• Về đầu trang
Thanh Yên
Thanh Yên

Lịch sử phát triển của 'tiểu tam' trong phim Hoa ngữ 20 năm qua và những cú twist không ai ngờ tới

Phim ảnh

Xem xong bộ phim 30 Chưa Phải Là Hết, hẳn không ít khán giả đều trong trạng thái bức xúc, phẫn nộ khi xem đến phân cảnh của nữ phụ Lâm Hữu Hữu. Cô nàng còn được các cư dân mạng xưng là tiểu tam đu bám vô dụng nhất trong lịch sử: vừa không có công việc vừa bám dính đàn ông, kém xa vạn dặm so với nữ chính Cố Giai đảm đang, tháo vát. Chi tiết bị chỉ trích nhất là ngay cả căn nhà trọ cô ta đang ở, cũng là do nam chính Hứa Huyễn Sơn bỏ tiền ra thuê cho.

Cũng là tiểu tam nhưng trong bộ phim Hoa Hồng Có Gai ra mắt năm 2011, Elly lại tài giỏi hơn hơn nhiều. Cô nàng này đi du học nước ngoài về, tự mình mở thẩm mỹ viện, một tay nuôi con khôn lớn, cho dù không có được trái tim của Hồng Thế Hiền thì cũng là một cô gái độc lập về mọi mặt.

So sánh đơn giản thế này đủ để thấy chỉ sau vài năm mà thời thế đã thay đổi đến chóng mặt, xưa kia đàn ông ngoại tình còn cần một tiểu tam tài năng để làm lý do, giờ thì ngoại tình chỉ là ngoại tình, đối tượng ngoại tình có ưu điểm hay chăng cũng không còn quan trọng.

Nhìn lại quá trình lột xác của các tiểu tam trong lịch sử màn ảnh Trung Quốc những năm gần đây, ta sẽ phát hiện, tiểu tam kiểu Trung Quốc đã trải qua rất nhiều biến chuyển: từ thiện tới ác, từ đa chiều tới đơn giản, từ muôn hồng nghìn tía tới nghìn bài một điệu. Các bộ phim Hoa ngữ cũng dần trở thành bách khoa toàn thư chỉ dẫn các cô gái tranh đoạt đàn ông.

Những năm 90, hình tượng bên thứ ba chính diện

Trong những năm 90 – thời kì hoàng kim của phim truyền hình, ngoại tình từng phủ lên mình lớp áo của chủ nghĩa lãng mạn, hình tượng bên thứ ba cũng rất đa dạng.

Trong bộ phim Lai Lai Vãng Vãng ra mắt năm 1998, Lâm Châu do Hứa Tình diễn là đại diện tiêu biểu nhất: vừa có phẩm vị, văn hoá, vừa biết hưởng thụ cuộc sống, mỗi một cái chau mày, mỗi một nụ cười mỉm,... đều tràn ngập sức hút của phụ nữ trưởng thành, vừa nóng bỏng vừa dịu dàng, yêu điên cuồng mà chung thủy, nhưng một khi biết tình yêu này vô vọng, cũng buông tay đầy dứt khoát.

Thời Vũ Bồng do Lý Tiểu Nhiễm đóng cũng là một người thứ ba theo phong cách chính diện như vậy, cô theo đuổi cái mới, thích chưng diện lố lăng là kiểu người đại diện cho “thế hệ mới” vào thời điểm bấy giờ.

Cũng vì vậy, nếu so với người vợ do Lữ Lệ Bình đóng – một người phụ nữ hay vênh mặt, thích hất hàm sai khiến, hở chút là châm chọc nói móc, dè bỉu, mỉa mai chồng mình, thì những người làm bên thứ ba kể trên trở nên vô cùng hợp lòng khán giả.

Thiết lập nhân vật người vợ tính tình khó chịu, bên thứ ba thân thiết dịu dàng, còn có một bộ phim khác nữa là Người Bắc Kinh Ở New York ra mắt năm 1993.

A Xuân - tiểu tam trong phim, có sự trưởng thành, nhã nhặn, chín chắn nhưng không thiếu nghĩa khí, đã thu hút Vương Cơ ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Và dù là bên thứ ba cô cũng khó có thể làm khán giả sinh lòng chán ghét.

Bên thứ ba không làm người ta sinh lòng khó chịu, còn có cô sinh viên Vương Thuần ngây thơ, hiền lành, quả cảm do Du Hồng Nhạn diễn trong bộ phim Dắt Tay (1999); Hay Lâu Gia Nghi nhiệt tình, sáng sủa của Từ Tĩnh Lôi trong Để Tình Yêu Làm Chủ (2001); Càng phải kể đến nữ chính An Tâm của Tôn Lệ trong phim Ngọc Quan Âm (2003) – một cô gái kiên cường, quả cảm, vì lỡ lầm mà đánh mất tuổi thanh xuân, nhưng cũng nhờ đó mà cô càng trưởng thành càng chín chắn hơn.

