• Về đầu trang
Mai Mèo
Mai Mèo

Góc tối hậu trường các phim kinh điển (Kỳ 2): Bị buộc hút 80 điếu thuốc một ngày để trông như đứa trẻ 10 tuổi

Phim ảnh

Phim "Pink Flamingos" sử dụng gà còn sống trong cảnh quan hệ tình dục

Đạo diễn John Waters phải cố gắng lắm để được trao danh hiệu “Giáo hoàng của dòng phim rác”. Phim của ông đầy những chiêu trò, ví dụ như để Divine (drag queen nổi tiếng những năm 70) ăn phân chó thật ngay trước camera. Nhưng nếu nghĩ không gì có thể vượt qua nổi cảnh quay đó thì bạn đã nhầm rồi. Cảnh phim buồn nôn này diễn ra ở cuối phim Pink Flamingos. Khoảng một giờ trước đó (xét theo thời lượng phim), cặp nam nữ nọ quyết định thử độ bền của cái giường với sự giúp đỡ của…một con gà.

pink flamingos

Pink Flamingos (1972) với sự tham gia của drag queen Divine luôn nằm trong top những bộ phim kì dị và gây sốc nhất mọi thời đại. Nguồn ảnh: Mubi

Không có bất cứ loại kỹ xảo nào được sử dụng, và con gà tội nghiệp đã bị đè chết ngắc giữa hai thân hình phốp pháp kia.

Nhiều năm sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với trang web của Chuck Palahniuk, đạo diễn John Waters cho rằng con gà nọ đã không bị bạo hành, và nó được nấu thành bữa tối cho đoàn phim sau đó nên đâu có ai thiệt thòi gì. Những con gà nuôi nhốt trong các trang trại vỗ béo còn bị đối xử dã man hơn nữa kìa. Mặt khác, con gà của Pink Flamingos đâu có nghĩ nó lại chết trong một màn tình cảm riêng tư đâu nhỉ? Vậy ai đúng, ai sai đây?

Trường quay “The Wizard of Oz” là mảnh đất màu mỡ của việc theo dõi và ngược đãi

Nhiều câu chuyện xoay quanh The Wizard of Oz cho rằng những thước phim đầy màu sắc này chỉ để che đậy sự thật đen tối phía sau nó, ví dụ như “truyền thuyết đô thị” về một người lùn treo cổ được khán giả “soi” thấy ở một cảnh quay. Chúng ta có những mẩu truyện trôi nổi, và cũng có cả những lời kể từ người thật sự liên quan – họ tham gia vào bộ phim, hoặc quen biết những ai đã từng tham gia vào nó.

Trong quyển tự truyện xuất bản 15 năm sau khi qua đời của Sid Luft – người chồng thứ năm của nữ diễn viên Judy Garland, ông kể rằng những diễn viên đóng vai người lùn thường xuyên quấy rối Judy, lúc bấy giờ chỉ mới 16 tuổi. Họ cho tay vào váy của Judy và lạm dụng bà. Trong số các diễn viên vào vai người lùn, một vài người đã 40 tuổi, nhưng ngoại hình đặc biệt cho phép họ được đối xử và có những đặc quyền như trẻ con. Đáng buồn hơn, vài người trong số những diễn viên này được trả lương quá ít và họ buộc phải bán dâm để trang trải.

the wizard of oz

Judy Garland vai Dorothy, cùng các người lùn trong phim. Ở tuổi 16 với cơ thể đang phát triển, hãng phim buộc Judy phải ăn kiêng và nịt ngực để trông như một cô bé. Judy đã phải chống chọi với các vấn đề hình thể và cân nặng của mình suốt đời. Nguồn ảnh: coedmagazine

Nhưng không chỉ có các diễn viên quần chúng mới làm cuộc sống của Judy Garland như địa ngục. Ông lớn của hãng MGM – Louis B. Mayer, được cho là đã thuê người giám sát “nấp” ở khắp nơi trong trường quay chỉ để đảm bảo Judy Garland tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt mà hãng đặt ra, với súp, cà phê và đủ 80 điếu thuốc lá mỗi ngày. Tới bà phù thủy ác độc trong phim còn chẳng làm vậy.

Phim "Metropolis" hành hạ diễn viên quần chúng theo quy mô và số lượng lớn

Năm 1927, đạo diễn người Đức Fritz Lang ra mắt tuyệt tác của dòng phim khoa học viễn tưởng: Metropolis. Đây là một trong những bộ phim đắt đỏ nhất thời bấy giờ, với số lượng khổng lồ diễn viên quần chúng, phim trường hoành tráng đến chóng mặt, và nội dung quá sức đột phá khi đưa khán giả đến thế giới tương lai của năm 2000. Metropolis có thể xem là một tấn đau thương và khổ sở bậc nhất lịch sử phim ảnh, không chỉ trong kịch bản. Nó đã không thể thành công nếu đạo diễn Lang không hành hạ các diễn viên quần chúng trên phim trường khổng lồ của mình.

metropolis

Metropolis (1927) đưa khán giả đến một tương lai tưởng tượng của năm 2000. Nguồn ảnh: Deeper Into Movies

Nhà phê bình Roger Ebert chấm điểm cao chót vót cho Metropolis, nhưng vẫn không quên những câu chuyện gây sốc về đạo diễn Fritz Lang: các diễn viên quần chúng tham gia bộ phim này bị đối xử như đạo cụ. Trong cảnh quay lũ lụt ở cao trào phim, họ bị buộc đứng ngâm mình dưới nước lạnh suốt nhiều giờ liền. Những cảnh quay xô đẩy bạo lực khác trông rất chân thực vì diễn viên thật sự đã đến gần bờ vực của một cuộc nổi dậy.

