• Về đầu trang
Raven Le
Raven Le

Loài người sẽ không thể đặt chân đến một Trái Đất thứ 2 - nhà khoa học đạt giải Nobel giải thích

Cuộc sống

Các bạn nghĩ rằng Trái Đất đang bị ô nhiễm trầm trọng và một ngày nào đó chúng ta sẽ đặt chân đến hành tinh khác để tiếp tục sinh sống? Tốt nhất là hãy quên ý tưởng đó đi vì nó hoàn toàn không khả thi. Đây chính là kết luận của nhà vật lý học Michel Mayor - người từng nhận giải Nobel vật lý vì đã phát hiện ra ngoại hành tinh (exoplanet) đầu tiên.

Hình minh họa, một explanet.

Ngoại hành tinh là một hành tinh nằm ngoài Hệ mặt trời của chúng ta, nó quay quanh một ngôi sao khác tạo thành kết cấu tương tự Hệ mặt trời, và khả dĩ có thể tồn tại sự sống trên đó. Từ lâu, các ngoại hành tinh được nghiên cứu và trở thành mục tiêu để các nhà khoa học Trái Đất hướng đến, hy vọng một ngày nào đó sẽ tìm được nơi thay thế Trái Đất.

Promima B, exoplanet nằm trong Hệ mặt trời của ngôi sao Proxima Centauri. Là một trong những exoplanet gần Trái Đất nhất với khoảng cách 4.2 năm ánh sáng.

Tuy nhiên, khi trò chuyện với hãng tin AFP, Michel Mayor khẳng định rằng:

Khi nói về những hành tinh khác, tốt nhất chúng ta nên nói cho rõ ràng, sẽ không có chuyện chúng ta di cư đến đó. Cần gạt bỏ hết những phát ngôn kiểu như: "Chúng ta sẽ đến một hành tinh nào khác có thể sống được nếu không thể ở được trên Trái Đất."

Michel Mayor bác bỏ ý tưởng du hành không gian đến các hành tinh khác, đơn giản là vì chúng ở quá xa. Ông nói tiếp:

Ngay cả trong trường hợp lạc quan nhất, khi một hành tinh có thể có sự sống ở khoảng cách không quá xa, tức rơi vào khoảng vài năm ánh sáng thì thời gian để chúng ta tới được đó cũng cần phải suy xét.

Cho đến thời điểm này, những nhà khoa học như Michel Mayor và các đồng nghiệp đã tìm ra được hơn 4000 hành tinh exoplanet, thế nhưng tất cả chúng đều nằm ngoài tầm với của con người.

Du hành không gian vẫn chỉ tồn tại trên phim ảnh.

Giáo sư vật lý thiên văn Stephen Kane ở đại học California, Hoa Kỳ đồng ý với Michel Mayor, ông giải thích:

Có một thực tế đáng buồn là, tại thời điểm này của lịch sử nhân loại, đi đến một hành tinh khác là điều không tưởng. Chúng ta đã rất chật vật để có thể đặt chân lên Mặt Trăng. Trong vòng 50 năm tới, chúng ta có thể đặt chân lên sao Hỏa. Và tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu con người có thể đến được quỹ đạo sao Mộc trong vòng vài thế kỷ nữa.

Trong khi đó, ngôi sao gần chúng ta nhất có khoảng cách gấp 70.000 lần khoảng cách từ Trái Đất tới sao Mộc, hoàn toàn ngoài tầm với. Để có thể đi được những quãng xa như vậy, cần có nền tảng vật lý, cần sự thay đổi trong nhận thức của con người về khối lượng, vận tốc và năng lượng.

Du hành vũ trụ vẫn là điều không tưởng đối với con người.
Mặt Trăng là nơi xa nhất mà con người đặt chân đến trong vòng 50 năm qua.

Với tốc độ phát triển công nghệ mà con người đang sở hữu hiện nay, chúng ta vẫn sẻ phải ở trên Trái Đất một thời gian rất dài nữa cho đến khi có đủ điều kiện để nghĩ đến chuyện du hành không gian. Bởi thế, chúng ta buộc phải đối xử với Trái Đất thật tốt.

Tàu Voyager 1 hiện đã đi ra ngoài Hệ mặt trời.

Nơi xa nhất ngoài quỹ đạo mà con người đã đặt chân đến vẫn chỉ là Mặt Trăng thông qua nhiệm vụ Apollo 17 vào năm 1972, suốt 47 năm qua chúng ta vẫn chưa đi xa hơn được bước nào. Trong khi đó, khoảng cách xa nhất mà một thiết bị do con người làm ra đã đi được là bên ngoài rìa Hệ mặt trời (được xác lập bởi tàu Voyager 1 vào năm 2012).

Michel Mayor (77 tuổi)

Michel Gustave Édouard Mayor là nhà khoa học vật lý thiên văn nổi tiếng người Thụy Sĩ. Ngoài giải Nobel Vật lý, Mayor còn nhận được nhiều giải thưởng khoa học về vật lý và thiên văn danh giá khác như Shaw Prize của Hong Kong, Wolf Prize của Israel, Prix Jules Janssen của Pháp, Huy chương vàng Lomonosov của Nga, Ambartsumian Prize của Áo. Ông được xem là một trong những nhà thiên văn học có thành tựu lớn lao nhất cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Theo: LIVESCIENCE
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.