• Về đầu trang
Hồng Hạc
Hồng Hạc

Top search Weibo: Cách nghệ sĩ Trung mua danh ảo và giới hạn quyền lực của truyền thông

Hài hước

Khoảng thời gian gần đây, giới giải trí Hoa ngữ nói riêng và cộng đồng mạng nói chung đã trải qua một phen hoang mang khi "top search Weibo" - công cụ thống kê những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội xứ Trung - phải tạm ngưng hoạt động. Trên thông báo của ban quản trị Weibo cho hay, trang mạng xã hội này đang tồn tại vài vấn đề trong quản lý nên sẽ điều chỉnh thay đổi một số hạng mục liên quan, và "top search" nằm trong số đó.

Thông báo của ban quản trị Weibo về việc tạm ngưng một số hạng mục của trang mạng xã hội này.

Sau khi trải qua 7 ngày cơ cấu lại hình thức, "top search" chính thức hồi phục vào 21 giờ ngày 3/2. Sự việc tưởng chừng chỉ thuộc nội dung quy hoạch của một mạng xã hội lại trở thành mối quan tâm của đông đảo người dùng. Hàng loạt tài khoản đã nhiệt tình áp dụng trào lưu đếm ngược để hoan nghênh "top search" trở về, điều này không khác việc người ta đếm ngược đón thời khắc giao thừa là bao. Lúc này, câu hỏi đặt ra, vì sao "top search" lại quan trọng đến thế, nó đang chi phối điều gì?

Cách nghệ sĩ xứ Trung mua danh ảo

Cũng giống như người dùng Facebook của Việt Nam, cộng đồng mạng xứ Trung đa phần sẽ đọc báo, xem tin tức thông qua các bài chia sẻ trên Weibo. Không chỉ vậy, họ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chức năng "top search" trên mạng xã hội này. Chỉ cần truy cập vào mục "top search", hàng loạt từ khóa hot nhất sẽ hiện ra. Nó không chỉ gói gọn những vấn đề được cộng đồng mạng quan tâm mà còn là tin tức đang được báo chí khai thác.

Chỉ cần truy cập vào mục "top search", hàng loạt từ khoá hot nhất sẽ hiện ra.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng nói hiện nay, "top search" không đến từ tự nhiên, tức không hiển thị theo con số tìm kiếm của cư dân mạng, mà hầu hết dựa vào việc đổi chác bằng tiền của nghệ sĩ. Nói theo kiểu "sang trọng" thì đây là một hình thức tiếp thị tên tuổi của nhiều ngôi sao.

Sở dĩ tồn tại hình thức như vậy là vì người dùng mạng Trung Quốc có thói quen xem bảng danh sách tìm kiếm mỗi lần lướt mạng xã hội.

Trang QQ dẫn lời một tài khoản như sau: “Tìm kiếm những từ khóa nóng vốn đã trở thành thói quen rồi, hễ đăng nhập Weibo, việc đầu tiên muốn làm là khám phá xem ''top search'' gồm những gì, hôm nay tôi đã điểm qua top 50 trong bảng tìm kiếm, mặc dù nhìn từ khóa đại khái có thể đoán được nội dung nhưng vẫn muốn nhấn chuột vào từng đường dẫn để xem. Mà thực ra, không chỉ có một người thích ''top search'' như tôi, chúng tôi có một nhóm người, cứ 9 giờ là lần lượt chụp lại màn hình."

Hôm 5/2, một số trang báo lớn Hoa ngữ đồng loạt công bố danh sách những nghệ sĩ bỏ tiền để mua "top search" trên mạng xã hội Weibo nhằm gây chú ý cho tên tuổi. Trong đó có những cái tên như ca sĩ gạo cội Trương Tín Triết, PGone, Cận Đông, Wang Jackson, Sehun...

Trương Tín Triết, PGone cùng một số tên tuổi khác bị vạch trần chuyện mua vị trí trong "top search Weibo".

