• Về đầu trang
Hồng Hạc
Hồng Hạc

Mặt trái của phong trào #MeToo đang càn quét showbiz Hàn

Showbiz

Ngày 15/10/2017, những dòng chia sẻ kèm theo hashtag #MeToo lần lượt xuất hiện trên mạng xã hội phương Tây. Đây là bước khởi động đầu tiên của phong trào khuyến khích nạn nhân bị quấy rối tình dục cất lên tiếng nói. "Me too - tôi cũng vậy" trở thành từ khóa biểu tượng cho phong trào này.

Được khởi xướng bởi nữ diễn viên Hollywood Alyssa Milano, phong trào nhanh chóng lan rộng toàn thế giới. Các siêu sao Hollywood bày tỏ sự ủng hộ với chiến dịch này bằng cách diện lễ phục đen tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng tháng 1/2018.

Sau Hollywood, #MeToo chính thức đổ bộ vào làng giải trí Hàn Quốc. Chỉ trong 2 tháng, phong trào này đã lôi ra ánh sáng hàng loạt tên "yêu râu xanh" vốn vẫn tự tung tự tác bấy lâu, tiếp thêm dũng khí cho các nạn nhân bị quấy rối lên tiếng đòi lại lẽ phải. Tuy nhiên, chính lúc #MeToo phát triển mạnh mẽ, trở thành từ khóa quyền lực nhất ở xứ Hàn thì một số mặt trái cũng manh nha xuất hiện.

#MeToo: Khi lẽ phải lên tiếng, "rác rưởi" bị dọn sạch

Tài tử 52 tuổi Jo Min Ki, người từng góp mặt trong vô số bộ phim truyền hình đồng thời là phó giáo sư của một Đại học danh tiếng là kẻ đầu tiên bị vạch trần hành vi đồi bại. Nam diễn viên bị tố cáo quấy rối tình dục nhiều phụ nữ, trong đó có những người là sinh viên, đối tác công việc, bạn diễn của ông.

Jo Min Ki trở thành kẻ thủ ác đầu tiên bị vạch trần hành vi đồi bại.

Tính đến thời điểm hiện tại, Jo Min Ki đã bị hơn 20 nạn nhân lên tiếng "vạch trần" và bị cấm xuất cảnh khỏi Hàn Quốc. Đây là cái tên mở đầu cho bảng sớ dài những "yêu râu xanh" đội lốt biểu tượng "quốc dân" như: Đại thi sĩ Ko Un, giám đốc nhà hát Lee Yoon Taek, đạo diễn Oh Tae Suk, nhiếp ảnh gia Bae Bien U, diễn viên Choi Il Hwa, Cho Jae Hyun, Oh Dal Soo,....

Giám đốc Lee Yoon Taek bị cáo buộc quấy rối tình dục nhiều nữ nghệ sĩ trong nhà hát do ông đứng đầu.

Ít ai ngờ đằng sau những gương mặt ngày ngày sắm vai tốt đẹp trên truyền hình lại là hiện thân của loạt tội ác xấu xa, đằng sau những thành tựu nghệ thuật nhân văn lại là thế giới của những hành vi nhơ nhuốc.

Theo New York Times, Shin Hee Joo, giám đốc sản xuất phim điện ảnh kiêm nhà vận động chống bạo lực tình dục cho rằng, đích thực có một "nền văn hóa hãm hiếp"... tồn tại ở Hàn Quốc.

Nhìn nhận kĩ mới thấy, ngoài "văn hóa hãm hiếp" còn có "văn hóa im lặng" ăn sâu vào tiềm thức nữ giới. Kim Ji Hyun - nạn nhân của giám đốc nhà hát Lee Yoon Taek, kể rằng cô bị ép buộc phải phá thai và bị "bịt miệng" chỉ với số tiền 2000 USD. Còn nạn nhân của diễn viên Choi Il Hwa, chỉ đến khi biết mình bị ung thư sắp chết mới quyết định lấy hết dũng khí phơi bày sự thật từ 25 năm trước.

Sau 25 năm, nữ nạn nhân mới tố cáo Choi Il Hwa vì biết mình bị ung thư sắp chết.