Trong những bộ phim kể trên, không có ai là kẻ xấu hoàn toàn, ngoại tình trong phim dường như chỉ là cách để các nhân vật thể hiện những ẩn tình, nỗi khổ trong tình cảm cũng như cuộc sống hôn nhân của mình.

Những nhân vật trong bộ phim đại diện cho sự thức tỉnh ý thức của các cô gái, trong xã hội bảo thủ, các cô dám yêu dám hận, có gan thoát khỏi xiềng xích định kiến, tranh giành tình yêu, cuộc sống thuộc về mình.

Ngoại tình có lẽ chỉ là khúc nhạc dạo để mọi người nhận rõ vấn đề trong hôn nhân: Sau khi những ngọt ngào và tình yêu đều bị thời gian mài mòn, chúng ta nên làm sao để vượt qua những tháng ngày bình yên tới nhàm chán của hôn nhân?

Ở những năm tháng mà hầu hết những cặp vợ chồng đều do ép duyên mà thành, có thể nói ngoại tình là một cách mang tới sự tự do và thoải mái hiếm hoi cho họ dù chẳng tốt đẹp gì.

2010, vách ngăn giữa hai thế hệ tiểu tam

Năm 2007, bộ phim Cảm Ơn Anh Từng Yêu Em do Triệu Vy, Chu Nhất Vy, Tần Hải Lộ, Đà Tông Hoa diễn chính được phát sóng. Bộ phim là mối tình tay bốn nghiệt ngã giữa cô chủ biên tạp chí thương nghiệp xuất sắc Vũ Vy với thiên tài ngành IT vừa trở về nước Hoắc Nhiên, bên cạnh đó là nhiếp ảnh gia Hầu Tử - một chàng trai vừa tốt nghiệp, vẫn còn cái nhiệt tình và trong sáng của tuổi trẻ, đem lòng yêu sâu sắc Vũ Vy và cô vợ Chi Hàm xinh đẹp, ổn trọng của Hoắc Nhiên.

Dù biết Hoắc Nhiên đã có vợ, dù biết mình nên giữ khoảng cách, nhưng Vũ Vy vẫn không thể ngăn cản mình đến với Hoắc Nhiên, cuối cùng còn mang thai con của anh. Ấy vậy mà trong suốt những ngày cô mang thai, người ở bên cạnh cô không phải Hoắc Nhiên mà lại là Hầu Tử.

Vũ Vy trong phim là một người phụ nữ thép, sự nghiêm túc cũng như hiếu thắng của cô là thứ đã thu hút cả hai người đàn ông kia. Vũ Vy vẫn kế thừa tinh hoa của người thứ ba ở giai đoạn trước: muốn nhan sắc có nhan sắc, muốn sức hút có sức hút, muốn tài năng có tài năng.

Theo lý bộ phim với sự góp mặt của Triệu Vy và biên kịch vàng Vương Huệ Linh sẽ được người xem đón nhận nống nhiệt, nhưng dù là thời điểm nó phát sóng hay mãi về sau này, bộ phim cũng không mang tới hiệu quả như mong đợi.

Tại sao bộ phim có mối quan hệ nhiều tay đầy phức tạp này lại không được hoan nghênh như dự tính? Ba năm sau, bộ phim Hoa Hồng Có Gai đã cho chúng ta câu trả lời.

Hoa Hồng Có Gai được ra mắt trên đài Hồ Nam vào năm 2010, bộ phim kể câu chuyện về cô vợ nhà giàu sau khi bị chồng ngoại tình đã lập kế hoạch báo thù và tìm được tình yêu đích thực. Bộ phim có tỷ lệ xem cao tới mức chỉ thua mỗi Hoàn Châu Cách Cách.

Kết quả này dường như chỉ rõ nguyên nhân bộ phim Cảm Ơn Anh Từng Yêu Em đã thua thảm hại: bên thứ ba trở thành nhân vật chính không được khán giả đón nhận, người vợ vùng dậy báo thù chồng ngoại tình mới là điều được công chúng đón nhận.

Có thể nói trước và sau năm 2010 là vách ngăn cách sự chuyển biến về thái độ với vấn đề ngoại tình của khán giả. Thái độ của họ từ khoan dung trở nên nghiêm khắc, dù là trong phim hay là thực tế.

Cũng vì thế các bộ phim cũ lần lượt bị kéo lên phê bình về quan niệm đạo đức.

Một coment phê bình bộ phim Ngọc Quan Âm: Đã ngoại tình còn được khen đơn thuần, chưa thấy bao giờ luôn

Những bộ phim của Quỳnh Dao là đại diện rõ nhất cho làn sóng này: Hà Thư hoàn toàn trở thành tra nam nổi danh, Tử Lăng cũng không chịu kém cạnh trở thành tra nữ đứng đầu bảng. Ngay cả chính bản thân Quỳnh Dao cũng bị ảnh hưởng, quá khứ của bà bị lôi ra cười nhạo phê phán.