Trong quyển Fritz Lang: The Nature of the Beast, tác giả Patrick McGilligan viết rằng dàn diễn viên quần chúng đã dự tính một cuộc nổi dậy quy mô lớn chống lại vị đạo diễn độc tài cuồng bạo Fritz Lang – đây là phản chiếu hoàn hảo của nội dung phim Metropolis.

Fritz Lang đối xử với các diễn viên chính còn tệ hơn. Khi nhân vật của nữ diễn viên Brigitte Helm bị thiêu sống, đạo diễn Lang trói tay cô lại bằng thắt lưng của ông và sử dụng lửa thật. Ngoài ra thì ông còn ngủ với vợ của một nam diễn viên rồi cast anh ta vào vai phản diện.

Cảnh phim gây sốc nhất “Last Tango in Paris” là thật 100%

Last Tango in Paris của đạo diễn Bernardo Bertolucci là một bộ phim nhiều người nghe qua nhưng ít ai từng xem. Đến năm 2016, người ta đã có lí do để không bao giờ xem nó, khi một bài báo cho biết cảnh gây sốc nhất phim được quay thật hoàn toàn.

Nếu bạn vẫn chưa hiểu nghĩa của cụm từ hoa mỹ “cảnh gây sốc nhất Last Tango in Paris” là gì, thì đó là cảnh quay mà nữ diễn viên 19 tuổi Maria Schneider bị Marlon Brando ghim một que bơ vào người mà không hề có sự chấp thuận của cô. Phân đoạn trên gây sốc tới mức ai cũng nghĩ nó là giả, cho đến khi những video phỏng vấn cũ của đạo diễn Bertolucci và một bài báo viết bởi Maria Schneider được khơi lại, mọi người mới biết tất cả đều là thật.

Trong bài báo năm 2007, Maria Schneider cho biết cô cảm thấy như bị cưỡng bức. Còn trong những đoạn phỏng vấn, đạo diễn Bertolucci kể rằng ông và Marlon Brando quyết định quay cảnh phim trên mà không nói trước với Schneider, để có được phản ứng “thật đàn bà, vì Chúa không cho phép một nữ diễn viên làm những việc phức tạp kiểu như, diễn sao cho ra dáng đàn bà”.

last tango in paris 741114023 large

Đạo diễn Bernardo Bertolucci và nam diễn viên Marlon Brando quyết định thực hiện cảnh quay gây sốc mà không hề báo trước với Maria Schneider. Nguồn ảnh: FilmAffinity

Tuy vậy, tờ The Guardian từng đăng tải một phỏng vấn với đạo diễn hình ảnh của phim, người đã cam đoan rằng những cáo buộc trên đều sai sự thật. Nhưng nỗi đau cả đời mà Maria Schneider phải chịu đựng chỉ từ cảnh quay đó có lẽ đã làm giảm trọng lượng lời cam đoan của vị đạo diễn hình ảnh này.

Phim “Safety Last!” thật sự là một cơn ác mộng về sức khỏe và an toàn

Nếu bạn không biết đến bộ phim câm ra mắt năm 1923 mang tên Safety Last! của nam diễn viên Harold Lloyd, thì ổn thôi. Nhưng bạn khó mà không nhận ra phân cảnh nổi tiếng khi nhân vật của Lloyd đu người trên tháp đồng hồ. Tuy không thật sự treo người trên tòa tháp cao chót vót nhưng Lloyd cũng phải lơ lửng cách mặt đất một độ cao kha khá. Ngoài ra thì lúc ấy anh không hoàn toàn sử dụng cả hai tay của mình.

safety last

Phân đoạn kinh điển của Safety Last! (1923) khi nhân vật của Harold Lloyd treo người trên một tháp đồng hồ cao chót vót. Nguồn ảnh: The Criterion Collection

Chuyện kể rằng vài năm trước đó, Harold Lloyd thực hiện vài kiểu ảnh yêu cầu anh châm điếu xì gà bằng một quả bom. Đương nhiên quả bom nọ là đạo cụ thôi – ai cũng nghĩ vậy, cho tới khi nó phát nổ, và Lloyd mất luôn ngón cái cùng ngón trỏ. Từ đó, mọi cảnh quay mạo hiểm được anh thực hiện với một bàn tay lành lặn và một bàn tay có sự hỗ trợ của các vật liệu giả.

Nhà phê bình Roger Ebert viết rằng, rõ ràng Lloyd đã gặp những nguy hiểm chết người trên phim trường nhiều tác phẩm kinh điển. Đu người lơ lửng trên tầng thượng một tòa nhà ba tầng, và chỉ có một tấm đệm chờ sẵn bên dưới để đề phòng trường hợp Lloyd rơi xuống (rơi từ độ cao đó thì bị thương nặng là một chuyện khá hiển nhiên). Trong bộ phim Feet First năm 1930, Harold Lloyd tiếp tục đu người qua lại trên một ngôi nhà cao chọc trời khác.

Theo: grunge

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.