Sở dĩ nhiều "yêu râu xanh" có thể sống bình an vô sự một phần cũng vì các nạn nhân lựa chọn chịu đựng nỗi đau nhiều năm thay vì lên tiếng tố cáo. Họ thừa nhận không dám vạch trần sự thật vì sợ bị đe dọa và trả thù cá nhân.

#MeToo xuất hiện như là công cụ cho thấy sự yếu thế của các nghệ sĩ nữ, soi rọi việc lạm quyền của những "cây cổ thụ" ngành nghệ thuật, mang đến niềm tin vào chiến thắng của lẽ phải.

Mặt trái của #MeToo: Trắng đen khó phân rõ

Tuy nhiên, khi #MeToo phát triển nhanh mạnh, tiếng nói của phụ nữ dần được lắng nghe, một số đối tượng liền lợi dụng phong trào này như phương thức khôn khéo để bôi nhọ thanh danh, tống tiền nghệ sĩ.

Hôm 6/3, một nạn nhân giấu tên đã tố cáo diễn viên hài họ Lee - người ra mắt trong một chương trình truyền hình cưỡng hiếp cô khi cô chưa đủ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, nạn nhân bị nghi ngờ là kẻ tống tiền nghệ sĩ. Cô này từng yêu cầu luật sư của mình gửi tin nhắn cho diễn viên Lee đòi phí im lặng. Mặt khác, Lee thẳng thắn tuyên bố với SBS FunE, nếu cưỡng bức, anh sẽ không tiếp tục liên lạc với cô. Anh cũng nói trong cuộc phỏng vấn với STARin: "Nếu đó là sự thật, tôi sẽ treo cổ và tự sát bây giờ".

Diễn viên hài họ Lee khẳng định sẽ treo cổ tự sát nếu có hành động cưỡng hiếp đối phương.

Diễn viên họ Lee khẳng định với truyền thông, anh ủng hộ phong trào #MeToo nhưng không nghĩ chuyện nam nữ gặp mặt, hẹn hò, tự nguyện trao nhau cảm xúc lại trở thành một vụ cưỡng hiếp. Trong cuộc phỏng vấn với SBS FunE, nam diễn viên chia sẻ anh cảm thấy kinh ngạc và bối rối khi bị buộc tội sau 12 năm.

Hiện tại, lời khai của cả nạn nhân và diễn viên họ Lee đều đang được cơ quan chức năng phân định. Tuy nhiên nếu Lee vô can, sự việc này phần nào cũng phản ánh mặt trái của #MeToo, khi vô tình làn sóng đòi lại công bằng cho nữ giới lại tạo cơ hội để kẻ hám lợi "đổi trắng thay đen".

Xâm hại và quấy rối tình dục vốn là những vụ án phức tạp, rất khó để xác minh sự thật, đặc biệt với những trường hợp diễn ra cách đây đã lâu.

#MeToo và loạt thư nặc danh khó xác minh tính chân thật

Không thể phủ nhận #MeToo đã đem đến tác động tích cực cho ngành công nghiệp giải trí xứ Hàn vốn đầy rẫy quy tắc ngầm. Tuy nhiên phong trào này cũng đã-đang-sắp trở thành con dao 2 lưỡi có thể hủy hoại sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ vô can. Nguồn cơn câu chuyện bắt đầu từ những lá thư nặc danh.

Thư nặc danh tố cáo tội danh quấy rối tình dục thường được đăng tải trên mạng, nội dung lấp lửng, bóng gió tên tuổi nghệ sĩ. Điều này vô hình chung tạo ra hàng ngàn suy luận trong việc khoanh vùng đối tượng. Nếu "điểm huyệt" chính xác, kẻ thủ ác sẽ phải chịu trách nhiệm. Bằng không, những ai vô can nhưng có vài đặc điểm nhân dạng hay quê quán trùng với thủ phạm sẽ bị công chúng hiểu lầm. Ngay cả khi tội trạng chưa được xác minh nhưng chỉ tin đồn thôi cũng đã đủ sức hủy hoại hình ảnh lẫn danh tiếng của họ.

Như trường hợp của đạo diễn Lee Hae Young, cư dân mạng trách nhầm anh là "yêu râu xanh" chỉ vì cách viết tắt tên LHY trong một lá thư nặc danh. Mọi đồn đoán chỉ chấm dứt khi Lee Hae Young lên tiếng công khai xu hướng tình dục. Vị đạo diễn phải viết tâm thư dài chia sẻ thông tin mình là gay và tuyên bố sẽ có hành động pháp lý với người cáo buộc anh.