Năm 2009, bộ phim Căn Nhà Nhỏ ra mắt, Hải Tảo có lẽ là người thứ ba có hình tượng trung tính cuối cùng trên màn ảnh. Chúng ta nhìn thấy trong nhân vật của cô những áp lực và cả sự bất lực khi phải đối diện với hiện thực, nhưng vẫn không thiếu cái ngây ngô, hồn nhiên với tình yêu của tuổi trẻ, để rồi cuối cùng nó chuyển thành sự thảm thương khi biết mình yêu phải một kẻ đã có gia đình.

Sau thành công của Hoa Hồng Có Gai, việc chỉ trích, "đánh đến cùng" tiểu tam trở thành chủ đề chính của các bộ phim truyền hình Trung Quốc. Hình tượng tiểu tam dần dần trở nên xấu xa hơn: tiêu biểu như Trương Cẩn – một tiểu tam dựa vào vẻ ngoài ngoan ngoãn để “lên chức” trong bộ phim Cuộc Chiến Hôn Nhân; tiểu tam kiêu ngạo Hoa Sa vừa nhìn đã muốn chạy lại tát cho một cái trong Thủ Hôn Như Ngọc

Một bên là tiểu tam làm đủ mọi cách để quấn lấy chồng người khác, bên kia lại là người vợ bao dung chồng, cuối cùng anh chồng về tay ai không cần đoán khán giả cũng biết. Dần dà đây trở thành tình tiết chủ , công chúng dần bỏ qua sự phức tạp trong hôn nhân, chỉ quan tâm tới việc phất cao ngọn cờ chính nghĩa của mình.

Tiểu tam dần trở nên xấu xa, hay khán giả dần trở nên nghiêm khắc?

Năm 2017, bộ phim Nửa Đời Trước Của Tôi cải biên từ bộ tiểu thuyết cùng tên phát sóng, không ít khán giả đã nói: “Mặc kệ tình tiết phát triển thế nào, yêu nhau ra sao, có lý do hay nguyên nhân gì, thì kẻ dóm ngó bạn trai của bạn thân mình đều là thứ cặn bã.”

Nhưng nếu đặt ở 10 năm trước, bộ tiểu thuyết này lại được xem là cuốn sách gối đầu của những người phụ nữ ly hôn. Có lẽ đưa quyển tiểu thuyết từ tận năm 1982 vào bối cảnh hiện thực đã là một sự tính toán sai lầm đáng tiếc. Để phù hợp với không khí hiện đại, phim còn thêm thắt vô vàn cảnh diễn tình cảm, biến một cô gái độc lập trở thành một người chỉ biết dựa vào đàn ông để sinh tồn.

Nếu như ở năm 1989, tỷ lệ ngoại tình của đất nước tỷ dân chỉ có 6.4%, thì đến năm 2018 tỷ lệ ngoại tình đã vượt ngưỡng 40%. Sự phán đoán và tiêu chuẩn đánh giá về ngoại tình của xã hội dường như đã bị ảnh hưởng cực kì nghiêm trọng, khi mà nhà gái luôn là đối tượng chịu mọi chỉ trích và áp lực đến từ dư luận.

Quay lại với bộ phim 30 Chưa Phải Là Hết, hình tượng tiểu tam không chỉ ngày càng tệ hại, thua cả một cô ả “trà xanh”, mà thậm chí làm người ta phải cạn lời.

Hình tượng này càng dễ khơi dậy sự bất bình trong lòng khán giả, mọi người ghét và hận Lâm Hữu Hữu à? Có lẽ có, nhưng thứ họ càng hận hơn là sự phản bội, là việc thành quả hôn nhân bị đánh cắp.

Sự xuất hiện của Lâm Hữu Hữu có lẽ là một lần hợp mưu giữa phim truyền hình và khán giả: Nhìn lại quá trình phát triển của tiểu tam trong lịch sử phim truyền hình, khi xã hội việc ngoại tình ngày càng phổ biến thì hình tượng tiểu tam trên phim lại ngày càng tệ hại.

Có lẽ Ba Mươi Chưa Phải Là Hết không có giá trị nữ quyền chân chính, nhưng đã phản ánh cực rõ thị hiếu của người xem: Một cô tiểu tam tệ hại trở thành bia ngắm, mang về vô số khán giả và đề tài thảo luận cho phim.

Hình tượng Lâm Hữu Hữu có lẽ không nên tồn tại, nhưng chính sự tồn tại và sức ảnh hưởng nhân vật này mang lại đã chứng minh, đến tận giờ chúng ta vẫn còn đang dùng sự thành công của hôn nhân để quảng cáo về giá trị của người phụ nữ.

Theo: Ifeng
  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.