao. Mặc dù chỉ có diện tích khiêm tốn là 21 km vuông, hòn đảo nằm gần bờ tây của vịnh Thái Lan này có rất nhiều khách sạn, nhà ở và các quan bar giá rẻ cùng những bờ biển trong xanh và bãi cát trắng tuyệt đẹp.

koh tao jpg

Hòn đảo Koh Tao Nguồn ảnh: Koh Samui

Xinh đẹp là vậy nhưng hòn đảo này đã bị khách du lịch phương Tây gọi là "hòn đảo tử thần" khi hàng loạt vụ chết người đầy bí ẩn đã xảy ra ở đây. Vào 2014, xác của cặp đôi người Anh Hannah Witheridge và David Miller đã được phát hiện ở một trong những bãi biển của hòn đảo với chấn thương nặng ở đầu trong khi xác của Witheridge có dấu hiệu bị cưỡng hiếp. Sau khi điều tra, hai lao động nhập cư người Myanmar đã bị kết án tử hình vì tội cưỡng hiếp và giết hai du khách. Tuy nhiên, theo tờ Bangkok Post và news.com.au, quá trình điều tra được cho rằng không theo tiêu chuẩn vì hiện trường án mạng không được giữ gìn đúng cách và xử lí sai bằng chứng. Không chỉ vậy, hai lao động người Myanmar này có thể đã bị tra tấn đến khi chịu nhân tội. Trong thời gian tòa Thái Lan xử vụ này, báo chí đã chỉ ra rất nhiều điểm vô lí, làm dậy lên làn sóng phản đối dữ dội từ nhân dân cả trong và ngoài nước.

Theo một bài đăng Facebook vào tháng Sáu năm 2017 của người dùng Khải Đơn, đây không phải là vụ án giết người duy nhất mà đầy những chi tiết kì lạ trên hòn đảo này.

Trong tuần trước, ở Koh Tao có một bản tin, là một du khách nữ người Bỉ tên Elise Dallemange đã được tìm thấy xác, treo cổ trên một khu vực trong rừng ở Vịnh Tanote, đảo Koh Tao. Thi thể của cô đã bị các con kỳ đà ăn một phần và bị quấn trong áo thun.

Cảnh sát Thái Lan nói cô gái đã treo cổ tự tử. Và dù cái chết xảy ra vào ngay 28/4, thì vụ việc chỉ mới được đưa tin vào tuần rồi.

Cảnh sát Thái đưa tin rằng cô Elise đã có ý định tự tử trước đó ở Bangkok (1) tại ga xe lửa Nopphawong ngày 4/4. Cô được cảnh sát cứu và sau đó đưa về trung tâm trị liệu tâm lý và sau đó đi du lịch đến Koh Tao.

Mặc dù các bản tin trên báo Thái phần nhiều có tường thuật của cảnh sát, ám chỉ cô gái đã tự tử và thi thể bị thằn lằn ăn mất 1 nửa, nhưng mẹ của cô gái không tin vào điều này. Những bản tin trong các ngày sau đã có ý hướng "lái" sự việc theo chiều cho rằng cô gái đã gặp một lãnh tụ người Đức của một giáo phái tên Sathya Sai baba ở Koh Phanga và có thể là thành viên của giáo phái này.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội của Thái lại có thông tin viết Elise đã đặt vé đi về tỉnh Chumphon, và hành lý của cô đã được gửi đến đó sau khi cô chết, nghĩa là cô gái không hề có ý định tự tử. (4)

Người thân và bạn bè của Elise trả lời nhiều báo phương Tây và báo Thái nói họ "không tin" cô tự tử và "có ai đó liên quan". Mẹ cô đặt câu hỏi vì sao Elise đặt vé quay lại Bangkok nếu cô muốn đi vào rừng và tự tử.

