• Về đầu trang
Xanh Tươi
Xanh Tươi

[Funny] Tiền tiêu của các hiệp khách từ đâu mà có?

Hài hước

Lương Triều Vỹ - kiếm khách ("Đông Tà Tây Độc")

Tục ngữ có câu: "Nghèo văn giàu võ", tức là người nghèo học văn, người giàu luyện võ. Người nghèo đêm đêm bắt đom đóm lấy ánh sáng làm đèn đọc sách. Người nghèo chỉ cần có thứ lấp bụng, không quan trọng no đói, xỏ giày rơm vào, ôm hùng tâm tráng chí là có thể đi đến huyện, thành, phủ thi cử công danh. Mà người tập võ phải cam đoan có đủ dinh dưỡng, nhất là phải hấp thu protein. Nguyên nhân rất đơn giản. Vì bắp thịt muốn rắn chắc cần có protein, mà thịt, trứng, sữa chính là nguồn protein tốt nhất cung cấp cho cơ thể, cho nên không ăn đủ no thì không có cách nào luyện võ được.

Quách Tĩnh - xuất thân bình dân nhưng có chỗ dựa toàn là tay to mặt lớn như Thành Cát Tư Hãn, Giang Nam Thất Quái, Hồng Thất Công... Dưới chân là con Hãn Huyết Bảo Mã giá trị liên thành.

Mặt khác, vũ khí so với văn phòng tứ bảo thì đắt hơn rất nhiều. Ví như muốn rèn một thanh vũ khí không phải là chuyện dễ, cần các loại vật liệu khác nhau, muốn có trọng lượng vừa ý cần trải qua quá trình ước lượng thêm bớt và phải do thợ rèn chuyên nghiệp làm ra. Không phải cứ khơi khơi nhảy vào là làm được. Càng không cần phải nói đến các loại vũ khí tinh xảo nhiều chi tiết. Ngay cả bái sư cũng nhiêu khê và mắc tiền hơn học văn. Vì sao? Vì học văn thì thường chia một lớp một thầy nhiều trò, học phí chia bình quân. Còn học võ, không phải muốn bái sư thì bái sư. Bên cạnh may mắn vừa gặp đã được thầy ưng ý, hay là kỳ tài có tư chất trăm năm hiếm gặp, thì cần cả một quá trình kiên trì thuyết phục thầy thu đệ tử, bỏ công bỏ sức bỏ tiền. Bởi vì một vị sư phụ chính tông, cả đời cũng không có bao nhiêu đệ tử chân truyền, nên muốn được thầy tiếp nhận, muốn học được hết tuyệt kỹ của thầy, chi phí trên đường bái sư sẽ cao hơn rất nhiều so với học tập văn hóa đơn thuần. Ở các đời triều Minh, dân chúng có thể học võ đa số đều là con nhà khá giả.

"Tửu tiên" Lý Bạch

Tân Đường Thư mô tả về Lý Bạch như sau: "Tung hoành khắp chốn, vung kiếm hành hiệp, trượng nghĩa khinh tài". Hay như Quách Mạt Nhược đã bàn trong cuốn Lý Bạch và Đỗ Phủ: "Lý Khách (cha Lý Bạch) nhất định là một vị phú thương, nếu không... ông cũng không thể dẫn theo nhiều người như vậy cùng rong ruổi tha phương trên đường dài. Sau khi ông đến Thục, ông nuôi dưỡng Lý Bạch thành một kẻ chơi bời lêu lổng, tiêu xài tùy hứng, thích vung tay ra ơn giúp người, cũng đủ để chứng minh ông là một thương nhân giàu có". Lý Bạch cùng trường kiếm rong ruổi giang hồ, đúng hình tượng một hiệp khách tiêu chuẩn "hôm nay có rượu hôm nay say". Thử hỏi không có tiền thì rượu đâu uống, từ ngày này qua ngày khác?

Chân Tử Đan - Tào công công ("Tân Long Môn Khách Sạn")

Ngoài việc bản thân mình sinh trưởng trong gia đình giàu có, muốn trở thành nhân sĩ võ lâm còn có hai con đường: một là gia nhập hắc đạo, hai là vào bạch đạo. Hắc đạo là đi trộm mộ, giết chóc, lừa gạt, đúc tiền lậu, cướp tiền cướp của, có bản lĩnh sẽ giàu, tiêu xài phung phí. Bạch đạo là làm việc cho quan phủ, như tòng quân, làm nha dịch, bổ khoái các loại. Có quan phủ nuôi, không lo ăn mặc, tự nhiên có thể chuyên tâm luyện công. Hơn nữa, ngoài bổ khoái, nha dịch, lính lác, còn có một chức danh có thể cho bạn không cần lo ngày ba bữa đi luyện võ. Đó là... thái giám! Biết Quỳ Hoa Bảo Điển không? Nguyên hình sáng tạo ra cuốn võ công này chính là Thanh triều thái giám Đổng Hải Xuyên đó. Quyền thế không gì để nói, tài lực cũng không gì để nói.

Kiều Phong - bang chủ Cái Bang ("Tân Thiên Long Bát Bộ")

Bên cạnh đó, còn có thể làm bảo tiêu, mở võ quán, hoặc tham gia các cuộc thi tài trong võ lâm để nhận tiền thưởng và vũ khí. Người có chí sẽ mở bang phái, người không chí sẽ gia nhập bang phái, làm mấy công việc lặt vặt kiếm tiền tiêu. Theo lịch sử ghi chép, các môn phái võ lâm đều có phạm vi thế lực của mình, có ruộng đất, có trang viên, tự canh tác tự thu hoạch, sinh hoạt không lo. Hơn nữa, ở cổ đại, động vật hoang dã nhiều, có võ công săn bắt dễ dàng. Nấu lên ăn cũng được, đem đi bán kiếm tiền cũng được.

Chung là có võ tung hoành thiên hạ, lo gì kế sinh nhai.

Theo: guancha
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.