Hàn Quốc nổi tiếng là một quốc gia bảo thủ và kì thị những người đồng tính. Vì vậy việc đạo diễn Lee Hae Young tự tuyên bố mình thuộc giới tính thứ ba cũng là một hành động "cùng bất đắc dĩ". Có lẽ đây là cách duy nhất để anh bảo vệ danh dự và sự nghiệp của mình trước tin đồn quấy rối tình dục.

Đạo diễn Lee Hae Young phải tiết lộ mình là gay để bác bỏ cáo buộc từ phong trào #MeToo.

Hôm 25/2, lá thư nặc danh viết tắt tên thủ phạm là KDW cũng khiến nam diễn viên Kwak Dong Won hứng chịu búa rìu dư luận. Công ty của anh phải phát hành thông cáo đình chính sự việc, bác bỏ các lập luận vô căn cứ liên quan đến Kwak Dong Won.

Thư nặc danh dùng từ viết tắt khiến danh tiếng nam diễn viên Kwak Dong Won ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với sức nóng từ phong trào #MeToo, loạt thư giấu tên trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, thật giả khó lường, trong khi ảnh hưởng tiêu cực của nó đến giới nghệ sĩ Hàn lại đang ngày càng lớn.

Ngày 6/3, Changmin - cựu thành viên nhóm nhạc 2AM lên phủ nhận hành vi quấy rối tình dục. Nguyên nhân xuất phát từ việc bài viết không rõ ràng của phóng viên Kang Kyung Yoon thuộc chuyên mục funE, đài SBS.

Phóng viên này thể theo yêu cầu của nạn nhân, chỉ nêu trong bài viết vài chi tiết mơ hồ về thời gian ra mắt lẫn hành vi quấy rối của một thành viên thuộc nhóm nhạc ballad. Vì số nhóm hát ballad ở xứ Hàn không quá nhiều, trong đó 2AM là nhóm nổi tiếng nhất, dẫn đến việc nam ca sĩ Changmin bị dính tin đồn thất thiệt.

Sự lấp lửng của truyền thông trong việc đưa tin về phong trào #MeToo dẫn đến hiểu lầm không đáng có cho Changmin.

Kang Kyung Yoon sau đó phải xin lỗi Changmin cùng người hâm mộ vì hiểu lầm mà mình gây ra. TheB Sky - công ty đại diện của Changmin bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi chân thành hy vọng, không còn ai khác trở thành nạn nhân do sai lầm của giới truyền thông. Chúng tôi sẽ có hành động pháp lý chống lại những tin tức thiếu cơ sở để bảo vệ nghệ sĩ".

Dễ nhận thấy, trong khi nạn nhân của quấy rối tình dục chưa được bảo vệ thì người ngoài lại trở thành nạn nhân của những hiểu lầm không đáng có. Phong trào #MeToo giúp nạn nhân đi tìm công lý nhưng truyền thông cũng cần "bộ lọc" thông tin để tránh những sai phạm nghiêm trọng.

Kết

Sự việc nào cũng có hai mặt. Phong trào #MeToo cũng không phải là ngoại lệ. Dù tồn tại một số mặt trái, đây vẫn là chiến dịch có tác động rất lớn đến ngành giải trí, giáo dục và rộng hơn là toàn xã hội.

Từ khóa #MeToo như một cái ôm khích lệ, tạo động lực để nạn nhân thay đổi nhận thức và chấm dứt thói quen im lặng. Đồng thời nó cũng là thanh gươm chiến đấu vì công bằng và lẽ phải, khiến những "cây cao bóng cả" phải khiếp sợ, dè chừng.

Những chiến dịch như #MeToo, Time's up chắc hẳn sẽ không tạo ra thế giới "sạch bóng" nạn xâm hại tình dục nhưng ít nhất nó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang âm thầm chịu đựng, những ai còn thờ ơ và những ai lộng quyền mà thản nhiên nghĩ tội ác của mình sẽ không bao giờ bị đưa ra ánh sáng.

  • Bình luận
  • Lưu tin xem sau
  • Bình luận
  • Copy link
  • Chia sẻ facebook

Bình luận (0)

Trở thành người đầu tiên bình luận trong bài viết này.