• Về đầu trang
Vàng Anh
Vàng Anh

x 6 cảnh quay rùng rợn trong phim kinh dị lấy cảm hứng từ đời thật

Phim ảnh

Lý do khiến dòng phim kinh dị có lượng fan đông đảo trên toàn thế giới là bởi khán giả liên kết nỗi sợ trên màn ảnh với cuộc sống thường ngày của họ. Tác phẩm càng chân thật và gần gũi thì càng ghi điểm. Do đó, nhiều đạo diễn quyết định lấy ngay chất liệu đời thật để giúp phim trở nên rùng rợn hơn.

1. Những điềm báo về thảm họa trong Final Destination (2000)

Loạt phim Final Destination có điểm chung là chuỗi linh cảm mở đầu hoành tráng khi hàng chục, thậm chí là hàng trăm người thiệt mạng trong một tai nạn điên rồ. Những người may mắn thấy được ảo ảnh này quyết tâm "đánh lừa" số phận nhưng tiếc là chẳng được bao lâu.

Jeffrey Reddick đã viết kịch bản của bộ phim đầu tiên sau khi đọc câu chuyện về một người phụ nữ đang chuẩn bị về nhà sau kỳ nghỉ. Trong cuộc điện thoại với mẹ, cô đã được khuyên nên đáp chuyến bay khác về nhà vì bà có cảm giác tồi tệ về chuyến bay mà con gái đã đặt. Cô làm theo lời mẹ mình và sự thật là chuyến bay ban đầu đã gặp tai nạn. Đây cũng là phân cảnh ấn tượng trong phần phim ra mắt năm 2020.

Ngoài ra, thảm họa Cao tốc McKinley của The Final Destination (2009) được cho là lấy cảm hứng từ thảm họa Le Mans năm 1955 ngoài đời thực, khiến 84 người thiệt mạng và 180 người khác bị thương. Trong khi đó, vụ sập cầu North Bay ở đầu Final Destination 5 (2011), được cho là để tưởng nhớ đến với vụ sập cầu Tacoma Narrows năm 1940, may mắn là trong số các nạn nhân chỉ có một chú chó thiệt mạng.

2. Xác chết người phụ nữ và đứa con trong 28 Days Later (2002)

Bộ phim kinh điển của của Danny Boyle tràn ngập hình ảnh nghiệt ngã đầy ám ảnh. Tuy nhiên, tồi tệ hơn cả chính là việc Jim (Cillian Murphy) tình cờ gặp một người mẹ đã chết trong tư thế ôm xác đứa con của mình. Đó là khoảnh khắc in sâu trong tâm trí của bất kỳ ai đã xem 28 Days Later.

Giống với nhiều chi tiết rùng rợn khác trong phim, nó được lấy cảm hứng từ những bức ảnh về xung đột địa chính trị ngoài đời thực. Trong khi các cảnh khác được lấy từ các vụ diệt chủng ở Campuchia, Rwanda và Bosnia, thì cặp mẹ con được chuyển thể từ bức ảnh một phụ nữ Kurd bị ngạt khí đang bế đứa con đã chết của mình mà Boyle từng thấy.

3. Lần giết chóc đầu tiên của Freddy Krueger trong A Nightmare on Elm Street (1984)

A Nightmare on Elm Street là một trong những thương hiệu kinh dị sáng tạo bậc nhất làng điện ảnh. Kẻ phản diện Freddy Krueger (Robert Englund) chỉ tồn tại trong thế giới giấc mơ và tấn công nạn nhân trong giấc ngủ khiến họ không dám chợp mắt. Đạo diễn Wes Craven viết kịch bản phim sau khi đọc một loạt bài báo trên tờ L.A. Times vào những năm 1970 về những người tị nạn Hmong chết trong giấc ngủ sau một loạt cơn ác mộng tái diễn liên tục.