Trang Sina sau đó thẳng thắn đưa ra hình thức phạt đối với những nhân vật nêu trên là "cấm vận" 2 tháng có mặt trong danh sách tìm kiếm. Điều này đã dấy lên không ít tranh cãi trong cộng đồng fans nhưng nó lại cho thấy khía cạnh mới của giới nghệ sĩ, đó chính là mua danh ảo.

Theo phân tích của trang QQ, các công ty quản lý xem đây là KPI cần hoàn thành đối với nghệ sĩ của họ, mục đích nhằm nâng cao hoặc duy trì độ nổi tiếng. Mà đối với các nghệ sĩ đang dính scandal lại phải nhanh chóng chiếm lấy cơ hội mua "top search", bởi, ngoài tin tức chính, thì những sự việc, chủ đề, hình ảnh liên quan trước đó cũng được "đào mộ" và phổ biến rộng rãi, từ đó không ai không biết đến họ.

Ác mộng của một bộ phận giới giải trí

Khi "top search" - thói quen truy cập hằng ngày của cư dân mạng đột nhiên "mai danh ẩn tích" - dễ nhận thấy sự phát điên của nhiều người như: “Chả quen tí nào”, “Có vẻ như đang mất đi linh hồn”, “Không biết nên xem gì đây”, "Ông khiến một người không thể tách rời ''top search'' như tôi phải làm sao". Nhưng cũng có một bộ phận nhiệt liệt ăn mừng: “Ngày nào cũng xem mấy cái hot search mà tụi ngôi sao bỏ tiền ra mua, phiền chết đi được, bây giờ thì bị tẩy sạch rồi”, "Tốt nhất nên bịt những thứ tiếp thị rác rưởi đó lại".

Vậy là, sự mất đi hay tồn tại của "top search" vô hình chung lại trở thành ác mộng cho 2 phe người dùng mạng: có thì phiền, không có lại khó chịu.

Ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng trước động thải quản lý mới từ Weibo.

Giới nghệ sĩ cũng vậy. Đối với những người muốn "tẩy trắng" hình ảnh sau scandal, việc cứ lọt vào "top search" sẽ trở thành nỗi ám ảnh với họ. Vậy nên, một khi công cụ này mất đi họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, thậm chí hy vọng không phải tỉnh dậy khỏi giấc mơ này. Còn với nghệ sĩ đã bất chấp coi "top search" là phương thức tiếp thị giải trí, là công cụ quan trọng của họ thì sự thay đổi chẳng khác nào cú đá vào chân.

Đứng ở lập trường nào, "top search" cũng ảnh hưởng ít nhiều tới độ phủ sóng của nghệ sĩ. Vì lẽ đó, nó không còn là công cụ thống kê thuần túy mà là ác mộng từ những người bị phụ thuộc vào. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, với bộ phận nghệ sĩ đứng ngoài cuộc, họ chẳng quan tâm top tìm kiếm “mất tích” thì Weibo sẽ tổn hại bao nhiêu tiền, nó có phục hồi lại hay không, có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng lẫn thành tích sự nghiệp của họ hay không.

Quyền lực truyền thông bị giới hạn

"Top search" hiện nay đã hoạt động bình thường, nhưng qua xử lý của ban quản trị Weibo, nó đã thay đổi ít nhiều: loại trừ triệt để tình trạng nghệ sĩ dùng tiền mua vị trí tìm kiếm nhằm tiếp thị tên tuổi, tăng cường thúc đẩy những tin tức tác động trong xã hội.

Trở lại ngày 3/2, khi "top search" chính thức hồi phục, người ta một lòng ngóng chờ ai sẽ là người vinh dự xuất hiện trong danh sách "vàng" những cái tên được mạng xã hội quan tâm nhất, phải chăng là "hoa đán” nào đó hay "thịt tươi” quen thuộc như mọi khi. Và điều bất ngờ là, không có một tên tuổi nào chiếm vị trí, từ khóa hot nhất cũng chỉ là đêm nghệ thuật giao thừa hơn 10 ngày nữa mới diễn ra.