Tháng 1/2016, một du khách nam tên Luke Miller bị tìm thấy đã chết trong hồ bơi ở Sairee Beach tại Koh Tao. Chị gái của Luke Miller và gia đình nói họ nhận được "nhiều phiên bản" của cảnh sát Thái nói vụ việc đã xảy ra ra sao, và họ không tin anh bị chết đuối. (3)

Một nữ nạn nhân khác là Chirstina Annesley, 23 tuổi cũng đã chết trên đảo vào tháng 1/2015, và cảnh sát nói cô bị ngộ độc vì dùng kháng sinh chung với thức uống có cồn. Nhưng cha mẹ cô gái nói không có báo cáo nào về nhiễm độc được tiến hành với thi thể của cô.

Nữ du khách người Nga Valentina Novozhyonova cũng biến mất khỏi một nhà nghỉ ở Koh Tao vào tháng 3/2017, và sau đó mất tích. (5)

Cảnh sát nói họ kiểm tra các camera quan sát để mong tìm thấy dấu vết của cô, nhưng đã không tìm thấy gì.

Trước đó, vào đầu năm mới 2015, một thanh niên người Pháp tên Dimitri Povse, 29 tuổi, được tìm thấy treo cổ trong một bungalow trên Koh Tao. Vụ án được cho là anh ta tự tử, nhưng hai tay của người này bị trói ngược ra sau.

Một bản tin trên báo Chiang Rai Times dẫn lời phó giáo sư Charnkanit Krittiya Suriyamanee, một nhà nghiên cứu tội phạm học ở Đại học Mahidol nói ông nghi ngờ giả thiết tự tử, vì nạn nhân đã quá xỉn đến mức không thể tự điều khiển bản thân nên không thể thắt dây quá chặt đến mức như vậy. Ông cũng chỉ ra nếu anh ta tự treo cổ thì các dấu dây phải xuất hiện ở cổ thay vì ở cổ tay.

Nhiều phụ huynh của các du khách trẻ phương Tây đã khuyến cáo con cái họ không đến Koh Tao nghỉ hè vì những vụ chết người liên tiếp xảy ra không rõ nguyên nhân, và với những vụ rõ nguyên nhân, hung thủ thực sự lại không được xác định rõ.

Một người bạn Thái của tôi nói sau vụ hiếp và giết hai du khách người Anh: "Tìm ra thủ phạm là quan trọng, nhưng bạn nghĩ sao nếu thủ phạm thực sự vẫn ở ngoài kia và sẽ còn làm gì với những du khách khác nữa?"

Người Kayan: trốn thoát được sự ngược đãi nhưng rồi cũng bị lợi dụng để thu lợi nhuận

5bc3a26fa5a15c510b144822 960 720

Một bé gái người Kayan ở khu làng phía Bắc tỉnh Chiang Rai, Thái Lan Nguồn ảnh: REUTERS/Soe Zeya Tun

Người Kayan là một nhóm người dân tộc thiểu số đã chạy trốn đến Thái Lan do bị ngược đãi và đàn áp dưới ảnh hưởng của một chế độ thanh lọc sắc tộc. Họ đã được Thái Lan công nhận là người tị nạn nhưng không cho phép nhập quốc tịch Thái và bị giới hạn rất nhiều quyền, trong đó có quyền giáo dục cho trẻ em người Kayan. Điều này đã dẫn đến nhiều vấn nạn như bị lợi dụng và trong một số trường hợp là bị buôn bán. Trong một bài báo được xuất bản bởi tờ New York Times, nhà báo Andrew Drummond đã tiết lộ rằng những người Kayan mà bị buộc phải sinh sống ở Thaton - một nơi gần biên giới Myanmar đã bị bắt cóc và bạo hành đến chết để ngăn họ rời đi.

Một người phụ nữ Kayan ngồi bên cạnh gian hàng đồ thủ công của mình Nguồn ảnh: Serena Campagnola

Hiện nay, người Kayan tại Thái Lan phải sống ở trong những làng được chỉ định và phải kiếm sống bằng cách bán đồ thủ công mỹ nghệ, thức ăn hay quà lưu niệm. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận đã chảy về túi của các công ty lữ hành, khiến họ chỉ kiếm được khoảng 90 USD (khoảng 2 triệu VND) mỗi tháng.

Theo: Tổng hợp
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.