Một trong những mẩu chuyện kể về chàng trai trẻ liên tục cho rằng mình sẽ bị giết trong giấc ngủ. Anh không muốn ngủ bất chấp sự ép buộc của gia đình. Cuối cùng, anh chàng cũng phải chợp mắt sau nhiều ngày thức trắng. Chỉ ít phút sau, người nhà của anh bị đánh thức bởi những tiếng la hoảng loạn. Anh chàng xấu số được phát hiện đã chết không rõ nguyên nhân.

4. Sự thật về người mẹ trong Psycho (1960)

Bộ phim kinh dị nổi tiếng của Alfred Hitchcock đạt đến cao trào với chi tiết "người mẹ" giết người trên thực tế là con trai của bà, Norman Bates (Anthony Perkins). Hắn đã mặc quần áo giống mẹ mình suốt thời gian qua, trong khi bà Bates thực sự đã bị Norman giết và ướp xác từ lâu. Ngoài việc được chuyển thể từ tiểu thuyết của Robert Bloch, Psycho còn dựa trên cuộc đời của kẻ giết người và trộm mộ Ed Gein, đặc biệt là mối quan hệ khó khăn của gã với mẹ ruột.

Giống như Norman, mẹ của Gein là người độc đoán. Gã đã xây một ngôi mộ cho bà sau khi qua đời. Gein cũng thích mặc quần áo và thậm chí còn bày tỏ mong muốn được "trở thành" mẹ của mình. Tuy nhiên, Gein đã đưa nỗi ám ảnh này đi xa hơn một bước so với luật kiểm duyệt của điện ảnh những năm 1960, bằng cách cố gắng tạo ra một "bộ đồ phụ nữ" từ da của các nạn nhân. Gã mong muốn một ngày có thể mặc bộ đồ này vào và trở thành "mẹ" thật sự.

5. Cái chết của Adrian Mellon trong It Chapter Two (2019)

It Chapter Two mở đầu bằng cái chết gây tranh cãi và ám ảnh của một người đàn ông đồng tính trẻ tên Adrian Mellon (Xavier Dolan). Anh đã bị đánh đập dã man và ném khỏi cây cầu rồi bị Pennywise (Bill Skarsgård) ăn thịt. Cảnh này được lấy từ tiểu thuyết gốc của Stephen King, nhưng bản thân tác giả bị ảnh hưởng bởi vụ giết người năm 1984 của Charlie Howard, một cư dân 23 tuổi của Bangor, Maine.

Anh cũng bị những kẻ kì thị đồng tính tấn công và ném xuống sông dẫn đến chết đuối. Sự kỳ thị đồng tính tràn lan đến ghê rợn - đặc biệt là đối với một bộ phim có bối cảnh hiện đại - cũng kinh hoàng y hệt như vụ sát hại Mellon của Pennywise trong phim.

6. Cảnh thử máu trong The Thing (1982)

Tác phẩm của John Carpenter chứa đựng nhiều cảnh khó quên, nhưng có lẽ ấn tượng nhất là phân đoạn thử máu mang tính biểu tượng. Nhân vật MacReady (Kurt Russell) quyết định cho máu của tất cả các thành viên còn sống sót tiếp xúc với dây đồng nóng để xem có phản ứng nào không, nếu có chứng tỏ họ đang là vật chủ của The Thing. Đây là một phân cảnh gốc hấp dẫn, hồi hộp và khốc liệt.

Carpenter xác nhận là lấy cảm hứng từ đại dịch AIDS những năm 1980 trong phần bình luận DVD của bộ phim. Ông vốn là một nhà làm phim thích phê bình xã hội và đã sử dụng cảnh xét nghiệm máu để ám chỉ cuộc khủng hoảng AIDS của thời đại, khi mà con người đặc biệt sợ hãi về một căn bệnh không thể nhìn thấy bằng mắt thường và không thể phát hiện được. Hình ảnh con quái vật lây lan như dịch bệnh là phép ẩn dụ hoàn hảo.

Theo: Whatculture
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.