"Top search" hồi phục với những từ khoá được thanh lọc như "Tấm gương về phi hành gia thời đại", "Đoàn phim Tây Du Ký hội ngộ",...

Theo thống kê trang QQ, "top search" trên Weibo giảm bớt những từ khoá tiếp thị của các ngôi sao, những tin tức thị phi cũng bị giới hạn, không có chuyện tình yêu showbiz bất ngờ bị tiết lộ cũng không có chuyện chia tay nhanh như sét đánh ngang tai.

Trong top 50 từ khoá được tìm kiếm từ khoảng thời gian 0 đến 2 giờ ngày 4/2, số lượng ngôi sao được tìm kiếm có sự thay đổi, vị trí xếp hạng tiến lui rõ rệt: Hoa Thần Vũ may mắn lọt top 10, Bạch Kính Đình xếp hạng 17, Lý Dịch Phong hạng 22, Dịch Dương Thiên Tỉ hạng 26, Vương Khải - Dương Dương cùng hạng 39.

Những từ khoá đứng đầu danh sách tìm kiếm trên Weibo ngày 4/2.

Hai nghệ sĩ thực lực Na Anh - Vương Phi hiện danh sách đầu bảng vì góp mặt trong đêm nghệ thuật giao thừa, câu chuyện mua vé tàu xe về quê ăn Tết được Weibo đẩy lên vị trí cao.

Còn trong ngày 28/1, Weibo tiến hành thống kê xử lý 29 từ khoá hot nhất trên mạng xã hội này, ngoài 14 từ khoá liên quan đến nghệ sĩ thì số còn lại liên quan đến phim ảnh, giải trí, phim truyền hình, quảng cáo,… Như vậy không chỉ riêng nghệ sĩ cần danh tiếng mà những sản phẩm truyền thông khác cũng cần hiệu ứng "top search".

Điều này cho thấy "top search" đã trở thành đường lối quan trọng trong việc tuyên truyền mọi thứ, nói cách khác nó chi phối truyền thông giải trí.  Rõ ràng, trong thời gian 7 ngày không có "top search", tin tức Chung Hân Đồng - thành viên nhóm nhạc Twins - được cầu hôn không mấy rình rang, còn chuyện cặp đôi Trương Kiệt - Tạ Na chào đón cặp sinh đôi đầu lòng cũng trở thành “bom xịt” khiến số đông người dùng mạng tiếp cận rất trễ với tin tức này. Đổi lại là trước kia, chắc chắn đôi tiên đồng ngọc nữ Kiệt - Na sẽ khuấy đảo cộng đồng mạng một cách náo nhiệt hơn.

Tin tức ca sĩ A Gil của nhóm nhac Twins được cầu hôn không xuất hiện trên danh sách tìm kiếm của Weibo vì mạng xã hội này đang thay đổi chính sách.

Vì phụ thuộc "top search" nên người dụng mạng tiếp cận tin tức Trương Kiệt - Tạ Na đón cặp song sinh đầu lòng khá trễ.

Nhân vật A, người có 5 năm “lăn lộn” trong ngành công nghiệp giải trí phát biểu rằng: “Top search không phải là nguồn tin tức chính nhưng nếu tin tức đó không nằm trong top search thì mức độ ảnh hưởng cũng như lượt xem sẽ rơi xuống rất thấp."

Câu nói này như một đòn giáng vào truyền thông Trung Quốc, bởi mạng xã hội Weibo đã giới hạn quyền lực của nó rất nhiều. Chỉ cần mạng xã hội thay đổi, những người trong giới sẽ phải đau đầu. Còn nếu mọi thứ vẫn vẹn nguyên thì một khi sự kiện đạt được phạm vi phổ biến, truyền thông sẽ có nhiều góc độ để khai thác vấn đề. Tiếc rằng, không có gì là vẹn nguyên mãi mãi.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.